Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềSáng tác về Bác Hồ dưới góc nhìn của nhạc sĩ trẻ

Sáng tác về Bác Hồ dưới góc nhìn của nhạc sĩ trẻ

(Tác giả: Ngô Khiêm)

Bác Hồ là hình tượng xuất hiện nhiều nhất trong các sáng tác âm nhạc ở Việt Nam. Bác đã đi vào sáng tác âm nhạc của hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng ở thế kỷ XX. Còn với các nhạc sĩ trẻ hiện nay thì sao?

Kho tàng âm nhạc đồ sộ về Bác Hồ

Đất nước Việt Nam tươi đẹp tự hào có một kho tàng âm nhạc đồ sộ về Bác Hồ kính yêu. Lịch sử âm nhạc cách mạng nước nhà đã ghi nhận ngay từ buổi đầu tân nhạc đã sớm có những bài ca về Bác Hồ. Đó là “Nhớ ơn Cụ Hồ” của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ và “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận. Hình tượng Bác Hồ trong ca khúc tiếp tục được bổ sung thêm nhiều tác phẩm thuộc nhiều màu sắc khác nhau, từ hành khúc “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục đến dân ca “Trông cây lại nhớ đến Người” của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, trong những bản tình ca “Những bông hoa trong vườn Bác” của nhạc sĩ Văn Dung hay trong những khúc tráng ca “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh…

Trung tá, nhạc sĩ An Hiếu.

Nếu coi nhạc sĩ Phạm Tuyên là người sáng tác nhiều ca khúc thành công nhất về Đảng thì nhạc sĩ Thuận Yến chính là người sáng tác nhiều ca khúc thành công nhất về Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác đến 26 ca khúc về Bác Hồ, trong đó có những ca khúc đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, như: “Bác Hồ một tình yêu bao lao”, “Người về thăm quê”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Nam trong tim Bác”… Còn với riêng tôi, những ngày này đi làm qua Lăng Bác, nhìn dòng người xếp hàng dài vào Lăng viếng Bác, tôi lại bâng khuâng nhớ đến 2 ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ Dân Huyền và “Chúng con canh giấc ngủ của Người” của nhạc sĩ Đăng Nước. Nếu như nhạc sĩ Dân Huyền đã nói lên tình cảm của người dân Việt Nam, nhất là người dân miền Nam được ra thăm Lăng Bác khi nước nhà thống nhất thì nhạc sĩ Đăng Nước đã nói về những người chiến sĩ “canh cho Bác ngủ” với tình cảm mến thương, nặng sâu.

Nhạc sĩ Hoàng Long, tác giả của 2 ca khúc về Bác Hồ rất nổi tiếng là “Bác Hồ – Người cho em tất cả” và “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác”. “Người nhạc sĩ của tuổi thơ” (biệt hiệu mà nhiều người đặt cho nhạc sĩ Hoàng Long) cho biết, có thể nói Bác Hồ là nhân vật vĩ đại, được cả dân tộc Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp 5 châu kính trọng, mến mộ. Vì thế, số lượng bài hát về Bác là không thể kể được. Riêng ca khúc viết cho thiếu nhi về Bác Hồ đã có hàng trăm bài hát.

Dưới góc nhìn nhận của một nhạc sĩ lão thành, một nhà sư phạm âm nhạc lão luyện, nhạc sĩ Hoàng Long nhận định: “Trong thời kỳ Bác Hồ còn sống đã có nhiều bài hát ca ngợi Người, khi Bác qua đời và nhiều năm  sau cũng có rất nhiều bài hát hay về Bác. Hiện nay các bài hát về Bác Hồ của các nhạc sĩ trẻ có ít hơn so với các thế hệ nhạc sĩ đi trước nhưng không phải vì thế mà không có tác phẩm đọng lại sâu đậm trong lòng công chúng.

Sáng tác về Bác trẻ trung, năng động hơn

Là tác giả của 2 sáng tác về Bác Hồ rất đáng chú ý là “Vâng lời Bác dạy” và “Làm theo lời Bác” (các bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vào các năm 2019, 2021), Trung tá, nhạc sĩ An Hiếu (Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho biết: Viết về Bác Hồ, đối với bất kỳ nhạc sĩ nào cũng là đề tài khó, bởi vì đã có quá nhiều những bài hát hay, ca từ đẹp ca ngợi Người của các nhạc sĩ thế hệ trước. Do vậy, anh luôn phải tìm những cách nói riêng để tiếp cận với người nghe, nhất là với thanh niên, sinh viên. Không cần phải “lên gân”, hô khẩu hiệu hoặc quá chú trọng về tính chính trị mà phải có ngôn ngữ phù hợp với tuổi trẻ, âm nhạc phải mới mẻ, hiện đại.

“Mục đích của tôi là hy vọng sau khi nghe bài hát của mình các bạn trẻ sẽ học tập được những nét đẹp của tấm gương, đạo đức và lối sống của Bác với cách thẩm thấu thật nhẹ nhàng, nhớ lâu. 2 ca khúc “Vâng lời Bác dạy” và “Làm theo lời Bác” viết cho đối tượng trẻ, năng động nên tôi muốn họ vừa hát, vừa nhảy. Có thể biểu diễn đông người trên sân khấu trong các sự kiện chính trị. Nó có thể hòa chung không khí âm nhạc cùng các ca khúc nhạc trẻ mà không bị lạc lõng, vẫn được bạn trẻ đón nhận đồng thời vẫn đảm bảo được tính tuyên truyền, tính chính trị cao”, nhạc sĩ An Hiếu tâm sự.

Suy nghĩ về những ca khúc về Bác Hồ của các nhạc sĩ lớn tuổi, nhạc sĩ An Hiếu cho biết đó là những bài học lớn về kỹ thuật viết, cách triển khai đề tài. Mọi thứ đều rất tự nhiên, sự kết hợp giữa ca từ và giai điệu thật hài hòa. “Tôi đã lớn lên, đã đến với con đường nghệ thuật thông qua các ca khúc, như: “Những bông hoa trong vườn Bác” của nhạc sĩ Văn Dung, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Giặm” của nhạc sĩ Trần Hoàn hay “Bác Hồ – một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến… Tôi trân trọng, nể phục về bút pháp, tài năng và sự tâm huyết cũng như tình cảm của các nhạc sĩ gạo cội đã dành cho Bác thông qua các ca khúc đó”, nhạc sĩ An Hiếu nhấn mạnh.

Thiếu tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn.

Cũng là gương mặt nhạc sĩ trẻ trong quân đội có sáng tác về Đảng, về Bác Hồ thời gian qua, Thiếu tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) cho biết, điều thôi thúc anh khi viết ca khúc “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh” là xuất phát từ sự kính trọng, lòng biết ơn và sự khâm phục dành cho Bác Hồ kính yêu, một vĩ nhân của nhân loại. “Các thế hệ đi trước đã có rất nhiều tác phẩm rất hay về Bác, mang cả tính nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử to lớn. Là một nhạc sĩ trẻ trong quân đội, tôi rất vinh dự và tự hào khi được viết tiếp những trang sử hào hùng của các lớp nhạc sĩ đi trước nhưng với một góc nhìn và cảm nhận của thế hệ trẻ bây giờ”, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn bộc bạch.

Cũng theo nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, điều anh mong muốn là tiếp tục truyền tải hình ảnh, gương sáng chói ngời và lòng biết ơn đối với Bác Hồ kính yêu cho thế hệ trẻ bây giờ luôn học tập, phấn đấu và noi theo. Và để các bạn trẻ đón nhận những ca khúc về Đảng và Bác như vậy, anh đã cố gắng thổi những sự mới mẻ vào các ca khúc, ví dụ như những giai điệu hiện đại, trẻ trung, bắt tai phù hợp với xu hướng nghe hiện đại bây giờ kết hợp với các dòng nhạc đương thời để tạo sự hấp dẫn.

(Nguồn: https://cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY