Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang chủTin tứcTin chungKhi hòa nhạc đến sân trường

Khi hòa nhạc đến sân trường

Tác giả: Thùy Trang

Chương trình “Solla Music – Hòa nhạc sân trường” sẽ mang âm nhạc cổ điển và dân tộc đến gần hơn với các em học sinh.

Đây là sáng kiến do Giám đốc sản xuất Phạm Trần Thọ, tiến sĩ âm nhạc Triệu Tú My và nhạc sĩ Trí Minh (em trai ca sĩ Thanh Lam) cùng bắt tay thực hiện.

Kiến tạo nền tảng

Ngày 25-3, “Solla Music – Hòa nhạc sân trường” sẽ mở màn tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) với sự tham gia biểu diễn của ban nhạc Ngũ Cung, Da LAB, Khánh Linh… Chương trình dự kiến sẽ có khoảng 5.000 người dự khán. Sân khấu được đầu tư công phu với hệ thống âm thanh chuyên nghiệp. Ngoài những ca sĩ tên tuổi, chương trình còn có sự tham dự của Hà Nguyên Thái 16 tuổi (dân tộc Thái, ở Pù Luông, Thanh Hóa) rất yêu âm nhạc và đã mày mò tự học chơi sáo qua YouTube.

Một chương trình biểu diễn âm nhạc miễn phí tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM

Nhạc sĩ Trí Minh cho hay “Solla Music – Hòa nhạc sân trường” sẽ được tổ chức tại các sân trường THPT trên toàn quốc, với sự hỗ trợ về chuyên môn và tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ/nhà giáo trong lĩnh vực âm nhạc đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia, Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội, các trung tâm nghệ thuật uy tín và chính tập thể giáo viên, học sinh tại địa bàn.

“Chương trình “Solla Music – Hòa nhạc sân trường” là một không gian âm nhạc mở. Màu sắc âm nhạc là đa thể loại, âm nhạc truyền thống cùng âm nhạc cổ điển sẽ hòa với các loại hình âm nhạc đương đại như: pop, rock, jazz… giúp các em học sinh ở lứa tuổi từ 12-16 hiểu hơn về âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống – những loại hình âm nhạc chứa đựng nhiều giá trị nhưng lại đang bị giới trẻ sao nhãng, thờ ơ” – Giám đốc sản xuất Phạm Trần Thọ nói.

Nền tảng cảm thụ âm nhạc

Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều tọa đàm, thảo luận đề cập sự xuống cấp của nhạc Việt. Những nguyên nhân được mổ xẻ thường hướng về giới sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn… với nhiều bất cập được chỉ ra như sự lai căng, bắt chước, sao chép cóp nhặt ở mỗi nơi một ít rồi tạo nên sản phẩm của mình. Khán giả cũng không ít lần lên tiếng về hành trình đi thụt lùi của nhạc Việt khi nghệ sĩ mải miết khai thác lại những giá trị cũ mà thiếu đi những sáng tạo, tìm tòi những cái mới.

Theo những người trong cuộc, việc giáo dục kiến thức âm nhạc trong trường học ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Khán giả trẻ tuổi – những người chịu khó dung nạp mọi thể loại âm nhạc mà họ bắt gặp trên các phương tiện đại chúng hay mạng xã hội nhưng do thiếu kiến thức căn bản, nên sự dung nạp, thưởng thức âm nhạc của lớp khán giả trẻ cũng trở nên dễ dãi và hời hợt hơn.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng: “Cần tạo nền tảng trong việc thưởng thức âm nhạc cho khán giả. Nếu khán giả có kiến thức, đủ thấu hiểu về âm nhạc, họ cũng sẽ tự chọn lọc những thứ giá trị để nghe. Đó chính là cách sàng lọc tuyệt vời nhất để tạo nên một nền nhạc Việt thực sự có giá trị”.

Thực tế cho thấy giáo dục âm nhạc cho khán giả trẻ đã được nhìn nhận và giới chuyên môn cũng từng bước tháo gỡ. Ngoài chương trình “Solla Music – Hòa nhạc sân trường” đã và đang được tổ chức tại các sân trường THPT và THCS trên toàn quốc, nhiều chương trình “đưa âm nhạc đến trường học” cũng được Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM triển khai với sự thực hiện của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen hay Nhà hát Giao hưởng Vũ nhạc kịch TP HCM đến các trường học các quận, huyện ở thành phố.

NSƯT Tuyết Mai bày tỏ: “Nếu chúng ta không đến tận nơi, chúng ta không biết được tình yêu âm nhạc của các em học sinh lớn thế nào. Khi các em hiểu những gì mình được nghe thì các em sẽ có những lựa chọn đúng đắn những sản phẩm âm nhạc để thưởng thức”.

Cùng quan điểm, ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi nói: “Cần tăng cường việc đưa âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc tới trường học, tạo lập sân chơi dành cho các nghệ sĩ trẻ, sinh viên, học sinh yêu âm nhạc, qua đó sẽ giúp phát triển một cộng đồng cảm thụ âm nhạc – nghệ thuật làm nền tảng cho một xã hội văn minh, phát triển thịnh vượng”.

Hiện đã có nhiều hơn những buổi biểu diễn âm nhạc (cổ điển, dân tộc) miễn phí tại các địa điểm công cộng trong thời gian qua, đây là một tín hiệu vui, là cách để tiếp cận tốt nhất với các khán giả trẻ, mang đến trải nghiệm âm nhạc cho khán giả ở nhiều độ tuổi.

“Hoạt động đưa âm nhạc đến với cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng học sinh, sinh viên, phụ huynh… là rất có ý nghĩa; các em học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động nghệ thuật sẽ giúp các bạn trẻ hình thành nên tính cách tốt trong tương lai” – nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY