Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềĐƯA ÂM NHẠC DÂN GIAN VÀO SÁNG TÁC MỚI

ĐƯA ÂM NHẠC DÂN GIAN VÀO SÁNG TÁC MỚI

Tác giả: Ngô Sỹ Tùng

Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Âm nhạc của mỗi dân tộc lại mang một sắc thái riêng, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Cùng với dòng chảy của thời gian, với sự sáng tạo của các nghệ sĩ, các nhạc sĩ, âm nhạc dân tộc cũng được làm mới để phù hợp với xu hướng hiện đại. Không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, âm nhạc của các dân tộc thiểu số mà còn góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.

Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bức tranh đa sắc, đa hương, bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Trong đó, âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá đồng văn, có ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, có dòng Nho Quế trong xanh như dải lụa, có dòng sông Lô lịch sử, có đỉnh Mã Pì Lèng đệ nhất hùng quan…

Để lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo ấy, những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc bảo tồn, phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch và đặc biệt hơn chính chất liệu dân ca, dân vũ của các dân tộc đã mang đến cho các văn nghệ sĩ, các nhạc sĩ nguồn chất liệu hết sức giá trị để sáng tạo nên các tác phẩm âm nhạc. Thông qua các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, các chương trình lễ hội lớn của tỉnh và của khu vực qua đó nhằm quảng bá, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam nói chung và của Hà Giang nói riêng.

Nếu đồng bào dân tộc Tày có điệu Sli, cọi, hát then đàn tính – một làn điệu dân ca đặc trưng, giàu bản sắc đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội lồng tồng, lễ mừng nhà mới, mừng năm mới, thì người Dao lại tự hào với làn điệu páo dung giao duyên hay những câu hát ru sâu lắng, da diết, hay các lễ hội đặc sắc như lễ Cấp sắc, lễ cúng thần rừng….

Nếu đồng bào dân tộc H’mông có tiếng khèn trong tục cưới, tang lễ đặc trưng trong đời sống tâm linh thì người Giáy có vũ điệu trống thần đầy ma mị và linh thiêng.

Nếu nói đồng bào dân tộc Pà Thẻn, không thể không thể không nhắc đến nét văn hóa độc đáo về lễ hội nhảy lửa, thì dân tộc La Chí có nhiều truyện cổ, kể về ông tổ tiên của dân tộc là Hoàng Vần Thùng, về Pủ Lô Tô sinh ra các giống các loài và dạy họ mọi phong tục tập quán, về sự xuất hiện các hiện tượng tự nhiên, v.v… Trai gái La Chí thường hát ni ca. Nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính ba dây, đàn môi bằng lá cây… Dịp lễ hội thường tổ chức các trò chơi ném còn, đánh quay, đu quay, đu dây, leo trèo v.v… Người La Chi ăn Tết Khu Cù Tê vào tháng 7 âm lịch khi việc cấy cày đã xong xuôi.

Có thể nói mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng cho mình. Âm nhạc của mỗi dân tộc có những nét đặc trưng, đa dạng là thế, nhưng khi sống trong nền âm nhạc đương đại, chất liệu âm nhạc của mỗi dân tộc lại được chuyển hóa, được làm mới để phù hợp xu hướng và thị hiếu của người nghe.

Là người con của mảnh đất xứ nghệ, từ khi còn nhỏ tôi đã được lớn lên từ lời ru, những câu hát ví dặm sâu lắng, và khi tôi trưởng thành lại được đắm mình trong những làn điệu sli, lượn, then… mượt mà, tha thiết của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Lô lô, H’mông, Pà thẻn…Để rồi những làn điệu ấy luôn ẩn hiện trong từng sáng tác của mình, cũng như các nhạc sĩ khác đã vận dụng một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca, dân vũ, làm cho giai điệu, ca từ trở nên mượt mà, những ca khúc là bức tranh tái hiện không gian văn hóa thân thương và đậm tình xứ núi.

Nếu nói đến kế thừa chất liệu âm nhạc dân tộc vào các sáng tác mới mà không nhắc tới dân ca các dân tộc có lẽ là một thiếu sót. Đặc trưng của dân ca dân tộc thiên về tự sự, lấy ngôn ngữ văn học dân gian làm chủ đạo. Nhiều luyến láy là một trong những nét riêng của các làn điệu dân ca. Sự luyến láy tạo ra âm điệu riêng để cùng chung một làn điệu mà mỗi vùng, thậm chí mỗi dân tộc lại có sự độc đáo khác nhau.

Mỗi thế hệ nhạc sĩ đều có những cách sử dụng chất liệu dân ca dân tộc rất riêng. Ví dụ, nhạc sĩ Doãn Nho với ca khúc Chiếc khăn piêu từ dân ca Xá, Nguyên Nhung với Từ trên đỉnh núi từ dân ca H’mông; Thanh Phúc với Người Mèo ơn Đảng từ dân ca H’mông; Phó Đức Phương với Hồ Núi cốc từ ca trù đã cho chúng ta thấy giá trị của việc đưa âm nhạc dân gian vào các sáng tác mới.

Những năm gần đây, các nhạc sĩ trẻ họ không “bằng lòng” với kiểu sáng tác cổ điển mà đã mạnh dạn đưa hơi thở của cuộc sống hiện đại, đó là nhạc nhẹ, pop rock, rap vào các tác phẩm có sử dụng chất liệu dân ca các dân tộc. Hướng khai thác này đã cho thấy hiệu ứng tốt ở một số ca khúc. Tiêu biểu như ca khúc Xem chân gà của nhạc sĩ Lê Minh Sơn; đặc biệt gần đây giới trẻ đang bị thu hút bởi À lôi, Người miền núi chất của nghệ sĩ trẻ Double 2T vừa mang âm hưởng dân ca Tày, H’mông và các dân tộc khác được khán giả đánh giá cao. Khai thác chất liệu dân gian còn thấy trong nhiều ca khúc dành cho giới trẻ. Chẳng hạn, bài rap Nam quốc sơn hà trong gameshow truyền hình The Heroes năm 2021, là sự kết hợp giữa hò sông nước Nam bộ (Phương Mỹ Chi thể hiện) với rap (Erik thể hiện). Bản thân chính “bài thơ thần” cũng là nguồn cảm hứng để ê kíp sáng tạo nên bài rap.

Không chỉ chất liệu dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ, sông nước Nam bộ, màu sắc văn hóa và âm nhạc của các tộc người thiểu số cũng được quan tâm. Nhiều sản phẩm của các ca sĩ những năm gần đây khai thác rất đậm chất miền núi phía Bắc, nh: Sèn Hoàng Mỹ Lam với ca khúc Mời anh về Tây Bắc (Hà Quang Anh), Em là cô giáo vùng cao (nhạc: Phan Huy Hà, thơ: Hoàng Nghĩa Tự); ca sĩ Nguyễn Thu Hằng với Nhà em ở lưng đồi (Đức Trịnh), Hoa ban về (Đoàn Đăng Đức)… Chất liệu dân gian Tây Bắc ở đây là nhịp điệu, những âm thanh đặc trưng khèn, sáo H’mông…

Cũng khai thác chất liệu dân gian miền núi phía Bắc, nổi bật nhất có lẽ là Để Mị nói cho mà nghe của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Chất liệu được khai thác là âm hưởng dân ca, dân vũ, văn hóa đặc trưng, trong đó bao gồm cả trang phục dân tộc. Bên cạnh đó, đầu năm 2022, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV Gieo quẻ cũng khai thác chất liệu dân gian, truyền thống từ văn hóa đến âm nhạc, trở thành tác phẩm nổi bật của ê kíp sáng tạo và gặt hái thành công khi được tặng Giải Âm nhạc Cống hiến ở hạng mục “Music video của năm” do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) trao vừa qua.

Vốn là mảnh đất với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là phát triển du lịch. Những năm gần đây, du lịch Hà Giang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách, thể hiện qua những con số ấn tượng về lượng du khách đến với Hà Giang.

Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang, Lễ hội Khèn H’mông; Lễ hội hát then, tày nùng; song song với đó, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc H’mông. Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nơi vùng cao nguyên đá.

Để đưa âm nhạc dân gian dân tộc vào các sáng tác mới thực sự đến với nhân dân, với cuộc sống hiện tại và tương lai. Rất cần nhưng nhà quản lý có những chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, các nhạc sĩ trung ương và địa phương trong việc sưu tầm và sáng tác, phục dựng, đưa âm nhạc dân tộc vào các sáng tác mới, các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Như vậy, nếu muốn có những tác phẩm xứng tầm thì chúng ta phải có chế độ chính sách xứng tầm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, mang đến các chương trình liên hoan, hội diễn ca múa nhạc nghệ thuật chuyên nghiệp khu vực toàn quốc, quốc tế những chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Qua đó nhằm tuyên truyền gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa vùng miền tạo được nét văn hóa riêng, món ăn tinh thần độc đáo mang tính nghệ thuật cao góp phần nâng cao đời sống kinh tế – xã hội cho đất nước và cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY