Thứ Hai, Tháng Chín 25, 2023
Trang chủTin tứcTin HộiKỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học...

Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Tác giả: Thanh Nhã

Sáng 25 tháng 7 năm 2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

 75 năm trước tại chiến khu Việt Bắc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta trải qua thời khắc khó khăn gian khổ nhất, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cho phép đội ngũ văn nghệ sĩ đầu tiên tổ chức Đại hội Văn nghệ vào tháng 7/1948, do Nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký. Đây là một sự kiện chính trị vừa mang ý nghĩa văn hóa, cũng là thể hiện sự nhất quán của Đảng từ khi mới ra đời, nhân sức mạnh lãnh đạo, đảng luôn coi văn hóa, văn học nghệ thuật là một sức mạnh chính trị có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc giải phóng đất nước. Suốt chặng đường 75 năm (1948 – 2023) xây dựng và phát triển Hội Văn nghệ Việt Nam, nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chặng đường phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam từ khi Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng ra đời cho đến nay, đội ngũ văn nghệ cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, tạo nên một diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam mới.

Tới dự Lễ kỷ niệm có: đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Hưng – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Bí Thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Bí Thư Đảng Đoàn; nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; cùng các đồng chí là ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện Đảng ủy, UBND xã Gia Điền, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ); xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên); xã Trung Môn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) – là những nơi Hội Văn nghệ tổ chức Đại hội đầu tiên và đóng trụ sở trong những năm kháng chiến; các văn nghệ sĩ tiêu biểu đạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và có nhiều cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, và hơn 500 đại biểu đại diện hơn 40.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động trong 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành, các thế hệ nhạc sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lĩnh vực Âm nhạc…

Tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đọc diễn văn nêu bật truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Qua đó khẳng định vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ đã thực hiện tốt sứ mệnh sáng tạo, truyền bá những giá trị văn học nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của văn nghệ sĩ trong thời gian tới là tập trung vào xây dựng con người, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Các hội cũng cần đổi mới mạnh mẽ các phương thức hoạt động, phấn đấu có tác phẩm hay, chất lượng, có giá trị nghệ thuật cao, tạo ra thời đại hoàng kim mới của văn học nghệ thuật.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trong 75 năm qua. Nhấn mạnh vị trí của văn học nghệ thuật ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc, vai trò của các văn nghệ sĩ với những tác phẩm của mình đã thể hiện rõ nét và sinh động trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước cũng như giai đoạn hiện nay.

Nhân dịp này, để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn những tình cảm quý báu, ân tình và sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thay mặt hơn 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước vinh dự được kính trao tặng đồng chí Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam”.

GS Hà Minh Đức (90 tuổi), đại diện cho thế hệ văn nghệ sĩ lão thành, xúc động chia sẻ: “…Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng trong 75 năm qua nhưng đúng hơn là 80 năm từ khi Đề cương văn hóa ra đời năm 1943. Qua Đề cương văn hóa Đảng đã phát động tinh thần yêu nước cách mạng và tạo ra được một đội ngũ văn nghệ sĩ giàu nhiệt tình cách mạng, yêu nước có sức trẻ đối lập với nền văn học công khai ở thời điểm suy tàn bệnh hoạn. Tự lực văn hoàn hết thời, Thơ mới phù phiếm lạc lõng, chưa kể có tác phẩm văn học phản chân lý, phản cách mạng. Đội ngũ các nhà văn trong Văn hóa Cứu quốc bị chính quyền Nhật, Pháp theo dõi, bắt bớ, đàn áp hầu hết đều bị bắt giam…

Đến Cách mạng tháng Tám trong Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ I Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn  hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong kháng chiến chống Pháp các tác phẩm Đời sống mới, Sửa đổi lề lối làm việc đều nói về văn hóa, đổi mới cách tư duy, lề lối làm việc, xây dựng phong cách đời sống mới trong cơ quan, trường học, cá nhân. Và đặc biệt quan trọng là luận điểm: “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Chắc chắn Ban lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật đã học tập, tiếp nhận ý kiến của Người, một động lực góp phần tạo nên những thành tựu lớn hôm nay. Thường trực của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trước hết phải kể đến sự lãnh đạo của Đảng, tài năng của văn nghệ sĩ và đất thiêng, đất lành, đất giàu có của quê hương, đất nước. Theo dòng thời gian qua các giai đoạn kháng chiến chống Pháp, xây dựng hòa bình, thống nhất đất nước chống Mỹ cứu nước giai đoạn nào cũng có nhiều tác phẩm hay…”.

Ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc – Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, phát biểu đại diện cho thế hệ những nghệ sĩ trẻ, xin hứa cố gắng nguyện dành hết sức trẻ, phấn đấu nhiều hơn nữa, đạt nhiều thành tích, noi gương các thế hệ văn nghệ sĩ cha, anh đi trước.

* Chương trình nghệ thuật với các tác phẩm của các nhạc sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, là Chủ tịch của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam qua các thời kỳ:

Tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, sáng tác: Văn Cao, biểu diễn: NSND Quang Thọ

“Du kích sông Thao”, sáng tác: Đỗ Nhuận, biểu diễn: NSƯT Đăng Dương –

ca sĩ Đào Tố Loan cùng dàn hợp xướng và tốp múa.

“Người Hà Nội”, sáng tác: Nguyễn Đình Thi, biểu diễn: ca sĩ Phạm Thu Hà

“Mùa xuân nho nhỏ”, thơ: Thanh Hải, sáng tác: Trần Hoàn, biểu diễn: ca sĩ Đỗ Tố Hoa và tốp ca nữ

“Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, thơ: Hữu Thỉnh, nhạc: Doãn Nho, biểu diễn: Tốp ca nam nhà hát ca múa nhạc Quân đội

“Vinh quang hồn dân tộc”, thơ: Phạm Xuân Đương, nhạc Đỗ Hồng Quân, biểu diễn: NSND Đỗ Quốc Hưng – ca sĩ Trần Hồng Nhung và tốp múa

“Tôi tự hào là tương lai Việt Nam”, sáng tác và biểu diễn: Hoàng Hồng Ngọc

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY