Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tiếng hát trong mây

Tác giả: Huy Giảng

Giữa tháng 5/1983, tiết trời nắng nóng như lửa, Đoàn văn công Bộ đội biên phòng chúng tôi được lệnh lên biên giới Hà Giang biểu diễn. Sau vài buổi diễn tập trung cho các cơ quan ban ngành trong tỉnh, đoàn chia đôi mỗi đội khoảng 14-15 người lên các đồn Bộ đội biên phòng trên biên giới.

Đầu tiên đội tôi lên đồn Lũng Cú. Ở biên giới thời gian này vẫn trong không khí chiến tranh nên khu vực đồn biên phòng nhà cửa và mọi thứ đều đơn sơ. Cột cờ Lũng Cú hồi đó vẫn còn là một cây gỗ dựng trên đồi cao.

Sau một ngày văn nghệ giao lưu với số cán bộ chiến sĩ còn lại trong đồn, hôm sau chúng tôi đeo ba lô, cây đàn, bi đông nước lội qua con suối rồi leo lên một con dốc dài lượn lên một núi cao trong nắng hè, lúc mới leo thì nóng nực, càng lên trời càng mát rồi lạnh.

Sau khoảng 5 tiếng thì tới nơi. Chốt tiền tiêu này trên một núi cao quanh năm mây mù dăng phủ, đúng là “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”. Dưới núi là sông Nho Quế, bên kia là đất Trung Quốc. Chốt chỉ có gần một tiểu đội làm nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát và ngăn chặn khi địch xâm phạm. Anh em không ngờ có văn công lên, lại có cả nữ nữa nên mừng lắm. Hôm rời Hà Nội nắng nóng 38 độ vậy mà lên đây lạnh quá, chiến sĩ phải nhường áo bông cho chúng tôi mặc.

Đã là năm 1983 rồi nhưng đa số các đồn biên phòng xa xôi vẫn chưa có điện, huống chi đây lại là chốt tiền tiêu trên cao. Vì không có âm thanh và ánh sáng điện nên 3 giờ chiều phải làm văn nghệ giao lưu sớm không sợ trời tối, làm ngay tại chỗ đất phẳng bên cạnh. Vì chốt chỉ ít người nên chúng tôi vừa diễn vừa thay nhau gác và nấu cơm để các chiến sĩ được dự đầy đủ.

Một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi trong cuộc đời nghệ thuật của mình tại chốt này, đó là khi tôi lên hát bài Hát về Tổ quốc tôi của nhạc sĩ Hữu Xuân. Khi vừa cất lên câu “Chập trùng đỉnh cao mây bay biên giới” thì bỗng đâu một đám mây mù rất lớn kéo tới bao trùm hết ngọn núi không ai nhìn thấy mặt nhau nữa, tôi còn đang băn khoăn định dừng lại thì các chiến sĩ đồng loạt vỗ tay hô “Hát tiếp! Hát tiếp!”.

Như được tiếp lửa, tôi hát lại từ đầu, càng hát càng khí thế. Dù người hát với người nghe không nhìn thấy nhau, dù không micro, không loa nhưng nghe vẫn khỏe, vang vọng trong mây, hòa vào gió núi. Đúng là “không thấy mặt người, chỉ nghe tiếng hát mà lòng các anh thương yêu.” Sau tôi hát đến Tuấn Thược độc tấu sáo bài “Anh vẫn hành quân”. Hết bài sáo thì mây mù cũng bay đi, trời quang hơn nên tiếp theo một cô lên múa điệu “Hoa Chăm pa” cũng rất duyên dáng.

Đặc biệt một chiến sĩ người dân tộc cũng góp bài kèn lá khá hay và độc đáo. Sau đó còn mấy tiết mục nữa các chiến sĩ thích quá muốn kéo dài nhưng thấy trời sắp tối nên phải dừng lại, cứ luyến tiếc mãi. Có người phát biểu rằng “lâu nay chúng em chỉ đôi lần được nghe giọng hát của các anh chị trên đài phát thanh hoặc truyền hình nay lại được gặp người thật, nghe tiếng hát tiếng đàn thật trên điểm cao biên giới này, thật không thể ngờ được.”

Ngủ lại một đêm trên chốt tuy trời hơi lạnh nhưng được chiến sĩ nhường chăn ấm nên ngủ ngon. Nửa đêm chúng tôi bị đánh thức vì nghe tiếng đạn nổ từ phía bên kia biên giới, nhưng được anh em cho biết lính Trung Quốc chỉ bắn sang vu vơ thôi, nên lại ngủ tiếp. Sáng hôm sau văn công chiến sĩ chia tay nhau vô cùng lưu luyến xúc động. Chúng tôi lại đeo ba lỗ cây đàn đi men sườn núi dưới trời mưa trơn trượt để tới chốt khác… Đường biên giới dài lắm. Những chiến sĩ văn công BĐBP chúng tôi đã vượt bao nhiêu đèo dốc, lội qua bao con suối, chỉ có những con đường mới biết mà thôi. Biết bao là chuyện kể nhưng kỷ niệm về “Tiếng hát trong mây” trong cuộc đời ca hát của tôi thì vẫn còn nhớ mãi.

(Nguồn: https://arttimes.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY