Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHy vọng từ những chính sách cụ thể

Hy vọng từ những chính sách cụ thể

(Tác giả: Ngô Khiêm)

Để nghệ sĩ không còn loay hoay với cuộc sống mưu sinh, bên cạnh sự nỗ lực làm mới của các nhà hát và của bản thân mỗi nghệ sĩ sân khấu truyền thống thì Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt thông qua các chính sách, chế độ đãi ngộ. Trước sự lan tỏa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và nhất là từ Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” hy vọng sẽ có sớm những chính sách cụ thể để nâng cao đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống nói riêng và đời sống nghệ sĩ nói chung.

Mong muốn nghệ sĩ sân khấu truyền thống sống được bằng nghề

Với tư cách là người nhiều năm theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật và có rất nhiều bạn bè, học trò làm việc trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cảm thấy áy náy khi chứng kiến những khó khăn, vất vả của các nghệ sĩ hoạt động sân khấu truyền thống. Ngọn lửa đam mê cống hiến, tâm huyết giữ nghề, giữ hồn cốt của dân tộc chưa được chúng ta trân trọng đúng cách khiến cho các nghệ sĩ phải loay hoay với cơm áo gạo tiền.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn diễn giải, một nghệ sĩ mới ra trường lương tháng chỉ 2,5 triệu đồng, làm lâu năm hơn thì lương cũng chỉ 4-5 triệu đồng. Nếu tập vở thì 30.000 đồng/buổi, biểu diễn cũng chỉ 200.000 đồng đối với vai chính và ít hơn đối với các vai phụ (mà 1 tháng cũng chỉ có vài buổi) thì có ai sống được bằng nghề.

So sánh với mặt bằng chung của các ngành nghề khác và kể cả với mức sống tối thiểu của xã hội, chúng ta càng thấy cần phải chia sẻ nhiều hơn với các nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Tất cả khiến họ khó có thể tập trung, chuyên tâm cho nghề nghiệp của mình. PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã liên tưởng tới câu nói của Xuân Diệu “cơm áo không đùa với khách thơ” để nghĩ về cuộc sống và công việc của nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống.

Theo TS, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn, hiện nay nghệ sĩ sân khấu truyền thống có thang bậc lương tính theo mặt bằng chung như mọi ngành nghề lao động khác mà không có sự ưu đãi, đó là một bất cập. Thời đại hiện nay nguồn thu bên trong và bên ngoài của diễn viên sân khấu truyền thống đều rất thấp.

Các nghệ sĩ thường trông vào nghề phụ, như hát ở các hội nghị, sự kiện… và khi ấy đa phần họ hát nhạc trẻ chứ không thể hát chèo hay diễn tuồng, cải lương được. Thời gian dành cho sáng tạo nghệ thuật không còn nhiều khiến chất lượng nghệ thuật không cao và quay về vòng luẩn quẩn không thu hút được khán giả, đồng nghĩa với việc không bán được vé.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cảm giác nhiều bộ, ngành, địa phương nhắc đến văn hóa nhiều hơn nhưng từ chính sách cụ thể đến quyền lợi sát sườn của nghệ sĩ thì chưa thấy. “Điều quan trọng là phải biến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc thành chính sách cụ thể từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, nghị quyết, chính sách về văn hóa rất đầy đủ nhưng việc vận hành vào cuộc sống lại rất chậm”, NSND Vương Duy Biên băn khoăn.

Cần cụ thể hoá những chính sách ưu đãi

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, hiện nay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang thực hiện tháo gỡ một số chính sách dành cho các nghệ sĩ, đồng thời tạo điều kiện để anh em nghệ sĩ phát huy năng lực biểu diễn thông qua việc “đặt hàng” Nhà hát.

“Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng một số đề án thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, như: Phát triển dàn nhạc dân tộc, các chương trình biểu diễn đỉnh cao… Đặc biệt, chúng tôi đang xúc tiến để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua đề án chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa, dự kiến trình vào cuối năm nay. Nếu tất cả những chương trình này đi vào thực tế thì các Nhà hát, đặc biệt là Nhà hát sân khấu truyền thống sẽ có “lực” để phát triển. Khi đó các Nhà hát sẽ có nhiều kinh phí để thực hiện chương trình biểu diễn phục vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, hiện nay không chỉ là các nghệ sĩ sân khấu truyền thống mà phần lớn nghệ sĩ đều rất khó khăn. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm đến văn hóa cũng như cho phép xây dựng đề án chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa, hy vọng rằng tới đây đời sống nghệ sĩ sẽ ổn định hơn. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường cũng mở ra hướng mới để các nhà hát có thêm chương trình biểu diễn tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát huy tính sáng tạo cũng như bảo đảm nguồn thu nhập cho họ.

Đồng quan điểm đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, năm 2022, Quốc hội đã tổ chức một hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa mà ở đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc phải bổ sung, hoàn thiện chính sách sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh một cách xứng đáng cả về vật chất và tinh thần đối với cống hiến thực tế của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ ngành văn hóa.

“Tôi tin rằng, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để giải quyết những vấn đề cả gián tiếp và trực tiếp liên quan đến đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống, như: Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Thống kê, Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng các tài sản công, Luật Đất đai hay các quy định về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, chính sách về đặt hàng, tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ… cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân thì đời sống của họ sẽ được cải thiện”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong mỏi.

Thực tế cho thấy, nghệ thuật sâu khấu truyền thống là lĩnh vực đặc thù. Nếu chúng ta chỉ lấy hiệu quả thị trường làm thước đo cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật; lấy quy luật cung cầu để làm công cụ quản lý văn hóa thì có nguy cơ mai một. Quan tâm đến nghệ thuật sân khấu truyền thống phải bắt đầu từ việc quan tâm đến đời sống thực của người thực hành, thể hiện các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Nghệ sĩ cần có một môi trường thuận lợi để có thể chuyên tâm cống hiến cho công việc của mình. Môi trường ấy có thể đến từ nhiều thứ, trong đó có việc bảo đảm mức sống tối thiểu, cơ hội được biểu diễn, phục vụ khán giả. Đặc biệt là được tôn vinh xứng đáng với những nỗ lực các nghệ sĩ bỏ ra để bảo tồn những giá trị truyền thống, từ đó tạo ra bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

(Nguồn: https://cand.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY