Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩTô Vũ - một người đa năng trong nghệ thuật âm nhạc

Tô Vũ – một người đa năng trong nghệ thuật âm nhạc

(Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu)

(Kỷ niệm 100 năm tuổi nhạc sĩ Tô Vũ)

Ta đi tìm thơ muôn phương
gót in núi rừng thâm u
và lướt trên muôn trùng sóng.
Tô Vũ (Tạ từ)

Lời ca thuở nào như đã “vận” vào cuộc đời của tác giả. “Đi tìm thơ” không chỉ là tìm ý thơ hồn thơ trong lời ca điệu nhạc. Hơn bảy chục năm in gót chân phiêu lãng trên núi rừng thâm u sông nước muôn trùng của các miền Bắc – Trung – Nam, nhạc sĩ còn đi tìm lời giải đáp cho những bí ẩn về quá khứ nhạc cổ cũng như cho những trăn trở về tương lai phát triển nhạc mới, để trong hình ảnh một tác giả luôn “hát say sưa khúc ca yêu đời”[1], còn có một học giả với nhiều tác phẩm nghiên cứu phê bình âm nhạc, một “sư phụ” của nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn và nhiều nhà lý luận âm nhạc thuộc các thế hệ khác nhau.

Người ấy là giáo sư – nhạc sĩ Tô Vũ.

Ngày 9-4-1923, có một cậu bé mang tên Hoàng Phú đã cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình trí thức nho giáo (theo truyền thống gia đình bên ngoại) và Tây học (bên nội). Nguyên quán dòng tộc ở Sơn Tây, sinh ra tại Bắc Giang – Hà Bắc, nhưng Hoàng Phú lại trưởng thành trên đất Hải Phòng. Nếu Hoàng Phú, cũng như anh ruột Hoàng Quý được thừa hưởng “gen” âm nhạc từ người cha biết đánh đàn bầu và có giọng hát rất hay, thì chắc hẳn vốn tri thức của nhà nghiên cứu Tô Vũ sau này đã được bắt nguồn từ ảnh hưởng của người mẹ. Thông thạo chữ Hán, lại rất khắt khe theo quan niệm nho giáo, nên bà mẹ muốn các con nhỏ ngoài chương trình học ở trường Tây nhất thiết phải học thêm chữ Hán, chứ không phải là một thứ “thiếu nghiêm túc” như… âm nhạc.

Sau khi mẹ mất, ông anh 16 tuổi mới nảy ra ý định rủ cậu em 13 tuổi học nhạc. Sau sáu tháng học đàn nguyệt, theo lời khuyên của chính ông thầy dạy “đàn ta” này, hai anh em làm tiếp sáu tháng học violon với bà đầm Pháp chủ cửa hàng Orphée bán đàn và sách nhạc ở Hải Phòng. Học phí một giờ tương đương với giá hai tạ gạo thời đó, anh em họ Hoàng phải cùng hai người bạn nữa “hùn vốn” học chung, để mỗi người có 15 phút học chính thức cộng thêm 45 phút “học lỏm”. Đây là thời gian duy nhất Hoàng Phú được học nhạc có bài bản có thầy bà đàng hoàng, còn quá trình rèn luyện và nâng cao “tay nghề” trong những năm tháng sau này chủ yếu là tự lực cánh sinh học qua tài liệu và bạn bè. Mê học hỏi, có lúc cậu bé còn tranh thủ học bằng tai nghe mắt nhìn từ xa để biết thêm những ngón đàn mới từ các nhạc công Philipin ở quán bar Mèo đen (Hải Phòng). Bản chất thông minh nhạy cảm, lại được trời phú cho cái đức ham học kiên trì, Hoàng Phú không chỉ thạo đàn violon, guitar, banjo, mà còn nắm được nhạc lý và kỹ năng sáng tác qua sách vở Pháp, đó là cái vốn không nhỏ làm hành trang cho cậu bước vào con đường hoạt động âm nhạc từ tuổi thiếu niên. Ở tuổi 15 (năm 1938), Hoàng Phú đã là thành viên của nhóm ca nhạc Đồng vọng cùng với Canh Thân, Phạm Ngữ, dưới sự chỉ đạo của anh trai Hoàng Quý (nhóm nhạc sau này còn kết nạp thêm một thành viên nữa là Văn Cao). Trưởng nhóm Hoàng Quý bắt đầu nổi tiếng với Cô lái đò, Cô láng giềng, Chùa Hương, Chiều quê….

Hoạt động sôi nổi trong một nhóm nhạc có tiếng ở Hải Phòng, “cặp bài trùng” Hoàng Quý – Hoàng Phú luôn ảnh hưởng lẫn nhau trong sáng tác với quan niệm thẩm mỹ của trào lưu lãng mạn, với tình yêu đối với âm nhạc cổ truyền, cũng như tư tưởng nhân văn của phong trào Hướng đạo sinh. Yêu con người, yêu thiên nhiên và tự hào với lịch sử dân tộc qua hình ảnh hai bà Trưng, Trần Hưng Đạo là nội dung trong những sáng tác đầu tay của Hoàng Phú: Ngày xưa (1940), Dưới bóng thông xanh (1941), Nhắn chim (1943)… Âm nhạc từ một niềm say mê tuổi thơ đã dần dần trở thành cái nghiệp một đời. Ngay cả trong thời gian lên Hà Nội học rồi đậu tú tài triết học, Hoàng Phú vẫn không bỏ lỡ cơ hội trau dồi kiến thức âm nhạc. Qua ông thầy dạy tiếng Pháp, chàng thanh niên ham học còn trang bị thêm cho mình tiếng La Tinh, lý thuyết và thực hành hòa âm trên đàn harmonium.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, tinh thần yêu nước thương nòi ở một thanh niên Hướng đạo sinh trước đây được chuyển biến thành những việc làm cụ thể của một nhạc sĩ – chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa – văn nghệ. Thoát ly giai đình đi kháng chiến từ năm 1946, lúc đầu hoạt động ở Liên khu ba, sau chuyển lên Việt Bắc. Hoàng Phú sớm  tỏ ra là “một tay” đa năng đa tài trong các công tác: thông tin, tuyên truyền, sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu lý luận âm nhạc. Hình ảnh người đàn ông để râu, ôm đàn, đội nón, chống gậy, lặn lội mưa gió đi đàn hát tuyên truyền đã làm nảy sinh một tên gọi đùa giữa bạn bè: “Tô Vũ chăn dê”. Đã quen được chào đón vui vẻ bằng cái tên ngộ nghĩnh ấy ở các địa điểm tuyên truyền, thế nhưng trong Hội nghị Văn hóa văn nghệ toàn quốc lần thứ I tại Phú Thọ năm 1948, nhạc sĩ vẫn hết sức ngỡ ngàng khi nghe người ta chính thức giới thiệu mình là Tô Vũ, chứ không gọi bằng tên thật của ông hay bí danh hoạt động do ông tự đặt. Rồi từ đó, chàng nghệ sĩ “mục dương” đã nhận luôn biệt danh do “nhân dân đặt cho” làm bút danh, nghệ danh của mình, và tên gọi Tô Vũ cứ thế gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông.

Cuộc sống bôn ba gian khổ ở chiến khu không làm nhạt phai chất trữ tình thơ mộng vốn có ở Tô Vũ thuở Đồng vọng. Lần lượt ra đời những tình ca của một thời binh lửa mà vẫn tràn ngập cảm xúc dịu dàng của mùa thu: Trăng thu (1946), Tạ từ, Khói lam chiều (1947), Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu (1948), Đường thu, Màu thư xưa (1949), Dừng bước (1951)… Song âm nhạc của Tô Vũ không dừng lại ở đó, ở nỗi buồn ngọt ngào, êm đềm và lãng mạn theo phong cách nhạc giải trí phương Tây vốn là những nét tiêu biểu cho phong trào Tân nhạc của những năm 30 – 40. Đã có một bước ngoặt thực sự trong sự nghiệp âm nhạc của ông vào đầu những năm 50, khi mà phương châm “dân tộc – khoa học – đại chúng” của Đề cương văn hóa (1943) ngày càng phát huy tác dụng mạnh mẽ sau Hội nghị Văn hóa văn nghệ toàn quốc năm 1948. “Cú sét ái tình” với “cô nàng âm nhạc dân tộc truyền thống muôn đời”[2] đã đem lại niềm mê say hào hứng cho nhạc sĩ trong công việc sưu tầm ghi âm và nghiên cứu các điệu chèo cổ. Kết quả là bên cạnh lĩnh vực sáng tác, thời điểm đó còn xuất hiện thêm một Tô Vũ – nhà nghiên cứu với chuyên khảo Đại cương về âm nhạc chèo cổ (1951), một công trình nghiên cứu truyền thống lần đầu tiên được xem xét từ góc độ âm nhạc học.

Thấm thía với các làn điệu chèo, nhạc sĩ đã vận dụng vốn cổ vào sáng tác. Các bài Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh (1953) là bước khởi đầu cho mảng ca khúc mang đậm màu sắc ngũ cung sau này: Gợi ý mùa trăng, Khúc ca yêu đời, Gió xuân trên cánh đồng, Chị em bón bèo, Bài thơ biển cói, ánh đèn trên núi, Chiều Hồ Tây, Như hoa hướng dương

Vậy là chàng “Tô Vũ mục dương” thuở nào chỉ ca hát về mùa thu buồn và chuyện tình riêng đã lột xác thành con người mới phơi phới trong sức sống của mùa xuân và niềm vui chung. Ông đã đi từ “cái tôi” sang “cái ta”, từ mê sang tỉnh, từ cõi mơ sang đời thực, từ thế giới thiên nhiên mộng ảo sang cuộc sống đời thường của những con người lao động, từ trạng thái thụ động chiêm ngưỡng “lặng nhìn tơ khói bay vấn vương trời biếc” sang hành động cụ thể “giang cánh tay ta đẫm mồ hôi”, hay “rét căm căm tay gàu suốt đêm đông”[3].

Đồng thời với sự đổi mới từ nội dung lãng mạn đến hiện thực, trong phần nhạc cũng diễn ra một “cuộc hành trình” từ “Tây” về “ta”, hay nói chính xác hơn, nhạc sĩ Tô Vũ đã cố gắng dựng xây những nhịp cầu nối giữa Tây với ta, cố đưa những nét cổ truyền của ta vào nhạc mới – một nền nhạc khởi nguồn từ sự tiếp nhận âm nhạc phương Tây. Điều này càng thấy rõ hơn trong mảng sáng tác khí nhạc, đặc biệt các thể nghiệm cho dàn nhạc dân tộc: Nông thôn đổi mới (1956, do Tạ Phước phối khí), Hoàng hôn trên xóm nhỏ (1966).

Sáng tác chỉ là một phần trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Tô Vũ. Hơn 50 năm có “duyên phận” với ngành lý luận âm nhạc, ông đã viết nhiều công trình nghiên cứu, phê bình âm nhạc với nội dung sâu sắc và tính học thuật cao. Cũng hơn 50 năm gắn bó với công việc giảng dạy âm nhạc, kể từ những khóa đào tạo trên chiến khu Việt Bắc thời chống Pháp đến quá trình gây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), rồi đến các lớp chuyên tu đại học, trên đại học của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Âm nhạc, ông còn viết nhiều giáo trình và sách học nhạc. Hai tuyển tập Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam (1996) và Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại (2002) là những tài liệu quý báu cho công tác nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc, đồng thời cũng là những tác phẩm nghệ thuật sáng giá trong danh mục tác phẩm của tác giả Tô Vũ.

Nếu sáng tác âm nhạc đã bộc lộ con người trữ tình, dịu dàng trong nhạc sĩ Tô Vũ, thì những tác phẩm nghiên cứu của ông còn bổ sung thêm khía cạnh khác: sắc sảo và hóm hỉnh. Thực ra không có sự mâu thuẫn, mà luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa nhạc sĩ và nhà nghiên cứu khoa học trong con người đa tài này. Có một nhà khoa học luôn suy luận và đúc kết trong kỹ thuật sáng tác, trong cách trau chuốt câu nhạc lời ca. Và có một nghệ sĩ phóng khoáng, luôn phá cách trong nghệ thuật viết bài lý luận phê bình. Dường như, phần “trí” của cái đầu nghiên cứu khoa học đã làm nền tảng chắc chắn và thuyết phục hơn cho những sáng tạo mới trong tác phẩm âm nhạc, trong khi đó phần “cảm” của tâm hồn nghệ sĩ lại làm nên cái duyên, nét độc đáo và chất bay bổng cho những tác phẩm lý luận tưởng chừng chỉ có thể khô khan, cứng nhắc.

Nhạc sĩ mất khi vừa bước sang tuổi 92 (13-5-2014). Qua hơn sáu chục công trình nghiên cứu lớn nhỏ để lại cho đời, ông đã tổng hợp, đúc kết nhiều vấn đề mang tính học thuật, đã khơi gợi một phong cách lý luận phê bình thể hiện được cả hai yếu tố: khoa học và nghệ thuật. Những tác phẩm của ông, sáng tác cũng như lý luận, đã làm nên một bức chân dung âm nhạc thật đậm nét và sống động, trong đó đã phản chiếu một cách chân thực con người đời thường của chính ông.

______________________
[1] Tô Vũ: Khúc ca yêu đời.
[2] Tô Vũ: Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, tr.13. Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996.
[3] Khói lam chiều, Khúc ca yêu đời, Gió xuân trên cánh đồng.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY