Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànProkofiev: Giao hưởng số 5

Prokofiev: Giao hưởng số 5

Tác giả: Ngọc Tú (tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Sergei Prokofiev.
Tác phẩm: Giao hưởng số 5 giọng Si giáng trưởng, Op. 100
Thời gian sáng tác: Năm 1944.
Công diễn lần đầu: Ngày 13/1/1945 tại Phòng hoà nhạc lớn Nhạc viện Moscow với USSR State Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của chính tác giả.
Độ dài: Khoảng 42 phút.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Andante (giọng Si giáng trưởng)
Chương II – Allegro marcato (giọng Rê thứ)
Chương III – Adagio (giọng Pha trưởng)
Chương IV – Allegro giocoso (giọng Si giáng trưởng)
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, English horn, 3 clarinet, bass clarinet, 2 bassoon, contrabassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, triangle, bass drum, snare drum, cymbals, tambourine, wood block, tam-tam, piano, harp và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Mùa hè năm 1944, quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong Thế chiến thứ hai. Tình thế ngày một trở nên có lợi cho quân Đồng minh. Phát xít Đức dần dần bị đẩy lùi xa khỏi biên giới Liên Xô. Cũng trong thời điểm này, tại thành phố Ivanovo, cách Moscow khoảng hơn 250 km về phía đông bắc, trong “ngôi nhà dành cho sự nghỉ ngơi và sáng tạo”, trên một điền trang cũ của giới quý tộc với khung cảnh yên bình rất thích hợp cho việc sáng tác, Prokofiev đang hoàn thành bản Giao hưởng số 5 của mình. Ông tỏ ra rất yêu thích bầu không khí tại đây: “Căn phòng họ dành cho chúng tôi lớn và yên tĩnh. Đồ ăn thức uống rất tuyệt vời. Đặc biệt hơn cả là khu rừng với những chiếc lá non tươi tốt”.

15 năm trôi qua kể từ khi Prokofiev sáng tác Giao hưởng số 4. Đã có rất nhiều sự thay đổi. Bản giao hưởng số 5 được Prokofiev sáng tác khá nhanh, chỉ trong vòng khoảng một tháng. Tuy nhiên, một số ý tưởng âm nhạc đã xuất hiện từ trước đó khá lâu. Chủ đề chính của chương II là một vũ khúc bị loại bỏ khỏi vở ballet Romeo và Juliet còn chủ đề trữ tình trong chương III là từ âm nhạc mà ông viết cho bộ phim Con đầm pích dựa trên tác phẩm của đại thi hào Pushkin nhưng bị huỷ bỏ do chính sách liên quan đến thẩm mỹ và văn hoá được thay đổi vào cuối những năm 1930. Prokofiev nói về bản giao hưởng mới của mình: “Tôi nghĩ nó là một tác phẩm tôn vinh phẩm giá của con người. Tôi muốn hát về nhân loại tự do và hạnh phúc của: sức mạnh, phóng khoáng và sự tinh khiết trong tâm hồn”. Dường như ông đang làm chính xác những gì được chính quyền Liên Xô mong đợi vào thời điểm đó: tạo ra tác phẩm nghệ thuật phù hợp với xã hội và dễ tiếp cận. Có thể hiểu được rằng công chúng sẽ nhận thấy thứ âm nhạc hoành tráng và hấp dẫn này như một dấu hiệu hy vọng cho tương lai. Dễ dàng nhận thấy Prokofiev không đề cập đến cụm từ chiến tranh nhưng vì bối cảnh ra đời của tác phẩm nên bản nhạc này thường được gọi là “bản giao hưởng chiến tranh”. Tính chất của cuộc chiến dễ nhận thấy hơn trong các bản giao hưởng số 7 và 8 của Shostakovich với chất anh hùng ca và sự kinh hoàng hiện hữu. Còn trong tác phẩm này, âm nhạc mang nhiều màu sắc của ballet và opera hơn.

Buổi ra mắt bản giao hưởng vào ngày 13/1/1945 tại Phòng hoà nhạc lớn Nhạc viện Moscow là một sự kiện rất được mong đợi. Hầu như tất cả những thành viên quan trọng nhất trong giới âm nhạc Moscow khi đó đều có mặt. Tâm trạng của mọi người đều vô cùng hưng phấn vì Hồng quân Liên Xô đang có những cuộc phản kích oanh liệt và giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Sviatoslav Richter cũng có mặt trong buổi hôm đó, kể lại: “Tôi ngồi ở hàng ghế thứ ba hoặc thứ tư. Khán phòng vẫn sáng như thường lệ nhưng khi Prokofiev đứng đó, ánh sáng dường như đổ xuống ông từ trên cao. Ông đứng đó như một bức tượng trên bệ đá. Khoảnh khắc sau đó, ông bước lên bục chỉ huy và sự im lặng bao trùm cả sân khấu, bỗng một loạt tiếng pháo bất ngờ vang lên từ xa. Đũa chỉ huy của ông vẫn giơ cao. Ông đợi cho những tiếng đại bác kết thúc trước khi bắt đầu. Có một cái gì đó vô cùng quan trọng, một điều gì đó mang tính biểu tượng trong việc này. Như thể khoảnh khắc này đã ghi dấu bằng những đường nét trong cuộc sống của những người có mặt, kể cả Prokofiev”. Loạt đại bác làm trì hoãn buổi biểu diễn hôm đó báo hiệu rằng Hồng quân đã bắt đầu vượt qua Vistula để tiến vào nước Đức. Đối với người dân Liên Xô, nó đánh dấu việc họ giành lại đất nước. Điều tương tự cũng có thể được nói đối với Prokofiev. Bản Giao hưởng số 5 là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông kể từ khi ông trở về Liên Xô vào năm 1936, sau khoảng 15 năm sống ở châu Âu và châu Mỹ. Trong tác phẩm này, ông đã tiếp cận với đông đảo khán giả quê nhà với một trình độ nghệ thuật cao. Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng Prokofiev xuất hiện trước công chúng trong vai trò nhạc trưởng. Sau đó ông bị ngã và sức khoẻ không bao giờ được hồi phục như trước.

Phân tích

Chương I

Chương I là một khúc Andante được viết theo hình thức sonata. Bản giao hưởng mở đầu khá đơn giản, với một giai điệu trữ tình trên flute và bassoon. Prokofiev là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất thế hệ trong việc tạo ra những giai điệu đẹp và trong bản giao hưởng này đầy ắp những nét nhạc như vậy. Một giai điệu đi lên đầy rung động trên cello và double bass dẫn tới chủ đề hai nhẹ nhàng, tương phản trên flute và oboe. Một chủ đề cuối cùng sau đó xuất hiện trên violin và kèn đồng, với sự phụ hoạ mang tính vũ khúc của bè dây. Chủ đề mở đầu trở lại trên double bass và cello dưới dạng phân mảnh và tái hợp và được tạo ra để tương tác với nhau. Sau phần phát triển trữ tình nhưng dữ dội, chủ đề đầu tiên lại xuất hiện trong trumpet. Các giai điệu khác cũng được tái hiện dẫn tới một cái kết hoành tráng nhưng ẩn chứa những điềm gở, được dựa trên giai điệu mở đầu.

Chương II

Chương II là một scherzo nhanh, điên cuồng, đầy tính hài hước mỉa mai đặc trưng của Prokofiev. Chất liệu âm nhạc được lấy từ phần ông đã loại ra khỏi vở ballet Romeo và Juliet. Âm nhạc nhiều đường nét ngoằn nghèo khó lường, tựa như dàn nhạc đang tham gia trong trò chơi mèo đuổi chuột. Phần giữa tương phản xuất hiện với một giai điệu trữ tình trên bè kèn gỗ. Sau đó, phần trở lại của scherzo thật tuyệt vời, âm nhạc được chơi với cường độ tăng dần, giai điệu trở nên đáng sợ với âm nhạc ngày càng to và nhanh hơn.

Chương III

Chương III là một khúc adagio đầy trầm tư mặc tưởng, chậm và sâu sắc. Mở đầu là một giai điệu dài, hoà quyện trong kèn gỗ trước khi bay vút lên trong dàn dây. Những giai điệu đột ngột dâng lên trong các nốt cao nhất của violin mang đầy tính biểu cảm. Một giai điệu mới, khẩn cấp xuất hiện trên bè dây thấp hơn với phần đệm từ piano mở ra một giai điệu khác còn đáng ngại hơn trên bassoon và trumpet đặc trưng với những đoạn trill giống như những hồi trống cuộn lên gợi nhắc đến phong cách của cuộc diễu hành trong tang lễ. Các giai điệu này xung đột với nhau, ngày càng trở nên dữ dội. Sau khi bùng nổ mạnh mẽ, một phiên bản cao vút, tinh tế của chủ đề trữ tình đầu tiên trở lại.

Chương IV

Chương IV bắt đầu với một cuộc đối thoại giữa các phần của dàn nhạc gợi nhớ lại phần mở đầu của bản giao hưởng. Sau đó clarinet độc tấu bắt đầu một chủ đề nhanh nhẹn, sôi nổi. Giai điệu này xen kẽ với các phần tương phản và nhiều ý tưởng từ các chương nhạc trước đó xuất hiện trở lại. Bản giao hưởng lên đến cao trào trong một coda hoang dã và rực rỡ, trong đó những nét nhạc xa lạ, như tiếng động cơ của một cỗ máy được lặp lại liên tục cắt ngang chủ đề chính. Sau tất cả những gì hùng tráng được nghe cho đến lúc này, kết cấu đột ngột chuyển sang âm nhạc thính phòng, với các nghệ sĩ độc tấu của dàn dây, bộ gõ, piano và harp điên cuồng chiếm giữ sân khấu trước khi hợp âm cuối cùng hấp dẫn vang lên trong toàn bộ dàn nhạc.

Richter cho biết rằng chính Prokofiev coi đây là tác phẩm xuất sắc nhất của mình. Còn Prokofiev thì cho biết: “Tôi không thể nói rằng tôi đã cố tình chọn chủ đề này. Nó được sinh ra trong tôi và khao khát được bộc lộ. Âm nhạc lớn lên trong tôi. Nó tràn ngập tâm hồn tôi”. Bản giao hưởng không chỉ được đón nhận trong nước mà còn trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Ngay sau khi Serge Koussevitzky chỉ huy tác phẩm cùng Boston Symphony Orchestra trong lần ra mắt tác phẩm tại Mỹ vào ngày 9/11/1945, ảnh của Prokofiev đã được chọn làm bìa cho tạp chí Time số mới nhất. Trên tạp chí có đăng kèm lời nhận xét của Koussevitzky: “[Bản giao hưởng thứ 5] là sự kiện âm nhạc vĩ đại nhất trong rất nhiều năm. Tuyệt vời nhất kể từ Brahms và Tchaikovsky! Nó thật là lộng lẫy! Nó là ngày hôm qua, nó là ngày hôm nay, nó là ngày mai”.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY