Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànBartok: Sonata cho 2 piano và bộ gõ

Bartok: Sonata cho 2 piano và bộ gõ

Tác giả: Béla Bartók.
Tác phẩm: Sonata cho 2 piano và bộ gõ, Sz. 110, BB 115
Thời gian sáng tác: Năm 1937.
Công diễn lần đầu: Ngày 16/1/1938 tại Basel, Thuỵ Sĩ với Bartók và vợ ông Ditta Pásztory-Bartók chơi piano và Fritz Schiesser, Philipp Rühlig chơi bộ gõ.
Thời lượng: 27 phút.
Cấu trúc tác phẩm: gồm 3 chương
Chương I – Assai lento – Allegro molto
Chương II – Lento, ma non troppo
Chương III – Allegro non troppo
Nhạc cụ biểu diễn: 2 piano và 7 nhạc cụ bộ gõ: timpani, bass drum, cymbal, triangle, snare drum, tam-tam và xylophone.

Hoàn cảnh sáng tác

Hai thay đổi lớn về màu sắc và cách triển khai nhạc cụ trong thời kỳ hiện đại tập trung vào piano và rất nhiều nhạc cụ được sắp xếp vào nhóm được gọi là “bộ gõ”. Trong thế kỷ 19, piano đã cân bằng được sự mượt mà với sức mạnh vốn có của nó với tư cách là một nhạc cụ thuộc bộ này. Với các nhà soạn nhạc như Stravinsky, Prokofiev, Shostakovich hay vô số những người theo chủ nghĩa Hiện đại khác thuộc đủ mọi quốc tịch, khả năng của piano trong việc tạo ra nhịp điệu được đưa lên vị trí quan trọng, còn những đường legato trữ tình chỉ nắm vị trí thứ yếu. Số lượng nhạc cụ trong bộ gõ được mở rộng đáng kể mang lại nhiều sự lựa chọn, tạo cảm hứng sáng tạo cho cả nhà soạn nhạc lẫn người biểu diễn của nhóm nhạc cụ vốn ít khi đông đúc và nổi bật trong các tác phẩm âm nhạc thời kỳ trước đó.

Béla Bartók vốn nổi tiếng là một trong những người tiên phong đã có những bước cách mạng hoá quan trọng đối với các nhạc cụ thuộc bộ gõ. Năm 1936, ông đã sáng tác tác phẩm Âm nhạc dành cho dàn dây, bộ gõ và celesta, để các nhạc cụ thuộc bộ gõ chơi độc tấu, chiếm những vị trí hết sức nổi bật trong tổng thể tác phẩm, điều gần như chưa từng xuất hiện trước đó. Chỉ một năm sau, ông sáng tác bản sonata dành cho 2 piano và bộ gõ, một tác phẩm xoá nhoà ranh giới giữa âm nhạc thính phòng và âm nhạc dành cho dàn nhạc.

Đầu năm 1937, sau thành công của Âm nhạc dành cho dàn dây, bộ gõ và celesta mà Bartók viết theo đơn đặt hàng của nhạc trưởng người Thuỵ Sĩ Paul Sacher nhân lễ kỷ niệm 10 năm thành lập dàn nhạc Basler Kammerorchester, Bartók bắt tay vào sáng tác một tác phẩm mới, cũng là một đơn đặt hàng khác của Sacher. Trong bức thư gửi cho Sacher vào ngày 24/5/1937, Bartók hỏi: “Loại nhạc thính phòng nào bây giờ? Có lẽ là một tứ tấu với 2 piano và 2 nhóm bộ gõ? Hoặc một piano trio? Anh có coi một tác phẩm cho giọng hát và piano là một tác phẩm thính phòng không?”. Tháng 8/1937, ông quyết định đặt tên tác phẩm là sonata thay vì tứ tấu như ban đầu với lý do là có thể cần nhiều hơn 2 nhạc công bộ gõ. Ngày 2/9, Bartók viết cho Sacher: “Tôi rất vui khi thông báo với anh rằng tôi gần như đã thành công với việc mình làm, lựa chọn của tôi là một sonata cho 2 piano và bộ gõ. Nó gồm 3 chương, 2 chương đầu đã hoàn thành, một nửa của chương cuối cũng đã sẵn sàng”.

Rõ ràng, sự kết hợp giữa piano và bộ gõ là một điều hết sức mới mẻ vào thời điểm đó. Trong bản sonata, vấn đề lớn nhất là phải duy trì sự cân bằng giữa các nhạc cụ của bộ gõ với piano đồng thời vẫn phải tạo được sự tương phản về cường độ. Như Bartók hướng dẫn: “Bộ gõ này hoàn toàn ngang bằng với các phần của piano”. Âm thanh sẽ dịch chuyển từ pianissimo khẽ khàng nhất cho đến fortissimo sấm sét nhất. Các nghệ sĩ biểu diễn cần có sự khéo léo cao độ để thể hiện chính xác các nhịp điệu và thang âm xảy ra trong suốt tác phẩm. Bartók đã có cơ hội khám phá sự kết hợp giữa piano và bộ gõ trong 2 concerto piano trước đó của mình, đặc biệt trong chương chậm của bản đầu tiên. Vì vậy, bản sonata này có thể được coi là sự hồi sinh và phát triển của thế giới âm thanh đã được khám phá trước đó. Trong buổi ra mắt tác phẩm, Bartók đã viết một bài giới thiệu phân tích tác phẩm bằng tiếng Đức, đăng trên Basel National Zeitung: “Vai trò của các âm thanh bộ gõ khác nhau: Đôi khi chúng nhấn mạnh vào những phần quan trọng, có khi chúng mang những motif làm đối âm với phần piano và timpani cũng như xylophone thường chơi những giai điệu đóng vai trò chủ đề chính”.

Phân tích

Chương I

Chương I bắt đầu với một phần giới thiệu bình lặng ở giọng Pha thăng trưởng dẫn tới một cấu trúc sonata quy mô lớn với hai chủ đề ban đầu ở giọng Đô trưởng và Mi trưởng, tương đồng với bản Sonata piano số 21 “Waldstein” của Beethoven. Sự êm dịu bị phá vỡ với sự xâm nhập bất ngờ của cymbal được tạo điểm nhấn với những nốt trill và glissando từ piano. Tiếng timpani cuộn lên trong 2 âm Pha thăng và La. Một giai điệu chromatic trên piano được tăng tốc thành như một hành khúc, theo sau bằng những đoạn chen ngắn nhưng tạo sự cân bằng từ xylophone. Một fugue điêu luyện cho piano xuất hiện, có thể coi như chủ đề 3 khép lại chương nhạc.

Chương II

Chương II chậm là một chương nhạc tinh tế của Bartók, âm nhạc trở nên yên tĩnh kỳ lạ, là một ví dụ điển hình cho phong cách “Nhạc đêm” nổi tiếng của Bartók. Chương nhạc có hình thức ba đoạn ABA. Nhà soạn nhạc đã sử dụng thành thạo các màu sắc nổi bật giữa các chất liệu âm nhạc trong một cấu trúc đơn giản, truyền tải đầy ám ảnh và biểu cảm cảnh thiên nhiên về đêm, một thứ ngôn ngữ âm nhạc du dương nhưng tạo một sự cô đơn kỳ lạ.

Chương III

Chương III được viết theo hình thức sonata-rondo có đặc điểm tương phản với chương II. Nó có một sức sống rất cởi mở, mạnh mẽ và là động lực thúc đẩy trong suốt chương nhạc. Các chủ đề mới được xây dựng từ các chất liệu cơ bản được giới thiệu và xử lý trong các canon và fugue khéo léo. Chương nhạc mở đầu với giai điệu trên xylophone và sau đó được chuyển sang cho piano 2. Tiếng snare drum xuất hiện dai dẳng, âm nhạc quay cuồng trở lại. Mọi thứ chợt dừng lại, đánh lừa người nghe tưởng như kết thúc tác phẩm nhưng rồi âm nhạc tiếp tục. Tiếng piano tắt dần trong giọng Đô trưởng, chỉ còn lại một bản song ca dành cho snare drum và cymbal, tác phẩm kết thúc trong lặng lẽ.

Bartók đã sáng tác bản sonata với hình ảnh người vợ thứ hai Ditta trong tâm tưởng. Bà vốn là một nghệ sĩ piano tài năng nhưng đã hầu như khép lại sự nghiệp độc tấu sau khi trở thành vợ ông. Cả hai đã cùng nhau công diễn ra mắt tác phẩm này vào ngày 16/1/1938 cũng như tại New York vào ngày 23/4/1943, lần xuất hiện cuối cùng của Bartók trên sân khấu. Sự tương tác liên tục giữa tất cả các bè, cùng với trí tưởng tượng và óc sáng tạo phong phú của Bartók đã khiến tác phẩm trở nên thú vị và đầy màu sắc. Bản sonata đã trở thành một trong những tác phẩm quan trọng trong kho tàng âm nhạc thính phòng của thế kỷ 20 và tạo ra một hình mẫu trong cấu trúc âm nhạc: một mạng lưới phức tạp, tránh xa truyền thống của những mối quan hệ giữa các giọng, nhịp điệu đa dạng, hỗn hợp, cách chuyển đổi chủ đề tinh tế nhưng vẫn gắn kết được tác phẩm đã biến bản sonata thành một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất của Bartók.

(Nguồn: nhaccodien.info)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY