Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềYêu cầu dừng sử dụng các tác phẩm của  Ngô Thụy Miên...

Yêu cầu dừng sử dụng các tác phẩm của  Ngô Thụy Miên trong chương trình “Tình khúc Ngô Thụy Miên – Mắt biếc” 

Tác giả: Hải Anh
Liên quan đến quyền tác giả âm nhạc, bà Ngô Mai Hà (em gái của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) – người đại diện hợp pháp của chủ sở hữu tác phẩm – cho biết đã gửi đơn đề nghị tới Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty TNHH Vàng Son Một Thuở dừng sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên để biểu diễn trong chương trình “Tình khúc Ngô Thụy Miên – Mắt biếc”, vào ngày 12/08/20223 khi chưa có sự cho phép bằng văn bản của bà hoặc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
ngo-thuy-mien-1691589986.jpg
 

Trong đơn đề nghị gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hà Nội vào ngày 04/08/2023, Bà Ngô Mai Hà viết: “Tôi là đại diện của tác giả: Ngô Quang Bình (bút danh: Ngô Thụy Miên), làm đơn này đề nghị Quý cơ quan một việc như sau: Tác giả Ngô Thụy Miên là chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác – là tài sản trí tuệ thuộc sở hữu hợp pháp của tác giả Ngô Thụy Miên. Tuy nhiên, tôi được biết, ngày 12/8/2023, Công ty TNHH Vàng Son Một Thuở sẽ tổ chức chương trình: “Tình ca Ngô Thụy Miên – Mắt biếc”, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên, nhưng chưa được sự cho phép và thực hiện trả tiền bản quyền cho tôi – đại diện của tác giả Ngô Thụy Miên hoặc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả đã được tôi ủy quyền khai thác, quản lý, cấp phép và thu tiền bản quyền các tác phẩm âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên. Vì vậy, để đảm bảo tài sản âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên được sử dụng hợp pháp, kính đề nghị các quý cơ quan chức năng yêu cầu Công ty TNHH Vàng Son Một Thuở dừng sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên để biểu diễn trong chương trình “Tình khúc Ngô Thụy Miên – Mắt biếc”, vào ngày 12/08/20223 khi chưa có sự cho phép bằng văn bản của tôi hoặc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam”.

Đồng thời, cùng với nội dung này, bà Ngô Mai Hà đã gửi đơn trực tiếp đến Công ty TNHH Vàng Son Một Thuở. Trong đơn đề nghị bà Ngô Mai Hà cũng nhấn mạnh rằng: “Để đảm bảo tài sản âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên được sử dụng hợp pháp, tôi kính đề nghị Quý Công ty không biểu diễn tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nếu không được sự cho phép bằng văn bản của tôi hoặc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trước khi chương trình “Tình ca Ngô Thụy Miên – Mắt biếc” diễn ra ít nhất 05 ngày làm việc (tức là trước ngày 07/08/2023).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển, bà Ngô Mai Hà cho biết: “Ngay sau khi nhận được thư yêu cầu của tôi, cô Châm – Vàng Son Một Thuở – có gọi điện và nhắn tin cho tôi và đưa ra cái giá là 40 triệu đồng, nhưng tôi đã khẳng định: Tác giả Ngô Thụy Miên và Gia đình đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) làm đại diện, nên mọi việc Châm phải trao đổi trực tiếp với Trung tâm. Mặc dù tôi có nhận được rất nhiều tin nhắn sau đó, nhưng tôi không trả lời vì mọi việc tôi đã ủy quyền cho VCPMC rồi. Nói tới nói lui mệt lắm. Gia đình đã ủy thác nên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có toàn quyền quyết định việc này. Tôi nghĩ cũng không thể buông lỏng để các đơn vị tổ chức biểu diễn lộng quyền vì còn nhiều tác giả khác nữa”.

don-co-ha-gui-so-1691590419.jpg
 

Luật Sở hữu trí tuệ tại khoản 2 Điều 20 đã quy định rõ như sau: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả…”.

Còn tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ: “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm.

Theo Điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định “Tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật chịu trách nhiệm: Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan”.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc “xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Đồng thời, việc xác định yếu tố xâm phạm “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” tại điểm e khoản 1 Điều 66 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 đã có quy định cụ thể như sau: “Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: Biểu diễn, đọc, trưng bày, triển lãm, trình chiếu, trình diễn tác phẩm tại nơi công cộng hoặc nơi bán vé, thu tiền vào cửa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật…”.

Như vậy, theo như đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng và những gì mà đại diện gia đình nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trả lời phóng viên, thì tới thời điểm hiện tại đến 21h ngày 09/08/2023, phía gia đình cũng như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi từ Công ty TNHH Vàng Son Một Thuở.

Việc sử dụng tác phẩm âm nhạc mà không xin phép, trả tiền bản quyền là hành vi xâm phạm quyền tác giả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả cần phải lên án./. 

(https://vanhoavaphattrien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

MÊNH MANG TRỜI CHIỀU

MÙA HOA TRỞ LẠI

Hát Giang trường hận

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY