Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc hátMột nốt nhạc "'lạ" trong "mùa xuân đầu tiên”

Một nốt nhạc “‘lạ” trong “mùa xuân đầu tiên”

Tác giả: Lê Hải Đăng

“Mùa xuân đầu tiên” được biết đến là một tác phẩm sáng tác cuối đời của nhạc sĩ Văn Cao viết về sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 4 năm 1975). Mặc dù sự kiện này không nằm trong khung thời gian của mùa xuân, nhưng vì tiêu đề tác phẩm khiến cho cả tác giả và thính giả đều “Lạc mất mùa xuân”, từ đó, “Mùa xuân đầu tiên” vô hình trung trở thành tác phẩm viết và hát về mùa xuân.

Mua xuan dau tien

“Mùa xuân đầu tiên” viết ở giọng thứ, nhịp ¾, một điệu Valse quen thuộc từng làm nên tên tuổi Văn Cao qua các tác phẩm bất hủ, như: “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”…  Và “Mùa xuân đầu tiên” dường như đánh dấu sự trở về thuở ban đầu của một nhạc sĩ từng làm nên sự nghiệp của mình bằng âm nhạc lãng mạn. Lãng mạn là những ước mơ, mong muốn, hy vọng vượt lên trên thực tế. Tất cả ý nghĩa đó đều nằm trọn vẹn trong “Mùa xuân đầu tiên”.

Toàn bộ ca khúc chia làm 2 đoạn (ab). Đoạn a gồm 20 nhịp. Suốt đoạn nhạc này, giai điệu chuyển động bình ổn, nhịp nhàng, dường như không có gì bất ổn. Đoạn điệp khúc (b), gồm 25 nhịp. Đoạn nhạc này vừa rời khỏi nốt nhạc đầu tiên ứng với ca (thán) từ “Ôi” đã có rất nhiều thay đổi đã xảy ra.

Ví dụ: 1

Theo nguyên tác, nốt nhạc “lạ” chính là nốt đô thăng, bậc VII trong giọng thứ hòa thanh (ví dụ 1). Khi bậc VII hòa thanh nằm cạnh bậc III, nó chịu nhiều áp lực từ chủ âm khiến cho cao độ khó trụ vững! Hệ quả là, nhiều ca sĩ đã tự ý hay vô tình điều chỉnh lại cao độ cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ.

Ví dụ: 2

(Phiên bản của ca sĩ Thanh Thúy)

Phiên bản trên cùng một lúc thay đổi cả hai bậc VII hòa thanh, biến quãng 2 cung (đô thăng – pha) thành nửa cung (mi-pha và rê thăng-mi). Cách làm này khiến cho đường nét giai điệu được trang sức (bằng hình thái thêu). Lần thay đổi thứ nhất (mi-pha) đã tạo ra một quãng 2 thứ; lần thứ hai tiếp tục mô phỏng cách tiến hành giai điệu (thủ pháp mô tiến) lần thứ nhất (rê thăng-mi) nhằm hợp lý hóa cả hai lần thay đổi. Phiên bản này được nhiều ca sĩ áp dụng, trong đó có Đức Tuấn, Khánh Ly, Tam ca Thế hệ mới…

Ví dụ: 3

(Phiên bản của ca sĩ Hiền Thục)

Phiên bản trên đã thay đổi bậc VII hòa thanh (nốt đô thăng) thành bậc I (rê) chủ âm, sau đó, tiếp tục thay đổi bậc VII thành bậc I (rê thăng) để tạo nên hình thái thêu trong đường tuyến giai điệu. Bằng cách làm này, giai điệu vận hành bình ổn, dù xuất hiện dấu hóa bất thường (rê thăng) thì thông qua hình thái thêu (mi-rê-mi), nó hoàn toàn không xung đột với âm “hàng xóm” nhờ khoảng cách nửa cung.

Ví dụ: 4

(Phiên bản nhóm Năm dòng kẻ, Mắt ngọc)

Phiên bản trên chỉ thay đổi bậc VII hòa thanh (đô thăng) thành bậc I (rê), sau đó bảo lưu bậc VII hòa thanh (đô thăng). Cách làm này tạo nên hai quãng âm giống nhau (rê- pha và đô thăng-mi), khiến cho cả câu nhạc chuyển động nhịp nhàng, uyển chuyển.

Ví dụ: 5

(Phiên bản của ca sĩ Hồng Nhung)

Phiên bản trên chỉ thay đổi bậc VII hòa thanh bằng bậc II (rê), đồng thời vẫn bảo lưu bậc VII hòa thanh (si thăng) ở cuối câu. Nó có nửa đầu giống phiên bản của ca sĩ Thanh Thúy, Đức Tuấn, Khánh Ly… (ví dụ 2).

Một trong những ca sĩ hát đúng nguyên tác có ca sĩ Ánh Tuyết (ví dụ 1). Xét về cách tiến hành giai điệu theo nguyên tác, từ bậc III xuống bậc VII hòa thanh (pha-đô thăng) tuy có dấu hóa bất thường, nhưng hai âm này làm hình thành một quãng 2 cung, tương đương với quãng 3 trưởng, mang tính chất thuận, chứ không phải nghịch. Sở dĩ gây cảm giác “lạ” tai, có lẽ xuất phát bởi bậc VII hòa thanh (đô thăng) chịu sức hút mạnh từ chủ âm (như đã trình bày). Vấn đề đặt ra là, tại sao nhạc sĩ Văn Cao lại viết như vậy? Đứng ở góc độ âm nhạc, quãng 2 cung (3 trưởng) đem tới cảm giác, không khí trang trọng, linh thiêng. Mặc dù, quãng 2 thứ (nửa cung), ba thứ (1 cung rưỡi) xuất hiện ở các phiên bản khác nhau rất thuận, đẹp trong ngữ cảnh “mùa xuân”, nhưng lại thiếu không khí trang trọng, linh thiêng, một tính chất không thể thiếu trong “Mùa xuân đầu tiên”.

Mùa xuân với bản chất sáng tạo và đẹp. Một tác phẩm âm nhạc tuy đã định hình bằng một văn bản tĩnh, cố định, nhưng vẫn còn dư địa cho những sáng tạo phái sinh dù là vô tình hay cố ý, cưỡng bức hay ngẫu nhiên. Âm nhạc cũng giống như mùa xuân có bản chất đẹp và sáng tạo. Đúng tuy rất quan trọng, nhưng vẫn không ngăn được mong muốn vươn tới cái đẹp và sáng tạo trong nghệ thuật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều ca sĩ đã chỉnh sửa nguyên tác để làm nên những thay đổi đầy dụng ý, thậm chí mang tính hệ thống, nhất quán thú vị trong tác phẩm, như “Mùa xuân đầu tiên”.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU