Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc hátCâu chuyện âm nhạc: “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!”

Câu chuyện âm nhạc: “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!”

Tác giả: Nguyễn Nhật Thanh

Năm 1978, Chiến dịch biên giới Tây Nam nổ ra, lại nhiều cuộc tiễn đưa đầy nước mắt. Chính trong thời điểm ấy, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã sáng tác ca khúc “Hãy yên lòng, Mẹ ơi”, lời do nhà thơ Lê Giang – người bạn trăm năm của ông đặt.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhớ lại: “Vào năm 1978, trên lầu 6 của một chung cư, chúng tôi tiễn đứa con trai Lê Anh Trung lên đường nhập ngũ, đi làm nhiệm vụ ở biên giới Campuchia. Trước khi ra đi, con trai ôm hôn chúng tôi rồi nói lời chào chia tay, giọng nói đầy xúc động: “Ba, mẹ hãy yên lòng về con”. Câu nói ấy gợi cho chúng tôi phác thảo ngay bài hát “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!”.

Tiễn con đi, ông nhanh chóng lên ý tưởng cho ca khúc. Dự định ca khúc sẽ có hai đoạn. Đoạn A nói về đoàn quân đang tiến về biên giới Tây Nam. Nét nhạc phỏng theo nhịp trống thôi thúc, kêu cứu của người dân Campuchia trước thảm họa diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra. Đó là đoạn mở đầu: “Đoàn quân bước trên đường rừng/ Bình minh lấp lánh chân trời xa…”. Đoạn B, điệp khúc, là tiếng nói từ trái tim của những chàng trai hướng về người mẹ sinh thành – người mẹ Tổ quốc Việt Nam. Nhưng đến đoạn điệp khúc thì ông… “bí bài”, rị mọ mấy ngày liền nhưng vẫn không chọn được giai điệu nào ưng ý.

Ý tưởng đến trong một lần ông đứng đợi nhà thơ Lê Giang ở cổng chợ Tân Định. Ông đứng huýt gió, hát nghêu ngao thì lại nhớ đến những tháng ngày hành quân. Và thế là điệp khúc: “A ai gọi đời ta/ Rền vang núi sông tiếng ru của mẹ…” ra đời. Vì lời nhắn gửi của người con trai mà trong ca khúc có đoạn: “Mẹ ơi hãy yên lòng/ Dù bao gian lao ngày tháng/ Trường Sơn hay nơi đảo xa/ Đoàn chúng con luôn quyết giữ gìn…”.

Sau này, ca khúc “Hãy yên lòng, Mẹ ơi” được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng với phần thể hiện của tốp ca Đoàn Ca múa Bông Sen. Trong chiến dịch biên giới Tây Nam, ca khúc này đã được biểu diễn rất nhiều lần qua giọng hát Đình Văn, Lê Hành, Mai Trực, sau này có thêm Đan Trường, Trọng Tấn, Nguyễn Phi Hùng… Hai câu cuối bài hát như lời dặn dò của người mẹ và lời thề của người con: “Vì quê hương mến yêu Việt Nam/ Vì quê hương mến yêu Việt Nam”. Dù đã qua thời binh lửa nhưng câu hát ấy vẫn còn nguyên giá trị, là lời nhắc nhở về trách nhiệm của con người trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Nguồn: https://hanoimoi.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY