Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang chủTin tứcTin HộiHội Nhạc sĩ Việt Nam gặp mặt hội viên Xuân Quý Mão...

Hội Nhạc sĩ Việt Nam gặp mặt hội viên Xuân Quý Mão 2023

Tác giả: Thanh Nhã

Nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023, ngày 13 tháng 1 năm 2023, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật hội viên khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận theo truyền thống hàng năm để mừng xuân mới, cũng như điểm lại những hoạt động của năm vừa qua; trao Giấy chứng nhận kết nạp hội viên mới khu vực Hà Nội.

Tới dự có: đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nghệ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; TS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Trương Ngọc Xuyên – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan, ban ngành liên quan; các nhạc sĩ lão thành, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của thủ đô; các nhạc sĩ từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, thành phố Hồ Chí Minh…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội.

Thay mặt Ban Chấp hành, nhạc sĩ Đức Trịnh đã có những tổng kết đánh giá một năm hoạt động:

Năm 2022 đã khép lại, đánh dấu nhiều sự kiện âm nhạc quan trọng của Hội ta, Ban Chấp hành Hội đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, có nhiều đóng góp tích cực đối với đời sống âm nhạc của đất nước; có những chuyển biến mới, cách làm mới như việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn hoặc tổ chức Liên hoan âm nhạc khu vực, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ giao lưu với nhiều mầu sắc âm nhạc vùng miền, phong phú đa dạng.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Đăk Lăk cùng 20 chi hội đã tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc tháng 5/2022.

Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII (3/9/2010 – 3/9/2022) với chủ đề “Hát lên Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội và nhiều Chi hội nhạc sĩ ở các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Tây Ninh; Cần Thơ; Đắk Lắk; Bình Định; Quảng Ngãi; Thừa Thiên – Huế; Nghệ An; Thanh Hóa; Nam Định; Hải Phòng; Quảng Ninh; Lạng Sơn, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Kon Tum; Đăk Lăk… với nhiều hình thức phong phú như: biểu diễn nghệ thuật, giao lưu âm nhạc để giới thiệu tác phẩm mới; đồng thời cùng các Báo, đài Phát thanh và Truyền hình địa phương tuyên truyền rộng rãi và có sức lan tỏa rộng về Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2022): Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, đến nay Hội Nhạc sĩ Viêt Nam đã trở thành một tổ chức Chính trị – Xã hôi – Nghề nghiệp lớn mạnh, được đảng, Nhà nước và nhân dân yêu mến và tin cậy. Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội cùng với Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc 2022 được tổ chức trang trọng và chất lượng nghệ thuật cao với sự tham dự của đông đảo giới nhạc sĩ, nghệ sĩ và đại biểu các cơ quan Ban, ngành Trung ương, Hà Nội.

Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I, khóa II, từ năm 1957 đến năm 1983), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996). Ban Chấp hành cùng các cơ quan đã tổ chức thành công với những hoạt động lớn như: Khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại quê hương Ông, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; Hội thảo khoa học và chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời” cùng Lễ phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận; Phần lớn các Chi hội trưởng đã tham gia đầy đủ các hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội.

Trại sáng tác Âm nhạc: Hội viên ở các khu vực tham gia các Trại sáng tác, thu được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt với các thể loại như: Khí nhạc, Ca khúc, Hợp xướng (Romance, Thính phòng, Acapella, nhạc Pop, nhạc đại chúng…).

Giải thưởng Âm nhạc 2022: Hội viên tích cực tham gia gửi tác phẩm dự thi hàng năm. Năm nay Lễ trao giải đã được tổ chức bằng hình thức trình diễn một số tác phẩm được giải tiêu biểu (dàn nhạc và ca sĩ live).

Những điểm quan trọng cần thực hiện:

– Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9): Cần tranh thủ, phối hợp với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đưa ca sĩ, nhạc sĩ đến với nhân dân, phấn đấu để Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành Ngày Âm nhạc của toàn dân.

– Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam: trao 01 giải Đặc biệt xuất sắc để nâng tầm cao Giải thưởng của Hội. Sửa đổi Quy chế Giải thưởng cho phù hợp hơn với thực tế và nâng cao được chất lượng tham dự giải thưởng.

– Về lĩnh vực Đào tạo: xem xét việc đào tạo theo nhu cầu, các khóa ngắn hạn.

– Đẩy mạnh công nghệ số hóa thời kỳ 4.0; Lập dự án trình Nhà nước, kết hợp với nhiều lĩnh vực, phát huy gắn với công nghiệp âm nhạc.

– Bên cạnh những cơ sở có sẵn, kết hợp với Nhà xuất bản, Nhà Sản xuất chương trình, các Tổ chức biểu diễn: Báo cáo tình hình âm nhạc, tạp chí chuyên đề… Trang website: đặt vấn đề chính thức với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam để các Hội cùng có quyền lợi sử dụng.

– Quan tâm, đẩy mạnh công tác Lý luận, công tác đối ngoại.

Phát huy truyền thống 65 năm vẻ vang với tinh thần Đoàn kết – Dân chủ – Sáng tạo – Đổi mới – Hội nhập, Ban Chấp hành kêu gọi toàn thể Hội viên tích cực hoạt động, sáng tạo góp phần xây dựng và phát triển nền Âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, phát biểu đã có những chia sẻ chân tình:

“Năm vừa qua là năm thắng lợi toàn diện của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trên các phương diện, các mặt và nhiệm vụ do Ban Chấp hành đề ra từ đầu năm, chúng ta đã thực hiện thành công tốt đẹp, hòa nhịp chung với những thắng lợi, thành tích của Đảng và Nhà nước và của nhân dân ta trong một năm trên các mặt trận về kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, văn hóa thì chúng ta đều đạt các thành tích xuất sắc.

Năm 2022, như có luồng sinh khí mới, một sự chủ động mới trong toàn giới văn học nghệ thuật trong đó có giới âm nhạc chúng ta, sự chuyển động rất tự thân, tự giác được thể hiện trong các hoạt động âm nhạc; lòng tin của các thế hệ văn nghệ sĩ đối với Đảng, Nhà nước và tin tưởng vào các thế hệ đi sau được nâng lên với những niềm vui qua các hoạt động, và cũng ngậm ngùi chia tay NSND Trọng Bằng, người thủ trưởng lâu năm của Hội – một trong những người thầy đáng kính của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, và là “cây đũa thần” số 1 của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng có những niềm vui lớn như đón nhận những công trình tác phẩm đồ sộ như vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho – một sự kiện ghi dấu ấn cho hoạt động âm nhạc của chúng ta, không chỉ đối với cá nhân nhạc sĩ mà còn đối với cả giới âm nhạc, một lời hứa khẳng định giới âm nhạc Việt Nam luôn luôn đi theo con đường văn hóa văn nghệ của Đảng, Nhà nước. Năm nay, hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa do đồng chí Trường Chinh soạn thảo, kỷ niệm 82 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cho đến nay đường lối đó được hiện thực hóa bằng những tác phẩm lớn, những nhạc sĩ lão thành nêu gương giương cao ngọn cờ, thể hiện sự kiên trì kiên định của giới nhạc sĩ Việt Nam luôn luôn đi theo con đường của Đảng của dân tộc và những tác phẩm đó phục vụ nhân dân.

Vào cuối năm vừa qua, kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hội đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Bộ ban ngành tổ chức chuỗi sự kiện, bắt đầu là kết hợp với Bảo tàng Quân sự Việt Nam xây dựng Nhà Lưu niệm tại chính mảnh đất cách đây 100 năm nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được ra đời, ở làng Vạc, thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; phát hành bộ tem “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận” và tiếp theo là Hội thảo khoa học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; Đêm nhạc “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời”, cho thấy sự cố gắng, sự tri ân của thế hệ sau cũng như tình cảm đối với vị Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Mong mỗi một năm mới đến, hòa chung với các thế hệ nhạc sĩ lão thành đi trước gắn bó với Hội Nhạc sĩ bao năm qua, xây dựng nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã truyền thêm năng lượng, nhiệt tình cũng như trách nhiệm cho các thế hệ nhạc sĩ trẻ kế tục sự nghiệp về các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, đào tạo, lý luận, hướng tới các tài năng nghệ thuật trong tương lai. Với niềm hy vọng mùa xuân ấm áp tình cảm. Chúc các nhạc sĩ, nghệ sĩ mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc, bút lực dồi dào”.

Xuân Quý Mão năm nay, để ghi nhận những đóng góp quý báu của các nhạc sĩ lão thành đã đồng hành cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ những ngày đầu thành lập (1957), Ban Chấp hành Hội đã cám ơn và tặng quà cho các nhạc sĩ 80 tuổi: Mỹ Bình, Đoàn Bổng, Nguyễn Cường, Trịnh Vĩnh Dụ, Mạnh Hà, NGND Từ Sơn Hải, Đặng Mai Hồng, Nghiêm Bá Hồng, Phạm Đồng Lạc, Đặng Hoành Loan, Trịnh Bang Phác; 85 tuổi: Phan Huấn, Đình Hùng, Dân Huyền, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Thị Sâm, NSND Tường Vi; 90 tuổi: Phan Trần Bảng, Đào Ngọc Dung, Doãn Nho, Kim Oanh, NSND Trần Quý, Nghiêm Xuân, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Văn Thưởng, Xuân Tứ, Nguyễn Thế Vinh.

Trong dịp này, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao Giấy chứng nhận Hội viên cho 17 hội viên mới. Chuyên ngành sáng tác (09); Chuyên ngành biểu diễn (01), Chuyên ngành Đào tạo (06); Chuyên ngành Lý luận: (01).

*
*       *

Các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã có Chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc dân gian. Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Thao Giang; Chủ nhiệm chương trình: nhạc sĩ Trương Ngọc Xuyên; chỉ huy biểu diễn: thạc sĩ Vũ Đức Huy; âm thanh – ánh sáng – sân khấu: Trung Dũng – Anh Thái – Diệu Anh; trang phục đạo cụ: Minh Đạt.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY