Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhạc sĩ mặc áo lính - Doãn nho

Nhạc sĩ mặc áo lính – Doãn nho

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Nhạc sĩ Doãn Nho 5-2023

(Kỷ niệm tuổi 90 của nhạc sĩ Doãn Nho)

Một nền nghệ thuật âm nhạc khỏe mạnh
bao giờ cũng đứng trên cả hai chân,
trụ vững trên cả hai lĩnh vực:
thanh nhạc và khí nhạc.
(Doãn Nho[1])

Doãn Nho thuộc số ít nhạc sĩ Việt Nam đã dành mối quan tâm cho cả hai lĩnh vực: thanh nhạc và khí nhạc, và ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn của riêng mình. Công chúng yêu mến ông qua những bài hát lạc quan, khoẻ khoắn chất lính mà vẫn bát ngát chất tình. Giới âm nhạc chuyên nghiệp còn ghi nhận tên tuổi ông như một nhà soạn nhạc giao hưởng và một nhà lý luận âm nhạc.

Sinh ngày 1-8-1933 tại làng Cót (Từ Liêm, Hà Nội), Doãn Nho có tuổi thơ gắn bó với một miền quê hát chèo và hát trống quân. Cậu bé lớn lên trong lời ru của mẹ và tiếng hát của cha, một người có tiếng trong vùng về giọng hát hay và biết nhiều làn điệu chèo. ở tuổi lên 10, ngoài chất liệu âm nhạc quê hương gần gũi như đã ngấm sâu trong máu thịt, cậu còn học kéo đàn violon và bắt đầu tiếp cận với một nền âm nhạc chuyên nghiệp từ phương trời Tây xa xôi.

Tuổi thơ không hoàn toàn yên ả với những bài học âm nhạc, với những buổi hát chèo, hát trống quân rộn rã ngoài đình làng. Nạn đói, người chết la liệt năm 1945 đã để lại ấn tượng rất đậm trong ký ức đứa trẻ 12 tuổi. Tiếng than vãn rên rỉ, cảnh đói nghèo tang tóc ấy phải được chứng kiến tận mắt và ghi sâu tận đáy lòng, để gần 30 năm sau mới tái hiện lại một cách hiệu quả đến thế trong chủ đề mở đầu giao hưởng thơ Tháng Tám lịch sử.

Cũng từ thời điểm ấy, cậu thiếu niên Doãn Nho đã hòa nhập vào những hoạt động của phong trào cách mạng: tuyên truyền những bài hát cách mạng trong Đội thiếu nhi cứu quốc, tham gia Đội liên lạc Bộ quốc phòng, chơi đàn violon trong Đội tuyên truyền tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Yên. Lần đầu thử bút viết ca khúc đã có kết quả đầy khích lệ: Tiến lên học sinh (1948) được giới thiệu trang trọng trên báo tường trường phổ thông kháng chiến Nguyễn Thái Học là một “sự kiện” không quên trong đời làm nhạc của Doãn Nho.

Năm 1950, Doãn Nho chính thức nhập ngũ vào trường Lục quân Việt Nam. Quân đội trở thành trường học “vỡ lòng” về sáng tác âm nhạc đối với chàng chiến sĩ trẻ, mà bước khởi đầu được đánh dấu bằng bài hát nổi tiếng thời đó: Bà mẹ nuôi (1951). Nhờ sự dẫn dắt của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và nhạc sĩ Đỗ Nhuận, từ một chiến sĩ quản ca đại đội, Doãn Nho đã bước vào hoạt động nghệ thuật âm nhạc, vừa biểu diễn trong đoàn văn công Tổng cục chính trị, vừa viết ca khúc. Cũng nhờ ảnh hưởng của hai nhạc sĩ đàn anh mà Doãn Nho luôn coi như những người thầy đầu tiên về sáng tác của mình, tác giả trẻ đã mau chóng tự khẳng định mình với những sáng tác đượm đà hương vị dân ca, đó là hợp xướng Sóng Cửa Tùng (1955), các ca khúc Chiếc khăn rơi (1956), Tiến bước dưới quân kỳ (1958).

Hai năm học tập tại Nhạc viện Kiev – Ucraina (1962-1964) đã tạo điều kiện cho Doãn Nho đến với nhạc không lời, và kết quả bước đầu trong lĩnh vực khí nhạc là một số tác phẩm thính phòng: ngũ tấu kèn, tứ tấu dây.

Trở về vào lúc đất nước đang sôi động không khí lên đường đánh Mỹ, nhạc sĩ liên tiếp đi vào các chiến trường khu Bốn, Bắc Lào, Tây Nguyên, Quảng Trị. Căng thẳng và gian nan nhất là cuộc hành trình vượt Trường Sơn (1966-1967).

Chẳng biết cái gì hiểm nguy hơn, những khúc sông chảy xiết, những đoạn đường chênh vênh bên bờ vực thẳm hay những cơn sốt rét ác tính dễ dàng quật ngã bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Chẳng biết cái gì đe dọa hơn, thú dữ, rắn rết, bò cạp hay những tọa độ bom, những ổ phục kích… Chưa kể tới hậu quả chất độc hóa học hủy hoại đời người bằng những căn bệnh sau nhiều năm mới phát, hoặc thâm hiểm hơn, còn hủy hoại cả những đứa con ra đời sau cuộc chiến. Tất cả những điều khủng khiếp diễn ra ngay trước mắt ấy đã không làm chùn bước ngã lòng các chiến sĩ Đội xung kích nghệ thuật Đoàn ca múa quân đội, trong đó có nhạc sĩ Doãn Nho và vợ ông. Đối với vợ chồng ông trong cuộc ra đi này không có gì tiếc nuối cho bản thân, họ chỉ âm thầm day dứt một nỗi nhớ con và xót xa thương đứa con bé bỏng nếu chẳng may họ không trở về.

Kết quả trực tiếp từ những chuyến đi vào sinh ra tử ấy là Quả bom câm, Bài ca Kpa Kơlơn, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác, Hát mừng quê ta giải phóng… Nhạc sĩ không ngừng làm dầy thêm tập album ca khúc chống Mỹ của mình bằng những bài ca gắn liền với các sự kiện thời sự và nhân vật anh hùng: Vùng lên giành lấy chính quyền về tay nhân dân, Bài ca dân quân tự vệ Thủ đô, Nhắn xe qua cầu, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng…

Nếu thập niên 60 – đầu thập niên 70 đã khẳng định một Doãn Nho trong lĩnh vực ca khúc, thì những năm 70 còn mở ra một ý nghĩa mới trong sự nghiệp sáng tác của ông. Doãn Nho được coi là nhà soạn nhạc với đúng nghĩa của từ này, kể từ giao hưởng thơ số 1 Tháng Tám lịch sử (1972), giao hưởng 3 chương Chiến thắng (1977) – tác phẩm tốt nghiệp Nhạc viện Kiev, cùng nhiều tác phẩm thính phòng, như tứ tấu dây, rondo cho violon và piano… Những năm 80-90 bổ sung thêm cho “vốn liếng” khí nhạc của ông bằng các tác phẩm giao hưởng: Thánh Gióng (1984), Khúc tưởng niệm (1991), và các tác phẩm thanh nhạc có đệm nhạc cụ: oratorio Trẩy hội Đền Hùng (1995), cantate Đời đời ghi nhớ (1997).

Trong lĩnh vực nhạc không lời còn phải kể đến “cái duyên” của Doãn Nho với nhạc múa: Người con của biển, Hoa biển, Gặp gỡ mùa xuân, Đất nước – niềm tin, Nhịp sạp chiến thắng…; với nhạc phim: Vật kỷ niệm của người đã mất, Bản biến; nhạc cho kịch nói: Hẹn đến ngày mai, Hoàng đế thợ da, Di chúc tình yêu, Chợ đời.

Hai thập niên đầu thế kỷ XXI còn tích lũy thêm vào gia tài âm nhạc của ông nhiều tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc ở các thể loại lớn nhỏ, đáng kể nhất là chùm romance (ca khúc nghệ thuật kèm phần đệm piano), chùm impromptu cho piano… và đặc biệt opera Bài ca tình yêu (2018, công diễn 2022).

Luôn bền bỉ học hỏi và không ngừng mở rộng khả năng hoạt động âm nhạc của mình, Doãn Nho không những trưởng thành từ sáng tác nhạc hát đến nhạc đàn, mà còn tận dụng kinh nghiệm của một người thực hành sáng tác vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình. Vậy là từ những năm 80, bên cạnh một Doãn Nho – sáng tác còn có thêm một Doãn Nho – lý luận. Sau luận án tiến sĩ nghệ thuật học Dân ca và ca khúc quần chúng hiện đại Việt Nam (bảo vệ tại Kiev năm 1982), ông đã viết nhiều tiểu luận, tham luận và bài phê bình âm nhạc: Một vài suy nghĩ về tính chiến đấu và sự phong phú, đa dạng của thể loại hành khúc, Thể loại hành khúc với truyền thống giữ nước của dân tộc ta, Để tiếng nhạc lời ca bay xa hơn, Âm nhạc trong cơ chế thị trường, Tản mạn đôi điều về công tác lý luận phê bình âm nhạc, v.v.

Những bài viết cho thấy cùng với sự say mê nghiên cứu dân ca, tác giả hết sức quan tâm đến sự phát triển ca khúc đương đại. Đánh giá thành tựu các chặng đường phát triển ca khúc, ông dẫn nhiều thí dụ từ bài hát của các đồng nghiệp và hầu như không một lời về sáng tác của chính mình. Quan tâm theo dõi, nghe và thuộc nhiều tác phẩm của người khác là một điều thật đáng quý ở một nghệ sĩ có tâm, một con người khiêm nhường. Không bỏ lỡ cơ hội học hỏi đồng nghiệp, ông đã làm được như dân gian đúc kết: học thầy không tày học bạn, điều đó cũng góp phần làm nên những thành quả cho chính ông.

Thành quả mà nhạc sĩ Doãn Nho có được trong cuộc đời sáng tác của mình đã được ghi nhận bằng Huy chương vàng, Huy chương bạc của các Hội diễn toàn quốc, bằng nhiều giải thưởng của Bộ Văn hóa, Bộ Quốc phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Xô, Hội liên hiệp Phụ nữ. “Nhạc sĩ của những người lính” còn có thể tự hào với chiếc áo sĩ quan quân đội nặng trĩu nếu đeo hết những tấm huân chương được trao tặng: Huân chương Chiến thắng hạng ba (1955), Huân chương Chiến công hạng ba (1956, 1969), Huân chương Lao động hạng ba (1958), Huân chương quân công hạng ba (1984), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1984), Huân chương độc lập hạng ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang các hạng khác nhau, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật (2002) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (2017).

Với mong muốn khiêm nhường “làm một viên gạch nền”, nhạc sĩ Doãn Nho ở tuổi 90 vẫn say mê viết, say mê ấp ủ ý tưởng cho những tác phẩm mới, và vẫn tiếp tục làm giàu cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc đã có những thành quả đáng trân trọng của ông.

[1] Doãn Nho: Để tiếng nhạc lời ca bay xa. Văn nghệ, số 41, 8/10/1988.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

MÊNH MANG TRỜI CHIỀU

MÙA HOA TRỞ LẠI

Hát Giang trường hận

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY