Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩPhong Nhã - một nhạc sĩ của tuổi thơ

Phong Nhã – một nhạc sĩ của tuổi thơ

(Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu)

(Kỷ niệm 100 năm tuổi của nhạc sĩ Phong Nhã)

Bài ca rung động thật lòng
Thành danh nhạc sĩ mà không có ngờ

Phong Nhã[1]

Vị trí đầu bảng danh sách các “nhạc sĩ của tuổi thơ” phải thuộc về Phong Nhã. Nhạc sĩ Văn Chung coi ông như “Tiên chỉ” của làng ca khúc thiếu nhi. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu “tôn” ông làm “Vua sáng tác thiếu nhi”. Với các đồng nghiệp trong công tác thiếu nhi, ông chỉ bình dị là một “Anh phụ trách nhạc sĩ”. Với bạn đọc nhỏ tuổi của báo Thiếu niên tiền phong, ông thân thiết như “Anh Cả Tươi” – bút danh trong nghề làm báo “cho trẻ con” của ông. Giữa bạn bè, ông lại gắn với những cái tên ngộ nghĩnh: “Nhi đồng cụ”, “Ông già thiếu nhi hóa”. Ngần ấy biệt danh xem ra cũng đã hé mở phần nào chân dung một cuộc đời song hành hai sự nghiệp: công tác phụ trách thiếu nhi và sáng tác bài hát thiếu nhi.

Ngày sinh 4-4-1924 chỉ mang ý nghĩa hành chính trên giấy tờ, vì tính theo âm lịch, Nguyễn Văn Tường (tên “cúng cơm” của nhạc sĩ Phong Nhã) sinh ngày 19-11 năm Quý Hợi (1923). Tuổi “đẹp” thế ngỡ phải có số an nhàn, ấy vậy mà ông vua tương lai của làng ca khúc thiếu nhi ngay từ tấm bé đã kịp nếm đủ vị đắng cay của đứa trẻ sớm mồ côi mẹ.

Thôn Ngọc Động, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một vùng đất của dân ca và chèo. Ông nội, bố, bác và chú ruột đều chơi đàn cổ truyền, cả gia đình cũng đủ hợp thành một ban nhạc hòa tấu. Lên 5 – 6 tuổi, cậu bé phải rời cái nôi âm nhạc cổ truyền đó theo cha và mẹ kế lên Hà Nội sinh sống với nghề đan mây tre. Chính cha là người thầy đầu tiên dạy cho con đàn tranh và bài học vỡ lòng về âm nhạc dân tộc với các chữ nhạc hò – xừ – xang. Góp phần gây dựng vốn liếng dân ca cho bé Tường còn phải kể đến bà cô họ có giọng ca ngọt ngào với các điệu Cò lả, Cây trúc xinh, Chén muối đĩa gừng… và ông già mù bán lạc rang có tiếng sáo truyền cảm qua những bản Bình bán, Lưu thủy hành vân… Mỗi lần bán được xu lạc, ông già mù lại thổi một bài. Bị mê hoặc bởi tiếng sáo ấy, cậu bé cứ lọ mọ theo ông già đi bán dạo để thưởng thức những khúc nhạc “khuyến mại” cho khách hàng mua lạc. Cậu đã sướng điên lên khi ông cụ cho phép cậu chọn lấy một cây trong chiếc thùng đầy sáo của ông. Thế là tập tọng thổi theo ông già mù, học lấy những nét luyến láy trầm bổng, để ít năm sau cũng ngang ngửa là một tay sáo có nghề đứng đầu một “ban nhạc” sáo trúc toàn trẻ con! Cậu bé còn chơi được một số nhạc cụ khác: mandoline, banjo, piano và nhị, hồ. Cậu tự mò mẫm kéo nhị theo những bản nhạc được nghe ở rạp hát, về sau còn thụ giáo thêm được vài bài với nghệ nhân Vũ Tuấn Đức.

Yêu âm nhạc, cậu thiếu niên Nguyễn Văn Tường đã chủ động đến với âm nhạc, cả nhạc ta lẫn nhạc Tây. Nếu sự hấp thụ nhạc ta chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường gia đình, thì việc tiếp nhận nhạc Tây chủ yếu do tác động xã hội. Cậu đứng hàng giờ bên ngoài các cửa hiệu ở Bờ Hồ, Hàng Bông để nghe “ké” những đĩa nhạc giải trí Pháp, đặc biệt những bài hát của danh ca Tino Rossi. Thuộc nhiều bài Tây lời ta, cậu tập đặt lời trên giai điệu Tây – Tầu và cũng thử viết cả phần nhạc với vốn lý thuyết solfège học từ thầy Robert trong mấy năm đèn sách tại Trường Cao đẳng Đông Dương và Trường Bưởi.

Thích tham gia hoạt động đoàn thể, từ một quản ca, đội trưởng đội Hướng đạo của trường, Nguyễn Văn Tường đã trở thành đoàn viên Thanh niên cứu quốc và là người đầu tiên được bổ nhiệm làm bí thư Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Môi trường thiếu nhi từ đó luôn gắn liền với mọi niềm vui lẽ sống của anh phụ trách trẻ tuổi. Anh cùng các em tập thể dục, dạy các em hát, động viên các em học hành chăm ngoan và tiếp bước truyền thống cách mạng bằng những hoạt động cụ thể: dán truyền đơn, thăm dò các trại lính, đếm súng ống và số quân lính Nhật. Không có công cụ tuyên truyền nào hiệu lực bằng âm nhạc, nhất là đối với trẻ thơ. Bài hát cho thiếu nhi thời đó lại quá hiếm, các em phải “mượn” bao nhiêu bài người lớn, tại sao không thử viết một bài ca yêu nước cho riêng trẻ con nhỉ? Nhìn những đôi chân nhỏ bé thoăn thoắt bước cho kịp người lớn, một tứ nhạc chợt nảy ra trong anh phụ trách: “Nhanh bước nhanh nhi đồng ta cùng nhau bước lên đường” (sau Cách mạng tháng Tám được đổi thành “theo cờ đỏ sao vàng”). Theo lời ca dung dị, giai điệu cứ tuôn chảy thật dễ dàng tự nhiên. Nhanh bước nhanh nhi đồng – bài hát chính luận đầu tiên cho trẻ thơ, bản tuyên ngôn của nhi đồng cách mạng đã ra đời như thế vào cuối năm 1944, trong bầu nhiệt khí dâng cao của những tháng ngày tiền khởi nghĩa. Bài hát chính thức của Hội Nhi đồng cứu quốc này đã đặt cái mốc khởi đầu cho một sự nghiệp âm nhạc với bút danh Phong Nhã. Lấy tên Phong Nhã để tưởng nhớ người em họ cùng hoạt động cách mạng, nhạc sĩ chẳng ngờ chính mình sẽ làm sống mãi cái tên của một người đã khuất.

Vốn yêu thích môn lịch sử, đặc biệt những hình tượng anh hùng nhỏ tuổi, như chú bé Phù Đổng làng Gióng, hay cậu bé “bóp nát quả cam” Trần Quốc Toản, anh phụ trách Phong Nhã rất xúc động khi được biết tấm gương Kim Đồng qua phóng sự về trẻ em trên chiến khu của nhà văn Tô Hoài đăng trên báo Cứu quốc. Lịch sử thiếu nhi anh hùng đang được viết tiếp bằng thế hệ măng non cách mạng. Chính các em đội viên đã giúp anh phụ trách rất nhiều trong việc đưa hình tượng Kim Đồng vào âm nhạc. Đến tận Bắc bộ phủ xin gặp và “khai thác” các cô bác từng ở chiến khu, các em thu lượm mọi chi tiết về Kim Đồng, rồi bằng trí tưởng tượng và động tác mô phỏng, các em đua nhau diễn lại cho anh phụ trách xem. Hình ảnh chú bé liên lạc lanh trí và dũng cảm sống lại trong mỗi em nhỏ. Anh phụ trách đã mô tả Kim Đồng rất thật như các em đội viên ngay trước mắt mình, hiếu động và hồn nhiên trong trò chơi trận giả, bắn súng bằng mồm, lăn lê bò toài tránh đạn địch, rồi lại xông pha khắp chốn, bất chấp “đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng anh vẫn đi”. Có người nhận xét: tự nhiên chủ nghĩa quá! Có người vặn vẹo: Kim Đồng điếc à? Trẻ con lại không một chút thắc mắc, thích là hát và cứ thế truyền miệng cho nhau. Nhiều tầng lớp dân kháng chiến cũng “mượn” Kim Đồng làm bài hát sinh hoạt tập thể. Chả thế mà trong Đại  hội Âm nhạc kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít tại Matxcơva, nhạc sĩ Tô Vũ đã giới thiệu Kim Đồng cùng với Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi như hai tác phẩm âm nhạc chống phát xít tiêu biểu của Việt Nam. Sau này, Kim Đồng còn trở thành bài ca truyền thống riêng của Nhà xuất bản Kim Đồng trong mỗi dịp họp mặt kỷ niệm.

Bài hát đầu tay rồi bài thứ hai đều được trẻ thơ nồng nhiệt đón nhận khiến anh phụ trách càng hào hứng và tự tin dấn bước khai phá lĩnh vực ca khúc thiếu nhi. Bài hát thứ ba được khởi nguồn từ một kỷ niệm lớn trong đời nhạc sĩ Phong Nhã. Ngày 2 – 9 – 1945, anh phụ trách cùng đoàn thiếu nhi được ưu tiên đứng hàng đầu trông lên lễ đài Ba Đình. Tận mắt nhìn thấy vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập, anh đã thầm reo trong lòng: thì ra Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn ái Quốc! Tự dưng nước mắt cứ trào ra. Có những khoảnh khắc trở thành mãi mãi như một “cái đọng lịch sử”[2], hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc với vầng trán cao, cặp mắt sáng, chòm râu hơi dài, nhoài người khỏi cửa xe đưa cả hai tay vẫy các cháu thiếu nhi đã in sâu vào trái tim người phụ trách. Làm sao viết được bài hát về Cụ Hồ cho thiếu nhi khác với bài hát cho người lớn, làm sao bày tỏ được tình yêu thương của con trẻ đúng như cái cách của trẻ con, ngộ nghĩnh và thơ ngây?

Một lần đọc bức thư từ miền Nam gửi ra, thấy các em nhỏ thưa với Cụ Hồ là Bác, anh phụ trách nhận ra không có cách xưng hô nào thích hợp hơn, “đắt” hơn thế. Trong buổi sinh hoạt Đội, anh bày ra trò đố vui: “Ai yêu Bác Hồ nhất?”. Tiếng reo hò lập tức đáp lại: “Nhi đồng!” cho dù anh cứ cố tình trêu các em bằng cách nhắc đến các đối tượng phụ lão, phụ nữ, thanh niên… Cuối cùng tất cả đều nhất trí: còn ai yêu Bác Hồ hơn các em nhi đồng! Câu hát bỗng lóe lên và tác giả đã để nó lặp lại nhiều lần như trẻ con thích nhấn mạnh cái lý lẽ của mình: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng!” (về sau đổi thành “thiếu niên nhi đồng”). Từ “Bác Hồ” lần đầu tiên xuất hiện trong âm nhạc đã theo lời ca bay khắp đất nước. Thay thế cho từ “Cụ Hồ, Già Hồ”, toàn dân Việt Nam sau đó đều chung một tiếng gọi “Bác” thân thương. Bài hát được trình bày tại Phủ Chủ tịch trong lễ kỷ niệm Bác tròn 56 tuổi (năm 1946). Nghe lời ca dí dỏm “Bác nay tuy đã già rồi”, Bác cười và cũng dí dỏm vặn lại: “Bác đã già đâu?”. Bài hát được Bác “họa” lại bằng bài thơ gửi các cháu nhi đồng Tết Trung thu năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc: “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh!”, và “lời đáp từ” của Bác ngay lập tức lại được nhạc sĩ Phong Nhã phổ nhạc.

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng là sự mở màn huy hoàng cho “série” bài hát về Bác Hồ: Bác chúng em đã về, Mong các cháu ngoan (1946), Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh (1952), Bác sống đời đời (1969), Đôi hài vạn dặm (1972), Đảo quê em nhớ Bác (1974). Được bầu chọn là ca khúc hay nhất về Bác Hồ với thiếu nhi qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1999, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng còn là một trong những bài hát chiếm số phiếu cao nhất trong cuộc bình chọn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức năm 2000. Lọt vào danh sách “top 50” này còn có ba bài hát khác của Phong Nhã: Hành khúc Đội, Kim Đồng và Đội ta lớn lên cùng đất nước.

Từ một anh phụ trách trực tiếp của Đội thiếu nhi, nhạc sĩ Phong Nhã trở thành người chỉ đạo công tác thiếu nhi qua nhiều chức trách: phó Ban thiếu nhi Trung ương Đoàn trong kháng chiến chống Pháp, ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn các khóa II và III, ủy viên Ban thường trực ủy ban thiếu niên nhi đồng T.Ư, Tổng biên tập đầu tiên báo Thiếu niên tiền phong, ủy viên khóa I Hội đồng Đội TNTP. Muốn phụ trách thiếu nhi tốt phải làm âm nhạc, vì vậy người cán bộ phụ trách này còn tự nguyện kiêm nhiệm thêm một công việc “không ăn lương” là sáng tác bài hát cho đối tượng thuộc quyền quản lý của mình. Bám sát thời sự, bám sát phong trào thiếu nhi mà viết, ông tự đặt ra cho mình một cuộc thi đua ngầm: sự kiện nào có bài hát người lớn thì cũng phải có bài hát cho trẻ con!

Nhiều thâm niên trôi qua, Đội thiếu niên nhi đồng đã lớn lên cùng đất nước, đúng như tựa đề một bài ca của Phong nhã. Từng ấy năm, anh phụ trách – người nhạc sĩ của Đội cũng lớn lên theo cuốn biên niên sử Đội bằng âm nhạc. Cùng với các chính ca được coi là ba “dấu son” mở đầu ba thập niên: Cùng nhau ta đi lên (1950), Đội ta lớn lên cùng đất nước (1960), Hành khúc Đội (1970), nhật ký hoạt động của Đội còn được ghi bằng: Công tác Trần Quốc Toản, Hôm nay họp Đội, Đội Hùng Vương, Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh, Chi đội em làm kế hoạch nhỏ, Đoàn tàu mang tên Đội, Niềm vui lớn, Kế hoạch nhỏ màu xanh, Vì dòng điện ngày mai, Nghìn việc tốt tặng bạn, Bạn thân tuổi thơ, Đội tuyên truyền măng non

“Série” bài hát về truyền thống anh dũng của Đội bắt đầu từ Kim Đồng đã được nối tiếp với Anh Hiến – anh Long, Bát Sắt, Dương Văn Nội, Anh Hiện mồ côi, Lê Văn Tám, Phạm Ngọc Đa. ở đây có thể thấy bài hát đưa đến hiệu quả xã hội không nhỏ. Có sĩ quan ngụy sau giải phóng từng nhận định: các anh thắng vì ngay tuổi thiếu nhi đã gan dạ như Kim Đồng. Chính từ những bài ca nhỏ mang ý ý nghĩa lớn của Phong Nhã mà báo Thiếu niên tiền phong đã làm được một việc quan trọng: đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng cho các anh hùng nhỏ tuổi, và kết quả là năm 1995 – nửa thế kỷ sau khi hy sinh, Kim Đồng và Dương Văn Nội chính thức được công nhận anh hùng.

Hiệu quả xã hội còn thấy rõ qua tính phổ cập và sức sống của ca khúc Phong Nhã. Là nhạc sĩ của nhiều thế hệ thiếu nhi, ông đã tập hợp các tầng lớp quần chúng xung quanh các em, là cầu nối giữa người lớn với tuổi thơ, cho người lớn cái phương tiện tuyệt vời để tiếp cận với trẻ con. Chẳng mấy nhạc sĩ được như ông có nhiều bài hát mà cả gia đình, từ ông bà, cha mẹ, con cháu đều thuộc, đều một thời say sưa hát.

Bền bỉ viết cho thiếu nhi, Phong Nhã còn động viên nhiều đồng nghiệp tham gia sáng tác để hình thành đội ngũ nhạc sĩ chuyên viết ca khúc thiếu nhi. Ông là người đi trước truyền lại một kinh nghiệm quý báu: sống với trẻ thơ, vui chơi cùng trẻ thơ để viết được cho trẻ thơ. Giản dị, chân thành và nhạy cảm, ông còn là tấm gương mẫu mực về nhân cách. Về điểm này, chẳng lời nào bằng mượn câu nói của một “đàn em” về người phụ trách kỳ cựu: ông là một nghệ sĩ “không mắc một tật xấu nào của nghệ sĩ”[3]!

Một đời gắn bó với thiếu nhi và âm nhạc, nhạc sĩ Phong Nhã đã được trao tặng nhiều huân chương, huy chương và giải thưởng, trong đó có: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001). Với ông, phần thưởng lớn nhất vẫn là tấm lòng con trẻ. Các em tới tấp viết thư cho ông, xin bài hát, tâm sự mọi điều. Có em xin được “nhận ông làm ông, vì ông cháu mới mất”, có em đề nghị nhạc sĩ “làm bầu cho ban nhạc của chúng cháu”, có em thắc mắc: “Sao ông chỉ viết cho chúng cháu mà không viết cho người lớn?”. Thực ra nhạc sĩ của trẻ thơ này không hoàn toàn “loại” người lớn ra khỏi mối quan tâm của mình. Có lần nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nói về Tiếng hát trên sông Cửa Việt: “Anh mới viết cho người lớn mà cũng đã lớn đấy chứ!”. Song với Phong Nhã, trẻ con vẫn là tất cả. Những bức thư chân thành và hồn nhiên từ những đứa cháu chưa một lần gặp mặt đều được nhạc sĩ ân cần trả lời và gìn giữ như kỷ vật. Và đây là lời hứa của ông già yêu trẻ khi bước qua tuổi 80:

Đàn em còn giục bài Phong Nhã
Xin hẹn gặp nhau giữa sóng đài[4].

Lời hứa ấy ông đã mong mỏi giữ được cho đến lúc ra đi năm 2020.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

[1] Trích từ bài thơ Hồi tưởng nhạc sĩ viết năm 1983 nhân dịp tròn 60 tuổi.
[2] Phong Nhã: Bác Hồ với thiếu nhi, chủ đề tôi có cảm xúc mãnh liệt. Tập ca khúc chọn lọc của Phong Nhã. Nxb. Kim Đồng, 1999.
[3] Lê Minh Cường: lời phát biểu trong chương trình Phong Nhã (câu lạc bộ Tác giả – tác phẩm). Viện Âm nhạc, 2004.
[4] Trích từ Bài thơ xuân Giáp Thân nhạc sĩ viết năm 2004 khi đã qua tuổi 80.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY