Thứ Bảy, Tháng Năm 11, 2024

Ngọn lửa đam mê

Tác giả: Lê Hải Đăng

Đam mê sản sinh trong cơ thể con người như nguồn năng lượng kỳ diệu. Đam mê vừa chỉ trạng thái đặc thù, vừa bao hàm nguồn năng lượng vô hình hình thành trong quá trình sáng tạo. Ở tiếng Hán, đam mê gọi là “kích tình”, một loại tình cảm được kích hoạt bởi cơ chế hoạt động đặc thù của cơ thể, đi kèm với nó còn có cảm hứng, cũng gọi là linh cảm.

Như chúng ta biết, phàm những gì liên quan đến linh, như: linh hồn, linh giới, linh thiêng… đều thuộc thế giới vô hình, không thể nhìn thấy bằng mắt. Nhưng, không hẳn vì thế mà chúng ta không thể cảm nhận được niềm đam mê. Chẳng hạn như nghệ sĩ biểu diễn với màn trình diễn xuất thần hay nhạc sĩ sáng tác trong niềm hưng phấn, cảm xúc dâng trào… Tất cả đều có thể đem đến cảm nhận bằng trực giác cho cả người trong lẫn ngoài cuộc. Tất nhiên, đối với người biểu diễn, khán thính giả dễ dàng cảm nhận được nhiệt tình, đam mê…hơn người sáng tác trong trạng thái tĩnh lặng, một mình.

Đam mê giống như dòng suối chảy âm thầm trong nguồn mạch sáng tạo. Bằng trải nghiệm thực tế cho thấy, đam mê chỉ có thể gặp, chứ không thể cầu. Nó cũng giống như trạng thái xúc cảm của con người trước vẻ đẹp. Khi cảm xúc dậy lên, chúng ta hoàn toàn rơi vào trạng thái “ý thức bị đánh cắp” mặc cho diễn biến tâm lý đưa đẩy trôi dạt bất định. Nếu “ý thức trở về” nhận biết được xúc cảm đang diễn ra, tình trạng ấy tự nhiên biến mất. Giống như một người đang nghe nhạc bồi hồi xúc động mà ý thức về điều đó thì cảm giác này vụt tan. Trong tình yêu, cảm xúc đam mê cũng đến và đi theo cơ chế ấy. Đam mê, xúc cảm nghệ thuật là những giá trị cần nuôi dưỡng bằng tâm hồn ngây thơ, vô tư, không vụ lợi… Dù biết được lợi ích, sự hậu thuẫn của nó trong hoạt động sáng tạo cũng không thể gọi lòng đam mê, xúc cảm ra thay ta sáng tạo. Đam mê, xúc cảm mong manh chợt đến, chợt đi như nước chảy hoa trôi. Nếu biết nuôi dưỡng tâm hồn, ấp ủ ý tưởng nồng nàn, nguồn năng lượng đam mê có khả năng rọi chiếu những góc khuất tăm tối trong thế giới sáng tạo đầy bí ẩn của con người, hỗ trợ người sáng tạo đi vào tác phẩm và đi ra từ một cõi vô hình. Đam mê cũng như cô Tấm dịu hiền ẩn náu trong ngôi nhà thể xác làm việc chăm chỉ giúp cho tâm hồn người sáng tạo kết nối với cõi vô biên.

Đam mê có lẽ xuất phát từ thuở hồng hoang của lịch sử loài người. Ở rất nhiều tộc người bán khai, nguyên thủy, nguồn năng lượng này vẫn bùng cháy dữ dội qua hoạt động lễ hội, cảnh diễn, hình thái trình diễn bất phân giữa nghệ thuật và tín ngưỡng. Trong nhiều tình huống, người tham gia rơi vào trạng thái “vô ngã”, “nhập đồng”, hoang mê… Theo nhà nghiên cứu Lý Tịnh Huệ, Đài Loan, chuyên gia về âm nhạc Gamelan, Indonesia, tác giả cuốn sách: “Taksu và kotekan trong xã hội và âm nhạc Bali qua nghiên cứu trường hợp Kecak” khi đề cập tới “taksu” viết: đam mê là “nguồn năng lượng và tài năng nghệ thuật thỉnh cầu từ thần linh để đạt tới cảnh giới xuất quỷ nhập thần… Loại năng lượng này có được nhờ cầu nguyện thần linh một cách thành kính, cộng thêm với sự nắm bắt đầy đủ kỹ thuật ở cá nhân mới đạt tới sự hợp nhất giữa thân – tâm – linh”. Nhà nghiên cứu I Wayan Dibia, người Indonesia từng ví von: “tác phẩm nghệ thuật mà không có taksu chẳng khác nào cây nến không có lửa, không thể nào sản sinh ra sức nóng và ánh sáng để chiếu rọi bóng đêm, giống như con người không có linh hồn thì không còn sức sống”. Ngọn lửa này có khả năng thắp sáng tâm hồn, thiêu rụi tâm can nhằm chuyển hóa giá trị vật chất thành tinh thần. Nói cách khác, đam mê chính là cội nguồn của sáng tạo. Nó bắt nguồn từ xa xưa đi đến xã hội hiện đại. Đam mê và cảm hứng tựa như cặp bè trùng trong hoạt động sáng tạo. Chúng ta cũng thường nói cảm hứng đi kèm với đam mê, một sự kết hợp hoàn hảo. Cảm hứng là hiện thân của lửa đam mê, cháy bỏng trong phút giây thăng hoa, sáng tạo.

Chúng ta có thể liên hệ tới những người con của núi rừng Tây Nguyên thể hiện nguồn năng lượng đam mê tích tụ trong nghệ thuật cồng chiêng, một công cụ nhằm ký thác hồn thiêng bất tử của thần linh, núi rừng… Cảm hứng nghệ thuật, lòng đam mê chất ngất như trường khí quyền chờ giải phóng trong lòng những nghệ sĩ dân gian hình thành từ sức mạnh tổng hợp của mỗi cá nhân. Dựa vào mối quan hệ chiều dọc – hướng thượng với thần linh, chiều ngang với các thành viên và chiều sâu hướng nội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. So với nhiều tộc người, loại hình nghệ thuật khác có thể thấy rõ bản sắc vùng văn hóa Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng. Bản sắc này thể hiện dưới dạng vô hình hay hữu hình, đặc biệt ký thác trên thực thể con người, những đứa con của núi rừng Trường Sơn mang trong mình dòng máu đam mê, tràn đầy nhựa sống. Nguồn năng lượng dồi dào, vô hình ấy toát ra từ bên trong cá nhân, đồng thời tiếp sức cho bên ngoài thông qua các mối quan hệ. Hòa quyện là cảnh giới tối thượng của nghệ thuật âm nhạc. Dù có nhận thức đầy đủ hay không thì trong cấu trúc nội tại và hình thái tồn tại, nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng vẫn cho phép liên kết các giá trị, từ thế giới quan, nhân sinh quan cho đến quan niệm thẩm mỹ. Sức mạnh, nguồn năng lượng có được thông qua mối quan hệ thân – tâm – linh thể hiện một cách cụ thể hay trừu tượng, hữu hình hay vô hình giữa cá nhân và thần linh, các thành viên đã đem đến cho các thành viên sự gắn kết khăng khít cùng sự ràng buộc mật thiết, tạo nên bầu không gian huyền thoại cho nghệ thuật cồng chiêng lên tiếng. Cảm hứng sáng tạo không chỉ xuất phát bởi cá nhân mà còn hội tụ từ thần linh (thế giới vô hình, yang). Thái độ hồn nhiên, thuần phác, khiêm nhường là những đức tính toát ra từ bản thể nghệ sĩ dân gian. Dù bộc lộ tài năng nghệ thuật xuất chúng cũng hiếm thấy nghệ sĩ nào tỏ ra “chảnh”, kiêu mạn như ngôi sao nhạc Pop. Đó là điểm dị biệt hình thành từ thế giới quan thẩm mỹ cùng những yếu tố tương hỗ, mang tính phụ thuộc lẫn nhau ở vùng văn hóa nghệ thuật độc đáo này.

Ở tiếng Việt, để hình dung về sự đam mê, người Việt bổ sung danh từ “ngọn lửa” nhằm làm sáng tỏ bản chất của nó. Lửa vừa có thuộc tính nóng, vừa có công năng chiếu sáng, biểu trưng cho sự sống. Lửa đam mê không đốt bằng nguyên liệu vật chất thông thường mà thắp sáng bằng nguồn năng lượng tinh thần, phi vật chất. Nhờ ngọn lửa đam mê, người sáng tạo có thể tìm kiếm, gặp gỡ thứ mình muốn trong góc khuất bí ẩn của tâm hồn nhằm làm nên giá trị ở nghệ thuật.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY