Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Trang chủTin tứcTin chungLần đầu tiên trình diễn tổ khúc “Việt Nam” tại nước ta

Lần đầu tiên trình diễn tổ khúc “Việt Nam” tại nước ta

Tác giả: Mai Hạnh

Lần đầu tiên, tổ khúc “Việt Nam” của nhà soạn nhạc người Azerbaijan Gara Garayev được trình diễn tại nước ta trong chương trình hòa nhạc đặc biệt “VNSO – VNAM Joint Concert 2023”.

Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 14-12, tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội).

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội cùng trình diễn.

“VNSO – VNAM Joint Concert” là chương trình hòa nhạc được tổ chức thường niên vào cuối năm, do hai đơn vị hoạt động âm nhạc cổ điển lớn của cả nước là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) kết hợp thực hiện, giới thiệu những tác phẩm đồ sộ, kinh điển.

Chương trình năm nay công diễn tác phẩm tổ khúc “Việt Nam” của nhà soạn nhạc Gara Garayev.

Gara Abulfaz oglu Garayev là một trong những đại diện nổi bật nhất của Azerbaijan, người từng là học trò sáng tác của D.Shostakovich. Âm nhạc của Garayev có một phong cách độc đáo, bao gồm cảm nhận sâu sắc về âm nhạc dân tộc. Tác phẩm của ông được thể hiện ở nhiều thể loại khác nhau, bao gồm giao hưởng, múa ballet, nhạc cụ thính phòng, âm nhạc cho các tác phẩm sân khấu và điện ảnh.
Garayev đã viết nhạc cho hàng chục bộ phim và các sáng tác đó chiếm một vị trí quan trọng trong tiểu sử sáng tạo của ông. Trong số các tác phẩm nhạc dùng cho phim của ông, có phần nhạc cho phim tài liệu ‘Việt Nam’, là bộ phim tài liệu hợp tác Xô-Việt đầu tiên từ năm 1954. Âm nhạc trong phim phong phú về âm điệu và sử dụng chất liệu dân gian Việt, kết hợp với thủ pháp viết giao hưởng phương Tây tạo nên nét thú vị ấn tượng, vì thế tác giả đã biên lại thành một Tổ khúc để trình diễn riêng cho dàn nhạc giao hưởng.
Tổ khúc ‘Việt Nam’ gồm 6 phần:
Phần 1 – “Phong cảnh quê hương”, khắc hoạ thiên nhiên Việt Nam đẹp thơ mộng như bức tranh yên bình.
Phần 2 – “Bê tông và dây điện” mô tả về cuộc sống còn gian khổ của người dân Việt Nam.
Phần 3 – “Giai điệu dân gian” tạo nên hình ảnh những con người vui vẻ, cần cù, không mất niềm tin vào tự do của mình.
Phần 4 – Scherzo với hình ảnh một đất nước chịu cảnh chiến tranh đau thương và khốc liệt.
Phần 5 – “Tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống” được coi là một khúc nhạc cầu siêu cho những người đã khuất trong chiến tranh.
Phần 6 – là khúc nhạc kết đầy năng lượng, trong trẻo, dựa trên bài hát “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải, 1951) của Việt Nam được sáng tác trong những ngày chiến đấu anh dũng vì Tổ quốc.

Chương trình có sự tham gia độc tấu của nghệ sĩ violon nổi tiếng thế giới Aiman Mussakhajaeva.

Bên cạnh tổ khúc “Việt Nam”, chương trình còn mang đến tác phẩm Concerto cho violon op.77 của Johannes Brahms và Bản giao hưởng số 3 “Organ” op.78 của Camille Saint-Saens.

“VNSO – VNAM Joint Concert 2023” do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy, đặc biệt có sự tham gia độc tấu của nghệ sĩ violon nổi tiếng thế giới Aiman Mussakhajaeva – Giám đốc Đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan, người đoạt 3 giải thưởng violon danh giá thế giới tại cuộc thi Paganini, Sibelius và Tchaikovsky.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY