Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềÂm nhạc tài tử - Nhịp cầu giao lưu văn hóa

Âm nhạc tài tử – Nhịp cầu giao lưu văn hóa

Tác giả: Lê Hải Đăng

Diễn đàn Văn hóa Nghệ thuật với chủ đề We ART together diễn ra tại Đài Bắc, Đài Loan từ ngày 30/5 đến hết ngày 09/6/2023. Đây vốn là Hội nghị Ủy viên Tư vấn Đông Nam Á lần thứ 5, tập trung thành viên đến từ các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar… mở rộng thêm cả Ấn Độ, Úc, New Zealand. Hội nghị lần này nhằm thảo luận, trao đổi hợp tác giao lưu văn hóa, nghệ thuật, khai mạc Festival Điện ảnh Đông Nam Á với chủ đề “One film, One Journey”, tham quan Bảo tàng Mỹ thuật, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật (KMC), Đại học Nghệ thuật Trung Sơn thành phố Cao Hùng, Học viện Truyền thông & Điện ảnh (TFAL), Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Đài Bắc, Quỹ Giao lưu Châu Á (TAEF)… Sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh, Diễn đàn Văn hóa Nghệ thuật We ART together mở ra triển vọng kết nối chính sách “Hướng về Nam” thông qua con đường giao lưu văn hóa, sáng tạo nghệ thuật thời hậu Covid 19.

Như chúng ta biết, trong thời gian dịch bệnh, mặc dù phương thức sinh hoạt đã bị xáo trộn, nhưng hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật vẫn diễn ra âm thầm, ngay cả vào thời điểm cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trên phạm vi toàn cầu năm 2021. Nó thúc đẩy một tiến trình hợp tác mới trên nền tảng đa diện, đồng thời hướng tới tái cấu trúc đời sống nhằm nâng cao năng lực thích nghi, thích ứng trước sự biến đổi, cũng như tạo động lực đổi mới, sáng tạo.

Trong chuỗi sự kiện We ART together, âm nhạc Tài tử Việt Nam đã có cơ hội xuất hiện vào buổi Khai mạc. Nhóm nhạc Tài tử Việt Nam đến từ các thành viên Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc. Họ mang đến diễn đàn tiết mục hòa tấu khí nhạc với biên chế kìm, cò, sến, tranh, bầu, ghita phím lõm và song lang qua các tác phẩm, như: Trăng thu dạ khúc, Miên Hậu hồi cung, Lưu thủy, Bình bán, Kim tiền…

Chẳng phải ngẫu nhiên, nhạc Tài tử được chọn làm tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống duy nhất tại diễn đàn này. Như trên đã trình bày, trong thời gian dịch bệnh, mặc dù sự dịch chuyển trên bề mặt không gian bị giới hạn, nhưng trên môi trường mạng, những buổi trao đổi, giao lưu, học tập, thậm chí hòa nhạc vẫn diễn ra. Nó đem đến kết quả cho chuỗi sự kiện đang xảy ra. Nhóm nhạc Tài tử Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc từng tham gia nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn, cũng như học tập trên cả môi trường mạng lẫn thực tế ở Đài Loan, cũng như Việt Nam. Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc có hơn 10 gắn bó với Việt Nam, tập trung nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu am tường sâu sắc về âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, như nghệ sĩ Vương Thế Vinh, nhà nghiên cứu Ngô Vinh Thuận, giáo sư Lý Tịnh Huệ, nhà soạn nhạc Thái Lăng Huệ, đạo diễn múa Trương Hiểu Hùng… Họ đóng vai trò mở đường cho thế hệ sau tiếp bước.

Cùng với chính sách “Hướng về Nam” của chính quyền tổng thống Thái Anh Văn, rõ ràng có một con đường song hành trên địa hạt văn hóa, nghệ thuật. Ở Việt Nam có người Đài Loan và ở Đài Loan có người Việt Nam, thậm chí Việt kiều Đài Loan chiếm số đông trong nhóm Di dân mới, khoảng 19%, tức trên nửa triệu người. Đây là lý do khiến cho hai nền văn hóa thường xuyên tiếp xúc, giao lưu với nhau. Tại Việt Nam, người Đài Loan là một trong những nhóm tham gia tiến trình Mở cửa (1986) sớm nhất. Bằng chứng là, Khu chế xuất Tân Thuận, Đô thị Phú Mỹ Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh hình thành sau bước chân xê dịch của người Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan đã khẳng định được vị thế qua nhiều sản phẩm, thương hiệu, như mặt hàng điện tử, chip điện tử, văn phòng phẩm, giày dép, trà sữa trân châu, ẩm thực… mà bằng nhiều cách khác nhau đã thâm nhập thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam – Đài Loan nảy sinh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến trình này, đòi hỏi sự hậu thuẫn của kinh tế, văn hóa nói chung. Chính sách “Hướng về Nam” là một trong những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tiến trình đưa văn hóa, nghệ thuật Việt Nam xâm nhập Đài Loan. Theo quan sát, những năm gần đây nó dường như đã vượt Thái Lan, Indonesia… vốn là những quốc gia có di sản nghệ thuật truyền thống được ưa chuộng tại Đài Loan.

Vậy, nhạc Tài tử Việt Nam có ưu điểm gì mà được truyền bá trên đảo Đài Loan? Ngoài căn duyên lịch sử, đặc trưng tương đồng và khác biệt giữa hai nền văn hóa giúp cho âm nhạc Tài tử thẩm thấu, gây ảnh hưởng tại đây. Đặc biệt là trong tương đồng có khác biệt và trong khác biệt có tương đồng. Nếu nhạc Tài tử chỉ có khác biệt trong khác biệt, tương đồng trong sự hòa đồng khó thể thường trú bên trong nền văn hóa này, đồng thời giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác đến và đi chóng vánh qua hoạt động giao lưu văn hóa. Hiểu là nhạc Tài tử đến Đài Loan thông qua nghệ sĩ Việt Nam và trở về sau khi hoạt động giao lưu văn hóa kết thúc. Còn nhạc Tài tử xuất hiện trong diễn đàn We ART together được trình diễn bởi người Đài Loan. Nó được chọn làm ngôn ngữ trung gian nhằm dịch chuyển không gian văn hóa, không chỉ dừng lại ở tính chất giao lưu mà còn vươn tới tiếp biến văn hóa.

Hãy thử quan sát, hệ nhạc khí nhạc Tài tử đa số đều xuất hiện trong âm nhạc truyền thống Đài Loan, ngoại trừ đàn bầu, ghita phím lõm và song lang, các nhạc cụ khác, như đàn kìm, cò, tranh, sến, tam, đoản, tiêu… cả Việt Nam, Đài Loan đều có với tính chất đại đồng tiểu dị. Bên cạnh đó, hệ chữ nhạc, phương thức diễn tấu chân phương hoa lá thông qua thủ pháp ngẫu hứng cũng có điểm tương đồng và khác biệt ở hai nền văn hóa. Nói chung, hàng loạt điểm giống mà khác, khác mà giống khiến cho nhạc Tài tử vừa có khả năng thâm nhập, vừa tạo nên nét độc đáo.

Sau 10 năm Đờn ca Tài tử Việt Nam được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, loại hình âm nhạc này đã chính thức bén rễ trong cộng đồng, quốc gia khác. Nhạc Tài tử được trình diễn bởi người Đài Loan tự thân đã tạo nên tính chất giao lưu, tiếp biến văn hóa. Qua diễn đàn We ART together có thể thấy, sau thời gian dài giãn cách vì dịch bệnh, triển vọng phục hồi kinh tế, văn hóa bằng con đường giao lưu văn hóa, sáng tạo nghệ thuật đã mở ra. Dịch bệnh đã thay đổi chúng ta và văn hóa, nghệ thuật, một lần nữa có khả năng giúp con người hàn gắn vết thương do dịch bệnh, đồng thời kéo con người xích lại gần nhau hơn. Đề tài các diễn giả trình bày trên danh nghĩa bàn về Triển vọng phục hồi sau đại dịch, nhưng đa số nội dung liên quan đến đại dịch. Chứng tỏ, chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi ảnh hưởng từ trận đại dịch. Qua đó khẳng định, con người cần duy trì và có cách tiếp cận mới nhằm triển khai hoạt động hợp tác, giao lưu để cùng nhau vượt qua thách thức.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY