Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànRachmaninov: Concerto piano số 2

Rachmaninov: Concerto piano số 2

Thông tin chung

Tác giả: Sergei Rachmaninov.
Tác phẩm: Concerto piano số 2 giọng Đô thứ, Op. 18
Thời gian sáng tác: Trong khoảng thời gian 1900-1901.
Công diễn lần đầu: Tại Moscow vào ngày 09/11/1901 với tác giả chơi piano còn nhạc trưởng là Alexander Siloti, cũng là anh họ của Rachmaninov. Hai chương cuối của tác phẩm đã được Rachmaninov trình diễn trước đó vào ngày 2/12/1900.
Độ dài: Khoảng 35 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng bác sĩ Nikolai Dahl, người đã điều trị cho Rachmaninov.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Moderato
Chương II – Adagio sostenuto
Chương III – Allegro scherzando
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, bass drum, cymbals và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác
Ngày 28/3/1897, bản Giao hưởng số 1 của Rachmaninov được ra mắt tại Saint Petersburg. Chỉ huy dàn nhạc là nhà soạn nhạc nổi tiếng Alexander Glazunov. Nhưng ông không phải là một nhạc trưởng tài ba và dường như khi đứng trên bục chỉ huy, ông đã say và buổi biểu diễn là một thảm hoạ. Và đây là một trong những lần mà cả nhà phê bình lẫn khán giả đều không phân biệt được đâu là một buổi trình diễn tệ hại và đâu là một tác phẩm tệ hại. Sau đêm nhạc kinh hoàng này, động lực, sự tự tin hay nói cách khác là toàn bộ sự nghiệp của Rachmaninov gần như sụp đổ. Rachmaninov đã gọi đó là “giờ phút đau khổ nhất trong đời tôi”. Những nhà phê bình thi nhau vùi dập ông, trong đó có cả thành viên của nhóm “Hùng mạnh” César Cui: “bản giao hưởng sẽ mang đến sự vui sướng cho cư dân dưới địa ngục”.

Ba năm sau đó, Rachmaninov hầu như không thể sáng tác được gì dù vẫn đi biểu diễn. Thậm chí ông còn có chuyến lưu diễn tại London vào năm 1898. Ngày càng chán nản, Rachmaninov được khuyên và đã cùng với giọng bass huyền thoại Feodor Chaliapin đến gặp đại văn hào Leo Tolstoi, hy vọng việc tiếp xúc với Tolstoi sẽ giúp khôi phục sự sáng tạo và cảm hứng. Nhưng thái độ hờ hững của Tolstoi càng làm Rachmaninov thêm nản lòng, Tolstoi chỉ bảo: “Anh phải làm việc. Tôi làm việc mỗi ngày”. Khi Rachmaninov và Chaliapin biểu diễn một ca khúc của Rachmaninov, Tolstoi còn không tiếc lời chê bai. Bên cạnh đó, trong thời gian này Rachmaninov đã đính hôn với Natalia Satina. Nhưng cuộc hôn nhân của hai người bị Nhà thờ Chính thống Nga và bố mẹ Satina cấm đoán (hai người là anh em họ, bố của Rachmaninov là anh ruột của mẹ Satina). Đó là chưa kể, Rachmaninov bẩm sinh vốn đã là người hay lo lắng và dễ trầm cảm. Stravinsky từng gọi Rachmaninov là: “một bộ dạng cau có cao 6 phút rưỡi (tương đương 1m95)”. Rachmaninov lao vào uống rượu và kể lại trong hồi ký: “Tôi không làm gì cả và chẳng thấy hài lòng với bất cứ thứ gì. Tôi cứ nằm dài trên ghế cả nửa ngày trời và thở dài về cuộc sống bị huỷ hoại của minh”.

Thật may mắn cho Rachmaninov và có lẽ là cho toàn bộ những người yêu nhạc trên khắp thế giới, tháng 1/1900, Rachmaninov gặp bác sĩ Nikolai Dahl, người cũng là một nghệ sĩ violin và cello nghiệp dư (Dahl cũng có một nhóm tứ tấu của riêng mình). Bằng cách kết hợp nói chuyện và sử dụng liệu pháp thôi miên, Dahl đã thành công trong việc khôi phục lại niềm cảm hứng sáng tạo tưởng chừng đã chết của Rachmaninov. Nhiều năm sau đó, Rachmaninov nhớ lại: “Mặc dù nó có vẻ khó tin, phương pháp này đã giúp tôi. Những ý tưởng âm nhạc mới bắt đầu khuấy động, vượt xa những gì tôi cần cho bản piano concerto của mình”.

Tháng 4/1900, khi cảm thấy mọi thứ dường như trở lại bình thường, Rachmaninov và Chaliapin cùng nhau đến Yalta, họ thăm Chekhov và tiếp tục đến Ý. Đến tháng 7, Rachmaninov trở về nhà vì cảm thấy “chán ngán vì không có người Nga và nước Nga” với đầy ắp các phác thảo, trong đó có 2 chương nhạc cho một bản piano concerto mới giọng Đô thứ. Những chương nhạc đó, giờ đây được biết là 2 chương cuối của bản Concerto piano số 2 đã được hoàn thành vào mùa thu và được Rachmaninov trình diễn trong một buổi hoà nhạc vào ngày 2/12/1900. Mùa xuân năm 1901, ông bắt tay vào sáng tác chương I để hoàn thành kiệt tác của đời mình. Buổi ra mắt tác phẩm tại Moscow với Rachmaninov chơi piano và Siloti trên bục chỉ huy đã thành công vang dội, đánh dấu sự trở lại huy hoàng của Rachmaninov và bản Concerto piano số 2 nhanh chóng trở thành tác phẩm được yêu thích nhất của nhà soạn nhạc.

Với tác phẩm này, Rachmaninov không chỉ vượt qua được những ám ảnh của quá khứ mà còn khẳng định được vị thế là một nhà soạn nhạc hàng đầu – một nhạc sĩ với sở trường ở những giai điệu tuyệt đẹp. Bản Concerto piano số 2 mang một phong cách truyền thống, điều khá lạ lẫm khi đặt trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 – thời kỳ hoàng kim của những thử nghiệm mới đầy hoang dã và phóng túng với những cái tên như Claude Debussy, Gustav Mahler, Stravinsky, Richard Strauss hay Arnold Schoenberg. Có thể nói đây là tác phẩm đỉnh cao của thế kỷ 19 mặc dù về mặt thời gian rõ ràng là không phù hợp và bắt chấp dè bỉu của những người tiên phong, Concerto piano số 2 của Rachmaninov đã trở thành một trong những concerto được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới. Tuyệt tác này đã được nhà soạn nhạc đề tặng Nikolai Dahl, người đã có công rất lớn trong việc điều trị cho ông, khiến Dahl trở thành bác sĩ hiếm hoi có được món quà tặng trân quý như vậy.

Phân tích
Chương I
Chương I tác phẩm được bắt đẩu rất đáng nhớ với những hợp âm trầm ngâm như những tiếng chuông ngân trên piano với cường độ lớn dần. Dàn dây và clarinet tiếp nối giới thiệu chủ đề đầu tiên. Trong phần này, dàn nhạc đóng vai trò thể hiện giai điệu còn piano đảm nhận phần đệm với các hợp âm rải nhanh giữa hai tay góp phần tạo nên sự đầy đặn cũng như tạo dựng kết cấu vững chắc của âm thanh. Chủ đề một đầy quyến rũ được đánh dấu bằng một tâm hồn Nga nồng nàn không thể nhầm lẫn được bổ sung bằng một chủ đề 2 lãng mạn do piano trình tấu. Không ở đâu, piano lại có vai trò tích cực trong việc đệm cho dàn nhạc, đồng thời vẫn xông xáo chiếm vị trí dẫn đầu như trong chương này. Đây là một trong những chương nhạc tinh tế và chặt chẽ nhất của Rachmaninov.

Chương II
Chương II được viết ở giọng Mi trưởng (một giọng khá xa so với giọng chính của tác phẩm là Đô thứ, giống hệt cách mà Beethoven đã sử dụng trong Concerto piano số 3 đúng 100 năm trước đó). Vẻ đẹp gợi cảm của chương nhạc đã tạo ra một bầu không khí đầy quyến rũ. Dàn dây bắt đầu nhẹ khẽ chơi tắt tiếng, chủ đề tĩnh lặng được flute và sau đó là clarinet tiếp nhận và piano khẽ hát lên giai điệu gần như một nocturne. Phần giữa sôi nổi giống với một scherzo với những nốt cao của kèn gỗ và viola với phần tham gia tương tự như một cadenza của piano. Một lần nữa piano dễ dàng đảm nhận cả 2 nhiệm vụ độc tấu và đệm cho dàn nhạc. Chương nhạc khép lại với không khí yên bình như lúc mở đầu.

Chương III
Kịch tính trở lại trong chương nhạc cuối cùng. Một chiếc cầu nối từ chương II ở giọng Mi trưởng sang chương cuối ở giọng chính La thứ với phong thái rộn ràng, mạnh mẽ. Tâm trạng rực rỡ này dẫn đến một trong những giai điệu nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc trên bè dây và oboe. Phần phát triển tràn đầy năng lượng được piano dẫn dắt đầy đam mê đưa người nghe vào một vòng xoáy âm thanh đầy gợi cảm. Chất liệu âm nhạc trong phần này cũng dựa trên chủ đề chính của chương III, duy trì tính ngẫu hứng với các nhạc cụ thay phiên nhau trình tấu các motif đầy kích động. Một đoạn nhạc nhẹ nhàng làm dịu đi phần phát triển để rồi tiến tới phần tái hiện đầy vũ bão. Giai điệu của viola ở đầu chương được tái hiện, nhưng lần này là trong sự lộng lẫy của bè violin. Một bản cadenza ngắn gọn của piano chuyển âm điệu của chương nhạc sang giọng Đô trưởng. Sau đó toàn bộ dàn nhạc một lần nữa tái hiện giai điệu chính và tác phẩm kết thúc trong âm thanh chói lọi, huy hoàng.

Là một nghệ sĩ piano có trình độ siêu phàm, Rachmaninov sáng tác cho piano không chỉ dựa trên sở thích mà còn trên sở trường của mình. Là một người cao lớn và sở hữu đôi bàn tay dài đáng ngạc nhiên, những tác phẩm cho piano của ông luôn là thách thức với mọi nghệ sĩ khác. Vladimir Ashkenazy đã từng nói trên tạp chí Gramophone rằng ông mong muốn các ngón tay mình dài thêm 1cm để có thể chơi tốt hơn các tác phẩm của Rachmaninov. Hơn thế nữa, Rachmaninov còn có thể chơi những đoạn nhanh như chớp cũng như những hợp âm đầy sức mạnh với sự thuần thục và cân bằng không thể tưởng tượng nổi. Tất cả những điều này đều được ông đưa vào bản Concerto piano số 2 này bên cạnh những đòi hỏi khắc nghiệt khác về thể hiện cảm xúc đa dạng mà Rachmaninov gửi gắm trong tác phẩm. Đối với các nghệ sĩ piano, tác phẩm này không dành cho những người yếu bóng vía nhưng là phần thưởng để xứng đáng cho các nỗ lực và thử thách.
Nghe tác phẩm:

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY