Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủTin tứcTin HộiRa mắt Chi hội Nhạc sĩ Quân đội khu vực Hà Nội

Ra mắt Chi hội Nhạc sĩ Quân đội khu vực Hà Nội

(Tác giả: Thanh Nhã)

Chiều 27 tháng 4 năm 2023, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã tổ chức Hội nghị Ra mắt và bầu Ban Chấp hành Chi hội Nhạc sĩ Quân đội khu vực Hà Nội, nhiệm kỳ I (2020 – 2025).

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có Quyết định về việc thành lập Chi hội Nhạc sĩ Quân đội khu vực Hà Nội, nhằm tập hợp sức mạnh truyền thống và vai trò nòng cốt của hội viên; tạo thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, sáng tạo và tổ chức các hoạt động của Chi hội Nhạc sĩ quân đội.

Tới dự có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Đại tá Đinh Văn Thanh – Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị; Đại tá Nguyễn Tiến Mạnh – Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội; NSND Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; các nhạc sĩ đại diện các đơn vị, nhà hát, chi hội: Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà hát Quân đội, khối Phát thanh truyền hình, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc quân đội, lãnh đạo Nhà trường, các Đoàn Văn công trong khu vực Hà Nội…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng Hội, và đông đảo các nhạc sĩ trong và ngoài Quân đội.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chúc mừng Ban Chấp hành Chi hội Nhạc sĩ Quân đội ra mắt

Chi hội Nhạc sĩ Quân đội khu vực Hà Nội gồm 85 hội viên. Ban Chấp hành Chi hội gồm 07 thành viên.

Chi hội trưởng: NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Chi hội phó: Thượng tá, NSƯT, nhạc sĩ Trần Quốc Đạt – Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Và các thành viên: NSƯT Dương Minh Đức – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội; nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội; nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng đoàn Văn công Bộ đội biên phòng; nhạc sĩ Dương Thị Kim Ngân – Trưởng Đoàn Văn công Quân khu I; nhạc sĩ Trần Ngọc Lâm – Phòng Văn hóa Văn nghệ, Cục Tuyên Huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu chỉ đạo, đã khẳng định:

“Việc thành lập Chi hội, với tâm huyết của bản thân từ khi còn là Hiệu trưởng Nhà trường, và được sự ủng hộ của các nhạc sĩ Quân đội, tin tưởng tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Hội là tổ chức chính trị – xã hội – nghế nghiệp được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Các Hội VHNT Trung ương, văn học nghệ thuật nói chung và Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói riêng luôn dành sự quan tâm cho Quân đội.

Rất vui mừng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ Quân đội, từ nay chúng ta có ngôi nhà chung để tiếp tục phấn đấu tất cả vì văn nghệ quân đội. Chi hội Nhạc sĩ Quân đội đã tập hợp đầy đủ các chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn, đặc biệt là những nhà đạo tạo âm nhạc quân đội”.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ – Chi hội trưởng, với những lời tâm huyết:

“Chi hội Nhạc sĩ Quân đội khu vực Hà Nội tổ chức Hội nghị ra mắt và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025, đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói chung và lực lượng văn nghệ sĩ Quân đội nói riêng.

Rất vinh dự được Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ và được Chi hội tín nhiệm bầu là Chi hội trưởng Chi hội nhiệm kỳ 2020-2025. Đây thực sự là vinh dự lớn lao, song cũng đầy trách nhiệm đối với hoạt động của Hội, đòi hỏi mỗi đồng chí ủy viên Ban Cấp hành cần nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổng cục Chính trị và Lãnh đạo Hội giao cho. Chúng tôi nguyện phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhiệt tình trách nhiệm, đem hết khả năng tổ chức triển khai các nghị quyết, kế hoạch công tác của Hội, phối hợp tổ chức các hoạt động âm nhạc trong và ngoài quân đội đạt chất lượng tốt và cùng toàn thể Chi hội thực hiện nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội và Điều lệ của Hội.

Để khẳng định được vai trò nghệ thuật Quân đội như hôm nay trong lòng công chúng và có được sự thành công đó, bên cạnh sự nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực sáng tạo bền bỉ của các nhạc sĩ; chúng tôi vô cùng biết ơn Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc Phòng mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội qua các thời kỳ, quan tâm đầu tư các Hoạt động trọng điểm văn học, nghệ thuật; Cám ơn Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn quan tâm đồng hành, ủng hộ, hướng dẫn phối hợp triển khai các hoạt động âm nhạc và chú trọng đến bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thời gian tới sẽ là một giai đoạn có nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhiều hoạt động âm nhạc cần được triển khai; với một khí thế tự tin, mỗi chúng tôi luôn ý thức phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ – chiến sĩ đóng góp cho Quân đội, cho đất nước…”.

Nhà văn Phùng Văn Khai đã có những chia sẻ:

“Các nhạc sĩ Quân đội đã có một tổ chức từ rất lâu khi Nhà trường được thành lập từ năm 1956, trưởng thành cùng với nhân dân và Tổ quốc, từ các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đến ngày hôm nay, Chi hội Nhạc sĩ Quân đội ra mắt, có các nhạc sĩ lão thành, có sự trưởng thành, có sự tiếp nối và đặc biệt là trách nhiệm với quân đội với nền âm nhạc của dân tộc.

Ở Trường Sa, các bài hát rất hay của các nhạc sĩ Quân đội đã luôn vang lên trên các đảo chìm, điều đó cho thấy đội ngũ và tác phẩm của các nhạc sĩ quân đội đã luôn đồng hành với Tổ quốc.

Từ nay chúng ta có một mái nhà, chắc chắn sẽ quy tụ được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ quân đội hơn và đặc biệt sẽ trưởng thành hơn về sáng tác, để có nhiều tác phẩm xứng tầm hơn, xứng đáng với sự mong đợi của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hải Nam – Đoàn Văn công bộ đội Biên phòng:

“Đại diện cho các nhạc sĩ trẻ, vinh dự và xúc động khi biết được quá trình của cả thế hệ cha anh đi trước, hôm nay đã có ngôi nhà chính thức để sinh hoạt. Là thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, của quân đội, chúng tôi các nhạc sĩ trẻ xin hứa sẽ cố gắng học hỏi hoàn thiện mình hơn nữa để phấn đấu có những tác phẩm tốt cho quân đội cũng như cho nền âm nhạc chung của đất nước”.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhấn mạnh:

“Đây là một chi hội lớn nằm trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vì tính chất đặc thù của Chi hội gồm các cán bộ sĩ quan cao cấp quân đội. Các nhạc sĩ tiền bối của chúng ta đều xuất thân là các chiến sĩ quân đội, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, đã để lại những tác phẩm bất hủ về Đảng và Cách mạng Việt Nam.

Việc thành lập Chi hội, cần có một lực lượng nhạc sĩ quân đội giữ vững truyền thống với tinh thần đoàn kết. Vì vậy Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sẽ thảo luận ý kiến về việc thành lập “Hội Âm nhạc Quân đội” để nâng cao vị thế của lực lượng các nhạc sĩ, nghệ sĩ quân đội đông đảo không chỉ ở khu vực Hà Nội mà còn là lực lượng đông đảo trong cả nước gắn bó với lịch sử dân tộc, lịch sử Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên trong quân đội đã có những đóng góp quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và cho sự lớn mạnh của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói riêng”.

Hiện nay trong Quân đội có 114 nhạc sĩ là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được phân bổ sinh hoạt tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ở lĩnh vực sáng tác có 73 nhạc sĩ; Lý luận, chỉ huy  có 04 nghệ sĩ, biểu diễn có 33 nghệ sĩ và đào tạo có 04 giảng viên. Ngoài ra còn có rất nhiều lực lượng sáng tác chuyên và không chuyên chưa là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng là hội viên của Hội Âm nhạc các địa phương (lực lượng này tới đây sẽ nghiên cứu đề án để tổ chức hoạt động trong Hội VHNT Quân đội). Có thể nói rằng lực lượng Hội viên là quân nhân tại ngũ khu vực Hà Nội là đông nhất (gần 70 thành viên).

Việc cơ cấu bố trí thành Chi hội sinh hoạt riêng là hoàn toàn khoa học và phù hợp với đặc thù, điều kiện công tác của hội viên. Điều này rất thuận lợi cho việc triển khai chủ trương, định hướng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng một cách đầy đủ và nhanh chóng. (Ví dụ: viết về covid-19, cứu hộ cứu nạn, đối ngoại…) Mặt khác các nhạc sĩ quân đội có bề dày truyền thống, nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung cũng như đóng góp cho sự lớn mạnh của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói riêng, nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo Hội.

Nhìn lại quá trình phát triển của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng ta có thể thể kể đến các nhạc sĩ, nghệ sĩ Quân đội tiêu biểu các thời kỳ đầu như: Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Huy Thục, nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ An Thuyên, nhạc sĩ Đức Trịnh… và rất nhiều các ca sĩ, giảng viên. Đây là những cây đại thụ của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam, những sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ quân đội như “Bản trường ca hùng tráng” không có phần kết và được tiếp nối từ thế này sang thế hệ khác.

Tiếp nối dòng chảy đó, các nhạc sĩ trẻ hôm nay, đang là hội viên Chi hội  cũng đã ít nhiều khẳng định được tên tuổi và vị trí trong đời sống âm nhạc nước nhà nói chung cũng như đời sống văn hoá văn nghệ quân đội nói riêng. Có thể nhắc đến các gương mặt như: nhạc sĩ Trần Quốc Đạt, nhạc sĩ Xuân Phương, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, nhạc sĩ Đỗ Bảo, nhạc sĩ Anh Thông, nhạc sĩ Tuấn Anh, Hồng Ngọc… các nhạc sĩ đã có rất nhiều tác phẩm đạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng Bộ Quốc Phòng và các giải thưởng uy tín khác.

Chi hội nhạc sĩ Quân đội đã có một quá trình phát triển đóng góp cho cách mạng, cho đất nước, cho dân tộc, nhưng đến ngày hôm nay mới có một cơ sở chính thức hoạt động nằm trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đây là sự phấn đấu cố gắng của tất cả thể hệ nhạc sĩ các bậc tiền bối lão thành đi trước và đến thế hệ hiện nay để “truyền lửa” cho thế hệ các nhạc sĩ trẻ tiếp tục truyền thống của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của dân tộc, của cách mạng Việt Nam, để tiếp tục sáng tác những tác phẩm âm nhạc có giá trị cao về chất lượng và tư tưởng nghệ thuật.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU