Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đề10 nhạc trưởng và dàn nhạc hàng đầu thế giới

10 nhạc trưởng và dàn nhạc hàng đầu thế giới

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

Dàn nhạc nào vĩ đại nhất thế giới? Ai là nhạc trưởng vĩ đại nhất? Mọi người đều có ý tưởng riêng dựa trên những trải nghiệm khác nhau, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn hỏi một nhóm các nhà phê bình âm nhạc cổ điển hàng đầu thế giới?

Bachtrack, một trong những tạp chí âm nhạc cổ điển trực tuyến lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại London, nơi tập hợp một lượng lớn những bài viết, đánh giá, phỏng vấn về thể loại nghệ thuật này, đã từng thực hiện một cuộc thăm dò như vậy vào năm 2015. Họ đã khảo sát ý kiến của 16 nhà phê bình âm nhạc trên khắp thế giới một cách độc lập. Mỗi người đưa ra danh sách của riêng mình, bao gồm 10 dàn nhạc và 10 nhạc trưởng với hệ thống tính điểm là 10 cho vị trí đầu tiên và giảm xuống đến 1 cho vị trí cuối cùng. Tại cuộc bình chọn này, ba nhà phê bình tại Bắc Mĩ từ chối tham gia do không có nhiều cơ hội để thưởng thức tài năng của những dàn nhạc tại châu Âu. Sau tám năm, tháng 9/2023 vừa qua, một cuộc thăm dò tương tự như vậy lại được tổ chức. Lần này, hội đồng bình chọn của Bachtrack bao gồm 15 nhà phê bình âm nhạc tới từ 11 quốc gia sẽ đưa ra danh sách 10 dàn nhạc và 10 nhạc trưởng vĩ đại nhất đương đại. Không giống như lần trước, sự bùng nổ của âm nhạc trực tuyến đã giúp mọi người có cơ hội thưởng thức các buổi biểu diễn chỉ bằng một cú nhấp chuột. Chính vì vậy, có tới bốn nhà phê bình của Bắc Mĩ góp mặt trong danh sách. Đại đa số các thành viên xếp hạng các lựa chọn của mình từ 1 tới 10. Tuy nhiên, một vài người cảm thấy họ không thể lựa chọn tỉ mỉ được như vậy nên chỉ đưa ra 2 danh sách của mình. Với những trường hợp này, các cái tên xuất hiện sẽ được đánh giá ngang nhau khi đối chiếu kết quả.

Điều gì được coi là “vĩ đại” khi đánh giá một dàn nhạc hoặc nhạc trưởng? Bachtrack cố tình đưa ra những gợi tả mơ hồ và đã hỏi những nhà phê bình âm nhạc về tiêu chí của họ. Alex Ross của The New Yorker cho biết: “Khi đưa ra lựa chọn của mình, tôi cố gắng tưởng tượng xem mình muốn những dàn nhạc và nhạc trưởng nào mà không cần quan tâm trước xem họ sẽ làm gì. Theo khía cạnh này, việc lập chương trình giàu trí tưởng tượng cũng nhiều ý nghĩa tương đương với việc xuất sắc thuần tuý về mặt âm nhạc”. Còn tiến sĩ Eleonore Büning của Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung thì giải thích: “Bất kỳ một dàn nhạc giao hưởng nào cũng có thể tự gọi mình là “vĩ đại”. Đó là một quy ước vì thể loại. Nhưng nó chỉ có thể trở nên phi thường nều mọi người lắng nghe nhau và thở, suy nghĩ, cảm nhận, ước mơ và hành động cùng nhau. Một dàn nhạc giao hưởng phải phát triển trí tuệ đám đông nếu muốn khám phá sự vĩ đại ở bên trong”. Walter Weidringer của Die Presse, Áo nêu lên suy nghĩ của mình: “Một dàn nhạc “vĩ đại” đòi hỏi nhiều hơn một tập hợp các nhạc công xuất sắc về mặt kỹ thuật, bởi vì nó mong muốn duy trì và phát huy truyền thống về cá tính âm thanh của riêng mình, sở hữu một sự mượt mà, đồng nhất khi tất cả cùng hoà tấu ở bất kỳ cường độ nào, khả năng thích ứng nhanh chóng với các dạng âm học khác nhau, có cá tính mạnh mẽ ở những vị trí chủ chốt, và một cách lý tưởng, cung cấp một danh mục biểu diễn rộng lớn, từ opera, các chương trình hoà nhạc và hoà tấu thính phòng”. Với Christian Merlin của Le Figaro thì cho biết quyết định của mình dựa trên: “Sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố: nguồn gốc lịch sử và tính hiện đại, sức mạnh tập thể và tài năng cá nhân, âm thanh cụ thể và khả năng thích ứng, tất cả điều này kết hợp với tính nhất quán nghiêm ngặt cũng như tư duy cởi mở của chính sách nghệ thuật”.

Danh sách 10 dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới 2023:

1. Berlin Philharmonic.
2. Vienna Philharmonic.
3. Bavarian Radio Symphony Orchestra.
4. Royal Concertgebouw Orchestra.
5. Chicago Symphony Orchestra.
6. Cleveland Orchestra.
7. London Symphony Orchestra.
8. Budapest Festival Orchestra.
9. Leipzig Gewandhaus Orchestra.
10. Los Angeles Philharmonic.

Không có nhiều sự thay đổi đáng kể. So với danh sách năm 2015, Berlin Philharmonic vẫn vững vàng ở ngôi vị số một. Đây là dàn nhạc lớn đầu tiên trên thế giới điều hành dịch vụ biểu diễn và phát sóng trực tuyến của riêng mình (thành lập vào năm 2008) và hãng thu âm nội bộ của Berlin Philharmonic được tiếp thị và đón nhận như một thương hiệu hàng đầu. Phòng hòa nhạc kỹ thuật số đảm bảo Berlin Philharmonic có được sự hiện diện rộng rãi trên toàn cầu. Điều này góp phần làm tăng cơ hội của dàn nhạc trong các cuộc thăm dò ý kiến quốc tế của các nhà phê bình khi có rất nhiều nội dung của họ có sẵn trực tuyến.

Theo Weidringer (Die Presse): “Đây là một dàn nhạc xuất sắc cả về phương diện kỹ thuật lẫn âm nhạc, có lẽ là dàn nhạc “hiện đại” và linh hoạt nhất trong số các quốc gia nói tiếng Đức, rất nhanh chóng và dễ dàng thích ứng với ý tưởng của các nhạc trưởng khác nhau”. Còn Büning (Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung) thì giải thích: “Tôi yêu một dàn nhạc giao hưởng có thể vượt qua các giới hạn của mình một cách năng động, nhịp nhàng và đầy phong cách, một dàn nhạc có danh mục biểu diễn rộng rãi và tìm cách mở rộng nó ra ngoài truyền thống của Beethoven-Brahms-Bruckner; nơi kiểm tra, phát minh và thưởng thức cảm giác về màu sắc giai điệu, trong đó mọi nhạc cụ đều có phẩm chất độc tấu; một dàn nhạc vẫn trung thực với chính mình, ngay cả khi nó thay đổi. Đó chính xác là điều tôi đánh giá cao về Berlin Philharmonic”.

Sau khi kết quả được công bố, các thành viên của Berlin Philharmonic, Eva-Maria Tomasi (violin) và Stefan Dohr (horn) đã đáp tạ: “Thay mặt cho Berlin Philharmonic, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành về giải thưởng này và dành tặng nó cho ba dàn nhạc mà chúng tôi là những người bảo trợ: National Youth Orchestra of Germany, Kyiv Symphony Orchestra và Youth Symphony Orchestra of Ukraine. Sự tận tâm rất khác nhau của họ tạo nên nền tảng thiết yếu cho âm nhạc cổ điển hiện tại và tương lai”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các dàn nhạc ở Tây Âu giành được những vị trí rất cao. Nước Đức có tới ba vị trí trong danh sách. Ngoài Berlin Philharmonic còn có Bavarian Radio Symphony Orchestra (thứ ba) và Leipzig Gewandhaus Orchestra (thứ chín). Cả hai dàn nhạc đều có mặt trong danh sách năm 2015. Budapest Festival Orchestra đã vươn lên mạnh mẽ ở vị trí thứ tám. Vienna Philharmonic vẫn chứng tỏ được sự xuất sắc của mình khi bám sát Berlin Philharmonic ở vị trí thứ hai. Pablo L. Rodríguez của El País nhận xét: “Vienna Philharmonic không chỉ là một dàn nhạc ra đời nhờ sự đón nhận rộng rãi các bản giao hưởng của Beethoven ở thủ đô của Áo, mà nó còn phát triển cho đến ngày nay mà không mất đi giá trị cốt lõi của mình, các đặc điểm và bất kể sự nổi bật hay ảnh hưởng từ các nhạc trưởng (trên thực tế, kể từ năm 1933, Vienna Philharmonic không có nhạc trưởng chính và là dàn nhạc lớn duy nhất trên thế giới duy trì điều này)”.

Royal Concertgebouw Orchestra, có trụ sở tại Amsterdam, từng được tạp chí Gramophone bình chọn là dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới vào năm 2008 và đứng thứ hai trong cuộc xếp hạng vào năm 2015 lần này đã tụt xuống vị trí thứ tư. Lý do có lẽ vì từ năm 2018, Royal Concertgebouw Orchestra đã không có được nhạc trưởng chính sau khi Daniele Gatti bị sa thải do cáo buộc có những “hành vi không phù hợp” đối với một số thành viên nữ của dàn nhạc. Bên cạnh Đức, Mĩ cũng có ba dàn nhạc nằm trong danh sách: Chicago Symphony Orchestra (thứ năm), Cleveland Orchestra (thứ sáu) và Los Angeles Philharmonic (thứ mười). London Symphony Orchestra là dàn nhạc duy nhất của Anh có mặt trên bảng xếp hạng (thứ bảy). Không có một dàn nhạc nào chơi các nhạc cụ nguyên bản lọt vào danh sách, mặc dù Les Siècles nhận được ba đề cử.

Danh sách 10 nhạc trưởng xuất sắc nhất thế giới năm 2023:

1. Kirill Petrenko.
2. Sir Simon Rattle.
3. Herbert Blomstedt.
4. Sir Antonio Pappano.
5. Esa-Pekka Salonen.
6. Iván Fischer.
7. Riccardo Muti.
8. Yannick Nézet-Séguin.
9. Klaus Mäkelä.
10. Christian Thielemann.

So với danh sách tương tự năm 2015, có bốn cái tên mới lọt vào danh sách là Herbert Blomstedt, Antonio Pappano, Iván Fischer và Klaus Mäkelä, thay thế cho Riccardo Chailly, Mariss Jansons, Andris Nelsons và Daniel Barenboim. Rõ ràng có một sự biện chứng nhất định giữa hai bảng xếp hạng. Không tính đến việc Jansons qua đời vào năm 2019, sự suy giảm sức khoẻ của Barenboim khiến các hoạt động âm nhạc của ông bị hạn chế rất nhiều và vắng mặt trong danh sách, đồng thời Berlin Staatskapelle, dàn nhạc do Barenboim làm nhạc trưởng chính cũng bị loại khỏi bảng xếp hạng các dàn nhạc. Một trường hợp tương tự là Nelsons, giám đốc âm nhạc của Boston Symphony Orchestra, cả hai cũng không nằm trong danh sách lần này trong khi đã xuất hiện cùng nhau vào năm 2015. Một ví dụ khác cho thấy sự cộng hưởng giữa nhạc trưởng và dàn nhạc xuất sắc là sự xuất hiện đồng thời của Budapest Festival Orchestra và người sáng lập, nhạc trưởng chính của họ, Fischer. Chailly, người được vinh danh ở ngôi vị nhạc trưởng vĩ đại nhất thế giới vào năm 2015 đã bị loại khỏi danh sách lần này, chỉ xếp ở vị trí thứ 11 khi ông cũng không còn gắn bó với Leipzig Gewandhaus Orchestra ở cương vị giám đốc âm nhạc.

Rattle có lần thứ hai ở ngôi vị thứ hai nhưng người kế nhiệm ông ở Berlin Philharmonic, Kirill Petrenko đã có sự thăng tiến mạnh mẽ ở vị trí thứ bảy năm 2015 lên thứ nhất trong cuộc bình chọn lần này. Trong tổng số 15 người của hội đồng, có 10 người lựa chọn Petrenko, với vị trí thứ ba là xếp hạng thấp nhất. Việc trở thành nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic tất nhiên đã hỗ trợ cho Petrenko rất nhiều, nhưng bản thân ông cũng được nhận được những lời ủng hộ rất tích cực. Merlin (Le Figaro) thốt lên: “Với ông ấy, bạn có cảm giác như lần đầu tiên mình được nghe những điều mà lẽ ra bạn đã phải thuộc lòng một cách xuyên suốt”. Còn với Weidringer (Die Presse): “Những cách diễn giải của Kirill Petrenko được thúc đẩy từ sự kết hợp rõ ràng giữa kiến thức lịch sử, trí tuệ tiếp thu và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là năng lượng tinh khiết. Khả năng tạo ra âm thanh nhẹ nhàng, đầy màu sắc và trong suốt của những bản nhạc phức tạp và nhiều nhạc cụ của ông thật xuất sắc”.

Trong danh sách có hai nhạc trưởng kỳ cựu là Riccardo Muti (82 tuổi), giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony Orchestra và vô cùng bất ngờ là Herbert Blomstedt (96 tuổi), người giành được vị trí thứ ba dù không còn là nhạc trưởng chính của bất kỳ dàn nhạc nào. Một điều đáng ngạc nhiên là Nézet-Séguin, người đang nắm giữ cương vị giám đốc âm nhạc của của Philadelphia Orchestra và Metropolitan Opera House, người có những hoạt động mạnh mẽ trong những năm vừa qua, chỉ tiến một bậc từ thứ chín lên thứ tám trong khi Pappano, người đang nắm giữ cương vị tương tự tại Royal Opera House và Orchestra dell’Accademia Nazionale di Santa Cecilia cũng như sắp trở thành nhạc trưởng chính của London Symphony Orchestra (từ năm 2024) có sự tiến bộ mạnh mẽ lên vị trí thứ tư. Mäkelä (27 tuổi), nhạc trưởng người Phần Lan là đại diện cho giới trẻ. Anh đang là giám đốc âm nhạc tại Oslo Philharmonic và Orchestre de Paris đồng thời đang là đối tác nghệ thuật chính của Royal Concertgebouw Orchestra và sẽ nắm giữ cương vị nhạc trưởng chính của dàn nhạc này từ mùa diễn 2027-2028. Nhạc trưởng đồng hương của Mäkelä, Salonen, người được kính trọng ở cả hai bên bở Đại Tây Dương cũng có sự thăng tiến từ vị trí thứ tám lên thứ năm. Trong khi Thielemann, nhạc trưởng chính của Dresden Staatskapelle và sẽ thay thế Barenboim tại Berlin State Opera từ năm 2024, giữ nguyên vị trí thứ mười của mình.

Không có một nữ nhạc trưởng nào nằm trong bảng xếp hạng dù rằng có bảy người đã nhận được ít nhất một đề cử. Susanna Mälkki (thứ 12) và Joana Mallwitz (thứ 14) là những người gần nhất trong danh sách. Họ đều có những hoạt động âm nhạc rất tích cực trong những năm vừa qua. Rất có thể, trong cuộc bình chọn tiếp theo, sẽ có một chỉ huy nữ nằm trong danh sách 10 nhạc trưởng vĩ đại nhất thế giới. Thế giới âm nhạc cổ điển đang phát triển nhưng sự thay đổi không thể xảy ra chỉ sau một đêm.

Danh sách các nhà phê bình nằm trong hội đồng bình chọn năm 2023:

Tiến sĩ Eleonore Büning (Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, Đức), Neil Fisher (The Times, Anh), Arthur Kaptainis (Classical Voice, Canada), Joshua Kosman (San Francisco Chronicle, Mĩ), Fiona Maddocks (The Observer, Anh), Serge Martin (Le Soir, Bỉ), Alberto Mattioli (La Stampa, Ý), Peter McCallum (Sydney Morning Herald, Australia), Christian Merlin (Le Figaro, Pháp), Guido van Oorschot (De Volkskrant, Hà Lan), Pablo L. Rodríguez (El País, Tây Ban Nha), Alex Ross ( The New Yorker, Mĩ), Mark Swed (Los Angeles Times, Mĩ), Markus Thiel (Merkur, Đức), Walter Weidringer (Die Presse, Áo).

Danh sách 10 dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới năm 2015:

1. Berlin Philharmonic.
2. Royal Concertgebouw Orchestra.
3. Vienna Philharmonic.
4. Leipzig Gewandhaus Orchestra.
5. Chicago Symphony Orchestra.
6. London Symphony Orchestra.
7. Berlin Staatskapelle.
8. Dresden Staatskapelle.
9. Boston Symphony Orchestra.
10. Bavarian Radio Symphony Orchestra.

Danh sách 10 nhạc trưởng xuất sắc nhất thế giới năm 2015:

1. Riccardo Chailly.
2. Sir Simon Rattle.
3. Mariss Jansons.
4. Andris Nelsons.
5. Riccardo Muti.
6. Daniel Barenboim.
7. Kirill Petrenko.
8. Esa-Pekka Salonen.
9. Yannick Nézet-Séguin.
10. Christian Thielemann.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY