Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩHành trình phá bỏ những giới hạn của Đồng Quang Vinh

Hành trình phá bỏ những giới hạn của Đồng Quang Vinh

Tác giả: Việt Linh

Chuyến lưu diễn ở Nhật lần này mang lại cho anh thật nhiều cảm xúc, dù cuộc đời nghệ sĩ của anh đã có rất nhiều chuyến đi. Nhưng lần này, lần đầu tiên, Đồng Quang Vinh đảm nhận một vai trò khác, chỉ huy dàn nhạc quốc tế Việt Nhật – ở một đất nước khó tính và khắt khe trong âm nhạc như Nhật Bản.

Với anh, đó là một chuyến khởi hành đầy hứng khởi, không chỉ cho riêng anh mà còn cho đời sống âm nhạc Việt Nam.

1. Những ngày này, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đang chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng quốc tế Việt Nhật trong chuỗi chương trình hòa nhạc Việt – Nhật –  một dàn nhạc hơn 60 nghệ sĩ cả Việt Nam và Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên, một nhạc trưởng người Việt Nam sẽ chỉ huy dàn nhạc quốc tế Việt Nhật. Với Đồng Quang Vinh, đây là một vinh dự nhưng cũng là áp lực vì khán giả Nhật có trình độ thưởng thức âm nhạc rất cao và khó tính. Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên khi anh được chọn bởi tài năng và tình yêu âm nhạc của Đồng Quang Vinh đã được khẳng định qua thời gian. Cũng trước đó mấy tháng, anh đã cùng với một số nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sang Áo biểu diễn.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.

Những chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc cho anh bởi  âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu có những định vị trên bản đồ âm nhạc thế giới. Đó cũng là một niềm vinh dự của Việt Nam sau nhiều năm chúng ta nỗ lực phát triển âm nhạc cổ điển và âm nhạc Việt đi ra thế giới không chỉ để giao lưu, không chỉ để trình diễn âm nhạc dân tộc mà chúng ta đã mở ra những cơ hội cho chính mình khi ra nước ngoài chơi nhạc cổ điển, chơi nhạc Việt Nam đương đại.

Đồng Quang Vinh là một chỉ huy dàn nhạc, nhưng thế giới của anh luôn được khai mở bởi khả năng sáng tạo và khao khát chinh phục những vùng đất mới. Vinh có sức làm việc “khủng”, khi anh có thể bắt đầu và kết thúc một ngày bằng rất nhiều dự án, công việc khác nhau. Lúc gặp Vinh đang chỉ huy dàn nhạc, lúc thấy anh trong một dự án của nghệ sĩ, rồi viết tổng phổ cho những bản nhạc cổ điển chuyển soạn sang nhạc cụ tre nứa…

Trên cái nền cổ điển mà anh được học hành, đào tạo bài bản ở Học viện Âm nhạc quốc gia và sau này, ở Trung Quốc, Đồng Quang Vinh đã khai phá một con đường riêng của mình. Bởi  tình yêu sâu thẳm của anh vẫn dành cho dàn nhạc tre nứa Sức sống mới mà anh đang mở rộng mô hình và biên chế dàn nhạc. Với anh, điều đó có sức hấp dẫn kỳ lạ. Anh chia sẻ rằng, tre nứa là những nhạc cụ gắn bó cả đời với cha mẹ anh, vì thế, anh luôn dành tâm huyết và tình yêu cho nó, tìm cách nâng tầm nhạc cụ dân tộc, để nó không đơn thuần là những nhạc cụ chỉ biết chơi nhạc truyền thống mà có sự kết nối, giao thoa với đương đại.

Hành trình đó không hề đơn giản, nếu không nói là đầy chông gai khi âm nhạc cổ điển, âm nhạc dân tộc ở Việt Nam rất vắng khán giả. Âm nhạc dân tộc chơi cổ điển lại càng kén người nghe bởi so với nhạc cụ phương Tây, tre nứa Việt Nam thô mộc, đơn giản hơn, nhưng được cái nó không bị can thiệp bởi công nghệ. Người nghệ sĩ có thể thả hồn bay bổng với những cảm xúc của mình. Nghiên cứu và tìm tòi, thể nghiệm sau một chặng đường dài, anh tin rằng, nếu đủ nhiệt huyết, đủ tình yêu, nhạc dân tộc Việt có thể chơi và chinh phục được những bản nhạc cổ điển và nhạc cụ dân tộc sẽ đi được những chặng đường xa trên hành trình chinh phục khán giả trong và ngoài nước.

Những sáo, trưng, tiêu, khèn, đàn tranh, tam thập lục, đàn nguyệt, đàn đáy, trống đứng cạnh nhau và xếp thành dàn nhạc, có thể chơi những bản giao hưởng mang tinh thần hiện đại và nhiều tầng, điều đó chứng tỏ Đồng Quang Vinh đã phải nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến và rất nhiều đêm thức muộn để viết lại tổng phổ của từng bản nhạc. “Có lẽ vì thức khuya nên tóc tôi không mọc được”. Vinh cười đùa. Nhưng tôi hiểu, anh đã phải làm việc gấp 200 lần những người bình thường để có thể hoàn thiện những khối công việc mà anh đang làm. Nhưng điều lạ là, chưa bao giờ thấy Vinh mỏi mệt. Lúc nào gặp Vinh cũng tràn đầy năng lượng, với nụ cười dường như sẵn có trên gương mặt hào hoa, lịch lãm. Ngắm Vinh chỉ huy dàn nhạc đầy điệu nghệ, ngẫu hứng, đôi khi anh còn tham gia chơi một nhạc cụ trong bản hòa âm ấy.

2. Đồng Quang Vinh nói, anh tự hào được sinh ra trong một gia đình truyền thống về âm nhạc và tình yêu đó được cha mẹ trao truyền cho anh, nghệ sĩ đàn tranh Mai Lai và bố là người chuyên chế tác nhạc cụ dân tộc từ tre nứa, NSƯT Đồng Văn Minh. Dàn nhạc Sức sống mới của Vinh càng ngày càng phát triển và mở rộng. Đó là giấc mơ về một dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mà chính nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng chia sẻ với tôi, khi chúng ta hoàn toàn có cơ hội để phát triển một dàn nhạc của người Việt, chơi những bản nhạc Việt Nam. Anh có một niềm tin, khi đủ tình yêu, sẽ vượt qua nghìn dặm đường xa để chinh phục tình yêu đó.

Nghệ sĩ Đồng Quang Vinh và vợ – một cô gái Trung Hoa xinh đẹp.

“Tôi rất tự hào về dòng máu dân tộc cùng lịch sử, văn hóa của mình. Âm nhạc Việt Nam đáng lẽ phải có trên bản đồ thế giới từ lâu cùng với Nhật, Hàn Quốc, Scotland, Mỹ… nhưng rất tiếc chúng ta chưa có thương hiệu về âm nhạc. Cho nên đây là công việc chúng ta cần phải làm thường xuyên để nâng cao tầm hiểu biết và suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam và lòng tự hào của các bạn về âm nhạc dân tộc, để mỗi khi bước chân ra thế giới, họ phải tự hào khi hát những câu hát dân ca hay chơi nhạc cụ Việt Nam, điều đó góp phần quảng bá âm nhạc Việt ra bạn bè thế giới”.

Đồng Quang Vinh là người cởi mở trong tư duy sáng tạo. Anh có thể làm nhiều công việc khác nhau, không ngần ngại khi kết hợp với các nghệ sĩ trẻ ở nhiều dòng nhạc. Anh quan niệm, thế kỷ 21 là thế kỷ của sự sáng tạo và phá bỏ những rảo cản, giới hạn trong thanh âm. Vì thế, anh sẵn sàng kết hợp với các nghệ sĩ trẻ ở nhiều dòng nhạc khác nhau, để tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam như dự án âm nhạc của Đen Vâu kết hợp Rap với dàn nhạc giao hưởng, nghệ sĩ Tân Nhàn hay mới đây là dự án “Núi hát” của ca sĩ trẻ Trần Tùng Anh.

Điểm chạm để lựa chọn hợp tác trong các dự án âm nhạc của anh đó là chất dân gian truyền thống trong sự kết nối với đương đại. Anh coi đó là cơ hội để lan tỏa những vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống đến giới trẻ. Khi làm việc với Đen Vâu hay Tùng Anh, khán giả của họ sẽ biết đến một dòng nhạc khác với những thanh âm mà giới trẻ bây giờ đang nghe. Đó cũng là cơ hội để anh “tiếp thị” dòng nhạc của mình, bởi âm nhạc với anh là một dòng chảy bất tận.

Mới đây, Vinh còn đảm nhiệm thêm vai trò nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đó là nơi quy tụ những tài năng đang theo học tại nhạc viện, tạo ra sân chơi cho các em có cơ hội được biểu diễn, giao lưu với công chúng trong và ngoài nước. Chia sẻ về vị trí của mình ở dàn nhạc, Đồng Quang Vinh rất hào hứng: “Tôi luôn nghĩ  đến sự truyền lửa và kết nối với các bạn trẻ, để các em có cơ hội biểu diễn và truyền cảm hứng đến cộng đồng. Đây cũng là hoạt động trọng tâm đào tạo thực hành của Học viện nhằm chuẩn bị đội ngũ kế cận cho giao hưởng nước nhà. Và khi có những sân chơi lành mạnh như vậy, đời sống âm nhạc cũng sẽ được kích hoạt, phát triển hơn”.

Tôi hỏi Đồng Quang Vinh, có bao giờ anh thấy mỏi mệt, chùng bước trên dặm đường xa ngái? Vinh cười, âm nhạc là hơi thở, là tình yêu của anh. Vì thế, anh có thể làm việc miệt mài từ sáng đến tối và hiếm khi anh từ chối những cơ hội công việc mà với nó, anh được làm những điều mình đang ấp ủ, với âm nhạc dân tộc. Và trên mỗi chuyến đi cùng gia đình, anh vẫn mang theo những bản tổng phổ còn viết dở, để tranh thủ lúc vợ con ngủ, anh lại mở ra nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Anh may mắn vì có một người vợ – nghệ sĩ piano người Trung Quốc – Mạc Song Song vì mê tiếng đàn trưng mà theo anh về Việt Nam. Gia đình nhỏ của Vinh yêu thương, quây quần trong thế giới của những thanh âm và những chuyến lưu diễn, như tuổi thơ Vinh đã từng lớn lên như vậy. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho anh không ngừng làm việc, không ngừng sáng tạo khai phá những vùng đất mới trong hành trình của mình.

(Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY