Sergei Sergeyevich Prokofiev sinh vào thứ tư ngày 23/4/1891 (theo lịch Julian cổ là ngày 11/4, lịch này được chính quyền Soviet thay đổi vào năm 1918 cho phù hợp với lịch Gregorian đang được cả thế giới sử dụng), trong một ngôi làng ở Sontsovka nay thuộc Ukraine. Cha của ông, Sergei Alekseevich Prokofiev, là thợ máy nông nghiệp và mẹ của ông, Maria Grigoryevna (sinh tại Zhitkova) là một người phụ nữ có khả năng sư phạm, nhạc cảm sắc bén và kỹ năng piano khá tốt. Bà chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển âm nhạc của Prokofiev lúc còn nhỏ.Bởi nhiều lý do, cậu bé Sergei có một tuổi thơ điền viên, thanh bình, được cha mẹ nâng niu chiều chuộng bởi họ đã từng rất cố gắng để có được một đứa con sau hai lần bất hạnh (hai bé gái đã chết khi còn ẵm ngửa). Trong 13 năm đầu đời ở Sontsovka, Sergei thưởng thức cuộc sống an nhàn của gia đình trong trang viên, được sống đầy đủ dù cha ông chỉ là một người quản lý nông trang đơn thuần.Dù Sontsovka cách xa các thành phố trung tâm là Moscow và St. Peterburg, nhưng Prokofiev không bị cô lập với âm nhạc. Ông đã viết về tuổi thơ của mình: “Khi tôi đi ngủ vào mỗi tối, tôi không bao giờ muốn ngủ ngay. Tôi thích nằm xuống và lắng nghe âm thanh vang từ xa, bản sonata của Beethoven do mẹ tôi chơi. Lần sau là đến các prelude, mazurka và waltz của Chopin. Đôi khi là một khúc nhạc của Liszt – những sáng tác không quá khó. Những nhạc sĩ yêu thích của bà là Tchaikovsky và Rubinstein. Anton Rubinstein đang ở đỉnh cao của danh tiếng và mẹ tôi thì tin chắc rằng ông ấy còn phi thường hơn cả Tchaikovsky. Một chân dung của Rubinstein được treo bên trên chiếc đàn đại dương cầm.” Vậy là hạt giống cho thiên tài âm nhạc của ông đã được gieo mầm. Đàn piano qua những nốt nhạc sẽ ghi dấu lại tâm hồn âm nhạc của ông qua suốt cả cuộc đời.Sergei là một đứa trẻ sớm phát triển tài năng, dù không phi thường như mức độ của Mozart. Mẹ của Prokofiev dạy ông chơi piano từ 5 tuổi và ông đã có những sáng tác đầu tiên: những giai điệu mà được mẹ ông chuyển biên thành “Indian Galop” vượt xa sự non nớt của cuộc dạo chơi trong âm nhạc. Những sáng tác đầu tiên của Prokofiev đã bộc lộ trí tuệ, khả năng hiểu và thiết lập nên các hình thức âm nhạc. Để lại dấu ấn với những dấu vết của hoà âm và giai điệu mang tính cách tân. Cái đã trở thành đặc trưng của Prokofiev sau này. Sự thực là ông đã rất chủ động và suy ngẫm nhiều khi viết những bản nhạc đó. Những bản mà ông gọi là “những con chó nhỏ” đã được ông ghi lại vào trong vở để dùng cho sau này. Ông được mẹ khuyến khích học nhạc song chỉ đưa ra các bài tập theo khuôn khổ từ năm lên 7, còn hầu hết là cha mẹ ông hướng ông vào các lĩnh vực khác như toán học hay các môn khoa học tự nhiên. Người ta không ngạc nhiên khi vì thế mà Prokofiev thích chơi cờ. Ông đã tự học luật chơi cờ năm lên 7 tuổi. Cũng như âm nhạc, cờ là bộ môn đã theo Prokofiev trong suốt cả cuộc đời.Dù ở tỉnh lẻ, nhưng bà Maria Grioryevna vẫn thường xuyên đi thăm họ hàng tại St. Peterburg, bà cũng sớm nhận ra việc cần thiết là phải cho Sergei tiếp cận với các trung tâm văn hoá lớn. Ông bắt đầu đi theo mẹ đi nhiều nơi từ năm lên 8. Thành phố lớn đầu tiên mà ông đến là Moscow năm 1900. Được xem 2 vở opera là Faust của Gounod và Công tước Igor của Borodin. Cả hai đều gây ấn tượng khiến Prokofiev viết vở “Người khổng lồ” khi trở về Sontsovka. Ông cũng viết cả libretto và tổ chức biểu diễn luôn với các thành viên trong gia đình cùng bạn bè vào năm 1901.Sớm nhận ra khả năng của con cũng như giới hạn trong việc dạy piano của mình, bà Maria Grigoryevna thấy con trai mình cần được sự giáo dục tốt hơn nên đã đưa Prokofiev đến St. Peterburg rồi sang Moscow tháng 12/1901. Thu xếp gặp Yuri Nikolayevich Po -người bạn của gia đình đang học ở Nhạc viện. Ông này sau khi cảm nhận được tài năng của Prokofiev đã thu xếp một buổi thử khả năng của câu bé 10 tuổi với nhà soạn nhạc nổi tiếng, giáo sư Sergei Ivanovich Taneyev. Cuối cùng Prokofiev bắt đầu học nhạc nghiêm túc dưới sự hướng dẫn của Reinhold Moritsevich Gliere (1875-1956) – một giáo viên trẻ nhiệt tình được cử đến Sontskova thường xuyên để dạy kèm riêng cho Prokofiev trong suốt mùa hè năm 1903. Khi đó Prokofiev 11 tuổi và đã sáng tác thêm vở opera thứ hai, một giao hưởng 4 chương với sự giúp đỡ của Gliere và khoảng 70 tiểu phẩm piano. Sergei vẫn láu lỉnh và có tính ham vui, ưa thích các câu truyện cổ tích và sự trong sáng của tuổi trẻ – điều sẽ được biểu đạt trong âm nhạc của ông trong suốt cuộc đời.Bất chấp những lời than vãn của ông chồng, bà Maria quyết tâm chuyển hẳn Sergei đến St. Peterburg vào mùa xuân năm 1904 bởi thấy rõ hạn chế về địa lý cách biệt của Sontsovka đối với sự phát triển tài năng của Prokofiev. Lên 13 tuổi, Prokofiev bắt đầu học nhạc chính thức tại St. Peterburg – nơi mà Alexander Glazunov (1865-1936) đang làm giáo sư. Ông đã viết lại: “Cuộc thi đầu khá gây xúc động. Thí sinh trước tôi là một ông đã có râu cằm nhưng chẳng có gì để cho mọi người xem ngoài một bản romance duy nhất thậm chí còn không có phần đệm. Rồi sau đó đến tôi, oằn người mang theo hai túi tài liệu lớn với đủ thứ như 4 vở opera, 2 sonata, 1 giao hưởng và nhiều tiểu phẩm piano có chất lượng khá…” Và Prokofiev được Rimsky-Korsakov, người đứng đầu ban giám khảo, nhận xét : “Đây là cậu học trò yêu quý của tôi!” Prokofiev được nhận vào học, lúc đó là sinh viên trẻ nhất trong lịch sử nhạc viện giữa những người bạn học gấp đôi tuổi mình.Năm 1906 Prokofiev gặp Nikolai Miakovsky, một sinh viên khác lớn hơn cậu 10 tuổi. Họ có vẻ ngoài không hợp nhau lắm, nhưng nhanh chóng trở thành bạn thân bởi mối quan tâm chung đến âm nhạc hiện đại. Thấy nhàm chán và hết ảo tưởng với âm nhạc chuẩn bởi Glazunov và Glinka, những thứ mà cả hai ông đã giành được danh tiếng. Miakovsky và Prokofiev đều cảm thấy chịu ảnh hưởng nhiều từ những nhà soạn nhạc như Max Reger và Alexander Scriabin. Miakovsky và Prokofiev vẫn là bạn của nhau cho đến khi Miakovsky qua đời 40 năm sau đó. Họ đã cùng tổ chức hoà nhạc chung, chơi duet và quan trọng hơn là cố gắng sang tác những tác những tác phẩm mới, Miakovsky rất nhiệt tình ủng hộ chân thành và đưa ra những lời khuyên và phê bình xác đáng cho Prokofiev. Sergei Prokofiev giờ đang là một nhà soan nhạc “năng suất” – quyển vở mà ông ghi lại cẩn thận và tỉ mỉ các giai điệu và bản nhạc ngày càng được mở rộng trong suốt thời gian đi học. Cùng thời gian đó, Prokofiev cũng phát triển kỹ thuật piano của mình. Buổi công diễn quan trọng ngày 18/12/1908 tại St. Peterburg trong “đêm nhạc đương đại” gây được nhiều chú ý của công luận thậm chí cả châu Âu. Những nhân vật được gọi tên trong buổi diễn là Prokofiev, Miakovsky và Stravinsky. Prokofiev đã biểu diễn sáng tác của ông, đáng chú ý nhất là 4 khúc nhạc mà sau này được xuất bản thành Opus 4: Reminiscence, Elan, Despair and DiabolicSuggestions (Hồi ức, Elan, sự tuyệt vọng và những dự cảm ma quái)Vào lúc bấy giờ, mọi con đường âm nhạc đều nằm dưới cái bóng khổng lồ của Mikhail Glinka (1803-1857) và Modest Mussorgsky (1839-1891), trong khi Prokofiev đã sớm nhận thức và xác định con đường riêng cho mình, bằng những tìm tòi phá cách với một thái độ thách thức công khai và bởi thế mà cậu sinh viên trẻ thường xuyên bị nhắc nhở, góp ý bằng thái độ không hài lòng bởi các giáo viên trong trường. Prokofiev bất chấp tất cả và bởi tính kiêu ngạo, dần dần khẳng định thiên hướng… thích gây sốc cho giáo viên và bạn bè. Do đó mà Prokofiev được gắn với cái tên “cậu bé khó chịu” – một biệt danh mà Prokofiev thậm chí còn cảm thấy thích thú. Trong suốt quá trình học tập tại nhạc viện, Prokofiev thường gây ác cảm cho các giáo viên trong trường, điểm môn sáng tác của Sergei chỉ đủ qua, và chỉ gây được thiện cảm đối với giảng viên môn piano và chỉ huy của cậu. Năm 1909, trong một buổi kiểm tra của Prokofiev, Glazunov đã viết nhận xét: “Kỹ thuật được chuẩn bị vượt quá sự hoàn hảo, giải thích độc đáo, sáng tạo nhưng không được phù hợp lắm với cảm nhận chung”. Prokofiev hoàn thành khóa học sáng tác năm 1909, sau đó tiếp tục học piano và chỉ huy dưới sự hướng dẫn của Anna Episova và Nikolai Tcherepin từ năm 1909 đến năm 1914. Dù không được các các giáo viên khuyến khích song Prokofiev vẫn sáng tác theo cách riêng. Trong suốt thời gian này các tác phẩm cá tính toả sáng trên cây đàn piano (như Piano concerto số 1 và 2, Toccata Op.11 giọng Rê thứ cùng với những nỗ lực làm chủ hình thức mới (như opera 1 màn Maddalena và vài phác thảo cho dàn nhạc gồm Autumnal (Mùa thu) và Dreams (Những giấc mơ).

Cha của Prokofiev mất vào năm 1910, trước đó dù xa gia đình từ năm lên 5 những Prokofiev vẫn thường xuyên về thăm cha vào mùa hè, điều này cộng với sự không thành công ở các sáng tác giao hưởng đầu tiên khiến năm đó trở thành một năm u ám với Prokofiev.Thời điểm nhạy cảm với nhiều sự kiện này, đã gợi hứng cho Prokofiev tạo lập lại danh tiếng như một nhà soạn nhạc cho piano. Piano concerto số 1 được nhạc sĩ xem là biểu hiện ít nhiều của sự trưởng thành trong ý đồ và quan niệm sáng tác. Tác phẩm đã được công diễn ngày 7/8/1912 tại Sokolniki, ngoại ô Moscow. Phản ứng của công chúng mang nhiều tín hiệu lạc quan trong khi giới phê bình thì chỉ trích gay gắt. Thậm chí 6 năm sau, khi bản nhạc được diễn lần đầu ở Mỹ , nhà phê bình James Gibbons Huneker của tờ New York Times đã nhận xét: “Piano concerto số 1 của Prokofiev chỉ có một chương nhưng trong đó pha trộn nhiều âm điệu và những tiếng động khó hiểu, tối nghĩa… hình ảnh ập tới đầu tiên – khó có thể xem là một chủ đề – và sau đó được dàn nhạc nhắc đi nhắc lại dưới nhiều biến điệu vô sắc khác nhau, phần piano toàn là những tiếng la hét, rên rỉ và rú rít và ở vài trường hợp dường như là tiếng đập đàn. Đó là những lúc mà piano ko chỉ gợi lên sự sụp đổ của một đế chế, mà cũng có thể hiểu là những mảnh bát đĩa vỡ bay đi tứ tán ra mọi hướng. Chàng trai cao và khiêm nhường này, sẽ có thể là một Chopin Cossack ở thế hệ tiếp theo. Bạn cảm thấy bật lên một nụ cười quái đản khi đôi tay to lớn của anh, đôi tay của một nhạc công thuộc giống động vật linh trường, vừa xới tung mặt đất sau động tác bât người lên ngọn cây…”

Ngược lại với Rachmaninov và Tchaikovsky bi quan trước các đợt phê bình của công luận, Prokofiev đón nhận chúng một cách dễ dàng. Trong suốt sự nghiệp, Prokofiev có phần chủ động trong việc tạo những cú sốc cho người nghe và các nhà chuyên môn, đẩy cái giới hạn của sáng tác của ông đi xa. Ông hoàn tất Piano concerto số 2 vào năm 1912 và công diễn ở Pavlosk vào ngày 5/9, nó thậm chí còn bị phản đối nhiều hơn bản số 1. Nhà phê bình N. Bernstein đã gọi sáng tác mới này là “…môt mớ tạp âm mà không có gì là bình thường với nền âm nhạc văn minh… phần Cadenza là một ví dụ về sự ko thể chấp nhận được. Chúng như một thứ âm nhạc bừa bãi được tạo nên từ những ý tưởng gàn dở, trống rỗng…” – quả là ở bản số 2, đã xuất hiện những đoạn có tiết tấu chậm, giai điệu bị kéo chảy dài, bất thường trong cách ngắt nghỉ tường phản với những phần chuyển động không ngừng và đầy động lực. Năm 22 tuổi, Prokofiev kết thúc 10 năm học có thể tạm coi là thành công (dù khá ồn ào với nhiều khen chê) với việc giành được giải thưởng mang tên Anton Rubinstein cho sinh viên piano xuất sắc bằng Piano concerto số 1. Ông đã chọn diễn Piano concerto số 1 vì cảm thấy bản số 2 quá xa lạ với môi trường âm nhạc của nhạc viện.

Cùng lúc tốt nghiệp trường nhạc, Prokofiev dành một chút quan tâm tới những chuyển biến về chính trị xã hội đang diễn ra ở nước Nga quê hương ông. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ khi Nga đang mạnh bạo xâm chiếm vùng đông Prussia. Đồng thời cuộc xâm lăng của âm nhạc Nga vào đời sống âm nhạc châu Âu cũng bắt đầu. Igor Stravinsky công diễn vở ballet Chim lửa và Petrouchka ở Paris cùng với ông bầu ballet nổi tiếng là Sergei Diaghilev và gây nhiều tiếng vang với vở Russes khi công diễn ở Paris năm 1909. Prokofiev đã ra nước ngoài vào tháng 6/1914 để tìm hiểu về thành công của Russes, cùng với Stravinsky và những người khác và cũng là để tìm cơ hội chứng tỏ bản thân. Ông gặp Diaghilev ở London năm 1914 và chơi cho ông ta nghe concerto số 2, Diaghilev đã rất ấn tượng và đề cập đến chuyện tổ chức diễn bản concerto. Mặc dù sau đó ý tưởng này đã không được thực hiện, nhưng ông lại đề nghị Prokofiev viết ballet dựa trên chủ đề Nga. Diaghilev khi đó đã rất gắn bó với Stravinsky, người mà lúc này đang đứng đầu trong những bước chuyển động của âm nhạc hiện đại (vị trí mà Prokofiev đang đầy nhiệt huyết muốn có được phần nào), gây tiếng vang với Lễ bái mùa xuân diễn ở Paris năm 1913, tạo một cơn chấn động thật sự rung chuyển mà nếu đem những xáo động gây ra bởi ballet Chim lửa và Petrouska thì chỉ là thứ yếu. Người ta đã ẩu đả ngay trong nhà hát rồi kéo ra cả đường phố. Prokofiev cảm thấy được cơn địa chấn đó và nuôi hy vọng vở ballet mà ông hợp tác với Diaghilev – “Ala và Lolli” – sẽ có thể khuynh đảo được công chúng cũng như thế. Sau này Prokofiev cũng đã thừa nhận rằng : “Khi đó tôi hoàn toàn đang cố tìm kiếm một hình ảnh gây hấn như thế theo cách của riêng mình”. Vào năm 1914 -1915 Prokofiev tập trung vào việc sáng tác khí nhạc với nhiều nỗ lực. Dù ông đã diễn vài lần với vai trò nghệ sỹ dương cầm và nhạc sỹ của các tiểu phẩm nhỏ như Vịt con xấu xí cho piano và giọng hát, còn lại thì chủ yếu ông giành thời gian viết ballet. Thật không may là khi Prokofiev cho Diaghilev xem bản thảo còn dang dở thì ông bầu này đã chối bỏ nó. Một vài cuộc tranh luận diễn ra cho thấy lý do tại sạo Diaghilev lại không thích nó, về âm nhạc thì hoà âm của nó cũng nghịch tai như Lễ bái mùa xuân và Diaghilev thì đơn giản là đã mất đi hứng thú và sự táo bạo khi không muốn lập lại “thất bại” của Lễ bái mùa xuân nữa. Nhưng bởi ông bầu này cũng tin tưởng vào khả năng sáng tác của Prokifiev nên đã đề nghị ngay nhạc sĩ viết tiếp một ballet khác. Phải thoái lui nhưng chưa bị đánh bại, Prokofiev bắt đầu sáng tác vở ballet thứ 2 “Chout” (cũng được biết như là Câu chuyện thằng hề). Tuy nhiện vì không muốn bỏ phí Ala và Lolli nên Prokofiev đã viết lại nó thành tổ khúc cho dàn nhạc 4 chương tên là The Scythian Suite. Để khỏi lãng phí công sức của 2 năm chứng tỏ mình mà không được công nhận, Prokofiev định công diễn nó vào ngày 29/1/1916 ở St Peterburg với hy vọng có thể mang lại chút gì như Stravinsky.

Dù ẩu đả không diễn ra, nhưng buổi diễn đặc biệt gây thất vọng. Thậm chí những nhà phê bình âm nhạc Nga tiến bộ cũng không thích nó. Báo chí Pháp và Mỹ cũng không thiện chí hơn. Tờ Âm nhạc Mỹ viết: “Buổi diễn không được các nhà phê bình và nghệ sĩ cổ điển đánh giá cao, nhiểu người trong số họ đã bỏ về trong đó có Glazunov, nhưng khán giả thì cổ vũ nồng nhiệt, dường như chính Prokofiev đã phát triển, kích thích thái độ cởi mở này ở tầng lớp thính giả tiến bộ mà có lẽ bắt đầu từ buổi diễn piano trong “đêm nhạc hiện đại”. Sau khi vở ballet thứ 2 của Prokofiev cũng bị Diaghilev từ chối, ông chuyển hướng sang làm việc với nhà hát Mariinsky, nơi mà đã yêu cầu ông viết từ năm 1915 vở “Người chơi bài” là vở opera khiến Prokofiev tốn nhiều công sức trong những năm 1916-17 dựa theo truyện của Dostoevsky. Thời kỳ này ông cũng sáng tác Visions Fugitivescho piano mà sau này là một trong những tác phẩm được các nghệ sỹ dương cầm ưa chuộng.Năm 1917 nổi lên với đầy những biến động. Nhạc sĩ cần một nơi yên tĩnh để sáng tác và ông đã dành 9 tháng ở Caucasus. Tuy hoàn cách xã hội rất phức tạp, nhưng Prokofiev vẫn sáng tác rất nhiều, vở “Người chơi bài” bị gián đoạn bởi chiến tranh nhưng bù lại ông hoàn tất sonata số 3 và 4 cho piano, sáng tác Violin concerto No. 1 và giao hưởng số 1, bản hợp xướng “Số 7, họ là số 7” và Piano concerto số 3. Ông trở lại Petrograd vào mùa xuân năm 1918 ra mắt giao hưởng số 1. Không giống như những buổi công diễn các tác phẩm gần đó, bản giao hưởng được đón nhận nồng nhiệt.

Những người Bolshevik lên nắm quyền là một sự kiện có tính bước ngoặt với hầu hết các nghệ sỹ. Trong khi một mặt họ được liệt vào một trong những tầng lớp được hưởng nhiều đặc quyền và sự quan tâm thì đồng thời sự tự do trong tổ chức biểu diễn của các nghệ sĩ cũng bị hạn chế rất nhiều bởi tất cả đều phải thông qua kiểm duyệt. Vì thế cũng dễ hiểu là có không ít các nghệ sĩ đã ra nước ngoài vì những lý do chính trị cũng như để tiếp tục duy trì con đường phát triển sự nghiệp của mình theo chiều hướng đã chọn từ trước đó, tiêu biểu là Stravinsky, người ra nước ngoài từ năm 1914. Tự thấy không có nhiều mâu thuẫn về tư tưởng với những người Bolsheviks, Prokofiev đã chọn con đường tiếp tục phát triển âm nhạc của ông ở phương Tây đồng thời giữ thái độ tốt đối với những người mới lên nắm quyền trong nước.

Tháng 5/1918 Prokofiev dời nước Nga để thử vận may ở các trung tâm âm nhạc lớn, bắt đầu một cuộc hành trình dài. Trước hết hướng về viễn Đông (do các tuyến bay thẳng đến Tây Âu bị gián đoạn do chiến tranh) theo đường hàng không đi từ Vladivostock. Ông dừng lại Nhật Bản một thời gian ngắn. Dù khi đó còn chưa thân thiện lắm với nhạc hiện đại phương Tây, song người Nhật cũng biết đến Prokofiev đủ để có lời mời ông biểu diễn ở Tokyo và Yokohama. Sau đó, ông bay thẳng đến Mỹ, dừng một chút ở Hawaii. Rồi ông chuyển đến San Francisco vào tháng 8/1918. Đến lúc đó thì tài chính của ông đã cạn và ông phải bay đến New York vào tháng 9 bằng số tiền 300 dollar đi vay. Ông nhanh chóng có buổi diễn vào ngày 20/11/1918 bởi tiếng tăm của ông ở đây nổi hơn ở Nhật. Kết quả là những điều chẳng lành và xáo động. Giới chuyên môn thì chống lại thứ âm nhạc “hung dữ, man rợ”, “sắt đá và cơ khí” của Prokofiev trong khi nhiều người lại thấy phấn khởi. Dù sao ông cũng gây đuợc ấn tượng với những nhà sản xuất, và thế là ông ghi âm một số tiểu phẩm cho piano, viết Four Pieces for piano op.32 và “Truyền thuyết về một bà lão”.

Thật không may, nhiều nhà báo viết về âm nhạc của Mỹ coi ông là một sản phẩm của cuộc cách mạng Nga, của chính phủ Bolshevik và thế là họ cứ gán cho ông danh hiệu “Bolshevik pianist” trên các tờ quảng cáo, và rồi từ đó mà suy diễn bình phẩm âm nhạc ông là “dã man” như cách hiểu của họ về cuộc cách mạng. Vì vậy mà ông đã cay đắng nhận xét về nước Mỹ: “Lúc này, khi tôi lang thang đi dạo ngoài công viên trung tâm của New York và ngước nhìn lên những tòa cao ốc, tôi vẫn nghĩ với một cảm giác tức giận và mỉa mai rằng tất cả những dàn nhạc nổi tiếng của Mỹ chẳng đếm xỉa gì đến âm nhạc của tôi, trong khi những nhà phê bình không chán thốt ra những lời tẻ nhạt đại loại như “Beethoven là một nhà soạn nhạc vĩ đại” và luôn chùn bước trước cái mới, rồi những ông bầu thường sắp xếp những buổi lưu diễn dài hơi cho các nghệ sĩ chơi những chương trình ăn chắc lặp đi lặp lại tẻ ngắt ngày qua ngày. Tôi đã đến đây rất gấp (quá sớm): đứa trẻ đã không đủ lớn để đánh giá đúng âm nhạc mới.”Tuy nhiên trước khi dời nước Mỹ, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm thú vị. Trong chuyến đi tới Chicago tháng 12/1918, ông biểu diễn Piano concerto số 1 và Scythian Suite thành công lớn. Sau buổi hòa nhạc, nhà hát opera Chicago đề nghị được dựng một trong các vở opera của ông. Lúc đó ông mới chỉ có một vở Người chơi bài là hoàn chỉnh, tác phẩm mà ông đã để lại Nga, thế là ông hoàn tất Tình yêu dành cho 3 trái cam. Chicago Opera chấp nhận và kí hợp đồng diễn nó vào mùa thu năm 1919. Thời gian sau lần diễn ở New York, ông đã gặp người vợ tương lai Carolina Codina, một giọng nữ cao có tiếng với nghệ danh là Lina Llubera.

Dù gặp được Lina song đây vẫn là thời kỳ khó khăn của Prokofiev. Ông vẫn luôn bị báo chí phê phán. Báo âm nhạc Mỹ, New York ngày 21/12/1918 viết : “Trong những ngày này khi sự thanh bình đã trở lại với con người và thế giới đang chuyển từ trạng thái bất hòa sang hòa hợp, thì một chương trình đã diễn ra và gây sốc cho người nghe. Những tác phẩm của ngài Prokofiev thừa thãi những tiếng ồn ào vốn là nỗ lực (nhưng vô hiệu) đem đến cho thính giả thông điệp của âm nhạc hiện đại.” Còn với vở nhạc kịch kí hợp đồng với nhà hát Opera Chicago, việc đạo diễn Campanini đột ngột qua đời vào tháng 12/1919 khiến việc dàn dựng phải trì hoãn. Một lần nữa không gặp may và Prokofiev quyết định tìm tới Diaghilev ở Paris. Một điều thật khôi hài là ngay sau khi Prokofiev vừa đi khỏi thì Tình yêu cho ba trái cam cuối cùng cũng được diễn ở Chicago vào tháng 12/1920, nó ngay lập tức thành công rồi được công diễn ở khắp các sân khấu châu Âu.

Khi tới Paris và gặp Diaghilev, Prokofiev được đề nghị cho diễn vở Câu chuyện thằng hề ở Russes Ballet. Không muốn lỡ cơ hội, ông thuê một căn nhà vùng Mantes-La-Jolie và bắt đầu chỉnh lại vở opera. Để tránh trở về Nga, ông viết thư cho mẹ muốn bà tìm cách qua Paris, bất chấp tình hình sức khỏe và điều kiện thực tế. Prokofiev dành phần lớn năm 1920 ở Paris viết nốt Câu chuyện thằng hề, được diễn ở Paris vào 17/5/1921 và ở London vào 9/6/1921. Tuy vẫn bị chê bai như trước là quá khô cứng, và hơn nữa là cốt truyện không ổn, nhưng tác phẩm cũng gây được nhiều ấn tượng với những nghệ sĩ tiến bộ. Bằng chứng là Henri Mattisse đã thích vở kịch đến nỗi phác họa chân dung Prokofiev. Cùng giai đoạn này, Prokofiev còn gặp Picasso và Ravel. Scythian cũng được diễn ở Paris năm 1921.Prokofiev quay trở lại Mỹ vào thu năm 1921 để xem Tình yêu dành cho ba trái cam được công diễn và bản Piano concerto No. 3. Cả 2 tác phẩm đều được diễn ở Chicago vào tháng 12/1921. Chicago Opera diễn vở Tình yêu dành cho ba trái cam còn nhạc sỹ thì biểu diễn bản concerto số 3. Trong khi phản ứng ở Chicago khá khả quan thì ở New York người ta lại tỏ thái độ thù địch. Prokofiev cảm thấy bối rối trước thái độ chống lại âm nhạc của ông: “Thời tiết ở Mỹ, khi nó mới bắt đầu tươi sang hơn thì ngay sau đó đã hoàn toàn xám xịt rồi.”

Chưa muốn quay về với sự ồn ã ở Paris, Prokofiev tìm kiếm một nơi yên tĩnh trên dãy Alps, ông định cư một thời gian tại căn nhà thuê ở thị trấn của Ettal, nơi ông đã sống hầu hết thời gian 1922-23. Tạm thời ngừng làm một nhạc sỹ “mắn đẻ” để dồn tất cả năng lượng viết opera Thiên thần lửa, vở không được công diễn trong khi ông đang sống. Đây là một nỗ lực của Prokofiev với ngôn ngữ rất đa dạng, dựa theo tiểu thuyết huyền bí của Valery Bryusov.Trong khi ở Ettal, Lina học opera ở gần Milan. Không khí ở Bavarian thuộc dãy Alps cũng góp phần lãng mạn cho mối quan hệ của ông với Lina. Đến tháng 9/1923 thì họ kết hôn. Lúc này ông rất lo cho mẹ mình nên quyết định trở lại Nga biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng Leningrad. Lúc này nội chiến đã chấm dứt. Nền kinh tế Soviet cũng dần đi vào ổn định hơn. Bạn bè của Prokofiev ở Nga như Miakovsky, người vẫn thường xuyên liên lạc với ông trong suốt thời gian ông ở Mỹ và Châu Âu, đã khuyến khích ông trở về và cho ông hay rằng tại quê hương nhạc của ông được coi trọng.Dù Prokofiev quyết định ở lại châu Âu, ông vẫn nuôi ý định trở về quê hương. Năm 1923, ông trở lại Paris cùng với Lina và mẹ mình. Chuyến đi có với cả hạnh phúc lẫn bi kịch. Lina sinh Sviatoslav ngày 27/2/1924 nhưng tháng 12 năm đó mẹ ông qua đời. Điều này làm ông sao lãng việc sáng tác, trong năm đó ông chỉ viết duy nhất tổ khúc giao hưởng Tình yêu dành cho ba trái cam. Đây là một trong số trên 25 tổ khúc giao hưởng các loại. Mặc dù được viết nhanh chóng nhằm thoả mãn sự nôn nóng của các nhạc trưởng muốn biểu diễn tác phẩm mà không cần phải tốn kém dựng thành vở, bản tổ khúc giao hưởng này trở thành một trong những hình thức âm nhạc thành công của ông. Ông có không dưới 25 tổ khúc giao hưởng rút từ opera và nhạc cho phim.Vào lúc này, Koussevitzky đề nghị Prokofiev viết một giao hưởng mới. Trong khi Prokofiev đang sáng tác giao hưởng số 2, Koussevitzky công diễn ở Paris vài tác phẩm mà sau này không thực hiện được, đáng chú ý là Cantana “Số 7, họ là Số 7” và Violin concerto số 1. Cả hai tác phẩm đều nằm trong số các sáng tác hàng loạt trước năm 1917, nhưng cho đến giờ vẫn chưa được chơi. Violin concerto số 1 – bài thơ trữ tình này được công diễn vào thời điểm khó khăn. Nếu Violin concerto số 1 phải mất nhiều năm để giành được sự yêu thích thì Giao hưởng số 2 được Prokofiev nhằm đến hiệu quả “cứng rắn như sắt thép”, dù thính giả có hiểu gì hay không. Nó cũng được dệt quá tinh vi, có quá nhiều lớp, nhiều điểm đối nghịch nhau mà thoái hoá chỉ thành một hình tượng… “Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy như mình chỉ là nghệ sĩ hạng hai”, ông đã thú nhận như vậy. Là một người không bao giờ quay lưng lại với sáng tác của mình, thậm chí là một tác phẩm đáng thương như giao hưởng số 2, Prokofiev cố gắng để cứu chữa nó, sau này chuyển thành Opus 136, nhưng không bao giờ có thể nhận ra tác phẩm đã được sửa lại. Trong khi giao hưởng số 2 đáng nhớ bởi buổi công diễn xui xẻo, nó cũng nhận được vài sự ủng hộ. Francis Poulenc thích nó và quan trọng hơn là Diaghilev quan tâm đến nó. Diaghilev, người đã từ chối sáng tác ballet Tình yêu dành cho ba trái cam dù với lý do gì, cũng bù đắp bằng việc yêu cầu Prokofiev sáng tác vở ballet mới Le Pas d’Acier (Cái bậc thép). Bản nhạc được hoàn thành tương đối trong khi Lina lưu diễn ở Mỹ năm 1925 cùng với Koussevitzky và Boston Symphony. Họ trở lại Paris, lưu diễn ở Ý năm 1926 và Prokofiev hoàn tất vở ballet Pas d’Acier. Nó được công diễn ở Paris và London thành công năm 1927 một phần nhờ thiết kế sân khấu và trang phục của Georgy Yakulov.Trong khi tai tiếng ngày một lớn dần ở châu Âu, Prokofiev chuẩn bị kế hoạch lâu dài trở về quê hương. Ông vẫn thư từ thường xuyên với bàn bè ở Soviet và đến cuối năm 1926 ông thương lượng với người có thẩm quyền ở Soviet cho chuyến lưu diễn trở về. Prokofiev trở về Nga tháng 1/1927. Ông lưu diễn trong 2 tháng rưỡi và ở mọi nơi, khán giả đều đến chật kín. Chuyến đi đã thành công, ông được chào đón như một người Nga lập công lớn vì đã chinh phục được châu Âu bằng âm nhạc. Trong khi thực tế hình ảnh của Prokofiev trong nền âm nhạc châu Âu không tương xứng chút nào, bởi thế mà hình thành nên một suy nghĩ như được khắc axit trong đầu Prokofiev là có thể việc trờ về Soviet một ngày nào đó sẽ tạo cơ hội cho ông thoát ra khỏi cái bóng của Stravinsky (và sự thật sau đó đã là như vậy). Trong khi Prokofiev trở lại Paris sau chuyến lưu diễn, thì cơ sở cho một việc trở về quê hương thường xuyên đã được xác lập.Đứa con trai thứ hai của vợ chồng ông – Oleg – ra đời ngày 14/12/1928. Thất bại của giao hưởng số 2 đè nặng lên Prokofiev khi ông trở về Paris. Koussevitzky, hiện tại đang là người thành công với các sáng tác của Prokofiev, vừa mới chỉ huy dàn nhạc biểu diễn phần viết cho dàn nhạc của opera Thiên thần lửa. Được người nhạc trưởng khuyến khích, Prokofiev đặt kế hoạch viết Tổ khúc giao hưởng rút từ opera. Tuy nhiên, ông trở lại với suy nghĩ viết hẳn một giao hưởng hoàn toàn mới – giao hưởng số 3 Op. 44 – dựa trên những yếu tố của Thiên thần lửa, đây đồng thời cũng là cơ hội để giúp giải thoát ông khỏi ám ảnh do thất bại của giao hưởng số 2. Pierre Monteux công diễn giao hưởng số 3 vào ngày 17/5/1929 ở Paris. Prokofiev (cũng như các nhà phê bình) hài lòng hơn nhiều với kết quả thu được : “Tôi đã thành công trong việc đào sâu ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình”.Trước khi giao hưởng số 3 đuợc hoàn tất, Diaghilev đặt Prokofiev viết một vở ballet khác. Tác phẩm, có tên chốt là The Prodigal Son (Đứa con hoang toàng), đã được hoàn thành khá nhanh chóng. Người thiết kế là George Rouault không giao bản vẽ đúng hẹn. Vũ công chính, Serge Lifar, ghét vai của anh ta đến nỗi vào đêm khai diễn anh ta từ chối đến nhà hát. Diaghilev thuyết phục Lifar nghĩ lại trong khi Prokofiev thì kiên nhẫn đợi Lifar tới và tác phẩm được khán giả, các nhà phê bình và ngay cả Prokofiev đón nhận. Nhưng rắc rối xảy ra một thời gian ngắn sau khi công diễn, Prokofiev bị tác giả kịch bản kiện vì chưa được phép. Bi kịch nhất là Diaghilev đã mất 2 tháng sau ở Venice. Một sự kiện mà gây áp lực mạnh cho Prokofiev khiến ông thấy cần phải trở về Soviet hơn nữa.Sau bi kịch về quyền tác giả xảy ra với The Prodigal Son, Prokofiev chuyển sự tập trung của ông vào giao hưởng số 4 với sự vay mượn khá nhiều từ The Prodigal Son Sau này ông đã viết: “…Trong vài đoạn chuyển (trong bản giao hưởng) tôi đã sử dụng cùng những chất liệu âm nhạc được giới thiệu trong The Prodigal Son. Điều đó cũng không thể dẫn đến kết luận là giao hưởng viết chính xác theo các chất liệu của ballet hay ngược lại, mà chỉ đơn giản là khi viết giao hưởng tôi đã cố biến cái chất liệu đấy phát triển hơn ở những khía cạnh mà ballet không thể biểu hiện. Điều này nhắc đến một tiền lệ trước đó là trường hợp giao hưởng số 3 của Beethoven được phát triển dựa trên The Creatures of Prometheus (Sự sáng tạo Prometheus)”.Prokofiev cũng trở lại Mỹ vào năm 1930 để lưu diễn kéo dài sang cả Canada và Cuba. Chuyến đi khá thành công đã thúc đẩy ông sang tác tứ tấu đàn dây – Tứ tấu đàn dây số 1 Op. 50 với chương cuối lôi cuốn sâu sắc. Prokofiev rất thích nó nên đã chuyển soạn chương 4 (Andante) cho bộ dây thành Op. 50bis.Những năm 1930-32 là thời kỳ cuối Prokofiev ở phương Tây và cũng gắn với nhiều thất bại. Các sáng tác cho tứ tấu được viết trong giai đoạn này không được công chúng đón nhận, vở ballet theo yêu đặt hàng của Paris Opera, được bắt đầu vào mùa hè năm 1930 – Sur le Borysthene (Trên sông Dneiper) và công diễn tại Paris tháng 12 năm 1932, cũng được xem là thất bại. Tiếp theo là một thất bại khác, piano concerto số 4. Viết năm 1931 cho nghệ sĩ piano người Úc là Paul Wittgenstein (nghệ sĩ đã mất cánh tay phải trong chiến tranh thế giới thứ nhất). Đây là một trong số những sáng tác mà Wittgenstein đã đề nghị các nhà soạn nhạc bao gồm cả R.Strauss và Ravel viết cho mình. Wittgenstein không thích tất cả các tác phẩm đó, trong đó có sáng tác của Prokofiev. Khi Prokofiev gửi cho nghệ sĩ này bản tổng phổ mới hoàn tất, Wittgenstein ngay lập tức trả lại nó với lời chú giải: “Cảm ơn về bản concerto, nhưng tôi không hề hiểu bất cứ nốt nào và tôi sẽ không chơi nó.” Tác phẩm đã phải ngậm ngùi xếp xó và không bao gìờ được diễn trong khi Prokofiev còn sống. Nó chỉ được Siegfried Rapp công diễn vào ngày 5/9/1956.Piano concerto số 4 viết sau bản số 3 mười năm, dường như Prokofiev đã tìm lại đuợc niềm vui khi viết cho nhạc cụ ông ưa thích. Chỉ một gian ngắn sau khi hoàn tất Piano concerto số 4 năm 1931, ông bắt đầu sáng tác bản số 5. Nỗi đau từ việc bị đánh gía là sao chép quá nhiều âm nhạc trong giao hưởng số 4 (từ ballet) khiến Prokofiev cố gắng xây dựng những ý tưởng mới trong Piano concerto này.”…hơn 10 năm đã qua kể từ khi tôi đã viết bản concerto gần nhất. Từ đó ý tưởng của tôi về cách xử lý hình thức này đã thay đổi, vài ý tưởng mới đã chiếm lấy tôi, và cuối cùng tôi đã tích luỹ được một số lương khá tốt những chủ đề chính mạnh mẽ, đầy sinh lực trong sổ chép nhạc. Tôi đã không chủ đích làm bản concerto sẽ thật khó…những cuối cùng nó lại trở nên phức tạp… bởi trong khát khao của sự đơn giản và thật sự mới mẻ lại đồng hành với nỗi sợ hãi của việc vô tình lặp lại các công thức cũ, và quay trở lại với “sự giản đơn” đã quá quen thuộc, điều mà đôi khi tất cả các nhạc sĩ hiện đại đều tránh”.

Chắc chắn là Piano concerto số 3 và số 4 là hai thế giới tách biệt. Piano concerto số 5 thậm chí còn đi xa hơn bản số 3 ở giai điệu phức tạp. Prokofiev đã thú nhận : ”Tôi đã đủ giai điệu để viết đến 3 concerto”. Tuy nhiên, ông đã gắn một số lượng lớn các ý tưởng vào chương 5 của concerto mà chỉ trong 20 phút kỳ quặc. Prokofiev đã cho công diễn Piano concerto số 5 vào ngày 31/10/1932 với dàn nhạc giao hưởng Berlin dưới sự chỉ huy của Wilhem Furtwangler. Trong khi Prokofiev hài lòng với buổi diễn, bản concerto không được các nghệ sĩ khác quan tâm cho đến khi giành được vinh quang rực rỡ dưới tay của nghệ sĩ piano trẻ là Sviatoslav Richter vào thập niên 40.

Piano concerto cuối cùng của ông đã được đón nhận một cách dè dặt và Prokofiev quyết định chuyến lưu diễn tới sẽ trở lại Soviet vào năm 1932. Lần trở về thứ hai đánh dấu bằng những tranh cãi khi Bolshoi từ chối diễn Le Pas d’Acier dưới sức ép của RAPM (Hội nhạc sỹ vô sản Nga). Chuyến lưu diễn thứ ba ở Soviet năm 1932 bớt hỗn loạn hơn và Prokofiev được đón chào nồng nhiệt. Prokofiev đã được xem như là nghệ sĩ Nga đương đại vĩ đại nhất. Ở Soviet ông đã không phải đấu tranh với những thính giả không kiên định, hay thay đổi và giới báo chí luôn luôn thù địch. Và quan trọng nhất, đó chính là quê hương ông, ông là người Nga. Bạn bè và người thân của ông đều ở đó. Đồng thời cũng bởi ông đã mệt mỏi với hướng đi ở thị trường Mỹ và châu Âu. Tóm lại là chuyến lưu diễn thứ ba này đã dẫn đến việc Prokofiev trở về Nga. Chính phủ Soviet cũng vô cùng chào đón và hứa hẹn những ưu đãi dành cho Prokofiev khi ông trở về.

Việc quay trở về Soviet của ông phải mất vài năm, từ 1933-1936 ông vẫn xem Paris là nhà, nhưng thường xuyên về Moscow. Quan trọng hơn là ông đã nhận sự uỷ thác từ nước Nga cho những tác phẩm mới. Đến năm 1936 thì ông định cư ở Moscow. Giai đoạn này đánh dấu bởi những tác mới, quan trong nhất là ballet Romeo và Juliet, violin concerto số 2 và âm nhạc cho phim Lieutenant Kijé (Trung uý Kijé) theo lời đề nghị của nhà nước Soviet. Bộ phim dựa trên truyện của Yuri Tynyanov, được Alexander Fienzimmer đạo diễn. Prokofiev đã viết lại phần nhạc phim thành tổ khúc giao hưởng nổi tiếng ngày nay (Op. 60). Violin conceto số 2 được viết cho nghệ sĩ violin người Pháp Robert Soetans và được công diễn chính thức ở Madrid vào ngày 1/12/1935. Nó ngay lập tức thành công và trở nên phổ biến sau đó nhờ Jascha Heifetz từ năm 1937. Violin concerto số 2 là một trong ba tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ 1934-1936, đánh dấu sự chuyển tiếp từ tính chất “kỹ thuật toccata” với tình cảm “khoa trương, màu sắc” sang tính “trữ tình” và “cổ điển” của nhạc sĩ. Tính chất trữ tình thì có thể thấy trong các tác phẩm thời kỳ đầu như violin concerto số 1 và các ca khúc đệm piano. Violin concerto số 2 thực sự rất giàu cảm xúc trữ tình, ngay cả trong giai điệu cũng thực giản dị – tương phản mạnh mẽ với sự hoà trộn phức tạp của những giai điệu toccata trong hai piano concerto số 4 và 5.Romeo và Juliet vốn được Kirov Ballet đề nghị viết từ năm 1934. Tuy nhiên khi Prokofiev đưa ra chủ đề Romeo và Juliet thì Kirov đã bác bỏ (“người sống có thể nhảy chứ người chết thì không”). Nên thay vào đó, Prokofiev đã ký một hợp đồng dựng Romeo và Juliet với nhà hát Bolshoi. Giống như các tác phẩm sân khấu khác, quá trình từ lúc đưa ra đề nghị đến khi được diễn chính thức có rất nhiều vấn đề nảy sinh nhưng cuối cùng đều êm xuôi. Đến khi nhìn thấy bản nhạc vào mùa hè năm 1935, nhà hát Bolshoi cũng cho là tác phẩm khó có thể gắn với vũ đạo được. Sáng tác này đã nằm yên trong vài năm nhưng cuối cùng nó được diễn lần đầu ở nhà hát opera Brno tại Praha ngày 30/12/1938. Không để lãng phí phần nhạc đã viết, Prokofiev không chờ Bolshoi dựng thành ballet, ông nhanh chóng viết thành 2 tổ khúc giao hưởng và một bản chuyển soạn cho piano (Op. 75) vào năm 1936 và 1937, rồi tổ khúc giao hưởng số 3 năm 1946. Cả giao hưởng và bản chuyển soạn đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Vở ballet ở Praha cùng được đón nhận tương tự. Chỉ sau thành công này thì Kirov và Bolshoi mới chú ý lại. Kirov cuối cùng cũng diễn Romeo và Juliet năm 1940 và Bolshoi vào năm 1946.

Lieutenant Kijé mở đầu cho giai đoạn mà mối quan tâm của ông dành phần lớn cho nhạc phim. Dấu ấn lớn trong việc viết nhạc phim là sự hợp tác với Sergei Eisenstein lúc này đang đi đầu trong nghệ thuật điện ảnh, với kỹ thuật “montage” mà sau này trở thành kinh điển của thế giới. Bộ phim đầu tiên họ hợp tác là Alexander Nevsky năm 1939 một tác phẩm sử thi anh hùng. Một thời gian ngắn sau đó ông soạn nhạc cho phim Levmontov (1941), Du kích quân trên thảo nguyên Ukraine (1942), Tonya(1942), Kotovsky (1942) và Ivan bạo chúa (1942-1945) đây là sự hợp tác lần thứ 2 với Eisenstein. Prokofiev cũng đã từng có chuyến đi thăm Hollywood trong lần lưu diễn ở Mỹ vào năm 1938. Nghiên cứu về kỹ thuật làm phim và sáng tác ở các studio lớn, với mong muốn đem những kiến thức học được trở về quê hương. Sau đó ông đã soạn bản Cantata Alexander Nevsky op. 78 mà sau này đã trở thành một dấu ấn khó quên ở thể loại này.

Prokofiev cũng ứng dụng những kĩ năng viết nhạc xuất sắc của mình cho sân khấu. Ông đã viết nhạc cho một số vở kich gồm Egyptian Nights (1934), Boris Godunov (1936), Eugene Onegin (1936) và Hamlet (1937). Cùng lúc đó ông cũng được nhà hát thiếu nhi đề nghị viết một tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi để giáo dục thi hiếu và nâng cao khả năng thưởng thức âm nhạc của các em ở lứa tuổi bắt đầu đi học. Vậy là ông đã viết xong Peter và chó sói trong thời gian bốn ngày và nó được công diễn lần đầu vào ngày 2/5/1936. Thời gian này đa số các yêu cầu viết nhạc đều từ nhà nước Soviet.

Tháng 5 năm 1936 ông đã chuyển đến căn hộ ở Matxcơva với Lina cùng Oleg và Sviatoslav. Việc trở về Moscow giờ đã hoàn tất. Ông đã viết tác phẩm Cantata kỷ niệm 20 năm Cách mạng tháng 10 vào năm 1936-1937 và cantata Zdravitsa (Ca ngợi Stalin) năm 1939 với ngôn ngữ rất hiện đại vì thế nó đã không được công diễn trong khi ông còn sống. Prokofiev cũng cố gắng bắt đầu vở opera mới vào mùa hè năm 1938 trên một chủ đề có tính đương đại của đất nước. Opera Somyon Kotko về người anh hùng trẻ tuổi trong giai đoạn nội chiến chống quân phiến loạn Đức ở Ukraine sau cách mạng. Thời kỳ này đã có những dấu hiệu báo trước việc chiến tranh thế giới thứ 2 đang đến gần. Năm 1938, Đức thôn tính vùng Sudetnenland của Czechoslovakia. Những người Soviet đã đứng lên bảo vệ Czech chống lại Hitler khi mà Chamberlain và Pháp đã “đầu hàng” qua hiệp ước Munich tháng 9 năm 1938. Giờ đây khi hoàn toàn đơn độc, Soviet tìm cách xoa dịu tình hình, cần thêm thời gian chuẩn bị để đối phó với tình trạng chiến tranh. Stalin và Hitler đã ký hiệp ước không xâm lược 23-8-1939, mở đường cho Hitler thôn tính Balan một tuần sau. Trong bối cảnh Soviet tránh những mâu thuẫn với phát xít Đức (dù là nhỏ nhất) để trì hoãn chiến tranh đã dẫn đến việc kiểm duyệt nội dung của những sản phẩm văn hoá nghệ thuật nói chung. Trong đó những bộ phim hay kịch…c ó nội dung trực tiếp lên án Đức đều phải có những điều chỉnh. Vì thế mà danh tánh của kẻ xâm lược trong Somyon Kotko phải giấu đi (cũng như phim Alexander Nevsky của Eisenstein) rồi ngừng diễn cho đến những năm 1970.

Trong thời kỳ chiến tranh, Prokofiev bắt đầu viết opera Đám cưới ở tu viện vào năm 1941 cũng là một trong những sáng tác có nội dung yêu nước giai đoạn này. Nhưng rồi bị gián đoạn bởi nhiều lý do. Khi nó được công diễn vào năm 1946, toàn đất nước Soviet đều tán dương và ca ngợi tác phẩm. Đây cũng là sự hợp tác mở đầu cho mối quan hệ giữa ông và nhà thơ Mira Mendelssohn, họ gặp nhau lần đầu năm 1938 khi nhà thơ mới 23 tuổi, hai người cùng nhau viết nhiều ca khúc, sau này chính cô đã hỗ trợ Prokofiev viết phần lời cho opera Chiến tranh và hòa bình. Phát xít Đức xâm lược Liên bang Soviet tháng 6 năm 1941. Những ngày đầu, chỉ thị buộc Prokofiev thuộc trong số những nghệ sĩ dẫn đầu của nền văn hóa phải di tản khỏi Moscow tới Caucasus, vợ ông là Lina thì vẫn ở lại vùng ngoại ô cùng với hai cậu con trai. Mira cũng trong số những nghệ sĩ di tản cùng đợt với Prokofiev và những nhà lãnh đạo văn hóa khác. Mùa xuân năm 1941, một cơn đau tim đầu tiên đã đánh dấu dấu hiệu suy sụp sức khỏe của nhạc sĩ.

Ở trong thời kỳ khắc nghiệt nhất của chiến tranh bao vây nhưng Prokofiev vẫn sáng tác rất nhiều. Ông hoàn tất bộ 3 sonata cho piano, viết vở opera Chiến tranh và hòa bình dựa theo tác phẩm văn học kinh điển của Tolstoy và chính opera của Prokofiev cũng sẽ trở thành kinh điển. Ông mất gần 10 năm để hoàn tất nó. Ông cũng phác thảo một vở opera khác là Khan Buzay nhưng sau đó từ bỏ nó. Trong giai đoạn này, ông còn viết nhạc nền cho 4 bộ phim, vở ballet anh hùng Cinderela, một vài tổ khúc giao hưởng, tứ tấu đàn dây số 2, sonata cho flute và piano và một bản chuyển soạn sonata này sang cho violin theo yêu cầu của David Oistrakh (mà về sau bản cho violin này còn nổi tiếng hơn), 2 hành khúc quân đội, vài ca khúc phổ thông và bản giao hưởng số 5 – một tác phẩm kiệt xuất.

Bộ Piano sonata “Chiến tranh” – chỉ gồm 3 sonata số 6,7,8 viết trong thời kỳ chiến tranh rất ấn tượng với tính động lực và liên hoàn của chúng. Sonata số 6 lưu danh như là điển hình cho phong cách Prokofiev và nhạc sĩ đã tự biểu diễn tác phẩm trên đài phát thanh Moscow năm 1940. Sonata số 7 hoàn thành năm 1942, đến năm 1943 được Sviatoslav Richter trình diễn thay cho tác giả bởi ông bị đau tim, và nghệ sỹ piano này đã hoàn thành sự ủy thác của tác giả với kỹ năng tuyệt diệu. Chương 3 trong đó thể hiện đỉnh cao kỹ thuật toccata của Prokofiev, với sức mạnh và tốc độ ko ngừng nghỉ. Tác phẩm đã nhận được giải thưởng Stalin. Sonata số 8 viết năm 1944, được ông giao phó cho một nghệ sĩ Soviet trẻ khác là Emil Gilels, biểu diễn vào ngày 29/12/1944. Dù nó không được phổ biến bằng 2 sonata trước nhưng bản thân Richter đã gọi nó là “…tác phẩm phong phú nhất trong các sonata, bởi nó đã thể hiện những mâu thuẫn và tương phản sâu sắc bên trong cuộc sống.” Trong khi báo chí Mỹ thì nhận xét về Sonata số 8 “mang vẻ ngọt lợm của đường hoá học” khi Vladimir Horowitz giới thiệu nó với công chúng Mỹ. Tứ tấu đàn dây số 2 thì cũng thành công ngoài sức tưởng tượng, Miaskovsky – người bạn lâu năm và cũng là một nhà phê bình danh tiếng vốn rất khắt khe và không bao giờ nói những lời hoa mỹ đã phải thốt lên “một tác phẩm kỳ diệu!”

Cinderella, vở ballet phổ biến thứ 2 sau Romeo và Juliet, công diễn lần đầu năm 1945 tại Bolshoi. Ban đầu được nhà hát Kirov yêu cầu viết trên tình thần yêu nước. Prokofiev đã viết màn 2 của ballet cùng thời gian khi quân Đức xâm lược Soviet. Sau đó ông đã tạm gác lại trong 2 năm để dành sức cho opera Chiến tranh và hòa bình cũng những tác phẩm nhỏ đang cần ngay để phục vụ chiến tranh. Khi nhạc sĩ quay lại với ballet Cinderela cuối năm 1943, thì bản chuyển soạn cho piano mang op. 95 và 97 đã được viết xong trước khi hoàn thành bản cho dàn nhạc (ông còn viết bản chuyển soạn cho piano thứ 3 mang op. 102). Vở ballet công diễn ngày 21/11/1945 tại Moscow, sau đó là Leningrad – thành công vang dội với diễn xuất của diễn viên ballet nổi tiếng Galina Ulanova. Người đã từng múa trong Romeo và Juliet rất tốt. Nhưng thành công nhất trong giai đoạn này phải kể đến Giao hưởng số 5, được viết ngay sau khi hoàn chỉnh phần nhạc cho Cinderela năm 1944. Nhạc sĩ đã bình luận “Tôi viết giao hưởng số 5 vào mùa hè năm 1944 và xem công việc của tôi trong sáng tác tác phẩm này vô cùng ý nghĩa ở cả khía cạnh chuyện môn lần xã hội, bởi đây là ốáng tác trở lại sau 6 năm gián đoạn ở hình thức giao hưởng. Giao hưởng số 5 đã hoàn tất, sau một thời gian dài khó nhọc và nhiều ngắt quãng bởi chiến tranh. Tôi xem nó như lá giao hưởng ca ngợi sự lớn lao của tinh thần con người trong cuộc sống”. Prokofiev đã chỉ huy giao hưởng số 5 ở Moscow ngày 13/1/1945 trên những thắng lợi của Hồng quân Liên xô tại chiến trường châu Âu. Tác phẩm được đón nhận, cổ vũ của công chúng ở khắp nơi và xứng đáng nhận giải thưởng Stalin lần thứ 2.Tháng 1 năm 1945, Prokofiev ngã bệnh do bệnh tim tái phát và bởi kiệt sức do làm việc quá nhiều. Sau đó ông bị đau đầu trở lại và cả cao huyết áp dẫn đến việc từ đó không thể hồi phục hoàn toàn sức khỏe cho đến khi qua đời vào 8 năm sau. Prokofiev cưới Mira vào năm 1948, chỉ một năm sau khi hôn ước của ông và Lina trở thành vô hiệu bởi điều luật cấm kết hôn với người nước ngoài ban hành năm 1947. Thời kỳ căng thẳng và rối ren sau khi chiến tranh kết thúc bởi hoạt động tình báo và gián điệp, an ninh quốc gia trở nên phức tạp bởi mâu thuẫn giữa khối Soviet và phương Tây. Lina một tháng sau đó bị bắt và đưa vào trại cải tạo ở Komi do nghi ngờ liên quan đến hoạt động gián điệp. Tám năm sau bà được tha và sống ở Moscow đến năm 1972 thì trở về châu Âu.

Trong không khí thắng lợi sau chiến tranh, ông viết Khúc tụng ca kết thúc chiến tranh với sự kết hợp của 8 đàn harp, 4 piano, bộ hơi, bộ gõ và bè trầm, một tác phẩm hoành tráng. Ông cũng hoàn thành một số tác phẩm như giao hưởng số 6 (1945) Violin sonata số 2 giọng Rê trưởng (1947), ballet Chuyện bông hoa đá (1948-1950), 2 tác phẩm cho cello là sonata Op. 119 (1949) và Sinfonia Concertante cho cello và dàn nhạc (1950-51) với sự cộng tác của Rostropovich. Rostropovich và Richter đều công diễn các tác phẩm này. Nhiều nét đặc trưng của các tác phẩm giai đoạn này gợi nhớ đến thời kỳ đầu trong sáng tác của ông những sáng tác mà chưa bao giờ được hoàn thiện. Trong danh sách tác phẩm cuối cùng, Prokofiev trở về với hình thức ông ưa chuộng – piano Sonata. Piano sonata số 9 được hoàn thành năm 1947 và được Richter đem đến với công chúng bằng kỹ thuật điêu luyện chắc khỏe. Ông cũng lên kế hoạch viết sonata số 10 cho piano và concerto cho 2 piano và bộ dây nhưng không hoàn thành.Giai đoạn chiến tranh lạnh tiếp ngay sau thời kỳ chiến tranh thế giới, quan hệ giữa Soviet và phương Tây trở nên căng thẳng. Thời kỳ này nổi lên phong trào phê bình do Andrei Zhdanov khởi xướng, trên tất cả các lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật, với những hành động kiểm duyệt, tố giác… gán vào chủ nghĩa hình thức. Trong giai đoạn sức khỏe suy sụp này, ông vẫn cố gắng viết nhiều tác phẩm trong đó có các sáng tác như Festival Poem “30 năm” cho dàn nhạc (1947), opera Chuyện người chân chính (1947, 1948), oratorio Người bảo vệ hòa bình(1950). Việc Miaskovsky mất tháng 8/1950 cùng sự ra đi của nhiều người bạn cùng thế hệ khiến Prokofiev thêm suy sụp. Một lần cuối cùng “thất bại nhưng không có nghĩa là bị khuất phục”, Prokofiev trong hoàn cảnh sức khỏe kém đã hoàn thành Giao hưởng số 7 giọng Đô thăng thứ Op. 131 (1951, 1952). Tác phẩm được viết dành tặng cho thế hệ trẻ của đất nước Soviet, đã trở thành đặc trưng vĩnh cửu cho sức trẻ, tuổi thanh xuân cũng như sức sáng tạo và tâm hồn âm nhạc của Prokofiev, luôn luôn chinh phục người nghe bởi sự chân thành và vẻ đẹp trong sáng thuần khiết. Buổi công diễn tác phẩm cũng là lần cuối cùng nhạc sĩ xuất hiện trước công chúng.

Sergei Prokofiev qua đời cùng ngày với Stalin, ngày 5/3/1953. Ông mất vì bệnh xuất huyết não chỉ khoảng một tiếng đồng hồ trước cái chết của Stalin. Vì đám tang nhà nước của Stalin nên chỉ có khoảng 40 người có thể tới dự đám tang của Prokofiev tại hội nhạc sỹ. David Oistrakh đã tiễn ông bằng chương 1 và 3 của bản violin sonata đầu tiên giọng Pha thứ. Richter cũng tham dự lễ tang. Thi hài Prokofiev được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichy ở Moscow. nghĩa trang dành cho những nghệ sĩ, chính trị gia, những người nổi tiếng và có nhiều công lao với đất nước.

Năm 1957, Sergei Prokofiev được truy tặng giải thưởng Lenin cho giao hưởng số 7.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)