Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc hát"Đường tàu mùa xuân" - Con đường thống nhất

“Đường tàu mùa xuân” – Con đường thống nhất

Tác giả: Doãn Ánh Quyên

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và NSND Thanh Hoa đã cho chúng ta được thưởng thức “Đường tàu mùa xuân” – một bài hát rất hay, cho chúng ta cảm nhận được khí thế lao động hăng say của các thế hệ thanh niên cha anh để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Để chúng ta có ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng đất nước đẹp giàu.

Giữa tháng 12/2002 trong những thư thính giả gửi về tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình ca nhạc theo YCTG có lá thư của bạn Nguyễn thị Châm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Châm là một thính giả quen thuộc của chương trình ca nhạc theo YCTG chủ nhật hàng tuần nhưng đây là lần đầu tiên bạn tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”dù bạn đã có ý định từ lâu rồi. Chia sẻ với chúng tôi về lí do bạn viết: “Không biết bài bình của em có được đọc trên chương trình hay không nhưng em muốn viết ra những cảm xúc của em về bài hát: “Đường tàu mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn”.

Trước khi trích giới thiệu với các bạn bài bình của bạn Châm, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một chút về nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tên thật là Phạm Văn Thành. Năm 1960, nhạc sĩ tham gia Mặt trận giải phóng dân tộc Việt Nam lấy bí danh là Phạm Minh Tuấn. Thời gian này ông sáng tác nhiều bài hát như: “Qua sông” (1963), “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn” (1968), “Chuyển gạo” (1969)…sau khi sáng tác các bài hát được gửi cho Đài Phát thanh giải phóng, Đài TNVN qua đường giao liên để kịp thời dàn dựng phục vụ chiến đấu.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965), Giải âm nhạc trong phim “Bài ca không quên”, Giải âm nhạc trong vở kịch “Ngôi sao biển”, Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam các năm 1993, 1995, 1996, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001.

Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965), Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (đợt I – 2001)… Ngoài hoạt động sáng tác, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn là giảng viên – người truyền lửa, kiến thức và tình yêu âm nhạc cho nhiều lớp học trò tại Nhạc viện TPHCM. Ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ: Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TPHCM (nay là Sở TT-TT TPHCM), Phó Tổng Thư ký (nay là Phó Chủ tịch) Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Âm nhạc đến với chúng ta từ lúc chào đời qua lời ru của mẹ và tiễn đưa chúng ta đến thế giới bên kia. Như vậy trọn cuộc đời mỗi chúng ta không thể thiếu vắng âm nhạc. Âm nhạc tự nguyện đến với chúng ta và chúng ta cũng vô tư đến với chúng. Bài hát nào hay sẽ còn mãi, cái nào dở sẽ bị cuộc sống lãng quên”. Bài hát “Đường tàu mùa xuân” là một trong những bài hát còn mãi của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Năm 1974, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cùng đồng đội hành quân ra Bắc. Khi qua Quảng Trị bắt gặp rất nhiều nữ TNXP làm nhiệm vụ mở đường, ông vô cùng xúc động và liên tưởng: “Nếu đất nước thống nhất thì chính những con người này sẽ là những người xung kích giúp thống nhất hai miền Bắc-Nam”. Thời gian sau đó, khi đi điều trị bệnh ở Bệnh viện K2 trở về miền Nam tiếp tục học tập, ông quên bẵng đi hình ảnh những cô gái mở đường năm nào… Năm 1976 khi đường sắt Thống Nhất chuẩn bị khánh thành, những cảm xúc ấy lại ùa về. Nhạc sĩ bắt tay vào viết và ca khúc “Đường tàu mùa xuân” hoàn thành.

Lúc ấy, NSND Quốc Hương đang sống cùng nhà với ông, đã động viên ông và dặn: “Viết bài này xong thì để anh hát trước nhé”. Và NSND Quốc Hương chính là người đầu tiên thể hiện ca khúc, mang tới một tinh thần lạc quan, phấn chấn về hình ảnh những cô gái TNXP mở đường, tạo tiền đề cho đường tàu thống nhất Bắc – Nam. Năm 2015 bài hát được bình chọn là một trong mười ca khúc hay nhất về nghành GTVT do Bộ GTVT tổ chức. Nhiều thế hệ ca sĩ đã thể hiện bài hát này nhưng theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, ông ấn tượng nhất là NSƯT Tô Lan Phương và NSND Thanh Hoa.

Cảm xúc về bài hát “Đường tàu mùa xuân”, bạn Nguyễn thị Châm viết: “Bài hát ca ngợi những con người đang hăng say lao động để mở đường tàu Thống Nhất Bắc-Nam nói riêng và tất cả những con người đang ra sức xây dựng đất nước đẹp giàu nói chung. Chúng ta hãy lắng nghe câu mở đầu của bài hát: Năm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường Sơn đồi núi trập trùng. Nó gợi lại không khí của một thời lớp lớp thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Những “năm xưa” ấy, họ là những lực lượng tiên phong, dũng cảm, kiên cường phá núi băng rừng để mở con đường Trường Sơn chi viện cho Miền Nam, đi tới thống nhất đất nước, non sông thu về một mối thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu, và “năm nay” vẫn những đôi bàn tay ấy của những chàng trai, cô gái thế hệ cháu con của Bác Hồ lại “lấp hố bom” xây dựng cuộc sống mới trên những mảnh đất đau thương, vẫn những đôi bàn tay ấy, thay bằng con đường Trường Sơn lịch sử năm xưa, họ đang mở con đường tàu thống nhất “thắm bao nghĩa tình” để “tàu Việt nam ôm trọn đất anh hùng”. Con đường ấy chính là con đường gắn kết tình nghĩa hai miền Nam-Bắc để “người thương về với người thương” sau bao năm mong đợi mỏi mòn.

Chúng ta có thể hiểu được tại sao tác giả lại đặt tên bài hát là “Đường tàu mùa xuân”, bởi nó là con đường thống nhất, mang sức trẻ Phù Đổng, mang sức sống tràn đầy nhiệt huyết. Đặt bài hát vào hoàn cảnh nước ta sau khi thống nhất và đang xây dựng đường tàu Bắc-Nam, ta có cảm nhận rằng lời bài hát cùng giai điệu khỏe khoắn nhưng thiết tha như một lời nhắn nhủ, thúc giục, động viên lớp thanh niên nối tiếp truyền thống tiên phong hăng hái trong bảo vệ Tổ quốc cũng như trong lao động: Bạn ơi đã bao ngày bao đêm gian nan, tay cuốc nhịp nhàng để tàu ta xuôi Nam ngược Bắc/Và người thương về với người thương/Bạn ơi tất cả vì tương lai mai sau, quê mẹ đẹp giàu đường tàu ta thắm bao tình nghĩa./Tàu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng. Giai điệu của bài hát nhanh, nhịp nhàng được thể hiện bằng giọng hát trong, cao và truyền cảm của nghệ sĩ Thanh Hoa khiến ta liên tưởng tới Miền Nam yêu thương đưa hàng và những đoàn người đang khao khát gặp mặt người thương.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và NSND Thanh Hoa đã cho chúng ta được thưởng thức một bài hát rất hay, cho chúng ta cảm nhận được khí thế lao động hăng say của các thế hệ thanh niên cha anh để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Để chúng ta có ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng đất nước đẹp giàu”.

(Nguồn: https://vov.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY