Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩNgười đi còn bát ngát ‘Xa khơi’

Người đi còn bát ngát ‘Xa khơi’

Tác giả: Phùng Văn Khai

Đã nhiều năm, tôi gặp gỡ và giao lưu với nhà văn Trương Nguyên Việt. Anh còn có tên khác là Lê Khánh Hoài, chính là con trai đầu của NSƯT – ca sĩ Tân Nhân lừng danh với “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân thời trẻ.  

Mỗi khi nhắc đến mẹ mình, Trương Nguyên Việt ngồi lặng đi nhiều phút. Đôi mắt anh như có ngấn lệ và giọng nói bỗng thảng hoặc nghẹn ngào. Có ai hiểu được hết nỗi lòng người mẹ, nhất là những người mẹ trong các cuộc chiến tranh? Nhất là  người mẹ có nhan sắc, tài hoa và cá tính như nghệ sĩ Tân Nhân càng thật khác thường.

Nữ nghệ sĩ Tân Nhân tên đầy đủ là Trương Tân Nhân, sinh năm 1932 tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bà là một trong những tượng đài nghệ thuật trong lòng nhiều thế hệ yêu âm nhạc Việt Nam. Bà cũng là một nghệ sĩ – chiến sĩ, một đảng viên mà cuộc đời gắn liền với những chặng đường cách mạng của đất nước.

Tân Nhân sinh ra ở một làng quê nghèo Quảng Trị. Từ năm mười ba tuổi, bà theo học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Con đường cách mạng của bà cũng xuất phát từ đây: tham gia đội phản gián của cách mạng, làm nhiệm vụ đưa tin, rải truyền đơn. Bị lộ, bà được đưa lên chiến khu và bắt đầu con đường nghệ thuật trong Đoàn Văn công Quân đội Mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Từ năm 1954, bà là ca sĩ đơn ca tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương – Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam – Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà từng đi tu nghiệp ở Bungari và cũng từng là chuyên gia âm nhạc tại nước bạn Lào.

Vài dòng khái quát như vậy để thấy rằng cuộc đời lao động, sáng tạo, chiến đấu và cống hiến của Tân Nhân là hành trình liên tục. Từ những éo le hết sức riêng tư, bà đã vượt qua tất cả để trưởng thành. Bà từng tâm sự thành những dòng văn trong nhật ký: “Tiếng sóng biển Cửa Việt rộn rã vỗ về tôi, ánh trăng vùng trời miền biển mời đón tôi, tiếng hò mái nhì trên sông Thạch Hãn, tiếng hò giã gạo, tiếng mạ (mẹ) ru ôm ấp tôi trong một niềm thương mến vô bờ. Mười bốn tuổi, tôi rời tổ ấm gia đình đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Từ đó, suốt cuộc đời tôi, tôi đã hát vì Người.

Tôi đã leo bao nhiêu dốc núi, đã qua bao nhiêu cánh rừng, những lúc hơi thở ra đằng tai, chân tưởng không sao nhấc lên được, những chiều vượt đường số 1, nằm ép xuống chờ một tín hiệu, tim như ngừng đập vì lo lắng, nhìn về đồng bằng thấp thoáng ánh đèn, trong lòng ước sao được một ngày hòa bình đoàn tụ. Rồi những ngày mưa triền miên thối đất ở rừng miền Trung, đói, sốt rét, thèm một cục đường, một khúc sắn…, những chiều trống trải mong chờ của tuổi mười lăm, mười bảy, không mẹ, không chị, không em…”

Cuộc đời Tân Nhân với những khúc quanh, nhưng người con gái đất Gio Linh, Quảng Trị ấy nghị lực cũng thật phi thường. Khi về Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, một hôm bản nhạc chép tay “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đột ngột đến với bà: “Nắng tỏa chiều nay…/Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi Gió lộng buồm mây ươm chân trời/Biển lặng sóng thuyền em dong khơi/Khoan giọng hò thương anh cách vời…” Người ca sĩ run lên, thổn thức trước từng câu chữ trong nỗi đau xa cách mà riêng với Tân Nhân là cả vết thương sâu.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người từng học cùng trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh với Tân Nhân. Ông đã hướng dẫn, giải nghĩa từng lời và truyền cảm xúc nghệ thuật cho Tân Nhân. Nhạc sĩ còn bảo, “Xa khơi” viết dự thi sáng tác hưởng ứng phong trào Đồng khởi Bến Tre. Bài hát lúc đầu gần như bị loại vì không thấy nói đến súng bom máu lửa mà chỉ có khát vọng sum họp. Sau nhờ Trưởng ban Thống nhất Trung ương ủng hộ đưa lên phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam để lấy ý kiến thính giả cả nước. Hiệu quả rất bất ngờ. Giọng hát Tân Nhân mê đắm lòng người đã như chắp thêm đôi cánh cho “Xa khơi” thấm vào trái tim triệu người yêu nước.

Tân Nhân đã hát bằng tất cả trái tim, gan ruột của mình. Là người con gái đất Quảng Trị chịu nỗi đau chia cắt, bản thân cuộc đời Tân Nhân cũng chứa đầy tâm trạng người phải chia lìa nên “Xa khơi” cũng chính là nỗi lòng sâu thẳm của người ca sĩ. “Xa khơi” bay xa bát ngát khắp hai miền Nam – Bắc cách chia. Rất nhiều nữ du kích miền Nam đã viết thư ra đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục và dạy “Xa khơi” cho tất cả mọi người cùng thuộc. “Xa khơi” đã làm rực sáng tên tuổi Tân Nhân và chính Tân Nhân đã đưa “Xa khơi” thành ca khúc trữ tình bậc nhất viết về khát vọng thống nhất, thành một trong những tượng đài âm nhạc.

NSƯT Tân Nhân có một người cha vô cùng yêu thương con gái. Chính ông đã dành tất cả tình cảm và nhất là quyết tâm cho Tân Nhân được theo học ở trường Tây – trường Đồng Khánh – Huế khi con mới mười ba tuổi. Trong khoảng thời gian ấy, thực tế cách mạng đã dần hấp dẫn Tân Nhân. Người cha biết con đã hướng về cách mạng, lại là thân gái xa nhà non nớt nhưng ông rất tin tưởng con mình. Chính cha Tân Nhân – ông Đốc Hy cũng sớm là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, cất giữ vũ khí, thuốc men, gạo muối tiếp tế cho cách mạng và từng bị địch bắt đi tù. Chính người cha đã là một hình mẫu để Tân Nhân soi vào đấy, vượt qua những khúc cam go nhất của cuộc đời mình.

Ít ai biết người lừng danh hát “Xa khơi” từng sáng tác nhiều dòng thơ trong vắt: Trời ở đây cũng cao xanh như quê mình Quảng Trị/ Mây trắng nhởn nhơ lóa ánh mặt trời/ Có cỏ cây hoa lá xanh tươi/ Có ớt, có hành, có cà chua chín đỏ/ Có bí trổ hoa vàng bò lên tường trước ngõ/ Có mệ già lụm đụm vườn khuya (Cố hương); Và nơi ở hóa thành đất hứa/ Khi ta gom nhiều niềm vui nhỏ, nhiều suối con cùng đổ về sông/ Thì biển dâng sóng nước mênh mông (Ta yêu đời biết mấy đời ơi!); Con là dòng sông xanh tắm mát bãi bờ/ Mạch nước ngọt từ nguồn cao tuôn vào biển rộng/ Bố mẹ hóa thân thành muôn ngàn lớp sóng/ Mãi bạc đầu dìu dặt hát ru con (Con),…

Tân Nhân là thế. Náo nức đến tận cùng mà càng sâu đằm dài rộng mênh mông. Chính bởi vậy chăng mà nhà văn Châu La Việt đã như được truyền nối mạch nguồn nghệ sĩ của bà? Châu La Việt viết văn, làm thơ có trang nào không hướng về người mẹ, về Tổ quốc dài rộng nhưng cũng chất chứa vô vàn nỗi đau, ghềnh thác, nhất là trong các cuộc chiến tranh?

“Người về bát ngát xa khơi. Nắng tỏa chiều nay… Thuyền về mái động chiều nay/nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ/Nhớ thương anh ơi… Ơi mênh mông sóng xô xô thuyền ta xa bờ/Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ/Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền/Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền…”

Người vẫn còn kia, sừng sững như một tượng đài bốn bề lộng gió. Đó cũng là lẽ sống, lẽ công bằng với người về bát ngát xa khơi. Năm tháng thời gian đi qua,  tình người càng đong đầy mãi mãi. Tân Nhân cùng với “Xa khơi”, cùng với những điều tốt đẹp khác luôn ở trong tim người còn sống. Dù rất khiêm tốn với các danh hiệu, bà cũng đã có được những dấu mốc riêng: NSƯT Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988). Bà mất vào ngày 14 tháng 2 năm 2008 tại TPHCM, thọ 76 tuổi.

Quê hương đi mấy vẫn gần. Nguồn lệ và tiếng cười của quê hương không chỉ vẫy mời mà còn nuôi dưỡng để mỗi người con trưởng thành góp phần công sức trí tuệ của mình cho Tổ quốc. Đối với mỗi người nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ – chiến sĩ như Tân Nhân, từng sớm theo cách mạng, vượt qua gian khổ, vượt qua đạn bom và chết chóc mà cất lên tiếng hát thực cảm động và đáng quý xiết bao. Như trong nhật ký của mình, cuốn nhật ký bé nhỏ nhưng gói ghém vào đấy không chỉ những tâm sự riêng, mà còn là khát vọng và ước mơ, tuyệt không phải cho mình mà đều là hướng về Tổ quốc: “Đời một con người bé nhỏ nhưng lịch sử một dân tộc thì to lớn. Sinh ra nghèo nàn, chịu nhiều cơ cực, tiếng hát tôi mơ ước ngày mai. Những xấu xa hôm nay còn gặp cũng chỉ là những bóng ma của quá khứ, ngày mai là của Tổ quốc Việt Nam anh hùng, giàu đẹp, với những con người tốt đẹp, văn hóa, thủy chung”.

Tân Nhân, người đi còn bát ngát “Xa khơi” mãi mãi…

Giọng hát Tân Nhân mê đắm lòng người đã như chắp thêm đôi cánh cho “Xa khơi” thấm vào trái tim triệu người yêu nước. Tân Nhân đã hát bằng tất cả trái tim, gan ruột của mình. Là người con gái đất Quảng Trị chịu nỗi đau chia cắt, bản thân cuộc đời Tân Nhân cũng chứa đầy tâm trạng người phải chia lìa nên “Xa khơi” cũng chính là nỗi lòng sâu thẳm của người ca sĩ. “Xa khơi” bay xa bát ngát khắp hai miền Nam – Bắc cách chia. Rất nhiều nữ du kích miền Nam đã viết thư ra đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục và dạy “Xa khơi” cho tất cả mọi người cùng thuộc. “Xa khơi” đã làm rực sáng tên tuổi Tân Nhân và chính Tân Nhân đã đưa “Xa khơi” thành ca khúc trữ tình bậc nhất viết về khát vọng thống nhất, thành một trong những tượng đài âm nhạc.

(Nguồn: http://daidoanket.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY