Sáng 23-7, rất đông văn nghệ sĩ, các nghệ nhân của nhiều bộ môn nghệ thuật dân tộc đã đến tham dự lễ trao “Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê” tại Nhà hát TP HCM.

Đến tham dự sự kiện này có các lãnh đạo: ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.

Nghệ sĩ, nghệ nhân hân hoan tham dự lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng lễ trao “Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê” sáng ngày 23-7

Sáu năm sau khi GS-TS Trần Văn Khê qua đời, Quỹ học bổng mang tên Trần Văn Khê đã được thành lập theo Quyết định cấp Giấy phép thành lập số 680/QĐ-UBND, công nhận Điều lệ Quỹ học bổng Trần Văn Khê ngày 1-3-2021 và Quyết định Công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động kèm theo công nhận Danh sách thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, số 1310/QĐ-UBND ngày 15-4-2021.

Nghệ sĩ, nghệ nhân hân hoan tham dự lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 2.

Cố Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê cùng NSƯT – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng hòa đàn tại tư gia của Giáo sư Trần Văn Khê.

NSND Kim Cương cho rằng, việc ra đời “Quỹ học bổng Trần Văn Khê” là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của Nhóm thân hữu Trần Văn Khê và nhiệt tâm đặc biệt của Ban lãnh đạo Đại học Văn Lang với việc chịu trách nhiệm đứng ra thành lập Quỹ.

“Tôi xúc động vô cùng, vì di nguyện của GS – TS Trần Văn Khê đã được thực hiện sau nhiều năm chuẩn bị. Hôm nay là ngày hội của những tâm hồn yêu âm nhạc dân tộc, văn hóa cội nguồn của đất nước. Bởi, lúc sinh thời, GS -TS Trần Văn Khê vẫn canh cánh bên lòng sự yểm trợ đối với thế hệ trẻ tiếp bước con đường giữ gìn, phát triển và quảng bá văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam” – NSND Kim Cương bày tỏ.

Nghệ sĩ, nghệ nhân hân hoan tham dự lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 3.

Từ trái sang: NSND Kim Cương, Nhá báo Nguyễn Thế Thanh và Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan tại lễ trao “Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê” sáng ngày 23-7

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê, cho rằng Quỹ được thành lập, tuy muộn nhưng công bố đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS-TS Trần Văn Khê là một sự kiện rất có ý nghĩa. GS-TS Trần Văn Khê trọn một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy sâu rộng giá trị của âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới.

Nghệ sĩ, nghệ nhân hân hoan tham dự lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 4.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP HCM trao giải thưởng Trần Văn Khê cho NSƯT – TS Nguyễn Thị Hải Phượng và Thạc sĩ Phan Nhứt Dũng.

Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.

Nghệ sĩ, nghệ nhân hân hoan tham dự lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 5.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, trao học bổng cho 3 em sinh viên

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

“Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa – nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của GS Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đàn ca tài tử Nam bộ…” – Nhà báo Nguyễn Thế Thanh nói.

Quỹ học bổng Trần Văn Khê (sau đây gọi là Quỹ Trần Văn Khê) hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ.

Nghệ sĩ, nghệ nhân hân hoan tham dự lễ trao Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 6.

Nguyễn Đức Thiện, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam,

độc tấu sáo sau khi nhận học bổng.

Nghệ nhân Phan Nhứt Dũng xúc động cho biết, GS- TS Trần Văn Khê đã chứng minh được những nét đặc sắc, độc nhất vô nhị của các loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và nhờ vậy, các hồ sơ công nhận di sản của nước ta nhanh chóng được tiếp cận với tổ chức uy tín này.

“GS- TS Trần Văn Khê còn là thành viên của nhiều hội quốc tế về âm nhạc và nghiên cứu âm nhạc của các quốc gia Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng như tham gia giảng dạy, đào tạo gần 7.000 sinh viên, hướng dẫn gần 40 học viên cao học và nghiên cứu sinh về âm nhạc học. Tinh thần học và dạy của ông đã tiếp sức cho chúng tôi, thế hệ làm công tác đào tạo tiếp tục làm tốt công việc truyền nghề của mình” – Nghệ nhân Phan Nhứt Dũng tâm sự.

GS -TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921. Lớn lên trong gia đình mà cả hai bên nội, ngoại đều có những nghệ sĩ chơi nhạc, viết nhạc giỏi. Ông đã thụ hưởng được cả một không gian âm nhạc và cộng với thiên khiếu của mình, để sớm bước vào thế giới âm nhạc truyền thống.

Ngoài âm nhạc, GS -TS Trần Văn Khê còn được học chữ Hán, giỏi ngôn ngữ và sớm bộc lộ năng khiếu văn chương qua những bài thơ đầu đời. Năm 1949, ông sang Pháp du học và bắt đầu theo đuổi nghiên cứu âm nhạc từ năm 1954.

“Đối với CLB Tiếng hát Quê hương – Cung Văn hóa Lao động TP HCM, GS -TS Trần Văn Khê là người đỡ đầu, hun đúc nhiệt huyết các thế hệ trẻ yêu quý nhạc cụ dân tộc, qua đó góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc mà ông cha đã kiến tạo” – Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)