Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềNghệ sĩ "xoay chiều", đưa văn hóa dân gian vào nhạc trẻ

Nghệ sĩ “xoay chiều”, đưa văn hóa dân gian vào nhạc trẻ

Tác giả: Nhật Lam

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã chọn đưa văn hóa dân gian vào sản phẩm âm nhạc hoặc các đêm diễn, tạo nên làn gió mới cho âm nhạc Việt.

Vừa qua, ca sĩ Hà Anh Tuấn để lại dấu ấn trong lòng khán giả khi tổ chức thành công 2 đêm Live concert Chân trời rực rỡ. Hà Anh Tuấn đã mang âm nhạc dân gian trở lại khi mở đầu đêm diễn bằng tiết mục hát Xẩm. Tiết mục được thể hiện bởi các truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Trong đêm nhạc, nam ca sĩ đưa khán giả trở về với những tâm tình dân tộc qua ca khúc Tình caĐất nước lời ru… Ngoài ra, anh còn giới thiệu nhóm ngũ tấu Thanh Âm Xanh. Nhóm đã làm mới một số bản hit cũ như Có chàng trai viết lên cây, Thương em… bằng các nhạc cụ dân gian khiến những khán giả trẻ vô cùng thích thú.

Trong Live concert Chân trời rực rỡ, Hà Anh Tuấn đã khéo léo lồng ghép nhạc cụ dân gian vào màn trình diễn, làm nổi bật âm nhạc truyền thống Việt Nam, lan tỏa đến khán giả trẻ. Nhiều người thực sự đã cảm nhận được niềm tự hào, tinh thần Việt Nam.

Âm nhạc truyền thống, văn hóa dân gian dân luôn gặp khó trong việc tiếp cận các bạn trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ trẻ đã “xoay chiều” khai thác yếu tố này để sáng tạo ra các sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn.

Mới đây, ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh thậm chí trở thành “hiện tượng,” “trào lưu” trên thế giới nhờ sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội. Phần âm nhạc mang đậm âm hưởng đờn ca tài tử, tạo lập một vùng không gian với hình ảnh – âm thanh đậm chất miền Tây.

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng tạo dấu ấn với MV Bánh trôi nước khi khai thác chất liệu văn học. Hàng loạt tác phẩm sau đó của cô đã tách khỏi dòng âm nhạc thị trường. Người ta nhận thấy nhiều ca khúc của Hoàng Thùy Linh mang yếu tố văn hóa dân gian nổi bật là sự thành công của album Hoàng (năm 2019).

Đặc biệt, bản hit Để Mị nói cho mà nghe, ngoài truyền tải những hình ảnh văn hóa vùng Tây Bắc, Hoàng Thùy Linh đã khéo léo lồng ghép vào MV các tác phẩm văn học quen thuộc như: Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ nhặt, Lão Hạc. Âm nhạc sử dụng nhạc dân gian, kết hợp với rap và nhạc điện tử bắt tai khiến người hâm mộ ấn tượng.

MV đã giúp Hoàng Thùy Linh thắng 4 hạng mục của giải âm nhạc Cống hiến (năm 2019), 7 giải âm nhạc Làn sóng xanh. Điều này cho thấy sức hút từ những tác phẩm dung hợp yếu tố truyền thống và đương đại là rất lớn nếu được đầu tư một cách nghiêm túc.

Bên cạnh Hoàng Thùy Linh, ca sĩ Hòa Minzy cũng nhận được sự yêu mến của công chúng khi mang yếu tố lịch sử vào âm nhạc hiện đại với MV Không thể cùng nhau suốt kiếp. MV khai thác câu chuyện về mối tình giữa Nam Phương Hoàng hậu với vua Bảo Đại của Triều Nguyễn.

Đầu MV là hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu đứng trên một chiếc thuyền trôi giữa dòng sông Hương gợi cảm giác xưa cũ. Đồng thời, MV khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời trước, dẫu có cuộc sống vương giả cũng không tránh khỏi kiếp hồng nhan bạc phận.

Trong MV còn có phân đoạn Hò mái nhì do nghệ nhân ưu tú Kim Vàng trình bày cùng đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh. Đây là điệu hò trên sông nước, âm điệu ngân nga, lan tỏa gợi một cảm giác rất Huế.

Nhiều nghệ sĩ khác như Chi Pu, Đức Phúc còn khai thác chất liệu văn học Việt Nam, “tái sinh” những tác phẩm truyện theo phương thức mới, mang hơi thở thời đại.

Khai thác các yếu tố văn hóa dân gian trong ca khúc đang là hướng đi được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn. Thành công của các nghệ sĩ, nhà sản xuất cho thấy, âm nhạc Việt đã có những bước chuyển, dần thu hẹp khoảng cách giữa nhạc trẻ hiện đại và nhạc truyền thống. Các sản phẩm âm nhạc mang tính thời thượng, song vẫn có sự kết nối với văn hóa truyền thống.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ với PV Dân trí: “Một số nghệ sĩ trẻ ngày nay đã lấy yếu tố dân tộc làm chất liệu chính cho con đường âm nhạc của mình. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội, các bạn trẻ đã tham gia tìm kiếm những giá trị mới trong âm nhạc đại chúng nhưng có sự kết nối với truyền thống, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc. Đây là con đường chúng ta nên đi trong tương lai”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng, muốn có các ca khúc chất lượng, nghệ sĩ cần biết kết hợp uyển chuyển giữa yếu tố mới của thời đại, xu hướng của thế giới, đồng thời hòa hợp với yếu tố dân tộc.

Mỗi người buộc phải tìm hiểu cái gốc từ các nghệ nhân, nhà nghiên cứu… để có vốn kiến thức nhất định về văn hóa dân tộc, chắt lọc tinh túy, từ đó sáng tạo theo cách nghĩ của mình sao cho phù hợp với thời đại.

“Khai thác yếu tố truyền thống, dân tộc là điều tiên quyết để có một nền âm nhạc đại chúng mang đậm đà bản sắc, dấu ấn của người Việt”, ông Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.

(Nguồn: https://dantri.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY