Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩHành trình âm nhạc Trọng Loan

Hành trình âm nhạc Trọng Loan

(Tác giả: Nhạc sĩ Doãn Nho)

Nhạc sĩ Trọng Loan tham gia hoạt động cách mạng từ trước tháng Tám năm 1945 và là một trong những thành viên đầu tiên của lực lượng vũ trang trong mặt trận Việt Minh mang tên Đội tự vệ chiến đấu tại thành phố Vinh – Bến Thủy. Và ngay sau đó – ngày 15-9-1945 – nhập ngũ vào Chi đội Đội Cung – Nghệ An, tức tiền thân của Trung đoàn 57 sau này.

May mắn được sinh ra trong một gia đình gắn bó với nhiều làn điệu dân ca trong sinh hoạt thường nhật nên nhạc sĩ Trọng Loan đã rất hồn nhiên để ngấm vào mình những cung bậc tình cảm dân gian của quê hương, từ đó nảy nở cảm hứng sáng tạo khi đã trưởng thành.

Ca khúc đầu tay của anh là một hành khúc: Bài ca Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng đã nhanh chóng trở thành bài ca chính thức của Đội tự vệ chiến đấu và thanh niên xung phong thành phố Vinh – Bến Thủy vào cuối năm 1945, sau đó phổ biến rộng ra ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có lẽ không thể nhớ hết những sáng tác thời kỳ đầu này, nhưng cái quan trọng cần ghi nhận là những sáng tác ấy đều xuất phát từ những cảm xúc chân thực và rất hồn nhiên.

Chất nhạc sĩ và chất lính trong anh gắn liền với sự trưởng thành cùng những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta. Không thể không nhắc tới 10 ca khúc của anh được viết trong chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn” (5 – 10/1949). Thời điểm này, Giải phóng quân Trung Quốc đã dồn quân Quốc dân đảng xuống Hoa Nam, bạn đề nghị ta điều quân sang phối hợp cùng với bạn xây dựng khu giải phóng tiếp giáp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta. Quá trình diễn biến và thành công của chiến dịch đã được nhạc sĩ Trọng Loan phản ánh qua 10 ca khúc; đặc biệt, cả 10 ca khúc này đã được đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp yêu cầu tác giả tự trình bày trước đại hội tổng kết chiến dịch, cả hội trường lắng nghe và vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Đại tướng rất hài lòng, khen ngợi tác giả và chỉ góp ý sửa đầu đề ca khúc “Giã từ bạn quân” thành “Chia tay quân bạn” (bài hát được viết khi kết thúc thắng lợi chiến dịch, ta chia tay bạn về nước).

Có lẽ chỉ cần liệt kê một số tác phẩm tiếp theo của anh chúng ta cũng có thể nhận ra những thời điểm lịch sử của đất nước và quân đội ta qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới hải đảo cũng như kiến thiết xây dựng trong hòa bình:

Phải đánh lũ giặc Mỹ!

Chúng ta còn nhớ ngày mùng 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công bằng máy bay ra miền Bắc để trả đũa và gỡ thế bí cho chúng cùng ngụy quyền miền Nam đang bị thất bại nặng nề. Bài hát “Phải đánh lũ giặc Mỹ” ra đời đúng lúc, đã được Đài tiếng nói Việt Nam kịp thời dàn dựng và phát đi trên làn sóng cùng những tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác để cổ vũ quân dân ta quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Người Châu Yên em bắn máy bay

Khác hẳn bài trên với tinh thần sôi sục quyết liệt mang chất nam tính, bài này mang đầy nữ tính với màu sắc dân ca của đồng bào dân tộc ít người miền Tây Bắc, gợi lên dáng đẹp của các cô gái khi quyết tâm nhằm bắn rơi máy bay Mỹ. Thật khó có thể tưởng tượng được bằng cách nào mà nhạc sĩ Trọng Loan có thể “vẽ” lên rõ nét như thế bằng âm nhạc! Bài hát đã được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam theo yêu cầu của thính giả!

Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng

Bài hát đậm đặc đường nét của giọng hò xứ Quảng với tình quân dân vô cùng đầm ấm thân thương, thông qua hình ảnh người mẹ Quảng Trị chăm sóc các con Giải phóng quân như con đẻ của mình. Một lần nữa nổi bật sức sáng tạo của nhạc sĩ Trọng Loan và dĩ nhiên cũng được nhiều lần phát lại trên Đài theo yêu cầu thính giả! Tôi rất mong các nhạc sĩ trẻ hiện nay nên trân trọng học tập và nghiên cứu những thủ pháp sáng tác trên chất liệu dân ca của nhạc sĩ Trọng Loan để làm giàu thêm, đẹp thêm cá tính sáng tạo của mình!

Lời ca dâng Bác

Có lẽ thế hệ chúng tôi, trong Nam cũng như ngoài Bắc, không ai có thể quên tiếng hát của nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền cùng tốp nữ trong bài này. Chắc chắn mọi người đều nhận ra tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của anh bộ đội Cụ Hồ – nhạc sĩ Trọng Loan – đối với Lãnh tụ kính yêu mà vô cùng gần gũi – Bác Hồ của chúng ta! Đúng là “Có mối tình nào thủy chung son sắt, như tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam!” và “Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình!”… Lời ca giản dị, ngắn gọn mà bao quát tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam khi nghĩ và nhớ tới Bác!

Chúng con lên đường, hình Tổ quốc trong tim

Báo chí mấy ngày qua đưa tin nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia. Cách đây 55 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quân đội ta đã kịp thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng khủng khiếp, tiếp sau đó là khôi phục đất nước và phát triển toàn diện qua sự hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải… Đóng góp vào thành quả to lớn và đầy tính nhân văn này, có mặt những tác phẩm của giới văn nghệ sĩ chúng ta, trong đó có âm nhạc. Lại một lần nữa nhạc sĩ Trọng Loan cho ra đời rất kịp thời và rất hiệu quả đứa con tinh thần của mình – tác phẩm “Chúng con lên đường, hình Tổ quốc trong tim”: “Gửi mẹ yêu thương những lời biết ơn, Mẹ đã dạy con không biết sống tầm thường, Làm chủ cuộc đời, mẹ cho con đôi cánh, chúng con lên đường, hình Tổ quốc trong tim”.

Bài hát không những được phát nhiều lần mà còn được dạy hát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam ngay sau đó!

Không thể kể hết những bài hát của nhạc sĩ Trọng Loan đã được giới thiệu tới công chúng, chưa kể còn một khối lượng bài hát nữa không được phổ biến rộng – đó là những tác phẩm thuộc đề tài binh vận, địch vận chỉ dành cho chương trình Ca nhạc binh, địch vận mà thôi!

Không chỉ sáng tác, nhạc sĩ Trọng Loan còn viết nhiều bài thuộc lĩnh vực lý luận phê bình, đặc biệt còn là cán bộ phụ trách nhiều đơn vị thuộc các ban ngành khác nhau trong hoạt động văn học nghệ thuật.

Đa tài, đa năng như vậy nhưng người anh thương mến của tôi, nhạc sĩ Trọng Loan lúc nào cũng khiêm tốn và luôn luôn học hỏi ở các bạn đồng nghiệp, kể cả các bạn thuộc thế hệ đàn em của mình.

Tóm lại, nhạc sĩ Trọng Loan trong suốt cuộc đời mình đã không ngừng rèn luyện để thực sự là người lính Cụ Hồ, là đảng viên mẫu mực và là một nhạc sĩ tài năng có cá tính sáng tạo độc nhất vô nhị!

Có lẽ sẽ thiếu sót nếu không nhắc lại một lần nữa: yếu tố gia đình. Chính gia đình gợi lên nguồn cảm hứng sáng tạo, và không chỉ giúp cho riêng nhạc sĩ Trọng Loan mà còn cho cả người em trai là nhạc sĩ Trọng Bằng – người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và là nhà chỉ huy đầu tiên của dàn nhạc giao hưởng miền Bắc vào miền Nam ngay sau ngày giải phóng để trình diễn giới thiệu nền âm nhạc bác học của chúng ta! Thêm nữa, người con trai của nhạc sĩ Trọng Loan – bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ Trọng Lưu, nguyên Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng – một khoa lớn đòi hỏi một lượng kiến thức đồ sộ, vừa gắn bó với thực tế xã hội vừa đạt trình độ khoa học hiện đại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng là một trong những bác sĩ tiêu biểu của Quân y viện 108 – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của chúng ta. Cũng như người cha, giữa bộn bề công việc như vậy mà vẫn sáng tác hàng chục ca khúc được giới thiệu trên Đài, trong số đó có những tác phẩm đã được công chúng yêu thích và yêu cầu phát lại! Đúng như câu nói cửa miệng trong dân gian bao đời trên đất nước ta: “Hổ phụ sinh hổ tử!”.

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2022

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY