Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềDàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia...

Dàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Ở nơi sự tử tế vang lên

Tác giả: Hà Quang Minh

Trong không khí âm nhạc kinh điển sôi động suốt mấy năm gần đây, đặc biệt ở Hà Nội, sự xuất hiện đều đặn của Dàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAMYO) trên các sân khấu lớn có thể được xem là điểm sáng nhất, thắp lên hy vọng lớn nhất cho âm nhạc kinh viện Việt Nam trong tương lai.

Trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), có một gương mặt xinh xắn. Đó là Vũ Cẩm Tú, chơi contrabass. Tú là con nhà nòi. Mẹ của Tú trước đây cũng chơi trong dàn nhạc và bây giờ, cô trở thành đồng nghiệp của chính những cộng sự thân thiết của mẹ mình.

Một buổi hòa nhạc nhân lễ Noel của Dàn nhạc giao hưởng trẻ – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cái chất gia truyền trong âm nhạc như thế không phải của hiếm trong giới âm nhạc Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Nhưng câu chuyện của Tú để lại một ý nghĩa lớn. Đó là sự xuất hiện những nhân tố trẻ ở VNSO. Nhiều thành viên của VNSO hôm nay còn rất trẻ tuổi, đầy tài năng và giàu nhiệt huyết. Để họ có được “chỗ ngồi” trong dàn nhạc quốc gia, chắc chắn năng lực của họ phải được sát hạch rất kỹ lưỡng. Và phải trải qua một quá trình trui rèn, thực chiến họ mới có thể đạt được thành quả hôm nay.

Cơ hội để trui rèn thực chiến như nói trên đang được mở rộng hơn nữa bằng chính các hoạt động sôi nổi của VNAMYO. Dàn nhạc gồm các học sinh, sinh viên (đa số là học sinh hệ dưới đại học) của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã có một năm 2023 thực sự rực rỡ với nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn. Với quân số hơn 200 thành viên, có thể nói VNAMYO đang là dàn nhạc đông đảo nhất Việt Nam hôm nay.

Thực tế, dàn nhạc của các học sinh, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tồn tại từ thập niên 70 với các hoạt động hàng tuần. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, đó chỉ là các hoạt động khá khép kín và nhỏ lẻ, mang tính trao đổi chuyên môn nhiều hơn là trình diễn cho khán giả. Kể từ sau năm 1990, với vô vàn khó khăn, cùng với sự sụt giảm về nhân sự, hoạt động của dàn nhạc đã bị ảnh hưởng rất nhiều, có những lúc tưởng chừng như gián đoạn. Sau năm 2005, dàn nhạc mới bắt đầu có nhiều hoạt động hơn, nhưng vẫn chưa thoát ra được cái nhỏ lẻ như thời bao cấp cũng như tính khép kín của một dạng ngoại khóa trong trường.

May mắn thay, trong những năm gần đây, khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc hàn lâm bắt đầu phát triển hơn, cơ hội cũng bắt đầu mở ra và Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã có một quyết sách đúng đắn khi tìm mọi phương cách để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của VNAMYO. Quan điểm của Ban Giám đốc Học viện chính là phải nhắm đến tương lai của nền âm nhạc nước nhà và chỉ có cách đầu tư cho các em, các cháu thì tương lai ấy mới sáng sủa hơn, tích cực hơn.

Hiện nay, cứ mỗi chủ nhật hàng tuần, từ 13h30 cho tới 16h, VNAMYO đều có hoạt động tập luyện và biểu diễn các tác phẩm lớn cả trong nước lẫn quốc tế. Các buổi diễn này còn có sự tham gia góp mặt của nhiều ngôi sao ca nhạc vốn có xuất thân từ nhạc viện, mà điển hình là nữ ca sĩ Mỹ Linh. Chương trình biểu diễn có bán vé và đây cũng chính là một phần bổ sung nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cho dàn nhạc. Tính hấp dẫn của VNAMYO thậm chí đã “kéo” cả VTV lẫn Truyền hình Hà Nội tham gia ghi hình các buổi trình diễn của các em, các cháu. Điều đó vừa tạo ra sự động viên, khích lệ lớn cho các nghệ sĩ trẻ tuổi, vừa cho họ những kỳ “sát hạch” thực sự trước khi bước vào cuộc đời nghệ thuật chuyên nghiệp của mình.

Không chỉ có hoạt động biểu diễn tại trường, Ban Giám đốc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam còn huy động mọi nguồn lực hỗ trợ từ bạn bè, người thân để tạo ra những sân chơi âm nhạc đúng nghĩa cho các học trò cưng của mình. Ví dụ như chương trình trại hè âm nhạc 2022 ở Nha Trang chẳng hạn. Hãy hình dung, để tổ chức một đợt nghỉ dưỡng cho 200 con người sẽ tốn kém nhường nào. Đằng này, hoạt động trại hè không chỉ là nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn đi kèm các buổi trình diễn, các trao đổi chuyên môn cũng như giới thiệu vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển đến các khán giả đại chúng, nhằm mục đích khơi gợi tình yêu âm nhạc kinh viện trong cộng đồng.

Đóng góp to lớn nhất cho VNAMYO không chỉ đến từ những nhà hảo tâm mà còn tới từ chính các thầy cô của Nhạc viện. Chia sẻ của nghệ sĩ Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã nói lên tất cả. “Qua VNAMYO mới hiểu được, và càng trân trọng hơn tấm lòng các thầy các cô. Họ hy sinh tất cả các buổi cuối tuần lẽ ra được dành cho gia đình chỉ để huấn luyện, trau chuốt lại cho các em, các cháu. Mà thù lao thì vô cùng tượng trưng, chỉ ở mức vài chục ngàn đồng một buổi. Thù lao tượng trưng ấy vì một phần ngân sách eo hẹp, phần cũng phụ thuộc vào cả quy chế chung. Nhưng không thầy cô nào tỏ ra không hài lòng cả. Tất cả đều hồ hởi, dồn hết tâm huyết cho VNAMYO. Thực sự, nhìn thấy ở các thầy cô ấy là cả một tấm lòng chân thành, sự tử tế, tình yêu bất diệt cho âm nhạc cũng như niềm hy vọng mà họ gửi gắm cho những nghệ sĩ trẻ tuổi”.

Chỉ cần những lời ấy của Duy là đủ để chúng ta hiểu, giữa đời sống tốc độ, nhiều khi xô bồ và chuộng vật chất, ưa hình thức này, vẫn còn rất nhiều người biết trân quý nghệ thuật đích thực và sống hết mình với đam mê dành cho âm nhạc kinh viện.

Ca sĩ trẻ của Dàn nhạc giao hưởng trẻ biểu diễn.

Trong VNAMYO, “già” nhất là những sinh viên năm thứ 3, khoảng 20-21 tuổi và trẻ nhất có nhạc công mới 10 tuổi. Điển hình là Nguyễn Vũ Trường Giang, Nguyễn Minh An, hai nghệ sĩ nhí chơi violin đang học năm 2 trung cấp (10 tuổi). Hai cháu còn được gọi đùa là “ngồi ghế dàn nhạc từ khi chân còn chưa chạm được đất” và chính các nghệ sĩ nhí này là niềm tự hào của các thầy, các cô. Đơn giản, họ nhìn thấy tương lai của một nền âm nhạc kinh viện ở đó. Và không chỉ giới hạn trong các học sinh, sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, VNAMYO mở cửa với tất cả các nghệ sĩ trẻ, miễn là họ có tài.

Trên website chính thức của trường có đăng lời mời dự tuyển vào dàn nhạc với điều kiện rất cởi mở: “Trên 10 tuổi, học nhạc cụ Tây phương và chỉ cần gửi video clip trình diễn đến VNAMYO”. Các thầy, các cô sẽ đánh giá căn cứ trên chính chất liệu mà các thí sinh gửi tới. Họ làm điều đó vì một lẽ duy nhất: Không muốn bỏ sót những nhân tài.

Để có được thành quả như hôm nay, phải tưởng thưởng cho nỗ lực không ngừng nghỉ, bất vụ lợi của những giảng viên trẻ trung và năng động của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng như những tấm lòng thầm lặng ủng hộ từng điều kiện nhỏ nhất để duy trì sức sống cho dàn nhạc. Những gương mặt góp phần tạo dựng các hoạt động thường kỳ cho VNAMYO không chỉ gói gọn ở Hà Nội mà thực tế trải rộng cả nước.

VNAMYO được trực tiếp chỉ đạo và định hướng phát triển bởi Ban Giám đốc Học viện cùng các thành viên Ban cố vấn nghệ thuật, chuyên môn là các nghệ sĩ, giảng viên uy tín của Học viện và các nhà hoạt động âm nhạc trên cả nước như: PGS.TS. Nguyễn Huy Phương – Chủ tịch Hội đồng trường, NSƯT. Phạm Trường Sơn – Trưởng bộ môn Hoà tấu, NSƯT. Nguyễn Công Thắng – Phó trưởng Khoa Dây, PGS. NGƯT. Ngô Phương Đông – Trưởng khoa Kèn gõ, NSƯT. Trần Vương Thạch – Nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, Ths. Khúc Văn Khoa – Bí thư Đoàn Thanh niên, TS. Lê Ha My – Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh…

Theo kế hoạch, vào tháng 4/2024 tới, VNAMYO sẽ có một buổi trình diễn ở Nhà hát Hồ Gươm và một buổi diễn khác ở phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Lãnh đạo nhà trường cũng đang nỗ lực để tổ chức thêm nhiều buổi trình diễn khác nữa nhằm tạo động lực cho các em và trước mắt họ vẫn còn rất nhiều thách thức.

Nói chung, để một dàn nhạc có thể vận hành được, đằng sau đó là vô vàn những công việc không tên, cần những đóng góp chung tay của  nhiều người thầm lặng. Chỉ biết rằng, khi các em trong VNAMYO tấu lên một khúc nhạc nào đó, trong giai điệu, tiết tấu ấy không chỉ là vẻ đẹp của âm nhạc đơn thuần. Đó là sự tử tế của những người thầy, sự tử tế của những khán giả mộ điệu sẵn sàng mua vé xem các em trình diễn, sự tử tế của những nhà hảo tâm sẵn sàng đóng góp mà không cần đổi lại bất kỳ một điều kiện nào.

Và VNAMYO vẫn chờ đợi thêm nhiều những sự tử tế như thế, từ cộng đồng, để họ kéo dài hơn nữa những buổi diễn, nơi mà sự tử tế và âm nhạc đẹp đẽ cùng cộng hưởng vang lên.

(Nguồn: https://vnca.cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY