Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủTin tứcTin HộiFestival Âm nhạc ASEAN - Trung Quốc lần thứ 12

Festival Âm nhạc ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12

Tác giả: Thanh Nhã – Ảnh: Ban tổ chức Festival

Festival Âm nhạc ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 10 năm 2023 tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Tuần lễ Âm nhạc này được bảo trợ bởi Hiệp hội Âm nhạc đương đại Quốc tế (ISCM) và do Đại học Nghệ thuật Quảng Tây chủ trì.

Lễ khai mạc vào tối 18/10/2023, tại Khu tự trị dân tộc Choang, Nam Ninh, Quảng Tây. Các nghệ sĩ đến từ nhiều nước đã biểu diễn những tiết mục ca múa nhạc hoành tráng, biểu diễn nhiều tác phẩm âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc tượng trưng cho tình hữu nghị, hợp tác văn hóa trong khu vực.

Festival có hơn 500 nhạc sĩ, nghệ sĩ tham dự, với 14 đoàn nghệ thuật từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Đã có 14 buổi hòa nhạc hoành tráng kéo dài trong 6 ngày cùng các sự kiện như hội thảo, tham quan, triển lãm… Các dàn nhạc, nhóm biểu diễn của Trung Quốc và các nước như Dàn nhạc và Hợp xướng Đại học Nghệ thuật Quảng Tây, Dàn nhạc Giao hưởng Đại học Philippines, Dàn nhạc C-ASEAN, Dàn nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Tacet(i) của Thái Lan; các Dàn nhạc thính phòng đã biểu diễn các buổi hòa nhạc chất lượng cao mang đến cho khán giả một bữa tiệc nghe nhìn âm nhạc đương đại, đồng thời dàn hợp xướng biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng quy mô lớn với chủ đề “Chuyến hành trình dọc theo con đường tơ lụa”.

Festival Âm nhạc đã mang đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc đương đại độc đáo của 90 nhà soạn nhạc đến từ gần 20 quốc gia, trong đó có nhiều tác phẩm và nhạc cụ thể hiện nét đặc sắc của văn hóa ASEAN, bao gồm đầy đủ dàn nhạc từ Philippines và Việt Nam, các nhóm nhạc thính phòng từ Thái Lan, Nhật Bản, Liên bang Nga, Thượng Hải và Hồng Kông…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã tham dự Festival với tác phẩm “Sắc xuân” cho dàn nhạc giao hưởng, được Dàn nhạc quốc gia Đại học Nghệ thuật Quảng Tây và nghệ sĩ độc tấu đàn bầu Lê Thùy Linh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) biểu diễn tại buổi hòa nhạc Bế mạc vào tối 22 tháng 10, tác giả Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival vào tối 8 tháng 10, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã thay mặt nghệ sĩ các nước ASEAN có bài phát biểu, đã khẳng định “Sự kiện văn hóa đặc biệt này đã tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về đây học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy trao đổi và hợp tác văn hóa; biểu diễn các tác phẩm âm nhạc xuất sắc để xây dựng cầu nối giữa mọi người và giúp tăng cường giao lưu văn hóa”.

Đoàn nghệ sĩ gồm 60 thành viên Dàn nhạc Dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, do nghệ sĩ Dương Thanh Bình – Phó Giám Đốc Học viện làm Trưởng đoàn, cùng các nghệ sĩ là giảng viên của Học viện như: NSND Phạm Ngọc Khôi, NSND Doãn Tiến (chỉ huy dàn nhạc); TS. NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng (đàn T’rưng), NSƯT Bùi Lệ Chi, NSƯT Lệ Giang, Trà My, Hương Giang (đàn bầu), NSƯT Lê Minh, Hải Đăng, Quang Duy (đàn nhị), NSƯT Trà My, NSƯT Việt Hồng, Hồng Hạnh, NSƯT Hoàng Anh, Đức Thao (sáo trúc), NSUT Kim Hạnh, Diệu Thảo (tỳ bà)… Dàn nhạc đã biểu diễn một số buổi hòa nhạc chất lượng cao tại Festival Trung Quốc – ASEAN lần này, với chủ đề “Đất nước hùng thiêng” biểu diễn 9 tác phẩm độc tấu: “Nhớ về dòng sông” (Sáo trúc và dàn nhạc của NSƯT nhạc sĩ Đinh Hà Linh), “Trở về Tây Nguyên” (độc tấu đàn T’rưng của NSND, nhạc sĩ Đỗ Lộc), “Xuý Vân” (độc tấu đàn Bầu của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính), “Tình mẹ” (nhạc sĩ Trần Luận phát triển từ ca khúc “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý); và các tác phẩm hoà tấu cho nhạc cụ dân tộc: “Tổ khúc Tây Nguyên” (Trần Quý), “Trống hội ngày Xuân” (Nguyễn Chín), “Rạng đông” (Bùi Thiên Hoàng Quân), “Đất nước hùng thiêng” (Doãn Tiến)… góp phần quảng bá, lan toả giá trị âm nhạc dân tộc Việt Nam tới các đồng nghiệp và khán thính giả châu Á và quốc tế.

Một sự kiện đặc biệt nữa là “Diễn đàn Học thuật Âm nhạc Việt Nam” được tổ chức vào ngày 20/10, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có bài tham luận với chủ đề “Âm nhạc Dân tộc cổ truyền trong dòng chảy của nền âm nhạc mới Việt Nam”; ngoài ra còn có hội thảo âm nhạc và thuyết trình về piano…

* Nghệ sĩ Lê Thùy Linh sinh năm 1991, là giảng viên Đàn Bầu, Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Lê Thùy Linh là nghệ sĩ biểu diễn Đàn bầu, Đàn T’rưng, Tam thập lục, bộ gõ Việt. Tốt nghiệp chuyên ngành Đàn Bầu, khoa Nhạc cụ truyền thống – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2023;

Giải Nhì cuộc thi Hát và đàn dân ca tuổi teen Việt Nam năm 2007; Giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ Trường Văn hóa Nghệ thuật Toàn quốc năm 2013.

Là thành viên Dàn nhạc Truyền thống Việt Nam – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 2011; thành viên nhóm nhạc Việt Nam trong dự án ONE ASIA Joint Concert (dự án Nhật Bản) từ năm 2014; thành viên C Asean Orchestra (dự án Thái Lan) từ năm 2015; thành viên Dàn nhạc Truyền thống Châu Á (Dự án Hàn Quốc) từ 2017.

Đã thu âm, biểu diễn trong và ngoài nước: Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai, Lào, Canada, Campuchia, Bulgaria, New Caledonia, Đan Mạch, Panama, Thái Lan, Séc, Indonesia, Venezuela, Đức, Hy Lạp, Ba Lan… ở vị trí độc tấu đàn T’rưng, ​​Đàn Bầu, Tam Tháp Lục và bộ gõ Việt.

Đạt Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo hạng mục Sinh viên tốt nghiệp Đại học xuất sắc năm 2013; Nhận bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy năm 2016; Đạt chứng chỉ Rain Motion – kết nối Bầu trời Đông Nam Á tại Thái Lan năm 2023.

* Một số hình ảnh của Đoàn nghệ sĩ Việt Nam với các đồng nghiệp tại Festival:

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY