Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềHoàn cảnh ra đời đặc biệt của những khúc ca đặc biệt

Hoàn cảnh ra đời đặc biệt của những khúc ca đặc biệt

(Tác giả: Ngọc Quang)

Trong rất nhiều ca khúc viết về ngày thống nhất, 2 ca khúc được biết đến rất rộng rãi là “Bài ca thống nhất” – tác giả Võ Văn Di; và “Đất nước trọn niềm vui” – tác giả Hoàng Hà. Tác phẩm thì quá nổi tiếng nhưng hoàn cảnh ra đời và tác giả của nó thì không nhiều người biết.

Nhạc sĩ Võ Văn Di.

Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan…

Nhạc sĩ Võ Văn Di đã qua đời từ năm 2005, tới nay cũng đã 18 năm. Ông sinh ngày 29/3/1932 tại xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong những năm tháng chiến tranh, ông là cán bộ tuyên truyền tỉnh Nghệ An, phụ trách phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.

Sau đó, về Hà Nội, ông chơi đàn Viola trong dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam. Tới khoảng cuối năm 1980, ông chính thức về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới khi về hưu (năm 1993). Theo lời một số người từng làm việc với ông, sinh thời, nhạc sĩ Võ Văn Di là một người trầm tính, nhiệt tình và sâu sắc. Ông cũng chính là người phối khí cho dàn nhạc Tuổi xanh do nhạc sĩ Hoàng Hà (tác giả ca khúc Đất nước trọn niềm vui) sáng lập.

NSND Thu Hiền, người đầu tiên thu âm ca khúc “Bài ca thống nhất”, năm 1976 và cũng là người được đánh giá là thể hiện xuất sắc nhất bài hát này.

Võ Văn Di viết nhiều ca khúc, nhưng tác phẩm làm nên tên tuổi ông chính là “Bài ca thống nhất”.

Người thân của ông kể lại, trước ngày toàn thắng 30/4/1975, ông cùng nhiều nghệ sĩ đi tàu thủy từ Bắc vào Nam biểu diễn. Vì thế bài hát đã mở đầu bằng những câu: “Biển trời bao la/Đẹp như gấm hoa/Nước mây muôn màu/Những con tàu ra Bắc vào Nam”, “Biển trời quê ta/Rộn vang tiếng ca/Bắc Nam một nhà/Vui một nhà vang tiếng hò khoan”…

Nhạc sĩ Cát Vận – người công tác lâu năm tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, lúc đó các nhạc sĩ cập nhật những bước chân hành quân thần tốc của quân đội ta và nhiều ca khúc đã ra đời trong bối cảnh ấy. Trong đó phải kể đến các ca khúc: Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (nhạc Văn An, thơ Tạ Hữu Yên), Chào Đà Nẵng dũng sĩ bên bờ Biển Đông (Nguyễn An), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (nhạc Nguyễn Văn Thương, thơ Tố Hữu), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc Cao Việt Bách, lời Đăng Trung)… Nhưng có vị trí rất đặc biệt chính là “Bài ca thống nhất” của Võ Văn Di, một tác phẩm âm nhạc hay, đậm đà tính dân tộc.

Nhạc sĩ Võ Văn Di đã rất nhạy cảm nắm bắt được trạng thái tình cảm của đất nước, của dân tộc lúc bấy giờ. Vì thế “Bài ca thống nhất” có chút bâng khuâng, bồi hồi pha trộn tình cảm yêu thương trong niềm vui sum họp sau bao năm chia cắt.

Tư liệu tại kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam lưu giữ thì bản thu đầu tiên “Bài ca thống nhất”, năm 1976 do ca sĩ Thu Hiền thể hiện. Nhạc sĩ Cát Vận đánh giá, cho tới nay đó vẫn là một bản ghi hoàn chỉnh về phối khí, thu thanh, thể hiện một cách thành thực cảm xúc của người nghệ sĩ trong ngày chiến thắng.

Hồi đó, nhà của gia đình ca sĩ Thu Hiền (bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993) và gia đình nhạc sĩ Võ Văn Di đều ở cùng trong dãy nhà lá, khu tập thể Văn công Mai Dịch (Hà Nội). Ca sĩ Thu Hiền hay sang nhà ông để tập nhạc. “Ông Võ Văn Di viết câu nào xong, tôi hát câu đó. Cả hát cả sửa. Hồi đó chẳng trống phách gì cả, cứ mỗi câu, bác Di gõ một cái bằng chiếc đũa. Sau khi hát và tập hoàn chỉnh, mới mang bài hát đi thu. Đất nước mới được thống nhất, cảm xúc, khí thế tuôn trào. Trong 60 năm đi hát thì có tới 40 năm tôi hát “Bài ca thống nhất”. Tới nay, 70 tuổi rồi, khán giả vẫn yêu cầu Thu Hiền hát ca khúc này. Cả cuộc đời, tôi sống và cháy hết mình với nghệ thuật, với những bài ca như thế”- NSND Thu Hiền tâm sự.

Đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay…

Nhạc sĩ Hoàng Hà.

Cách đây gần 10 năm, ngày 4/9/2013 nhạc sĩ Hoàng Hà qua đời, nhưng ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của ông thì vẫn còn mãi với thời gian. Tên thật là Hoàng Phi Hồng, ông sinh ngày 1/12/1929 tại Hà Nội. Ngay từ năm 16 tuổi, ông đã làm việc ở văn phòng tỉnh bộ Việt Minh, Phúc Yên. Năm 1962, ông về học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Vào những ngày tháng 4/1975, khi đang công tác ở Phòng nhạc thiếu nhi tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Hà được tiếp xúc với những thông tin nóng nhất về tình hình chiến sự tại miền Nam. Đến ngày 26/4/1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên bố về việc quân giải phóng miền Nam đang ồ ạt tiến về Sài Gòn, thời điểm cuối cùng kết thúc vẻ vang Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thì với xúc cảm vô biên ngay trong đêm đó ông đã viết xong bài “Đất nước trọn niềm vui”. Sau này ông kể lại, đêm đó, trong căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, ông như thấy trước mắt một rừng cờ chiến thắng. “Đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay” là niềm vui trong tâm hồn, trong mơ ước khi ngày vui trọn vẹn, ngày chiến thắng, ngày thống nhất đang đến gần. Nhạc sĩ đã viết bằng dự cảm nhưng cũng bằng niềm tin tuyệt đối của mọi người dân Việt Nam sống trong thời kỳ lịch sử ấy.

Nhạc sĩ Hoàng Hà nhớ lại, sáng hôm sau (ngày 27/4/1975), ông đem bài hát tới Ban biên tập Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng Tổ Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho Nhà hát Giao hưởng. Ca sĩ Trung Kiên (được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001) nhận bài rồi xem ngay tại chỗ. Còn nhạc sĩ Đỗ Dũng thì kê tập giấy nhạc lên mặt trống phối khí ngay trong phòng thu, để mọi người trong tốp nhạc chép ngay.

NSND Tạ Minh Tâm, người gắn liền tên tuổi với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Ông coi ca khúc như một phần đời trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

“Ngay khi bài hát cất lên ai cũng đã thấy ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất” – theo lời nhạc sĩ Hoàng Hà.

Hồi đó, từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội đã rất sôi động. Mọi người theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Đường phố Hà Nội tràn ngập một không khí phấn khởi, rộn ràng. Bài hát ra đời trước ngày toàn thắng 30/4/1975, nhưng trước đó nhạc sĩ Hoàng Hà chưa từng một lần đặt chân vào đất Sài Gòn. “Mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt trông thấy Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh” – ông kể.

Đến năm 1985, nhạc sĩ Hoàng Hà vào Vũng Tàu ở cùng vợ con trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Quý Đôn, phường 1. Tại đây, ông đã sáng tác nhiều bài hát nói về tình yêu và cuộc sống ở vùng đất mới. Năm 1998, ông cùng nhạc sĩ Hoàng Lương, con trai của ông, soạn bản giao hưởng hợp xướng mang tên “Côn Đảo”. Tác phẩm gồm 4 chương gồm: Côn Đảo một thời xưa, Ngục Côn Lôn, Người tù nổi dậy và Tiếng hát. Được viết theo hình thức kinh điển phương Tây nhưng tác giả đã Việt hóa bởi những chất liệu âm nhạc Việt. Cuối năm 1999, bản giao hưởng “Côn Đảo” được trình diễn tại rạp Duy Tân (TP Vũng Tàu) và huyện Côn Đảo; đoạt giải đặc biệt của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1999.

Cùng với ca khúc để đời “Đất nước trọn niềm vui”, nhạc sĩ Hoàng Hà còn sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”, viết năm 1953; cùng đó là “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì”… Ông cũng viết nhiều bài hát cho thiếu nhi, như các bài “Cho tôi đi làm mưa với”, “Cùng múa hát mừng xuân”…

Nhưng cũng ít người biết nhạc sĩ Hoàng Hà từng là Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên và là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 2, khóa 3…

(Nguồn: http://daidoanket.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU