Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềLàm mới nhạc Việt trên nền truyền thống

Làm mới nhạc Việt trên nền truyền thống

Tác giả: Thùy Trang

“Dung họa” đánh dấu sự quay trở lại của ban nhạc 2 người Limebócx với ý tưởng kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với các chất liệu hiện đại.

Limebócx là một nhóm nhạc 2 người: Trang Lê, biệt danh Chuối (hát/đàn tranh/bass) và Đờ Tùng (guitar/điện tử). Cả 2 là những gương mặt có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc underground và tham gia nhiều nhóm và dự án âm nhạc khác nhau, nổi bật nhất là Gỗ Lim và Bluemato.

Nhóm Limebócx thành lập tháng 8-2018, đã kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam như ca trù, hát xẩm với các chất liệu hiện đại như nhạc điện tử, hip hop, beatbox. Hai thành viên luôn cố gắng kết hợp hai yếu tố truyền thống – hiện đại một cách đa dạng nhất, không bị bó buộc bởi bất cứ một thể loại âm nhạc cũng như quy luật nào. Những âm hưởng ca trù, xẩm, quan họ… được biến đổi linh hoạt, khiến người nghe cảm thấy sự quen thuộc của yếu tố dân gian nhưng song song đó là tính hiện đại, sự phá cách trong giai điệu và cấu trúc của các bài hát.

Trang Lê cho biết: “Đôi khi âm nhạc truyền thống Việt Nam hơi buồn. Chúng tôi muốn làm cho nó vui tươi hơn một chút, vì tôi nghĩ giới trẻ sẽ không dễ tiếp nhận ca trù thuần túy, chính thống”.

Từng có nhiều sản phẩm âm nhạc dân gian “bắt tay” với nhạc điện tử để lại ấn tượng với khán giả yêu nhạc. Trong đó, có thể kể đến “Son” phiên bản Hà Myo và nhà sản xuất âm nhạc Thế Phương VBK. Âm nhạc của “Son” là sự kết hợp khéo léo giữa nhạc cụ dân tộc Việt Nam là đàn tranh và đàn môi với trap – một loại hình âm nhạc điện tử đang phổ biến trên thế giới. Với giọng ca đậm chất dân gian của Hà Myo, ca khúc làm toát lên vẻ hiện đại nhưng không đánh mất đi chất âm nhạc dân gian của Việt Nam.

Ban nhạc Limebócx. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

“Hy vọng MV “Son” sẽ góp phần đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ, đồng thời cũng sẽ trở thành động lực để các nhạc sĩ có thêm nhiều sáng tác mới dựa trên chất liệu truyền thống” – Hà Myo bày tỏ.

Tiến sĩ Lê Hoài Phương cũng đã mất hơn 3 năm để thực hiện bảy tác phẩm về đàn bầu. Lấy chất liệu dân gian, truyền thống nhưng tất cả đều mang hơi thở hiện đại, với hy vọng có thể thu hút người trẻ. Đó là cuộc hành trình đi dọc đất nước của tiếng đàn bầu, từ Tây Bắc với “Bèo dạt mây trôi”, “Mưa rơi”; ghé thăm miền đất quan họ Bắc Ninh với “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Ra ngõ mà trông”, “Ngồi tựa song đào”. Những thanh âm ấy tiếp tục đưa khán giả đến với miền Trung qua “Lý tình tang” mang âm hưởng Huế, rồi xuôi về phương Nam với “Lý kéo chài”.

Những tác phẩm này không xa lạ với công chúng nhưng qua sự sáng tạo của tiến sĩ Lê Hoài Phương, chúng được khoác chiếc áo mới. Tiếng đàn bầu trở nên cuốn hút hơn khi đi kèm nhạc giao hưởng, nhạc điện tử… Hay với “Lý kéo chài” khi phối cùng nhạc điện tử, rock, đã thể hiện sự phóng khoáng, hồn hậu của người dân phương Nam.

“Giữa cuộc sống sôi động, tôi nghĩ âm nhạc truyền thống không thể đứng yên, mà phải biến đổi để thích nghi. Điều này không hề dễ dàng nhưng phải bắt tay làm thì mới tạo ra những sự thay đổi, trước hết là trong tư duy người làm nghề, rồi mới đến khán giả và xa hơn là tương lai của âm nhạc dân tộc” – tiến sĩ Lê Hoài Phương bộc bạch.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Bài trước
Bài tiếp theo
BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU