Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànCONCERTO SỐ 1 của CHOPIN

CONCERTO SỐ 1 của CHOPIN

Tác giả: Mai Hạnh

Chân dung Chopin. Tranh của Eugène Delacroix.

“Tôi hoàn toàn không phù hợp với các buổi hòa nhạc, đám đông khiến tôi sợ hãi, hơi thở của họ khiến hơi thở của tôi ngạt lại, tôi cảm thấy tê liệt trước những bộ dạng tò mò, và những khuôn mặt xa lạ ấy khiến tôi chết lặng” – Chopin trước khi qua đời đã nói như thế với người bạn Liszt Ferencz của mình.

Chúng ta đều biết con người của Chopin là con người của sự kín đáo, tính cách hướng nội: âm nhạc của ông luôn xúc động theo một cách riêng, đó là những cảm xúc chân thật biểu hiện ra âm nhạc một cách rất tự nhiên, dường như ông không khoa trương hay gắng tìm sự công nhận từ bên ngoài. Tất cả điều này nằm ở chính bút tích của ông diễn đạt bằng lời, và cả bằng những ô nhạc ông viết. Có lẽ vì tính cách hướng nội này, cùng với ảnh hưởng thời đại lịch sử đầy biến động của châu Âu thế kỷ 19 mà cả đời ông chỉ chuyên tâm thể hiện hết nghệ thuật của mình cho piano độc tấu. Nhưng trước khi phải xa rời Tổ quốc, Chopin từng được mệnh danh là “Mozart thứ hai” từ trước khi lên 10, và đến tuổi thiếu niên chàng trai trẻ Fryderyk từng là một sinh viên sáng giá của Nhạc viện Warsaw, đã có những tìm tòi khám phá khả năng biểu đạt rộng lớn của âm nhạc qua nhiều âm sắc nhạc cụ khác không chỉ piano, thể hiện qua hai bản Concerto cho Piano và dàn nhạc số 1 và số 2.

Khi Concerto số 1 lần đầu được công diễn vào tháng 10 năm 1830, chính Chopin đã xuất hiện ở vị trí nghệ sĩ piano độc tấu, bay bổng với tất cả đam mê nồng nhiệt của mình, khiến hội trường đầy chật 700 khán giả vỗ tay như sấm. Vài tuần sau, ông đưa đứa con tinh thần của mình sang Paris và khiến cả châu Âu ngây ngất. Nhưng lúc này ở quê nhà, Ba Lan đã biến thành chảo lửa chiến tranh, và chính Chopin cũng không ngờ buổi hòa nhạc công diễn tác phẩm cũng là buổi diễn cuối cùng trên mảnh đất ông thương nhớ suốt cuộc đời. Sau hai bản concerto, ông chỉ cho ra đời một tác phẩm nữa dùng tới cả dàn nhạc, và ông đã thu sự nghiệp của mình lại, gần như chỉ còn độc nhất tiếng piano để làm bạn. Nếu như không có chiến tranh, không phải ly biệt quê hương, biết đâu Chopin đã có thể ổn định và phát triển sự nghiệp sáng tác theo một hướng khác, vươn tới sự đa dạng muôn màu của bao cây đàn khác? Câu hỏi này dẫn dắt hậu thế đến một cảm thức tiếc nuối, và càng trân quý những tuyệt tác piano và dàn nhạc hiếm hoi còn lại của thi sĩ dương cầm.

Cả hai bản concerto cho piano của Chopin đều là những viên ngọc quý của âm nhạc thế giới, là khoảng lớn nơi những chủ đề âm nhạc ở mỗi bên – giữa piano và dàn nhạc – đối thoại, tương tác trong thứ ngôn ngữ Lãng Mạn đẹp tinh khiết. Trong hai bản, bản Fa thứ là Concerto đầu tay của Chopin, nhưng bản Mi thứ được đem xuất bản trước, vì thế được đánh số 1, và thế giới vẫn giữ số thứ tự ấy đến bây giờ.

Ở ngay khoảnh khắc đầu tiên khi toàn dàn nhạc (tutti) mở ra chủ đề mở đầu chương 1, bản số 1 Mi thứ đã gây cho người nghe một cảm giác vừa nghiêm trang, vừa có gì như thôi thúc tinh thần từ bên trong mỗi người cùng với niềm tự hào mãnh liệt, như bóng dáng Beethoven ở đâu đây. Cảm giác này được Chopin chỉ định rõ từ tiêu đề chương để hướng dẫn dàn nhạc: Allegro maestoso, nghĩa là nhịp độ nhanh và tính chất trịnh trọng. Maestoso là tính chất thường xuyên được xuất hiện trong các polonaise, điệu nhảy điển hình của Ba Lan. Chủ đề chính biểu cảm (espressivo) do cả dàn dây cùng hòa nhịp, sau đó đến lượt piano tiếp đáp, nhắc lại chính chủ đề đó và nhanh chóng đưa người nghe vào một bầu không khí xúc cảm điển hình Lãng mạn bằng giai điệu trên âm vực cao đầy chất thơ, như tiếng hát của ai đó cất lên ngọt ngào. Chủ đề 2 diễn cảm theo ngay sau đó, trong khi khối dây nhắc lại mô típ chính của chủ đề 1 ở bè trầm, song song với bè piano. Chủ đề 3 sẽ khiến khán giả nhận ra ở sự tương phản tâm trạng, do màu hòa âm được đổi sang giọng trưởng, giai điệu thong thả và tươi mới. Chương đầu tiên của bản concerto tràn ngập tinh thần trẻ trung, hiển hiện rõ chất thanh niên bay bổng, giàu nhiệt tình của tác giả.

Khép lại chương 1 sôi nổi, người nghe được đưa vào một thế giới âm nhạc nhẹ nhàng, thân mật của chương giữa chậm rãi. Vẻ ngọt ngào của chương 2 đã thuyết phục nhiều nhà làm phim đưa vào các tác phẩm điện ảnh lẫn truyền hình mang nội dung về tình yêu lãng mạn. Âm điệu piano chuyển động ngẫu hứng, tự do dẫn dắt ta vào một cõi mộng, không phân biệt được giữa hư và thực: hai chủ đề (được nối với chủ đề thứ ba) đan xen và bổ sung cho nhau; khối dây chơi khẽ (con sordino – hãm âm lượng) cùng tiếng kèn bassoon xa xôi phảng phất. Chương 2 Romanze – Larghetto được chính Chopin diễn tả là một khúc nhạc “không nhằm tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ, nó đúng ra là một khúc Romance êm đềm và ưu tư, tạo ấn tượng về ai đó đang lắng trông về một chốn nào đó trong tâm trí, gợi nhớ ngàn kỷ niệm hạnh phúc. Đó là một thứ mộng mơ dưới ánh trăng vào một đêm xuân đẹp trời”. Phải chăng, người trong mộng Konstancja – là bóng hồng quẩn quanh tâm trí nhà soạn nhạc khi viết chương nhạc này?

Tiếp nối truyền thống viết các liên khúc sonata nhiều chương từ thời Cổ điển, Chopin thực thi chương thứ ba Rondo – Vivace với tính chất vũ khúc, giải phóng năng lượng kìm nén từ chương chậm. Nhưng cách làm của ông ở đây là một trong những nguyên do người ta gọi ông là niềm tự hào của đất Ba Lan: ông đưa tiết điệu nhảy Krakowiak dân gian Ba Lan vào thể loại concerto nhạc cụ độc tấu. Khoảng thời gian làm việc với chương thứ ba cũng là những tháng ngày nhạc sĩ trẻ ngập ngừng, băn khoăn với quyết định có nên ra nước ngoài thử sức hay không. Suốt mùa hè năm ấy ông trăn trở: “Tôi vẫn ngồi đây, không đủ sức để quyết định ngày nào… Tôi nghĩ rằng mình sẽ ra đi cho đến chết”. Chất nhạc Ba Lan đã tưới đầy tâm hồn Chopin từ khi sinh ra, và giờ đây những bước nhảy đảo phách Krakowiak thấm đẫm trong chương cuối bản nhạc chia tay đất nước của ông: đó là một khúc rượt đuổi trên cây đàn piano, là những tiếng gẩy của đàn dây, là tinh thần con người Ba Lan đầy sức sống, sống động và có phần dí dỏm.

Thật khó mà hình dung rằng Concerto số 1 Mi thứ, một trong những tuyệt tác viết cho piano và dàn nhạc của Chopin lại được tác giả viết khi còn ngấp nghé tuổi 20, bởi khi lắng nghe nó, chúng ta đều thấy tràn ngập từng nốt, từng dấu lặng đều mang dấu ấn của một tác gia đã đạt đến độ chín hoàn toàn về cảm xúc và âm nhạc.

Nghe tác phẩm qua tiếng đàn Martha Argerich (1970):

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY