Tác giả: Frédéric Chopin.
Tác phẩm: Các bài hát tiếng Ba Lan, Op. 74
Thời gian sáng tác: 19 bài hát được sáng tác rải rác trong suốt cuộc đời Chopin, từ năm 1827 đến 1847.
Độ dài: Mỗi bài hát dài từ 2-5 phút. Tổng thời lượng 19 bài khoảng 45 phút.
Tổng cộng có 19 bài hát với phần đệm piano:
1. Ước mong (Życzenie, 1829).
2. Mùa xuân (Wiosna, 1838).
3. Smutna rzeka (Sông buồn, 1831).
4. Bài ca chúc rượu (Hulanka, 1830).
5. Điều cô ấy thích (Gdzie lubi, 1829).
6. Khuất khỏi tầm mắt tôi! (Precz z moich oczu!, 1827).
7. Người đưa thư (Poseł, 1831).
8. Anh chàng đẹp trai (Śliczny chłopiec, 1841).
9. Giai điệu (Melodya, 1847).
10. Chiến binh (Wojak, 1831).
11. Kết thúc kép (Dwojaki koneic, 1845).
12. Người yêu của tôi (Moja pieszczotka, 1837).
13. Chẳng có gì tôi cần (Nie ma czego trzeba, 1845).
14. Chiếc nhẫn (Pierścień, 1836).
15. Chú rể (Narzeczony, 1831).
16. Bài ca Lithuania (Piosnka litewska, 1831).
17. Thánh ca từ lăng mộ (Śpiew grobowy, 1836).
18. Bùa mê (Czary, 1830).
19. Bi thương (Dumka, 1840).

Cái tên Chopin luôn đồng nghĩa với piano. Đã có quá nhiều lời ngợi ca dành cho những tác phẩm piano của ông, như “âm nhạc của ông là hình ảnh thu nhỏ của chính linh hồn cây đàn piano”, “cây đàn piano mang đến sự sống”, “những phím đàn có cánh” và rất nhiều những lời ngợi khen khác nữa. Tên tuổi của Chopin luôn gắn liền với những tác phẩm dành cho piano độc tấu như sonata, ballade, mazurka, nocturne, waltz và nhiều thể loại khác. Bên cạnh đại lộ thênh thang rộng lớn đó, còn có một con đường nhỏ, khiêm tốn hơn nhưng rất đáng chú ý: 19 bài hát bằng tiếng Ba Lan của ông. Chopin đã sáng tác các bài hát trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên, số lượng không nhiều. Tổng cộng, qua những bản thảo còn sót lại, có lẽ ông chỉ đặt bút viết khoảng 30 bài hát với phần đệm piano. Trong số đó, nhiều bài chỉ ở dạng những phác thảo sơ sài. Vì vậy, đến nay chỉ có 19 bài hát là hoàn chỉnh. Chúng đều quyến rũ và đầy xúc động. Có vẻ như Chopin đã viết các bài hát của mình một cách tình cờ – bên lề các tác phẩm piano của ông. Chopin viết chúng bất cứ khi nào ông bắt gặp một bài thơ mô tả tâm trạng hoặc cảm xúc của chính mình tại thời điểm đó. Ông sáng tác cũng để đáp ứng nhu cầu xã hội và tình bạn, vì lý do này, những bài hát của ông đã trở thành một cuốn nhật ký thân mật. Khác biệt so với những tác phẩm cùng thể loại của các nhà soạn nhạc khác, chúng mang khía cạnh tự truyện.

Trên thực tế, dù rằng cả cuộc đời gắn bó với cây đàn piano nhưng chưa bao giờ Chopin xa rời giọng hát con người. Chúng luôn có một sức hút kỳ lạ đối với nhà soạn nhạc. Dù ở những cánh đồng rộng dài, bằng phẳng của Mazovia, nơi cậu bé nghe những người nông dân Ba Lan và chép lại nhiều bài hát của họ, hay trong nhà hát opera và phòng hoà nhạc của Warsaw, chốn chàng trai trẻ thường lui tới khi còn là sinh viên, sự thích thú với bài hát không bao giờ rời bỏ ông. Và khi ông đến Paris, niềm đam mê đó chỉ ngày càng sâu đậm hơn. Một trong những vinh quang của Paris trong những năm 1830 là sự phong phú của các vở opera, được những con người xuất sắc nhất sáng tác và biểu diễn. Rossini, Bellini, Meyerbeer, Cherubini: Chopin biết tất cả bọn họ. Và quan trọng hơn, ông quen biết những ca sĩ vĩ đại nhất của thời đại – từ họ, Chopin đã phám khá ra truyền thống bel canto vĩ đại của opera Ý, mà từ đó ông tìm thấy hình mẫu chính cho phong cách trữ tình độc đáo của riêng mình. Trước khi rời Warsaw, ông đã nhận ra rằng nếu các giai điệu trên piano có được sự linh hoạt và biểu cảm của các giọng hát thì chúng sẽ phải thở theo nguyên tắc tương tự. Khi đưa nhận thức này vào thực tế, với sự hỗ trợ của bàn đạp và cách sử dụng hoà âm mang nhiều tính cá nhân, ông đã tạo ra một loại giai điệu hoàn toàn mới dựa trên phong cách thanh nhạc, nhưng hoàn toàn dành cho piano.

Trong cuộc đời mình, Chopin không xuất bản bất kỳ một bài hát nào (có hai bài hát được xuất bản ở Kiev nằm ngoài khả năng kiểm soát của Chopin). Thậm chí, theo di ngôn cuối cùng của ông, Chopin yêu cầu đưa toàn bộ bản thảo, những gì chưa được xuất bản, vào lò lửa. Tuy nhiên, thật may mắn, người chị gái Ludwika đã từ chối nghe theo ý nguyện của em mình. Gia đình Chopin đã uỷ quyền cho Julian Fontana, một người bạn của nhà soạn nhạc, xuất bản các tác phẩm nằm trong tập phác thảo của Chopin thành một ấn bản di cảo. Năm 1859, nhà xuất bản Đức Schlesinger đã xuất bản 16 bài hát của Chopin với số Op. 74 được Fontana chỉ định. Bài hát thứ 17 “Thánh ca từ lăng mộ” vì lý do Nga kiểm duyệt nên không được đưa vào cho đến tận năm 1872. Năm 1910, hai bài hát cuối cùng được đưa vào tập Op. 74. Tất cả 19 bài hát đều được Chopin phổ nhạc các bài thơ Ba Lan với một ngoại lệ duy nhất. Bài số 16 “Bài ca Lithuania” là một bài thơ tiếng Lithuania được Chopin sáng tác dựa trên bản dịch tiếng Ba Lan của Ludwik Osiński. Chopin hầu như đã gặp gỡ hết các nhà thơ Ba Lan được ông phổ nhạc. Người được ông phổ nhạc nhiều nhất là người bạn của gia đình, nhà thơ lãng mạn Stefan Witwicki với 10 bài. Chopin đã dành tặng Witwicki các mazurka, Op. 41. Ngoài ra còn có Józef Bohdan Zaleski (3 bài), Adam Mickiewicz (2 bài), Zygmunt Krasiński và Wincenty Pol. Bài hát cuối cùng của Chopin, “Giai điệu” là dựa trên bài thơ của Zygmunt Krasinski, người tình của Delfina Potocka, một người mà Chopin vô cùng thân thiết cũng như mến mộ giọng hát của cô. Đã từng có những tin đồn Chopin và Potocka là tình nhân của nhau.

Chopin luôn coi các bài hát của mình mang tính riêng tư. Chưa bao giờ chúng được xuất hiện trong các chương trình hoà nhạc của ông, mặc dù ta có thể nghe thấy chúng tại những phòng khách của Warsaw, Dresden và Paris qua giọng hát một số người thân: chị gái Ludwika, Maria Wodzinska hay Potocka. Liszt đã lựa chọn sáu trong số chúng để chuyển soạn cho piano độc tấu. Các bài hát của Chopin đã mang đến cho các ca khúc nghệ thuật Lãng mạn châu Âu thời bấy giờ những đặc điểm mà chúng thiếu vắng trước đó. Đó là sự đơn giản từ nguồn cảm hứng dân gian, nét dịu dàng gần như ngây thơ, trẻ trung, sự suy tư hoài cổ và cuối cùng là cảm xúc sâu sắc đối với quê hương.

1. Ước mong (Życzenie, Op. 74/1, 1829) thơ Witwicki, giọng Son trưởng: Mong ước của cô gái trẻ được thể hiện đầy tình cảm nhưng cũng rất ngây ngô, giản dị và duyên dáng khiến người nghe không thể không mỉm cười. Âm nhạc mang nhịp điệu của một điệu khiêu vũ dân gian, với tiết tấu của mazurka. Có hai phiên bản hơi khác nhau một chút của bài hát này, phiên bản có chữ ký của Chopin được sử dụng nhiều hơn. Đây là tác phẩm đầu tiên trong tập Six Chants polonais, S.480 của Liszt. Chopin cũng sử dụng một giai điệu trong bài hát này để đưa vào bản Nocturne giọng Đô thăng thứ, Op. posth của mình.

2. Mùa xuân (Wiosna, Op. 74/2, 1838) thơ Witwicki, giọng Son thứ: Một bức tranh điền viên được gợi lên từ những ký ức hoài cổ. Sự chuyển đổi giọng liên tục giữa Son thứ và Si giáng trưởng tạo ra một tâm trạng bâng khuâng. Chopin có tới 5 bản thảo khác nhau cho bài hát này. Phần đệm piano cũng được ông chuyển thành tác phẩm Andantino, B. 117. Đây là tác phẩm thứ hai trong tập Six Chants polonais, S.480 của Liszt.

3. Sông buồn (Smutna rzeka, Op. 74/3, 1831) thơ Witwicki, giọng Pha thăng thứ: Cốt truyện buồn thảm và bí ẩn từ từ hiện ra từ cuộc đối thoại của một người lang thang với dòng sông. Người ta dự đoán nó ám chỉ đến dư âm của chiến tranh Nam Slav. Giai điệu u ám, như một lời than thở này với chiều sâu cảm xúc dường như sẽ là tiền đề cho các bài hát của Brahms.

4. Bài ca chúc rượu (Hulanka, Op. 74/4, 1830) thơ Witwicki, giọng Đô trưởng: Một chàng trai trẻ đang tán tỉnh cô hầu gái xinh đẹp, với nhịp điệu của điệu mazurka. Một bài hát chúc rượu sôi động, nồng nhiệt được Chopin sáng tác trong bữa tiệc chia tay của ông với bạn bè trước khi nhà soạn nhạc rời Warsaw. Đây là tác phẩm thứ tư trong tập Six Chants polonais, S.480 của Liszt.

5. Điều cô ấy thích (Gdzie lubi, Op. 74/5, 1829) thơ Witwicki, giọng La trưởng: Giọng điệu của bài hát xinh xắn trữ tình này có phần ngây thơ, có phần mỉa mai: một cô gái trẻ “bất lực trong việc nói trái tim mình sẽ lạc về đâu”. Âm nhạc ở nhịp 6/8 với những nét uốn lượn của bài hát như một khúc romance. Một điệu mazurka chen vào giữa bài hát.

6. Khuất khỏi tầm mắt tôi! (Precz z moich oczu!, Op. 74/6, 1827) thơ Mickiewicz, giọng Pha thứ: Một bài hát trữ tình lấy cảm hứng từ bài thơ tình của Mickiewicz. Đây có lẽ là bài hát đầu tiên của Chopin. Bài hát có hai phần. Phần đầu tiên (Larghetto appassionato, giọng Pha thứ), diễn tả khoảnh khắc của một cuộc chia tay tức giận. Phần thứ hai (Andante espressivo giọng La giáng trưởng) có đặc điểm gần giống với một khúc romance.

7. Người đưa thư (Poseł, Op. 74/7, 1831) thơ Witwicki, giọng Rê trưởng: Một bản dumka dường như thích hợp để được ngân nga hơn là hát. Khung cảnh “hậu quả của một trận chiến” này được phác họa bằng một vài nét vẽ và được thể hiện bằng sự giản dị chất phác của phong cách dân gian. Âm nhạc mang tiết tấu của điệu nhảy dân gian Ba Lan krakowiak.

8. Anh chàng đẹp trai (Śliczny chłopiec, Op. 74/8, 1841) thơ Zaleski, giọng Rê trưởng: Niềm hạnh phúc của một cô gái trẻ với vẻ đẹp trai của người yêu mình được báo trước với thế giới rộng lớn bằng sự nhiệt tình không kiềm chế trong một vũ điệu vui tươi. Nhà thơ đã sáng tác dựa trên văn học dân gian Ukraine; nhà soạn nhạc đã đưa vào đó nhịp điệu của một bản mazurka.

9. Giai điệu (Melodya, Op. 74/9, 1847) thơ Krasiński, giọng Mi thứ: Đây là bài hát cuối cùng của Chopin. Ông đã viết nó vào album hiện đã thất lạc của Potocka, ký tên kèm theo một câu trích dẫn của Dante, “nella misria”: Không có gì buồn hơn. Bản thân lời thơ đã mang một thông điệp bi tráng. Nó sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ của Kinh thánh để làm dấy lên nghi ngờ về khả năng sống sót của thế hệ những người nổi dậy đến lúc có thể nhìn thấy đất nước của mình được tự do. Chopin đã mở rộng lời hát với những đoạn lặp lại có ý nghĩa.

10. Chiến binh (Wojak, Op. 74/10, 1831) thơ Witwicki, giọng La giáng trưởng: Bài hát này được sáng tác tại Vienna, là phản ứng tự nhiên của nhà soạn nhạc đối với các sự kiện của Cuộc nổi dậy tháng 11/1830 mà ông không thể tham gia “Tại sao không thể, ít nhất tôi có thể đánh trống!”. Bài hát miêu tả cảnh gay cấn của một chàng trai ra trận với giai điệu hào hùng. Âm nhạc gần gũi với thể loại ballad, mang nhiều tính tường thuật.

11. Kết thúc kép (Dwojaki koneic, Op. 74/11, 1845) thơ Zaleski, giọng Rê trưởng: Một bản ballad khác từ kho tàng dân gian, lần này là từ Ukraine. Câu chuyện buồn nhất có thể tưởng tượng được về hai người yêu nhau, một người Cossack và bạn gái của anh ta – hay nói đúng hơn, về cái chết khác nhau của họ – được Chopin lột tả một giai điệu gợi nhớ đến những lời than thở của tôn giáo Slav. Không rườm rà, một phong cách đơn giản và thuần khiết tuyệt đối.

12. Người yêu của tôi (Moja pieszczotka, Op. 74/12, 1837) thơ Mickiewicz, giọng Son giáng trưởng. Đây là bài thơ tình đầy tinh tế của nhà thơ, được Chopin chuyển thành một bài hát trữ tình tuyệt vời. Có hình thức hai đoạn, bài hát được thể hiện trong nhịp waltz khiêu vũ rộn ràng, có pha trộn với điệu mazurka. Nó xoay chuyển với sự mơ màng và quyến rũ hướng đến cao trào cuối cùng xuất thần của nó: “Tôi chỉ muốn hôn, hôn, hôn cô ấy!” Có nhiều giả thiết cho rằng bài hát được viết dành cho Potocka. Đây là tác phẩm thứ năm trong tập Six Chants polonais, S.480 của Liszt.

13. Chẳng có gì tôi cần (Nie ma czego trzeba, Op. 74/13, 1845) thơ Zaleski, giọng La thứ: Nhịp điệu của bài hát gần giống với điệu dumka với giai điệu “lento con gran espressione” (chậm rãi với sự biểu lộ lớn lao), gợi nhớ đến những ca khúc của những người hát rong, với những nét lướt đệm đến từ đàn lyre hoặc lute. Đây là một lời than thở đầy trữ tình của một người lang thang xa quê hương: “Tất cả những gì tôi mong mỏi đã tàn lụi và biến mất. Không có ai để yêu, không có ai để hát”.

14. Chiếc nhẫn (Pierścień, Op. 74/14, 1836) thơ Witwicki, giọng Mi giáng trưởng: Đây là ca khúc mà Chopin đã viết vào album cho Wodzinska, người mà ông đã từng đính hôn. Một bài hát như một khúc romance. Nó kể về câu chuyện của chiếc nhẫn được trao cho cô gái trong vô vọng, vì cô ấy đã kết hôn với người khác. Lời tường thuật có nhịp điệu u sầu giọng Son thứ của điệu Kujawiak. Phần piano chơi ritornello (những đoạn nhạc được lặp lại liên tục) mang đến – trớ trêu thay – một giai điệu vui vẻ (tượng trưng cho đám cưới)? Đây là tác phẩm thứ ba trong tập Six Chants polonais, S.480 của Liszt.

15. Chú rể (Narzeczony, Op. 74/15, 1831) thơ Witwicki, giọng Đô thứ: Một trong ba bài hát với giai điệu xuất xứ từ một bản ballad dân gian Ukraine – da diết, sâu lắng, siêu thực. Bài hát kể câu chuyện chàng trai trở về sau chiến tranh và thấy người yêu trên giường bệnh của cô. Anh có niềm tin rằng khi cô ấy nghe thấy tiếng khóc và tiếng gọi của mình, cô ấy có thể sẽ đứng dậy khỏi quan tài và bắt đầu sống lại. Tâm trạng tác phẩm được Chopin chủ yếu giao phó cho piano. Đây là tác phẩm thứ sáu trong tập Six Chants polonais, S.480 của Liszt.

16. Bài ca Lithuania (Piosnka litewska, Op. 74/16, 1831) được Osiński dịch từ một bài hát dân ca Lithuania, giọng Pha trưởng: Đây là bài hát duy nhất trong tập không có lời được lấy từ bài thơ Ba Lan. Một cảnh sử thi – trữ tình quyến rũ, được phác họa gọn gàng và với một cái kết hóm hỉnh. Người mẹ nói chuyện với cô con gái của mình, người đã “làm ướt chiếc vòng hoa xinh xắn” trong buổi thử đồ với người yêu. Phần piano tái hiện một cách kín đáo khung cảnh nông thôn nhộn nhịp của khung cảnh.

17. Thánh ca từ lăng mộ (Śpiew grobowy, Op. 74/17, 1836) thơ Pol, giọng Mi giáng thứ: Được cho là sáng tác duy nhất còn tồn tại trong tổng số 10 hoặc 12 bài hát phổ thơ của nhà thơ nổi loạn được Chopin sáng tác ngẫu hứng ở Paris giữa những người bạn Ba Lan nhập cư. Bài hát là sự thương tiếc số phận cho đất nước và cho một thế hệ hơn là các sự kiện cá nhân. Một cách diễn giải “biểu cảm” với một lời than thở nhẹ nhàng trong tâm trạng phấn chấn. Vì sự kiểm duyệt từ phía Nga nên bài hát chỉ được đưa vào tập Op. 74 vào năm 1872.

18. Bùa mê (Czary, Op. 74/18, 1830) thơ Witwicki, giọng Rê thứ: Một bài hát của một chàng trai trẻ trong tình yêu vô vọng nhưng có một cái kết lạc quan. Nó có hình dạng và đặc điểm của điệu dumka, rất giống những bản nhạc được các nhân vật chính trong những vở kịch vui ở Ba Lan hát vào thời Chopin. Fontana cho là nó quá đơn giản, nên không đưa vào ấn bản di cảo được xuất bản vào năm 1859. Nó chỉ được đưa vào tập Op, 74 vào năm 1910.

19. Bi thương (Dumka, Op. 74/19, 1840) thơ Zaleski, giọng La thứ: Đây là một phiên bản được sáng tác trước đó, đơn giản hơn của bài hát thứ 13. Chẳng có gì tôi cần (Nie ma czego trzeba, Op. 74/13, 1845).

Mặc dù có những điểm tương đồng, các bài hát của Chopin thể hiện nhiều điểm khác biệt về tính cách và sự biểu đạt, về thể loại và phong cách. Một số bài hát thời kỳ đầu, vẫn còn dáng vẻ Lãng mạn sơ khai, chưa thể rũ bỏ được những quy ước điển hình của chủ nghĩa cổ điển; nhưng những ca khúc về sau, điển hình cho âm nhạc Lãng mạn, mang chất trữ tình với một màu sắc bi thương, một sự thể hiện cá tính rõ nét. Không dễ dàng để những ca sĩ nước ngoài hát chúng bằng tiếng Ba Lan nhưng nếu dịch sang ngôn ngữ khác, chúng sẽ mất đi những đặc tính không thể bắt chước. Có lẽ chính điều này đã mang đến những thiệt thòi cho những bài hát này, không thể loại nào của Chopin lại bị lãng quên và thờ ơ đến như vậy trong nhiều năm trời.

(Nguồn https://nhaccodien.vn/)