Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềKHÁI LƯỢC TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU BROADWAY

KHÁI LƯỢC TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU BROADWAY

Tác giả: Lương Nguyệt Anh

Nhạc kịch Broadway là một thể loại âm nhạc xuất hiện giữa thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ và Anh, sau đó được lan tỏa khắp thế giới. Trải qua nhiều giai đoạn, nó đã trở thành biểu tượng của nền giải trí với nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, trong đó có số lượng không nhỏ các nghệ sĩ đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín như: Oscar, Sư tử vàng, Cành cọ vàng… Tất cả họ đều phải thốt lên rằng, nhạc kịch Broadway là một trong những thể loại danh giá nhất và hội tụ đầy đủ những tinh hoa, tài năng của nhân loại, và đồng thời được công nhận là một trong biểu tượng văn hoá của New York nói riêng và của nghệ thuật thế giới nói chung.

Broadway là một hình thức sân khấu kết hợp giữa âm nhạc, thanh nhạc, lời thoại và nhảy múa. Nội dung của tác phẩm mang đậm tính hài hước, tình cảm, tình yêu, giận dữ của từng nhân vật. Nó được thể hiện qua những câu chuyện, được truyền đạt thông qua lời nói, âm nhạc, chuyển động của hoạt cảnh dựa trên các khía cạnh kỹ thuật của công cụ đa phương tiện, như một tổng thể tích hợp. Từ đầu thế kỷ XX, sân khấu  Broadway thường được gọi đơn giản là “nhạc kịch”. Những tác phẩm thuộc thể loại này được biểu diễn khắp nơi trên thế giới và được công chúng đặc biệt yêu thích. Chúng được trình diễn ở những địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn như sân khấu West End ở New York và nhà hát Broadway ở London. Sau đó, sân khấu Broadway phát triển thịnh vượng và là địa chỉ nổi tiếng không chỉ với nước Mỹ, mà còn là tên gọi chung cho cụm 39 nhà hát với rạp nhỏ nhất khoảng 500 chỗ, lớn nhất gần 2.000 chỗ nằm rải rác ở Theatre District, New York. Cuối thế kỷ XIX, “thủ đô” của nhạc kịch Broadway lại nằm ở Union Square.

Đến năm 1881, nghệ sĩ Tony Pastor cho mở nhà hát trình diễn thể loại Broadway đầu tiên. “A Trip to Coontown” (1898) là vở nhạc – hài kịch đầu tiên được đưa vào sân khấu Broadway, bởi một người Mỹ gốc Phi. Trải qua nhiều thăng trầm, thanh lọc và chọn lựa các thể loại trình diễn, cho đến ngày nay, sân khấu Broadway là điểm hẹn thưởng thức nghệ thuật cho phần đông người dân, dù cho nền kinh tế có nhiều lúc rơi vào khủng hoảng.

Sự thành công từ thể loại đặc trưng của các nước nói tiếng Anh này gắn chặt với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Nhà sử học M.Shefter cho rằng: “Nhạc kịch Broadway với đỉnh cao là những tác phẩm của R.Rodgers và O.Hammerstein đã trở thành hình thức văn hóa đại chúng của Hoa Kỳ, có ảnh hưởng to lớn và góp phần đưa thành phố New York trở thành thủ đô văn hóa của thế giới”. Rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh, kịch nghệ nổi tiếng đều đã đạt được vinh quang trên sân khấu này như: Paul Newman đã gắn bó hơn nửa thế kỷ, Rapper P.Diddy, vợ chồng Antonio Banderas, Billy Crystal, Lillian Russell, Vivienne Segal, Fay Templeton, Julia Roberts, Nicole Kidman, Jennifer Aniston, Katie Holmes, Elizabeth Taylor,…

Để một vở nhạc kịch Broadway đi đến thành công, có ba thành phần chính cần chú trọng là: Âm nhạc, lời bài hát và những câu chuyện có thật, để tác phẩm nhạc kịch dựa vào. Những tình tiết thuộc câu chuyện có thật ấy, được tác giả phát triển thông qua các hình tượng nhân vật trên sân khấu, với nét mặt, trang phục kết hợp âm nhạc, đôi khi là những cuộc đối thoại bằng lời nói rất kịch tính. Âm nhạc và lời thoại phối hợp cùng nhau tạo thành tâm điểm của vở nhạc kịch.

Việc sử dụng ngôn từ dựa trên âm nhạc của đội ngũ sáng tạo trong mỗi tác phẩm có ảnh hưởng lớn tới phong cách âm nhạc trình bày. Nhóm này gồm một đạo diễn, một giám đốc âm nhạc, một biên đạo múa và (đôi khi) chỉ huy dàn nhạc. Ngoài những vấn đề về nghệ thuật, một vở nhạc kịch thành công mang đặc trưng từ các khía cạnh kỹ thuật. Chẳng hạn như thiết kế bối cảnh, trang phục, đạo cụ, ánh sáng và âm thanh. Một tác phẩm mỗi lần được trình diễn thường thay đổi so với bản gốc. Việc này đã thành tiền lệ kéo dài đến các sản phẩm kế tiếp.

Về thời lượng, không có độ dài cố định cho một vở nhạc kịch cụ thể. Tuy nhiên, hầu hết các vở nhạc kịch kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Tác phẩm thường được trình bày thành 2 màn. Màn đầu tiên thường kéo dài hơn màn thứ hai. Trong phần đầu tiên thường giới thiệu gần như tất cả vai trò, hình tượng các nhân vật và tính chất âm nhạc, và thường kết thúc màn bằng phần phát triển kịch tính, xung đột hoặc những câu chuyện phức tạp. Màn thứ hai có thể trình tấu một vài bài hát, tình tiết mới, nhưng thường chứa các đoạn lặp lại các chủ đề âm nhạc quan trọng và giải quyết xung đột hoặc sự phức tạp, rồi đi đến phần kết của tác phẩm.

Một vở nhạc kịch thường được xây dựng bởi 4-6 giai điệu, chủ đề chính, có tái hiện trong phần kết. Phần đối thoại của các nhân vật thường xen kẽ giữa các chủ đề, mặc dù tính chất “hát đối thoại” hoặc ngâm thơ có thể rất được chú trọng sử dụng để nêu bật khả năng diễn tấu của các nghệ sĩ. Đặc biệt là trong các vở nhạc kịch Jesus Christ Superstar, Les Misérables và Evita. Với sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ thực hiện, nhiều tác phẩm đã đạt được những thành tựu to lớn. Thậm chí có những vở được trình chiếu hàng trăm, thu hút đông đảo khán giả vào cửa mua vé. Đơn cử như vở “Oklahoma”. Và có những vở không giới hạn về ngày kết thúc như: “Chicago”, “The Phantom of the Opera”, …

Để ghi nhận những đóng góp tiêu biểu cho lĩnh vực nhạc kịch Broadway, giải thưởng Antoinette Perry (thường được biết đến là giải thưởng Tony) đã ra đời năm 1947, do Liên đoàn Broadway trao tặng hàng năm cho những vở kịch xuất sắc về âm nhạc, nghệ thuật, diễn xuất và kịch bản. Giải này được sánh ngang với giải Oscar danh giá trong lĩnh vực phim ảnh.

Các thành viên tham gia vào vở diễn từ diễn viên, vũ công, ca sĩ, quản lý sân khấu… đều là thành viên của công đoàn diễn viên, và là đại diện cho hiệp hội nghề hoặc tổ chức thương mại. Các nhạc sĩ đều là đại diện đến từ Liên đoàn nhạc sĩ quốc gia. Phục trang, thiết kế sân khấu, nhân viên bán vé, nhân viên chỉ dẫn… cũng thuộc Liên minh Nghệ sĩ kịch quốc tế. Đạo diễn, biên đạo múa, kịch bản được lựa chọn từ nghiệp đoàn.

Tại Việt Nam, hiện nay thể loại nhạc kịch này đã bắt đầu xuất hiện, với tần suất mỗi năm 1 vở và được khán giá đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên, thể loại này vẫn chưa được quan tâm phát triển mạnh như một số dòng nhạc khác, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong những năm 2012 – 2015, một nhóm nghệ sĩ trẻ do đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh dựng các vở: “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối”. Cả 2 đều được tổ chức tại phòng hòa nhạc lớn của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Vở “Góc phố danh vọng” với thời lượng khá dài, 150 phút, cốt truyện được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên cũng vấp phải nhiều vấn đề trong diễn xuất, do không tìm được những diễn viên đủ khả năng đảm đương vai diễn. Nhà hát Tuổi trẻ nổi trội với dự án “Majoin – Cô bé phép thuật”, được thực hiện cùng Nhà hát nổi tiếng của Nhật Bản – Shiki, đã lên kế hoạch tuyển diễn viên trước 3 năm để đào tạo các kỹ năng biểu diễn cần thiết phục vụ cho dự án. Điều đó cho thấy khó khăn không nhỏ khi phát triển thể loại này tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2013 – 2014, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức giới thiệu nghệ thuật sân khấu kịch Broadway và thử vai các phân đoạn của vở “Jersey Boys” do diễn viên nổi tiếng Jonathan Hadley thực hiện. Sau đó được công diễn rất thành công tại Nhà hát lớn. Ngoài ra, nghệ sĩ người Mỹ Parks Masterson cũng tới Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu và dàn dựng một số trích đoạn nhạc kịch tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, dự án Hope cũng do Đại sứ quán Mỹ tài trợ với 3 vở diễn trong 35 đêm gồm: “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa” do đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh dàn dựng. Năm 2020, tại Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã xuất hiện vở “Viên đạn cho Valentine” do tổ chức Fragment phi lợi nhuận dành cho sinh viên, học sinh dàn dựng. Trong năm 2021, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục dàn dựng vở “Bầy chim thiên nga”, dành cho đối tượng thiếu nhi. Vở nhạc kịch được lấy cốt truyện từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen do NSƯT Lê Ánh Tuyết dàn dựng, kịch bản của Trần Lệ Chiến.

Từ đầu tới cuối tác phẩm nhạc kịch Broadway, khán thính giả dường như say đắm, lạc vào một thế giới khác với đầy sự cuốn hút bởi dàn diễn viên chuyên nghiệp, âm nhạc đỉnh cao và diễn xuất mượt mà. Những năm gần đây, với doanh số tiền vé hàng năm từ vài trăm triệu USD đến trên 1 tỷ USD của riêng hệ thống rạp Broadway Hoa Kỳ đã đủ nói lên sức hút của loại hình nghệ thuật này trong lòng công chúng không chỉ trong nước Mỹ mà còn trên thế giới.

Tóm lại, nhạc kịch Broadway là tổ hợp của một guồng máy vĩ đại mà các bộ phận trong đó đều vận hành một cách trơn tru. Mỗi thành viên đều rất tự hào khi được chung tay, góp sức vào nền kịch nghệ phát triển rực rỡ, năng động bậc nhất thế giới và để ngày một phát huy thương hiệu đẳng cấp cao nhất cho kịch Broadway. Nhiều nghệ sĩ đều ao ước được diễn trên sân khấu này, nhưng phải là những người có tài năng thật sự xuất sắc và vượt trội thì mới có cơ may đứng trên sân khấu Broadway. Còn với khán giả ở khắp nơi trên thế giới, cảm giác về Broadway luôn là hoành tráng, lộng lẫy, ấn tượng, choáng ngợp, bởi vì không gian, kiến trúc, âm thanh, ánh sáng, cách chuyển đổi sân khấu cho mỗi màn biểu diễn, cho đến dàn diễn viên tài năng. Nhiều người bày tỏ sự tán đồng với câu nói: “Đến với Broadway một lần để nhớ mãi trong suốt quãng đời còn lại”./.

ThS Lương Nguyệt Anh

Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội

Tài liệu tham khảo:

  1. T. I. Kiy, Melody “Broadway”, Nxb Hội nhạc sĩ Saint Petersburg, 2017.
  2. Vocal Selection “A new Musical Wicked” music and lyrics by Stephen Schwartz, Nxb Hal Leonard Corporation Australia, 2018.
  3. Vocal Selection “Beauty and the beast: a new musical”, Nhà xuất bản Hal Leonard Corporation Australia, 2018.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY