Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànGIAO HƯỞNG SỐ 3 'EROICA' của BEETHOVEN

GIAO HƯỞNG SỐ 3 ‘EROICA’ của BEETHOVEN

Tác giả: Mai Hạnh

Ảnh: trang đầu bản thảo Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng ‘Eroica’, với chỗ đề tên Bonaparte bị Beethoven gạch đến rách giấy.

“Hắn ta cũng chẳng hơn gì một gã tầm thường. Và từ giờ hắn sẽ chà đạp mọi quyền con người dưới chân và chỉ chăm chăm thoả mãn cho dục vọng cá nhân. Hắn nghĩ hắn vượt trội hơn tất cả mọi người và sẽ trở thành bạo chúa”.

Đó là những gì Beethoven đã nói về chính người mà ông định đề tên tặng bản giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng khi đã hoàn thiện tác phẩm – Napoléon Bonaparte. Trang tiêu đề của bản nhạc mang dòng chữ có nội dung “Sinfonia Grande Intitulata Bonaparte,” đã bị chính tay tác giả gạch bỏ hai từ cuối cùng một cách thô bạo đến rách cả giấy. Phản ứng dữ dội như vậy là bởi Beethoven vô cùng giận dữ khi nghe tin Napoléon tự xưng làm Hoàng đế năm 1804, như một hành động phản bội lý tưởng Cách mạng, phủ nhận những giá trị mà Beethoven và thế hệ cùng thời ông đề cao: bình đẳng, tình anh em và sự tự do – những giá trị cốt lõi hướng tới xây dựng một xã hội bình quyền, tốt đẹp.
Trước đó, bản thân Beethoven vốn đã mang trong mình lý tưởng Khai sáng – thứ lý tưởng thôi thúc con người hướng tới giá trị khách quan của lý trí, tiến bộ, và vừa hay, Napoléon đã đi vào lòng nhà soạn nhạc như một hiện thân của của Cách mạng Pháp, của những lý tưởng dân chủ và chống lại nền quân chủ chuyên chế, hứa hẹn mang lại một xã hội tự do, bình đẳng và bác ái. Đặt tên của Napoléon cho một bản giao hưởng mới mang tính cách mạng cả trong lịch sử âm nhạc cũng là một quyết định có ý nghĩa trân trọng, nhưng tiếc thay, và cũng may thay, rằng Beethoven đã kịp gạt bỏ ý định này khi biết nhân vật đó không xứng đáng với sáng tác của mình.
Năm 1801, Beethoven ghi trong nhật ký “Ta không hài lòng với các tác phẩm của mình cho đến thời điểm hiện tại. Từ hôm nay ta muốn đi một con đường mới”. Quyết định này đã được hiện thực hóa trong Bản giao hưởng thứ ba Mi giáng trưởng, và khi công diễn, nó đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Beethoven. Bản giao hưởng đã phá vỡ ranh giới về hình thức giao hưởng, độ dài, hòa âm, nội dung cảm xúc, được coi là một bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi giữa thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn, là một sáng tác quy mô lớn đánh dấu khởi đầu của thời kỳ giữa – thời kỳ anh hùng ca ghi dấu tên tuổi tác giả.
Với những khán giả đương thời, lần đầu tiên nghe tác phẩm đã là một trải nghiệm choáng ngợp, và với các nhà soạn nhạc lúc bấy giờ, những gì Beethoven xây dựng trong đó đã trở thành một tấm gương hình mẫu cho khả năng sáng tạo nghệ thuật, bởi cách mà ông thể hiện âm nhạc đã khác đi so với Haydn, Mozart đến mức bất ngờ. Người nghe nó không thể tìm thấy cho mình cảm giác hài hòa, thỏa mãn, mà bị thách thức để tiếp nhận những xung đột gay cấn, những cảm xúc được dồn nén đến căng thẳng. Mặc dù tác phẩm không được Beethoven để lại bất cứ mô tả nào bằng lời và không kể một câu chuyện hẳn hoi, nhưng khi bắt đầu hành trình âm nhạc, người nghe như lần được mạch dẫn của một người kể chuyện vô hình, từ khi người anh hùng được phác họa những nét mộc mạc nhất ở giai điệu mở đầu chương I, qua những thăng trầm tranh đấu qua từng chương, bước nặng nề theo từng nhịp hành khúc tang lễ của những người lính kiên cường, và rồi thấy ánh khải hoàn ló dạng ở những phút sau cùng chương cuối.
Đối với Beethoven, âm nhạc không chỉ là để làm dịu đi những đôi tai ưa ngọt hay vẽ ra những viễn cảnh khách quan như Mozart từng làm, mà âm nhạc là để diễn giải những ý đồ mang tầm vóc lớn, gắn liền với chiều sâu cảm xúc và câu chuyện của nhân loại trong cuộc đấu tranh giữa những mặt đối lập. Nhạc trưởng Leonard Bernstein từng chia sẻ rằng khi ông đứng trên bục chỉ huy chuẩn bị cho Giao hưởng số 3, ông cảm thấy như “đang đứng đối diện với một gã khổng lồ, như Zeus với sấm sét, như chiến thần Thor với cây búa của mình”, giã từng nhát kinh thiên động địa – thể hiện bằng những hợp âm rất mạnh liên tục, không để cho khán giả tìm thấy thế giới yên bình trước kia nữa.
Khi bản giao hưởng được xuất bản vào năm 1806, tựa đề mới được đặt là “Sinfonia Eroica composta per festiggiare il Souvenire di un grand’uomo” (Bản giao hưởng anh hùng ca được sáng tác để tưởng nhớ một vĩ nhân). Beethoven chưa bao giờ tiết lộ con người vĩ đại đó có thể là ai, có lẽ ông muốn ngụ ý rằng tác phẩm không phải là sự tôn vinh dành cho một cá nhân cụ thể, mà dành cho tất cả, là cái chung vĩ đại. Người ta vẫn gọi tác phẩm là Eroica – bản giao hưởng Anh hùng ca.

Tác phẩm đi theo lộ trình 4 chương như sau:
Chương 1 Allegro con brio được mở ra bằng hai hợp âm dội mạnh như hai phát đại bác khơi mào trận chiến, thể hiện ngay chủ đề chính, lược bỏ phần mở đầu thường lệ. Chủ đề anh hùng hiển hiện trong một tinh thần ngay ngắn, nghiêm cẩn và như thôi thúc người nghe đứng dậy hành động, chiến đấu cho lẽ phải. Dàn nhạc lao từ hợp âm nghịch tai này đến hợp âm nghịch tai khác, rất ít khi được giải quyết sang trạng thái ổn định và dẫn đến cao trào bùng nổ.
Chương 2 có tựa đề “Marcia funebre” tức “Hành khúc tang lễ” bắt đầu bằng tiếng violin, bè oboe nhắc lại chủ đề với âm sắc xa xăm, trong tổng thể chương mang hình thức 3 phần A-B-A. Ở đây là không gian dành cho nỗi đau buồn, thương tiếc cho vị anh hùng, nhưng không bi lụy, đó không phải tiếng rền rĩ bi ai, mà là khúc tráng ca về những anh hùng đã hy sinh trong nhịp hành khúc nghiêm cẩn.
Chương 3 scherzo mang sức sống trở lại trong một tinh thần sống động. Giữa chương là một đoạn kèn horn thể hiện giai điệu chính tươi vui, có chút gì đó dí dỏm đúng với tinh thần scherzo. Chương 3 là chuẩn mực cho các tác giả hậu thế ở cách triển khai âm lượng từ rất khẽ pianissimo cho tới mạnh mẽ fortissimo, đi từ không khí lặng lẽ bí ẩn cho tới trạng thái sôi nổi, thậm chí là có những lúc cuồng nhiệt lạ lùng. Chính quá trình này đã đẩy chúng ta tiến tới chương cuối sau đó, chuẩn bị cho một màn kết đầy tràn năng lượng.
Chương 4 Finale bùng nổ niềm vui của chiến thắng, như màn khải hoàn của những người đã gian khổ đấu tranh trở về: giai điệu được chia đều cho từng khối nhạc cụ chứ không chỉ dàn dây chủ đạo. Ta có thể thấy âm sắc của từng cây kèn gỗ lẻ loi dẫn dắt, và theo sau là cả dàn dây hưởng ứng, như diễn tả tiếng nói của một cá nhân anh hùng có thể dẫn dắt cả tập thể đi theo quá trình đấu tranh. Chương cuối thâu tóm hình tượng người anh hùng, gom nhặt tất cả những ý tưởng âm nhạc của các chương trước để định hình nên một khung cảnh hạnh phúc. Một cái kết hậu vẫn là những gì mà tất cả mong chờ, và Beethoven vẫn để dành nó cho phút cuối để thể hiện hy vọng về một xã hội đẹp đẽ, lý tưởng.

Khi viết Eroica, Beethoven đã trải qua những tháng ngày tồi tệ nhất trong đời bởi những nỗi buồn riêng: từ khủng hoảng tâm lý, cái tai ngày càng lãng dần, với những rắc rối trong gia đình… và những nỗi niềm chung của xã hội châu Âu chịu đựng từng trận chiến liên miên. Ngần nấy những hỗn loạn có lẽ phản ánh cả vào Eroica. Âm nhạc – nghệ thuật là thứ để cho Beethoven náu mình, là cái mỏ neo giữ ông lại: “Chỉ có nghệ thuật của tôi giữ tôi lại”.
Sau khi hoàn thành tám bản giao hưởng, ông được hỏi rằng bản giao hưởng nào ông yêu thích nhất, và Beethoven trả lời đơn giản và không do dự, “Eroica”.

Nghe tác phẩm:

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY