Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩVũ Huyền Ngọc - viết nhạc từ những câu chuyện thật

Vũ Huyền Ngọc – viết nhạc từ những câu chuyện thật

(Tác giả: Lam Anh)

Thời gian qua, trong rất nhiều nhạc sĩ sáng tác viết về tuyến đầu chống dịch, nhiều người nhắc đến nữ nhạc sĩ – chiến sĩ Vũ Huyền Ngọc. Chị có đến 5 sáng tác mà trong đó, Vì nơi ấy có anh và Lời ru nơi tuyến đầu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, lay động nhiều trái tim nghe nhạc lúc bấy giờ.

Năm 2022 vừa rồi, nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc tiếp tục được nhắc đến khi là 1 trong 4 tác giả đoạt giải A mảng ca khúc (tác phẩm Tự hào là người lính) trong Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chị cũng là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ lên phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Hội trong sự kiện trên.

Với vẻ ngoài trẻ trung, mạnh mẽ trong bộ quân phục, nhạc sĩ Huyền Ngọc (hiện đang công tác tại Nhà Văn hóa Bộ đội Biên phòng) đã có nhiều trải nghiệm với cả âm nhạc và cuộc sống của một người lính.

Tuổi trẻ để thực hiện ước mơ

Được biết chị tốt nghiệp khoa âm nhạc trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội từ năm 1997 và đã tham gia công tác ở nhiều đơn vị, nhiều vị trí khác nhau trước khi về Nhà Văn hóa…

Tôi sinh ra ở Thái Nguyên trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, từ cha tôi, các chị gái và em trai tôi nữa. Điều đặc biệt là các anh rể, em dâu và chồng tôi cũng làm nghệ thuật.

Trong sự nghiệp của mình, tôi không thể không nhắc đến nhạc sĩ Tuấn Phương bởi chính anh là người đã đưa tôi đến đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng dự tuyển, và rất may mắn tôi đã trúng tuyển về làm diễn viên đội nhạc.

Nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc

Khi đó, ai cũng nói với tôi là về biên phòng đi diễn rất vất vả, toàn đi công tác vùng sâu, vùng xa, thậm chí có nơi còn phải đi bộ. Nhưng điều đó không hề làm tôi nản chí, vì tôi nghĩ tuổi trẻ cần phải thực hiện ước mơ, phải phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước, đó là tình yêu âm nhạc tôi muốn hướng tới.

Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, tôi xin chuyển công tác về Nhà Văn hóa Bộ đội Biên phòng để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công việc vừa thực hiện đam mê âm nhạc, đam mê sáng tác.

Những sáng tác của chị, thường bắt đầu từ “duyên cớ” và cảm hứng nào?

Thời gian đầu tôi hay thích viết về những câu chuyện tình yêu trong cuộc sống và số phận con người. Tôi có đến 10 bài hát viết về các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là các em nhỏ, vì có thời gian gần 10 năm tôi vào giúp Khoa nhi, Bệnh viện K dạy cho các em nhỏ học hát và dựng chương trình cho các em biểu diễn, với mục đích tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các em vượt qua căn bệnh quái ác này.

Những ngày tháng đó hình ảnh trẻ em bệnh nhân giữa cái sống và cái chết cận kề, cảm xúc ấy tôi đã viết lên những ca khúc Vì ngày mai tươi sáng, Niềm tin trong em, Cuộc sống niềm tin…

Có gì khác biệt – hay đặc biệt – hơn khi chị là một nữ chiến sĩ viết nhạc không?

Tôi nghĩ, là người viết nhạc thì không phân biệt nam hay nữ, khi viết nhạc là niềm đam mê và cảm xúc của mỗi người. Tôi chỉ thấy nữ đôi khi cũng có những hạn chế như mình không có nhiều thời gian dành cho viết nhạc, không thể đi công tác hay đi trại sáng tác dài ngày…

Tuy nhiên, tôi cũng luôn tìm cách giải quyết những khó khăn của mình, cân đối công việc giữa viết nhạc và gia đình sao cho phù hợp nhất.

Ví dụ như khi không đi thực tế được thì trước khi viết, tôi phải tự tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng và đọc nhiều trong sách báo để mình có những kiến thức, nắm rõ đề tài cho chính xác để đưa vào tác phẩm của mình.

Nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc chụp hình kỷ niệm sau khi nhận giải A tại Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2022

Chúng tôi chỉ viết những câu chuyện thật

Là một nữ nhạc sĩ nhưng cũng là nữ chiến sĩ, lại đại diện cho thế hệ trẻ cầm bút của Hội Nhạc sĩ, chị cảm thấy thế nào trước những vai trò và cả thử thách của những người trẻ trong thời đại này, khi cầm bút?

Đó chính là những gì mà tôi đã phát biểu tại Giải thưởng Âm nhạc 2022 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Là thế hệ trẻ, chúng tôi luôn biết ơn những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ đã cống hiến để có ngày hòa bình thống nhất hôm nay, cho thế hệ trẻ chúng tôi được sống, được viết, được tiếp tục cống hiến. Chúng tôi luôn xác định trách nhiệm kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục phấn đấu, phát huy tính sáng tạo, phản ánh tính chân thực trong cuộc sống, để góp phần cổ vũ, động viên, thôi thúc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Có lẽ không ít người sẽ cho rằng những gì chị phát biểu là “lý tưởng hóa”, rằng giờ đây tinh thần cống hiến ở người trẻ không còn bỏng cháy như xưa nữa. Chị nghĩ sao về điều này?

Không thể tránh khỏi việc có những người vẫn muốn giữ  suy nghĩ đó, nhưng tôi thấy thế hệ các nhạc sĩ trẻ bây giờ các bạn rất giỏi, nhiệt huyết, đam mê và rất sáng tạo. Tất nhiên làm gì cũng để hướng tới một cuộc sống tốt lên cho bản thân, nhưng nếu chúng tôi không đam mê, không nhiệt huyết, không dành tình yêu đó cho đất nước thì chắc chắn những ca khúc chúng tôi viết ra sẽ không chạm đến trái tim người nghe và không được công chúng đón nhận. Chúng tôi chỉ viết những câu chuyện thật trong cuộc sống.

Được biết, các chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng thường có nhiều cơ hội tiếp xúc với bà con đồng bào vùng biên. Nơi đây, cũng rất giàu vốn văn hóa đa sắc tộc với nhiều chất liệu để sáng tác. Chị có “gửi gắm” họ trong những sáng tác của mình?

Với hơn 13 năm là diễn viên của Đoàn Văn công và 25 năm công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, tôi đã được đi biểu diễn rất nhiều nơi trên các tuyến biên giới, hải đảo, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi vùng sâu, vùng xa. Những năm tháng ấy, tôi đã có dịp được giao lưu, hiểu hơn về văn hóa các dân tộc, đời sống của từng vùng miền.

Tôi luôn nhớ đến những chuyến biểu diễn vào các ngày cận Tết bởi thiên nhiên nơi vùng biên vào thời điểm này rất đẹp. Năm nào, Bộ đội Biên phòng cũng có chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản để đón Tết cùng bà con, với rất nhiều hoạt động ý nghĩa, không khí vui và ấp áp, yêu thương. Từ những cảm xúc đó tôi cũng đã viết những ca khúc Mùa Xuân có anh, Giữ mãi màu xanh, Sắc màu biên giới, Hẹn ước mùa Xuân…

Thời gian qua, chị đã có nhiều sáng tác cổ vũ dành cho tuyến đầu chống dịch. Còn sắp tới, điều gì sẽ thôi thúc chị để cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa?

Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam rất đẹp và thân thương, đã được thể hiện qua những năm tháng khó khăn đi qua. Và con người Việt Nam luôn đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc cam go nhất. Có rất nhiều sự kiện xúc động luôn xảy ra trên đất nước Việt Nam, và tôi luôn muốn viết về những câu chuyện ấy bằng những cảm xúc thật nhất. Đó là tình yêu mà tôi dành cho đất nước của mình.

Bởi vậy, không chỉ có cuộc chiến chống dịch Covid-19, là một nhạc sĩ, tôi luôn muốn viết được nhiều đề tài, nhiều thể loại. Tôi luôn sẵn sàng nhập cuộc trước mọi sự kiện của đất nước, và có những cuộc vận động sáng tác nào tôi cũng tham gia. Tôi viết không phải với mục đích để giành giải thưởng. Qua những lần tham gia như vậy, tôi có thêm ý tưởng, thêm kiến thức và được thử sức với nhiều chủ đề để cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Cơ duyên với nghề sáng tác

“Năm 2001, trong một lần tập huấn của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tại nơi công tác, đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, tôi đã có dịp thử sức với việc cầm bút sáng tác khi được gợi ý phổ thơ Đêm mùa Thu Hà Nội của nhà thơ Ngọc Giao. Tôi đã viết theo bản năng nhưng được khen là có khả năng sáng tác. Từ đó, tôi bắt đầu viết.

Năm 2005, tôi tham gia sân chơi Bài hát Việt và được chọn 2 ca khúc công diễn 2 số của 2 tháng. Đó là Dịu dàng mùa Xuân, Nỗi khát. Đây cũng chính là sân chơi giúp tôi được học hỏi, là động lực cho tôi tiếp tục cầm bút. Năm 2018 tôi mới tham gia vào Hội Âm nhạc Hà Nội và năm 2021 là Hội Nhạc sĩ Việt Nam” – nhạc sĩ Vũ Huyền Ngọc.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU