Thứ Sáu, Tháng Năm 10, 2024

Ta về ta tắm ao ta

Tác giả: Văn Đoàn

“Bây giờ hãy xem, cũng điệu Hát Sắp này, thể thơ vẫn là lục bát bắt vần giống nhau, nhưng chỉ khác là từ thứ hai và sáu câu 6, hai thanh bằng không cùng thanh bằng ngang, nên đã tạo cho âm kết câu của bài hát sinh động hẳn lên mà không bị lặp lại như bài hát trước.  Lời thơ: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Đó là một đoạn trích ở ngay chương mở đầu, chương “Nhân tố khởi đầu của nhạc”, trong cuốn sách “Thanh điệu tiếng Việt và Âm nhạc cổ truyền” của cố nhạc sĩ, nhạc sư Hoàng Kiều. Tại sao tôi lại dẫn đoạn trích này để mở đầu cho bài viết này? Đơn giản thôi, nó chính là một “ký ức mạng” của tôi cách nay đúng 5 năm. Hôm ấy, tôi sang nhà anh Đức Trí, anh tặng tôi hai cuốn sách

Ta về ta tắm ao ta -0

Thứ nhất là cuốn “Thus Spoke Zarathustra” bằng tiếng Anh. Cuốn kia là cuốn được trích ở trên. Anh Trí có ghi đề tặng là “Sách hay. Gửi tặng chú Minh”. Tôi lập tức chụp lại hai trang đề tặng đó đăng lên facebook và gắn thẻ nhạc sĩ Giáng Sol vào bài đăng. Tại sao tôi lại gắn thẻ chị Giáng Sol? À, chị là ái nữ của nhạc sĩ, nhạc sư Hoàng Kiều.

Những cuốn sách như “Thanh điệu tiếng Việt và Âm nhạc cổ truyền” ở Việt Nam mình vốn không thiếu nhưng cái thiếu là thiếu những người tìm đọc chúng, nhất là những người trẻ. Bởi thế, những đầu sách như thế không được tái bản nữa. Người làm sách có quan tâm tới phát triển và bảo tồn văn hoá không? Có chứ. Nhưng họ còn quan tâm đến cả doanh thu và lợi nhuận nữa, thậm chí là quan tâm hơn. Thế nên cái gì bán không chạy sẽ phải xếp vào kho và không được tái bản thêm. Rồi những người muốn tìm đọc (hiếm hoi) thì vất vả không xoay đâu ra đầu sách mình muốn còn những người lẽ ra cần phải đọc chúng thì lại tự đánh mất cơ hội của chính mình và rất có thể cả quãng đời còn lại của họ, họ không hề biết thêm được những kiến thức thú vị như vậy.

Trong một chuyến bay trở về TP Hồ Chí Minh cách đây chưa lâu, khi đứng chờ lấy hành lý, tôi đã có cảm giác kỳ dị vô cùng khi chứng kiến ba cha con người Việt nói chuyện với nhau. Người cha chắc nhỏ hơn tôi vài tuổi còn hai cậu con trai sàn sàn nhau, chắc 8-9 tuổi gì đó. “No, it’s not ours. I will let you know when your bags coming” (Không, đó không phải là hành lý của mình. Ba sẽ báo con khi túi của con chạy tới), người cha nói như thế và hai cậu con trai thì cũng nói với nhau bằng tiếng Anh rất trôi chảy. Đầu tiên, tôi nghĩ chắc họ là người Singapore nhưng đến khi người cha nói chuyện với bạn đi cùng của anh ta bằng thứ tiếng Việt đậm chất Sài Gòn, tôi mới hình dung ra một bối cảnh. Có thể đó là 2 cậu bé con nhà khá giả, được học trường quốc tế từ bé nên nói tiếng Anh rất tốt. Và tôi khẳng định hơn hình dung của mình khi được nghe cách hai cậu nói chuyện với bạn của ba mình bằng tiếng Việt, một thứ tiếng Việt lơ lớ với cách dùng từ khá kỳ dị.

Chúng ta đã nhiều năm qua bồi đắp một thế hệ trẻ xa rời dần tiếng Việt, gần hơn với tiếng Anh với suy nghĩ rằng giỏi ngoại ngữ lớn lên dễ kiếm việc, dễ tiếp xúc thế giới bên ngoài, dễ tiếp cận khoa học kỹ thuật hơn. Đúng là giỏi một ngoại ngữ là điều tiên quyết đối với thế hệ trẻ Việt Nam nếu muốn phát triển. Thậm chí, tôi còn khuyên khá nhiều người trẻ rằng việc giỏi tiếng Anh đã trở nên bình thường trong xã hội rồi, nên giỏi thêm 1 ngoại ngữ khác nữa. Song, tôi cũng luôn nhắc những người thân trẻ tuổi của mình rằng điều quan trọng nhất là giỏi tiếng Việt. Tôi phân tích, nếu một hãng nước ngoài cần 1 nhân viên giỏi tiếng Anh, họ không cần chọn người Việt làm gì. Họ cần nhân viên người Việt vì trước hết, đó là những người hiểu được văn hóa Việt và biết cách giao tiếp với người Việt. Vì thế, tiên quyết hơn cả điều tiên quyết kể trên phải là thành thục tiếng Việt cái đã.

Ta về ta tắm ao ta -0

Cách nay vài hôm, trên trang cá nhân của mình, tôi có đăng tải một gợi ý với cộng đồng Rap Việt Nam rằng “nên chăng Việt hóa trong khả năng có thể các thuật ngữ nhạc Rap sang tiếng Việt để Rap dễ phổ cập hơn”. Ngoài gợi ý đó, tôi có kể câu chuyện thế hệ chúng tôi, mà điển hình là nhạc sĩ Đức Trí, đã luôn nỗ lực Việt hóa các thuật ngữ âm nhạc khác hoặc tập thói quen dùng các thuật ngữ bằng tiếng Việt đã được thế hệ cha anh dịch ra rất hay trước đó. Ví dụ như trong một đoạn nhạc (tiếng Anh gọi là Section), chúng tôi dùng “câu nhạc” thay cho “Sentence”; dùng “tiết nhạc”, “vế nhạc” thay cho “phrase”; dùng “nét nhạc” thay cho “motif” và “âm hình” thay cho “figure”. Trong bài đăng của tôi, tôi cũng đưa ra ví dụ cho các bạn cộng đồng Rap tham khảo. Điển hình như từ “angle” trong thuật ngữ Rap, vốn được định nghĩa là “một phương pháp khẩu chiến trong các cuộc Rap đối đầu” (a method of verbal attack in Rap battles), tôi gợi ý là “khẩu chiến pháp”. Hoặc như từ “flow” mà các Rapper quen dùng, tôi gợi ý dùng bằng “mạch rap”… Và kết quả tôi nhận được là gì? Rất nhiều công kích. Khá nhiều ý kiến phản ứng cho rằng “không thể dịch được đâu”. Và một số rất ít những ý kiến ủng hộ. Thực sự, tôi buồn.

Tôi không buồn khi bị chỉ trích, bị công kích mà tôi buồn vì sự lệ thuộc đến dễ dãi của những người trẻ vào những thuật ngữ tiếng Anh. Tất cả chúng ta đều hiểu, ở những chuyên ngành khác, có nhiều từ chuyên môn không thể, hoặc chưa thể, dịch ra tiếng Việt một cách dễ hiểu nhất, đủ ý nhất, chúng ta vẫn chấp nhận dùng tiếng nước ngoài và nếu lâu dần, từ vựng nước ngoài ấy nếu được chấp nhận rộng rãi, nó sẽ được bổ sung vào như một từ ngoại lai trong tiếng Việt. Nhưng nếu như những từ chuyên môn có thể dịch được sang tiếng Việt, ví dụ như từ “combined cycle” trong công nghiệp sản xuất điện chẳng hạn (được dịch là “chu trình hỗn hợp”), các chuyên gia luôn sẵn lòng dùng tiếng Việt như một khái niệm mới mẻ, bởi chúng sẽ dễ phổ cập hơn. Đó chính là một điểm của  hòa nhập mà không hòa tan. Còn giới trẻ thời thượng hiện nay thì sao? Tại sao họ lại dễ dãi chấp nhận thỏa hiệp với sự hòa tan đến vậy?

Là bậc cha mẹ, chúng ta hẳn quá vui khi thấy con mình tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh trôi chảy với người nước ngoài, xem phim tiếng Anh mà không cần phụ đề, đọc sách tiếng Anh một cách dễ dàng. Nhưng chúng ta có buồn không khi chúng cảm thấy khó khăn khi biểu đạt một điều gì đó bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi không biết các bậc mẹ cha khác thì như thế nào nhưng với riêng mình, khi chứng kiến những đứa trẻ thân thuộc với mình khó nói bằng tiếng Việt nhưng quá thành thạo tiếng Anh, tôi cảm thấy như có một phần nào đó trong mình đang mất đi vĩnh viễn không thể nào tái hồi lại nữa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu giai điệu tuyệt đẹp của Giáng Sol được một đứa trẻ phổ lời tiếng Anh thay vì Giáng Sol đưa nó cho Nguyễn Vĩnh Tiến để phổ thành “Giấc mơ trưa”. Sẽ không có “một tiếng chuông chùa” ở câu kết, với một gợi nhớ đồng quê vời vợi. Sẽ không có một bản “hit” thực sự (à, cái từ “hit” này đúng là khó dịch ra tiếng Việt một cách đẹp và đủ ý, ngắn gọn, súc tích thật) bởi trong dòng chảy giai điệu đầy ngũ cung dân gian kia (mà những người chuộng tiếng Anh hay nói là “pentatonic” cho sang miệng?) khó có thể có một ngôn ngữ nào ăn nhập với nó đến nhuần nhuyễn như là nhất thể. Nếu như tiếng Việt là cái ao thì những nốt nhạc trong giai điệu của “Giấc mơ trưa” giống như những con cá nhỏ và nó được tung tăng trong cái ao ta ấy thay vì trong một bể kính bức bối nào.

Tôi có sai không khi khơi gợi cho những người trẻ quay trở về với cái ao nhà “dù trong dù đục vẫn hơn”? Tôi không biết nữa nhưng tôi sẽ vẫn kiên nhẫn với việc mình theo đuổi bao lâu nay rồi. Tôi trân trọng từng thanh sắc của tiếng mẹ đẻ, giống như một lần tôi từng nói với một người bạn nước ngoài khi bạn ấy bảo “tiếng Việt khó nói quá”. Tôi chỉ dẫn cho bạn ấy bằng ví dụ hai chữ “ma” và “má”. Tôi yêu cầu bạn ấy hát hai tiếng “mama” ở hai nốt nhạc có cao độ khác nhau. Và tôi nói “trong tiếng Việt có âm nhạc nên do đó, bạn hãy nghĩ đến việc phải hát như thế nào thì bạn sẽ thấy nói tiếng Việt không hề khó chút nào”. Kết quả là bạn đó cười ngạc nhiên, thích thú và kết luận “Tiếng Việt thực ra quá là thú vị”.

Lục lại ký ức mạng hôm nay, nhìn vào hiện tại này, tôi chỉ mong ước rằng đừng bạn trẻ nào sau này phải quay lại nhìn tiếng Việt như một ký ức đã mờ. Tiếng Việt, nó chính là thứ cấu thành người Việt.

(Nguồn: https://cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY