Thông tin chung

Tác giảRobert Schumann
Tác phẩm: Concerto piano giọng La thứ, Op. 54
Thời gian sáng tác: Tháng 5/1845.
Công diễn lần đầu: Tác phẩm được biểu diễn tại Dresden vào ngày 4/12/1845 với Clara Schumann độc tấu piano và Ferdinand Hiller chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 30 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nhà soạn nhạc, nhạc trưởng người Đức Ferdinand Hiller.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro affettuoso (La thứ)
Chương II – Intermezzo: Andantino grazioso (Pha trưởng)
Chương III – Allegro vivace (La trưởng)
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Có thể nói, trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Schumann có thói quen tập trung sáng tác một thể loại cụ thể trong một thời gian dài, khám phá mọi khía cạnh của chúng rồi mới chú tâm vào một thể loại khác. Ông đã cống hiến hết mình với các tác phẩm dành cho piano độc tấu trong những năm 1830 rồi chuyên sâu vào lied trong năm 1840 trước khi thử sức mình trong thể loại giao hưởng (trong năm 1841) và rồi mê đắm trong âm nhạc thính phòng, thứ đã chiếm lĩnh ông từ năm 1842 (khởi đầu bằng 3 tứ tấu đàn dây) cho đến năm 1847 (với 2 tam tấu piano đầu tiên) nổi bật với 2 tuyệt tác xuất sắc: Ngũ tấu piano, Op, 44 và Tứ tấu piano, Op. 47 (tất cả đều được, một sự kết hợp hoàn hảo giữa những thành tựu trước đó trong việc viết cho piano và những khám phá, nghiên cứu mới của nghệ thuật hoà tấu dàn dây).

Bản concerto piano của Schumann được nhà soạn nhạc manh nha chính trong giai đoạn mà sự thích thú của ông chuyển dần từ các bản giao hưởng sang các tác phẩm âm nhạc thính phòng dành cho piano và dàn dây. Có lẽ chúng ta phải cảm ơn Clara vì đã khuyến khích người chồng chưa cưới thử sức trong những tác phẩm có quy mô lớn hơn như giao hưởng, oratorio và concerto. Trong một bức thư ngày 7/1/1839, Clara viết cho Schumann: “Đừng hiểu nhầm nếu em nói với anh rằng em bị cuốn hút với ý tưởng khuyến khích anh sáng tác cho dàn nhạc. Trí tưởng tượng và tâm hồn của anh quá mạnh mẽ so với cây đàn piano yếu đuối.”

Bản thân Schumann coi thể loại concerto như một ngã rẽ. Năm 1839, ông viết cho vợ chưa cưới của mình: “Liên quan đến thể loại concerto, anh chỉ nói với em rằng anh không thể viết một bản concerto để phô diễn kỹ thuật và phải nghĩ về một thứ khác.” Tại thời điểm đó, các bản concerto piano luôn được coi là những tác phẩm nhẹ nhàng để đánh bóng tên tuổi và hầu hết những tác giả của chúng Kalkbrenner, Thalberg, Herz, Pixis và một vài người nữa, đã không còn nằm trong danh mục tác phẩm thường xuyên được biểu diễn. Chỉ có 2 concerto piano của Chopin (1829, 1830) và 2 của Mendelssohn (1831, 1837) là ngoại lệ, khi trong tác phẩm, họ đã cố gắng kết hợp nội dung âm nhạc nghiêm túc với kỳ vọng của khán giả về một màn trình diễn kỹ thuật chói sáng.

Từ năm 1827 đến 1839, Schumann đã bốn lần cố gắng hoàn thành một bản concerto piano nhưng tất cả chỉ đều ở dạng bản thảo. Hành trình tìm kiếm lý tưởng âm nhạc của mình hoạt động như thế nào trong một bản concerto piano bắt đầu một cách nghiêm túc vào tháng 5/1841, khi ông sáng tác Phantasie một chương giọng La thứ cho piano và dàn nhạc. Đây cũng là tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên dành cho piano và dàn nhạc của Schumann. Phantasie được trình diễn 2 lần trong các buổi hoà nhạc có tính chất riêng tư vào tháng 8 cùng năm với Clara (lúc này đã trở thành vợ của Schumann) chơi piano và người bạn của họ Felix Mendelssohn chỉ huy Leipzig Gewandhaus Orchestra. Đó là lần cuối cùng Phantasie vang lên và những cố gắng của Schumann nhằm xuất bản nó đều là vô ích. Tác phẩm chỉ được hồi sinh vào những năm 1960 và khi xuất hiện hiếm hoi trong những buổi biểu diễn, khán giả có thể sẽ rất ngạc nhiên vì chất lượng rất cao của nó.

Phantasie còn truyền cảm hứng đến những điều lớn lao hơn. Trong mùa hè năm 1845, Schumann bắt đầu sửa đổi bản nhạc này thành chương I trong một bản concerto. Nhưng gì ông sáng tạo ra, trên thực tế, không phải là một tác phẩm đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật. Mặc dù những diễn giả vĩ đại sẽ tìm thấy rất nhiều điều để khám phá, nhưng nó không đến từ sự choáng ngợp của bản thân những ngón tay. Những khán giả thời điểm đó sẽ bị sốc khi chứng kiến sự tương tác được mở rộng giữa piano và dàn nhạc. Đây là một bản concerto vô cùng “giao hưởng” khi nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc theo đuổi mục đích được thống nhất của họ. Không thể đánh giá thấp vai trò của Clara trong quá trình sáng tác tác phẩm này. Ngoài việc khuyến khích Schumann thử sức với việc viết cho dàn nhạc, bà còn cung cấp một nguyên mẫu. Bản concerto piano của Clara, cũng ở giọng La thứ, được sáng tác trong khoảng thời gian 1831-1835, được Schumann tham gia phối khí. Hai tác phẩm có nhiều điểm chung hơn giọng của chúng, đều có đoạn dài chuyển sang La giáng trưởng, đối lập chậm hơn ở chương I và Robert đã sử dụng motif 4 nốt nhạc trong chương cuối bản concerto của Clara một cách nổi bật trong phần coda chương I tác phẩm của mình.

Phân tích tác phẩm

Trong thời kỳ trước đó, các bản concerto thường bắt đầu với một phần giới thiệu các ý tưởng âm nhạc chính của chương I bằng dàn nhạc nhưng Schumann đã bỏ qua, ngay từ đầu, tiếng piano đã vang lên, như thể đang ở giữa chương nhạc. Một động thái phù hợp với mục đích của ông khi muốn nhấn mạnh đến sự kết nối giữa piano và dàn nhạc và tính đặc trưng trong cấu trúc chặt chẽ của mọi thứ trong tác phẩm này. Chương I được xây dựng bằng 3 thành phần cơ bản. Phần đầu tiên kịch tính mở màn đầy ấn tượng từ nghệ sĩ độc tấu, phần hai tiếp nối ngay sau với tiếng oboe giới thiệu một giai điệu u sầu dựa trên các nốt nhạc Đô-Si-La, hoặc C-H-A trong hệ thống nốt nhạc bằng tiếng Đức. Theo truyền thống, điều này được diễn giải là một mật mã âm nhạc của cái tên “Chiara”, tên gọi thơ mộng Schumann đặt cho người vợ của mình Clara. Sau khi piano kết thúc chủ đề “Clara”, bè violin giới thiệu chủ đề chính thứ 3: một hình tượng gợn sóng, ru ngủ hoạt động như một cây cầu, với âm lượng tăng dần dẫn đến một đoạn nhạc mạnh mẽ của toàn bộ dàn nhạc. Thay vì dẫn đến một chủ đề mới, tương phản, tuy nhiên sau đó là sự xuất hiện của chủ đề “Clara” nhưng lần này ấm áp, tươi sáng hơn ở giọng Đô trưởng. Piano và kèn gỗ tiếp tục phát triển nó, xây dựng nên một đoạn nhạc lớn, hoành tráng như sự chuyển đổi của chủ đề thứ ba. Khi âm lượng giảm dần, nhịp độ chậm lại, chủ đề mơ mộng “Clara” lại một lần nữa xuất hiện với màn duet của piano và clarinet, lần này ở giọng La giáng trưởng. Đoạn nhạc chậm rãi này kết thúc với sự trở lại dữ dội đầy kịch tính của chủ đề mở đầu tác phẩm. Sau những phát triển xa hơn đầy khao khát của chủ đề “Clara”, phiên bản gốc ban đầu của oboe trở lại và sự tái hiện các ý tưởng ban đầu của chương nhạc bắt đầu. Gần cuối, dàn nhạc ngừng chơi và một đoạn cadenza dành cho nghệ sĩ độc tấu xuất hiện. Với sự phát triển mạnh mẽ của các chủ đề trong chương nhạc, phần cadenza dẫn đến một biến thể cuối cùng của chủ đề “Clara” khi dàn nhạc xuất hiện trở lại.

Trong chương II, một âm thanh rời rạc, mỏng manh dẫn tới chủ đề đầy đam mê, khao khát của bè cello ở giọng Pha trưởng. Âm nhạc mỏng manh ở đầu chương nhạc trở lại. Phần Intermezzo này hoàn toàn không có chỗ cho sự khoe khoang kỹ thuật và nó dường như đến với Schumann sau một suy nghĩ muộn màng. Một sự đơn giản, khiêm tốn lấp đầy chương nhạc, phần mở đầu và kết thúc gợi nhớ lại những “Bài ca không lời” của Mendelssohn, đầy những đường nét đáng nhớ nhưng khép lại rất nhẹ nhàng. Phần giữa của chương nhạc trở nên sống động hơn với bè cello chơi một giai điệu cuồng nhiệt với những tiếng piano trang trí. Hãy tưởng tượng đến những màn múa đôi (pas de deux) trong ballet với cello và piano trong vai trò những vũ công. Phần cuối dẫn đến chủ đề đầu tiên giờ đã quen thuộc và khi âm nhạc dần chìm vào thinh không, đoạn kết kịch tính xuất hiện. Tiếng horn cất lên, như từ xa vọng lại, dẫn trực tiếp đến chương cuối đầy sôi nổi.

Ngày 27/6/1845, Clara đã viết trong nhật ký: “Robert đã thêm một chương cuối tuyệt đẹp vào bản Phantasie giọng La thứ để trở thành một concerto mà tôi muốn chơi vào mùa đông tới. Tôi rất vui về điều đó, vì tôi luôn muốn một tác phẩm xuất sắc từ anh ấy”. Chương III được nối tiếp liền mạch, không ngừng nghỉ (attaca). Chủ đề “Clara” trong chương I quay trở lại trong tiếng clarinet và bassoon, được âm thanh vang vọng từ xa của horn phụ hoạ. Bất ngờ, giai điệu này được biến đổi thành chủ đề chính của chương III, mạnh mẽ, hấp dẫn. Chủ đề chính này xen kẽ với những đoạn chen tương phản, bao gồm cả một chủ đề hành quân lặng lẽ, những đoạn lấp lánh và một phần phát triển theo hình thức fugue. Âm nhạc thổi bùng lên ngọn lửa truyền cảm hứng, đưa bản concerto tới một cái kết đầy nồng nhiệt, phấn khích.

Phản hồi của công chúng

Ngay từ khi ra mắt, bản Concerto piano của Schumann đã chiếm được cảm tình cả từ phía khán giả lẫn các nhà phê bình. Trong ấn bản ngày 31/12/1845, tạp chí Allgemeine musikalische Zeitung đã nhận xét: “Bởi vì, may mắn thay, nó đã tránh được sự đơn điệu của thể loại bằng cách đưa ra, với tình yêu và sự quan tâm lớn, dành chỗ bắt buộc cho dàn nhạc mà không làm giảm vai trò của piano và quản lý rất tốt tới sự liên kết tuyệt đẹp hai phần độc lập với nhau”. Và một lần nữa không thể không kể tới công lao của Clara trong việc phổ biến tác phẩm tới người nghe, theo một cuộc thống kê không chính thức, trong khoảng thời gian từ năm 1845 đến khi bà qua đời năm 1896 có một nửa số buổi trình diễn bản piano concerto này do bà thực hiện.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)