Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềNhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Cần cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với sự sáng tạo của văn nghệ sĩ

(Tác giả: Thanh Xuân)

Bên lề lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Phóng viên: Thưa nhạc sĩ, có thể nói đội ngũ văn nghệ sĩ được nhận Giải thưởng lần này đều là những “cây đại thụ” trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người đã “khuất núi”. Vậy làm thế nào để mỗi kỳ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, sẽ có thêm những gương mặt mới, tác phẩm mới?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Việc Đảng và Nhà nước kịp thời trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lần này là sự động viên vô cùng to lớn đối với các văn nghệ sĩ. Điều quan trọng hơn, không chỉ ghi nhận sự đóng góp của các tác giả, giải thưởng lần này còn là dịp để động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, giới nghệ sĩ trẻ sẽ nhìn thấy tấm gương lao động nghệ thuật quên mình của lớp đàn anh để cố gắng nhiều hơn. Giới văn nghệ sĩ được tăng thêm niềm tin, động lực để sáng tạo và đi vào đời sống, đi vào các đề tài mới, khó, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều thách thức, khó khăn bên cạnh các thuận lợi. Việc ra đời các tác phẩm mới, nối tiếp dòng chảy văn học, nghệ thuật qua các thời kỳ là một nhiệm vụ lớn đối với tất cả giới văn nghệ. Đây là nhiệm vụ được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam bằng các hành động cụ thể sẽ hỗ trợ một cách thiết thực để các tác giả tài năng có động lực tạo ra các tác phẩm có giá trị, sống bền lâu trong đời sống dân tộc.

– Dõi theo các lần vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, đã có không ít ý kiến cho rằng, các tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao đang dần khan hiếm và cạn kiệt. Ông có đồng tình với quan điểm này?

– Khi các tác phẩm ra đời đến với công chúng và có tiếng vang, được gìn giữ trong nhân dân, được Đảng và Nhà nước ghi nhận như là một thành tố quan trọng trong xây dựng đời sống mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là niềm vinh dự với cá nhân tác giả và tác phẩm ấy ắt hẳn phải mang những giá trị tinh thần, giá trị đóng góp vào đời sống hôm nay. Việc xét các tác phẩm văn học nghệ thuật để trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật là hoạt động mang tính định kỳ và có lộ trình. Các tác phẩm sẽ được hội đồng cơ sở tập hợp trình các hội đồng cấp cao, quá trình đó diễn ra trong suốt 5 năm. Với 5 năm đó, lực lượng văn nghệ sĩ của chúng ta với hơn 4 vạn người (chỉ tính riêng ở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) thì số lượng tác phẩm được ra đời rất đồ sộ.

Trong đó có nhiều văn nghệ sĩ đang hoạt động, đang viết các ấn phẩm xuất bản, các vở diễn, các bức ảnh, các vở múa… Tôi cho rằng, như thế thì số lượng tác phẩm không lo cạn. Đặc biệt, trong bối cảnh ngày nay, với sự giúp sức của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cùng sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, nguồn tác phẩm sẽ ngày một nhiều hơn, đa dạng và phong phú hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là có được những tác phẩm xứng với sự kỳ vọng của nhân dân, của thời đại hay không? Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tôi hy vọng sẽ có những tác phẩm mang tính đột phá, những tác giả thật nổi bật đứng vào đội ngũ các tác giả được vinh danh, đấy là động lực để thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tác.

– Là người đứng đầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông thấy những khó khăn trong quá trình sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ là gì?

– Nhìn mặt bằng chung hiện nay thì cơ bản đời sống của văn nghệ sĩ còn rất khó khăn. Họ sống bằng đồng lương, lương hưu, hoặc từ một nguồn thu nhập hạn chế. Các văn nghệ sĩ làm việc tại các cơ quan Nhà nước chỉ đủ duy trì cuộc sống, chưa nói tới duy trì sáng tạo. Tuy Nhà nước đã quan tâm như mở các trại sáng tác, nhưng nói chung mới chỉ một số ít các văn nghệ sĩ được thụ hưởng. Cần có một chính sách, cơ chế nhìn nhận về sự sáng tạo của văn nghệ sĩ thỏa đáng, xứng đáng hơn nữa chứ không thể cào bằng, không thể đánh giá như kiểu định mức, định giá cho các tác phẩm. Khi đó chúng ta sẽ có được các tác phẩm sáng tạo có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật.

Có một thực tế là hầu hết các văn nghệ sĩ không có nhà, hoặc ở nhờ con cái với không gian sống chật hẹp, khó khăn, không có thu nhập, không có các chế độ an dưỡng, bệnh viện … Văn nghệ sĩ hiện nay rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Và mặc dù họ vẫn cất cao tiếng hát, quên đi khó khăn để làm đẹp cho đời, nhưng đấy là thực trạng đáng buồn về đời sống của các văn nghệ sĩ. Việc này cần sự quan tâm từ Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức hội.

– Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân!

(Nguồn: https://baomoi.com/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY