Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHình tượng rồng trong âm nhạc dân tộc

Hình tượng rồng trong âm nhạc dân tộc

Tác giả: Nguyễn Quang Long

Theo quan niệm truyền thống dân tộc ta, rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh gồm: long, ly, quy, phượng. Rồng cũng là biểu tượng cho sự cao sang, quyền lực tối cao. Đối với âm nhạc, rồng được khai thác nhiều nhưng hiện hữu theo cách riêng. Nhân ngày đầu xuân, cùng mạn bàn đôi chút về rồng trong âm nhạc dân tộc cổ truyền.

Từ nhạc lễ

Thường thì khi nhắc đến những gì liên quan đến rồng người ta sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng, liên tưởng tới những gì cao quý nhất. Trong âm nhạc truyền thống dân tộc cũng vậy, “rồng” hay “long” thường hiện hữu trong những loại hình âm nhạc mang tính nghi lễ. Chẳng hạn như hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế và nhạc lễ Nam bộ.

Trong Hát xoan ở Phú Thọ, có câu hát “Trống tôi vỗ bên vông thờ vua thờ chúa/ Trống tôi vỗ bên tầm thờ đức đại vương/ Trống tôi kêu ve vẻ như vẽ rồng vàng…”. Đây là câu hát trong bài “Giáo trống – Giáo pháo” (câu hát cụ thể được trích là của phường xoan An Thái), nằm trong chặng hát nghi lễ của Hát xoan. Hát xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục thờ thần, thành hoàng làng, hát ở cửa đình vào mùa xuân. Cũng vì thế, việc câu hát Giáo trống – Giáo pháo ở trên là để dân làng trịnh trọng mời vua, chúa, đức đại vương về làng dự hội. Tiếng trống hay, giòn, dõng dạc để cung thỉnh các ngài, đồng thời cũng là để nói lên tiếng trống hay, cho thấy tài năng của người đánh trống như “vẽ rồng vàng”.

Một tiết mục múa rồng.

Cũng trong bài “Giáo trống – Giáo pháo”, còn có câu nhắc đến “rồng” một lần nữa. Đó là: “Pháo mừng là vua quan/ Cho chí là long nhan/ Cho lên ngôi là long chấn/ Long chấn là long nhan/ Vạn bát là vạn san/ Cho chấn trầu là một giới”. Đại ý câu hát mừng vua quan, vững vàng, đồng tâm và thịnh vượng.

“Long hổ” là bản nhạc quen thuộc của Nhã nhạc cung đình Huế. “Long hổ” vừa là bản nhạc có tư cách độc lập, lại vừa là một phần nằm trong hệ thống “Mười bản ngự” hay còn tên gọi khác “Thập thủ liên hoàn”. Cũng vì thế, 10 bản hòa tấu này khi trình diễn vừa có thể tách riêng, vừa có thể thể hiện liên tiếp như một bản nhạc lớn. “Long hổ” là bản nhạc ở vị trí thứ 9 trong số 10 bản, thuộc hơi Bắc, có tốc độ hơi nhanh và gợi lên không khí tươi vui, nhộn nhịp. Xưa kia, “Long hổ” được dùng trong các dịp vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao. Cũng có khi bản nhạc này được dùng trong các dịp khác như tiếp sứ thần, lễ thường triều, yến tiệc trong cung đình…

Hệ thống bài bản của Đờn ca tài tử Nam bộ có 20 bài được gọi là bài tổ, chia thành 4 hệ thống chính mà các nhạc công, nghệ sĩ thường gọi là: 3 nam, 6 bắc, 7 lễ, 4 oán. Trong đó, 7 bài nhạc lễ, các cụ nghệ nhân đờn ca tài tử còn gọi là 7 bản cò. Những bản nhạc này có nguồn gốc từ âm nhạc Cung đình Huế. Theo đường Nam tiến vào đến Nam bộ, những bản nhạc về cơ bản vẫn giữ đúng theo nguồn gốc, nhưng đã có những thay đổi dựa vào đặc điểm địa lý, vùng đất, con người của vùng Nam bộ.

Trong 7 bài lễ có tới 2 bài liên quan đến “long”. Cụ thể 7 bài Lễ gồm: “Xàng xê”, “Ngũ đối thượng”, “Ngũ đối hạ”, “Long đăng”, “Long ngâm”, “Vạn giá”, “Tiểu khúc”. Như vậy, hai bài liên quan đến “rồng” ở đây là “Long đăng” và “Long ngâm”. Hai bài này đều mang tính chất như uy nghi, thanh thản. Giống như một cặp bài một âm và một dương, “Long đăng” là rồng lên, tượng trưng dương khí còn “Long ngâm” là rồng xuống, tượng trưng cho âm khí. Bên cạnh vai trò là một hệ thống bài nằm trong 20 bản tổ của Đờn ca tài tử Nam bộ, 7 bài lễ này còn là các bài chính thức được phổ biến trong nhạc lễ Nam bộ.

Vẫn bao gồm hệ thống 20 bản tổ, nhưng bài bản cải lương được mở rộng biên độ hơn rất nhiều và hệ thống bài bản cải lương được mô hình hóa dễ nhớ: Nhứt lý (nhất lý: các điệu lý), nhì ngâm (các điệu ngâm), tam nam, tứ oán, lục xuất, thất chinh (chính là 7 bài lễ), bát ngự, cửu nghĩ, thập thủ. Như vậy, bên cạnh “Long đăng”, “Long ngâm” nằm trong hệ thống Thất chinh ở nhạc cải lương, còn khai thác thêm “Long hổ” nằm trong hệ thống Thập thủ (có nguồn gốc từ thập thủ liên hoàn hay 10 bản ngự). “Long hổ” lại thường có “Long hổ hội” và “Long hổ”. Khi khai thác hệ thống bài này vào trong một vở cải lương, mỗi hệ thống sẽ thể hiện một tính chất khác nhau. “Long hổ” và “Long hổ hội” nằm trong hệ thống các bài thể hiện những lúc vui tươi rộn rã, khúc thức và gọn gàng.

Đến nhạc hội

Đi hội, xem hội, chơi hội là hoạt động được mong đợi nhất trong mỗi mùa lễ hội ngày xuân. Ở những lễ hội có truyền thống về ca hát, người đi chơi hội sẽ háo hức đón đợi phần hát hội, bởi ở đây, các nam thanh nữ tú sau một năm bận rộn việc đồng áng, cửa nhà mới có dịp được gặp nhau và thỏa mong ước giãi bày tâm tư tình cảm gửi gắm vào những câu hát.

Đam mê hát, say sưa hát, cháy bỏng theo cuộc hát nhất có lẽ là các chàng trai, cô gái của các hội Hát xoan. Như trong bài “Trống quân đón đào”, các đào, kép hát xoan “Hát đến năm sào trống quân” rồi “Hát đến cội đa trống quân”, vẫn chưa đã, các đào kép phải “Hát đến long đình trống quân” mới thỏa. Nhưng “hát đến long đình” rồi thì nguyên tắc, khuôn phép vẫn phải giữ lề, giữ lối nên mới có những câu hát tiếp theo: “Trên thờ tôi mà tứ vị/ Dưới mình ta với ta”. Cũng trong hát xoan, ở làng An Thái có câu hát “Giáo cá” khá quen thuộc: “Ba mươi cá đi ăn khao/ Mồng một cá ở sông Thao cá về/ Mồng hai cá đi ăn thề/ Mồng ba cá về cá vượt vũ môn” và “Làm giai lấy được vợ khôn/ Khác nào cá vượt vũ môn hóa rồng”.

Tôi vẫn nhớ một lần về đất Quan họ Kinh Bắc, anh hai Hữu Duy (Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) có cất lên câu hát trong bài “Nam nhi” khiến tôi thấy vô cùng ấn tượng: “Trai tài gái sắc vui chơi chốn này/ Rồng gặp mây, lan huệ sánh bày/ Để tôi thương nhớ biết ngày nào quên”. Đi kèm với những câu ca Quan họ là cả một văn hóa. Văn hóa quan họ tôn trọng sự khiêm nhường trong giao tiếp, trong lời ăn tiếng nói, nhưng trong câu hát, họ biết cách để tôn nhau lên, đó cũng là một sự trân trọng bạn hát của mình.Vì thế mà toàn những hình ảnh gợi lên sự cao quý như “rồng gặp mây”, “lan huệ sánh bầy” mới xuất hiện trong những lời ca Quan họ để các liền anh liền chị dành cho nhau.

Cũng gợi lên sự cao quý, thể hiện sự trân trọng của người trong cuộc với cuộc gặp gỡ, có câu hát thể hiện tâm trạng các chàng trai cô gái vùng đồng bằng Bắc bộ nô nức đến ngày hội để được gặp nhau, quý trọng nhau tới mức phải đi thuyền rồng để gặp bạn: “Ba quan một chiếc là chiếc thuyền rồng/ Có về là về với hội có công tôi công tôi đi tìm/ Cô cả cô hai vẫn còn không/ Anh cả anh hai vẫn còn không”…

Không chỉ có vậy, hình tượng rồng còn được vận dụng linh hoạt trong các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc, trong những bài dân ca cụ thể. Bên cạnh việc thể hiện sự tôn trọng của mọi người tới bề trên như người dân với vua thời xưa, thì rồng còn được dùng như một cái đích của sự thành công để tôn vinh người có chí, đồng thời, cũng là để nhắc nhở mỗi con người ở đời phải có chí tiến thủ. Trong bài xẩm cổ Quyết chí tu thân có những câu hát nhắc nhở: “Làm trai quyết chí tu thân” và “Làm giai năm liệu bảy lo mới hào” (ý là mới đáng mặt anh hào) và động viên: “Giời sinh giờ chẳng phụ nào/ Long vân gặp hội anh hào tới tay”… Tức là làm trai phải có quyết tâm phấn đấu, dù có khó khăn thì cũng phải tự tin sẽ có ngày rồng gặp mây, thành công sẽ đến với bản thân.

Lại có câu hát xẩm vui vui trong bài “Sướng khổ vì chồng” như lời của người vợ trách vui người chồng của mình, cũng là lời nhắc nhở người chồng phải quyết tâm phấn đấu, nếu không thì cô vợ sẽ ở vào tình cảnh “như rồng vàng tắm nước ao tù”. Trẻ con thì có những câu hát đồng dao rất quen thuộc có nhắc đến rồng: “Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc…”.

Không chỉ xuất hiện trong mỗi bài nhạc hòa tấu, trong mỗi bài có lời ca, hình tượng rồng còn được khai thác sử dụng trong nhiều nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc như trong Quan họ hay Ca Huế trong môi trường hát trên sông, đều tạo dáng những con thuyền làm phương tiện di chuyển có hình rồng và được gọi là những chiếc thuyền rồng.

Có thể nói, rồng xuất hiện trong âm nhạc truyền thống dân tộc khá đa dạng và bằng nhiều cách khác nhau. Rồng trong các tác phẩm nhạc đàn nhạc hát dân tộc cũng được khai thác để gắn với nhiều nội dung cần truyền tải. Tuy nhiên, dù ở góc độ nào thì cứ khai thác hình tượng rồng đều gợi lên sự cao sang, quý phái, tôn nghiêm và như một biểu tượng giá trị mà mọi người đều hướng tới.

(Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY