Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềThế hệ Lãng mạn: Ca khúc và Âm nhạc cho Piano (1)

Thế hệ Lãng mạn: Ca khúc và Âm nhạc cho Piano (1)

(Tác giả: J.P.Burkholder, D.J.Grout, C.V.Palisca – Mai Hạnh dịch)

(Trích sách A History of Western Music, tác giả: J.P.Burkholder, D.J.Grout, C.V.Palisca)

Hầu hết âm nhạc tồn tại từ thời Trung cổ đến thế kỷ 18 đều được sáng tác cho nhà thờ hoặc triều đình. Trong những thế kỷ tiếp sau, các thể loại dành cho việc sáng tác âm nhạc tại nhà, chẳng hạn như madrigal và tứ tấu dây, hoặc dành cho biểu diễn trước công chúng, như các vở opera Venice, oratorio của Handel và các bản giao hưởng muộn của Haydn, ngày càng trở nên nổi bật hơn. Vào thế kỷ 19, âm nhạc dành cho biểu diễn tại nhà hoặc công cộng chiếm vị trí trung tâm. Chúng ta trước hết sẽ tập trung vào các ca khúc và âm nhạc piano, nền tảng chính của âm nhạc tại gia – sáng tác cho các buổi diễn độc tấu (recital) piano điêu luyện, cũng như phong cách Lãng mạn mà chúng đã nuôi dưỡng.

Phần I: TRẬT TỰ MỚI, 1815 – 1848

Những biến động 1789-1815 đã thay đổi cục diện chính trị châu Âu. Cách mạng Pháp biến nông dân và công nhân thành công dân thay vì thần dân. Các cuộc chiến của Napoléon đã quét sạch các ranh giới chính trị cũ và truyền bá các ý tưởng cách mạng về tự do, bình đẳng và bản sắc dân tộc trên khắp châu Âu. Năm 1814-15, hội nghị Vienna đã vẽ một bản đồ mới, gồm rất ít thành bang. Mặc dù Ý và các vùng đất nói tiếng Đức vẫn còn bị chia cắt, cư dân của mỗi vùng ngày càng cảm thấy họ như một quốc gia thống nhất bằng ngôn ngữ và văn hóa. Người dân ở những vùng đất vừa mới mất độc lập, chẳng hạn như Ba Lan, hoặc đã phải chịu sự thống trị của nước ngoài từ lâu, chẳng hạn như Hungary và Bohemia, cũng vậy:

Đối với họ, hình tượng quốc gia-dân tộc độc lập dường như là một lý tưởng. Sự đàn áp đã bóp nghẹt khát vọng tự do, cho đến khi các cuộc cách mạng sôi nổi nhưng phần lớn không thành công vào năm 1848-1849. Nhưng sự quan tâm đến văn hóa dân tộc ngày càng tăng và các nhà soạn nhạc đã kết hợp các đặc điểm dân tộc vào bài hát, nhạc cụ và opera. Lý tưởng toàn cầu của thế kỷ 18 đã bị thay thế bởi kỳ vọng rằng các nhà soạn nhạc viết âm nhạc đúng với bản sắc dân tộc của họ.

Phần II: SỰ SUY GIẢM BẢO TRỢ

Trật tự kinh tế ở châu Âu thay đổi cùng với chính trị, ảnh hưởng đáng kể đến các nhạc sĩ. Chiến tranh và lạm phát đã làm tầng lớp quý tộc nghèo đi, và việc loại bỏ hơn một trăm bang nhỏ đã làm giảm đáng kể số lượng triều đình ủng hộ nghệ thuật. Nhạc sĩ nổi bật không còn phục vụ hoàng tử hay nhà thờ nữa mà kiếm sống bằng nghề tự do thông qua biểu diễn trước công chúng, giảng dạy, sáng tác theo uỷ thác hoặc viết nhạc để xuất bản. Các nhà bảo trợ kỳ vọng người của họ biết chơi một số nhạc cụ và sáng tác ở hầu hết các thể loại, giống như Bach và Haydn, thì các nhạc sĩ giờ đây đang phải cạnh tranh trong một thị trường rộng mở và thường tìm thấy một thị trường ngách thông qua chuyên môn hóa. Trong số những nhạc sĩ nổi bật nhất của thời đại này có những nghệ sĩ biểu diễn kiệt xuất (virtuoso), chẳng hạn như nghệ sĩ violin Nicolò Paganini và nghệ sĩ piano Fryderyk Chopin, những người chuyên về một loại nhạc cụ và khiến khán giả lóa mắt với màn thể hiện kỹ thuật điêu luyện. Nhiều nhà soạn nhạc cũng thiên về một chuyên môn, như Chopin đã làm với nhạc piano và Giuseppe Verdi trong opera. Những cải cách luật pháp đã loại bỏ những đặc quyền mà các bang hội cũ được hưởng – vốn đặt ra các tiêu chuẩn và kiểm soát các ngành thủ công khác nhau, bao gồm cả âm nhạc và mở ra cơ hội nghề nghiệp cho bất kỳ ai có tài năng.

Khi tầng lớp quý tộc suy giảm, tầng lớp trung lưu thành thị tăng về quy mô và ảnh hưởng. Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã cơ giới hóa quá trình sản xuất, do đó làm giảm giá cả, thu hút người dân từ nông thôn đến làm việc trong các nhà máy, tạo ra nhiều thời gian nhàn rỗi hơn và cho phép các thương gia và doanh nhân trở thành những nhà lãnh đạo kinh tế.

Phần III: VIẾT NHẠC CHO LỚP TRUNG LƯU

Sáng tác âm nhạc là một lối thoát quan trọng cho tầng lớp trung lưu, những người có tiền bạc và thời gian nhàn rỗi để mua nhạc cụ và học cách chơi. Ở nhiều nhà, buổi tối là thời gian để sáng tác âm nhạc với gia đình và bạn bè, ca hát hoặc chơi piano, violon, sáo flute, guitar, harp hoặc các nhạc cụ khác. Âm nhạc giải phóng áp lực xã hội. Âm nhạc cho ta cách để bày tỏ nguyện vọng bình đẳng và tự do quốc gia mà không gặp rủi ro bị kiểm duyệt hoặc bỏ tù. Âm nhạc cũng cho ta một lối thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế suy thoái và đàn áp chính trị.

Âm nhạc cũng là một phương tiện kiểm soát xã hội. Opera do nhà nước tài trợ thường mang thông điệp chính trị. Các nhà thờ thành lập các dàn hợp xướng nghiệp dư, và các nhà máy tổ chức các ban nhạc kèn hơi cho công nhân, nhằm mục đích cung cấp dịch vụ giải trí, nâng cao sở thích và chuyển hướng tầng lớp lao động khỏi uống rượu và chè chén say sưa. Và trong thời đại mà vai trò giới tính được phân biệt rõ rệt, âm nhạc giữ phụ nữ luôn ở nhà.

Mặc dù nhiều phụ nữ và trẻ em thuộc tầng lớp lao động phải làm việc nhiều giờ trong các nhà máy, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu được cho là sẽ ở nhà, sự nhàn rỗi của họ là một dấu hiệu địa vị. Các giới tính được phân công các lĩnh vực riêng biệt: Bé trai đi học và đàn ông đi làm trong khi phụ nữ và các bé gái duy trì ngôi nhà, được coi là nơi ẩn náu thiêng liêng trong một thế giới khắc nghiệt. Nếu có thể, những người hầu được thuê để làm việc nhà, giải phóng những người phụ nữ trong gia đình để theo đuổi những thành tựu nữ tính từ may vá đến âm nhạc.

Phần IV: ĐÀN PIANO

Trung tâm của âm nhạc gia đình là piano. Những đổi mới trong sản xuất piano đã sẵn có nhiều hơn và được giảm giá thành. Đàn piano vuông đủ nhỏ cho phòng khách, đã len lỏi vào nhiều căn nhà ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Những năm 1820-1850 chứng kiến nhiều cải tiến về thiết kế cho phép tạo ra các hiệu ứng âm thanh và phạm vi được mở rộng đáng kể. Trên một nhạc cụ như vậy, nghệ sĩ dương cầm có thể thể hiện một ý tưởng âm nhạc hoàn chỉnh gần như một dàn nhạc tổng thể, nhưng lại mang tính cá nhân hơn. Những đặc điểm này đã làm cho chiếc piano trở thành nhạc cụ tinh túy của thế kỷ 19, lý tưởng cho cả âm nhạc tại gia lẫn các buổi hòa nhạc công cộng.

Đặc biệt, phụ nữ chơi piano, tiếp tục truyền thống chơi đàn phím vì niềm vui cho bản thân và cho người khác đã kéo dài từ thế kỷ 16. Các nhà soạn nhạc – nghệ sĩ dương cầm như Chopin và Liszt đã hỗ trợ họ một phần bằng cách đưa ra những bài luyện cho những phụ nữ khá giả. Các giáo viên mong đợi việc luyện tập hàng ngày, thường là trong vài giờ, do đó giữ cho những phụ nữ trẻ tràn đầy năng lượng ở nhà nhưng cũng giúp nhiều người trong số họ đạt được trình độ thông thạo đáng kinh ngạc.

Có khá nhiều nữ nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp trong nửa đầu thế kỷ 19 – chẳng hạn như Clara Wieck, một nghệ sĩ xuất sắc đã kết hôn với Robert Schumann – và nhiều nghệ sĩ nghiệp dư xuất sắc chơi ở cấp độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với hầu hết phụ nữ, âm nhạc là một thành tựu, được thiết kế để thu hút bạn đời và phục vụ gia đình và bạn bè hơn là một sự nghiệp. Đàn ông cũng chơi nhạc, thường là đệm hát cho vợ, chị em, con gái của họ. Một dạng trình diễn được ưa chuộng là âm nhạc hai người chơi trên một cây đàn piano, cho phép anh chị em trong nhà được trò giải trí chung, hoặc một cặp đôi, vợ chồng cùng có hoạt động thể chất và cảm xúc hợp nhất.

(Còn nữa)

Tranh minh hoạ: Một buổi hoà nhạc gia đình ở Basle (1849), vẽ bởi Sebastian Gutwiller. Bức tranh diễn tả một cảnh tượng âm nhạc tại gia điển hình: một người phụ nữ chơi trên một chiếc piano vuông trong khi các thành viên trong nhà khác chơi violin và flute. Những người khác lắng nghe với sự tập trung chú ý trọn vẹn trong khi duy trì việc riêng.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY