Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànConcerto violon của Jean Sibelius

Concerto violon của Jean Sibelius

Tác giả: Mai Hạnh

Jean Sibelius (Tranh: Akseli Gallen-Kallela)

Trên thế giới, ta không thể kể hết có bao nhiêu thanh niên ôm mộng thành nghệ sĩ dương cầm, vĩ cầm để thoả lòng yêu âm nhạc, cũng không đếm xuể có bao kẻ đã phải từ bỏ giấc mơ tuyệt đẹp đó để chuyển sang lĩnh vực khác không phải âm nhạc. Còn những người ở lại với âm nhạc, dẫu chí không thành, cũng có một vài tên tuổi hiếm hoi vụt sáng trên bầu trời nghệ thuật – Jean Sibelius (1865-1957) là một điển hình.

Từ khi còn nhỏ, cậu bé người Phần Lan Sibelius đã ghi trong nhật ký rằng: “tiếng violon cuốn lấy mình như một cơn bão, và trong mười năm tiếp theo, ước nguyện tha thiết nhất, tham vọng lớn nhất của mình là trở thành một nghệ sĩ violon điêu luyện”. Khi đang học sáng tác ở Vienna, Sibelius tham dự buổi thi tuyển vào dàn nhạc, ứng vào vị trí chơi violon. Màn trình diễn có lẽ đã không đủ thuyết phục giám khảo, và khi trở về, chàng trai trẻ ở tuổi đôi mươi sụp xuống mà khóc. Sau đó, anh ngồi vào cây đàn piano luyện gam và chọn đi theo con đường sáng tác đến trọn đời mình.

Nhưng tình yêu dành cho cây đàn vĩ cầm vẫn còn, Sibelius đã dồn tất cả tâm tư thời trai trẻ vào bản concerto duy nhất. Có thể, Sibelius không đủ tư chất để thành một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng tư duy âm nhạc, tài năng phối khí dàn nhạc và độ nhạy cảm tinh tế của ông vẫn thừa đủ cho vai trò sáng tác.

Năm 1902, trong một bức thư gửi vợ, Sibelius lần đầu nhắc đến bản concerto: “Anh vừa có một ý tưởng mở đầu tuyệt vời”. Quá trình sáng tác kéo dài khá lâu, vì Sibelius đã quá trăn trở, lạm dụng rượu để giữ tinh thần làm việc. Ông thậm chí đặt cây violon độc tấu với dàn nhạc ở hai vị thế có đối trọng ngang bằng, khiến cho tác phẩm gần với phạm vi một bản giao hưởng hơn là một tác phẩm tôn vinh nghệ sĩ chính.

Năm 1904, Sibelius cho công diễn bản Concerto violon. Một năm sau ông chỉnh sửa lại để tác phẩm có dáng dấp như ngày nay ta nghe, với phần dàn nhạc lui lại một chút ít để không quá lấn át cây đàn nhỏ bé; đôi khi nghệ sĩ độc tấu yên lặng để dàn nhạc có cơ hội thể hiện vẻ đẹp rực rỡ của hoà âm, sự phong phú về mặt âm sắc.

Kết cấu tác phẩm gồm ba chương:

Chương 1 được đề Allegro moderato – nhanh vừa phải, nhưng thực tế có nhiều phân đoạn có các tốc độ khác nhau; đoạn cadenza của violon đảm nhận vai trò phát triển trong cấu trúc sonata của cả chương.

Chương 2 Adagio di molto – rất chậm, mang không khí tĩnh lặng, chân phương – đòi hỏi nghệ sĩ chơi tiết chế và mộc mạc. Đôi kèn clarinet và oboe cũng góp phần dẫn dắt chương nhạc theo một cách duyên dáng.

Chương 3 Allegro, ma non tanto – nhanh nhưng không quá mức: mở đầu bằng bộ gõ và nền dàn dây kịch tính, violon độc tấu giới thiệu ngay chủ đề 1 mang âm hưởng digan, và chủ đề 2 xuất hiện là khi dàn nhạc tấu lên điệu waltz nhịp nhàng.

Xuyên suốt bản concerto, dàn nhạc và cây violon độc tấu liên tục thay phiên nhau phát triển các motif. Kết thúc bản nhạc cũng là khi cảm xúc dâng trào, tiếng đàn đẩy lên cao vút như ước nguyện của nhạc sĩ được thực hiện trong mơ.

Nghe tác phẩm tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=YsbrRAgv1b4

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY