Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủTin tứcTin chungHà Nội có tên đường phố nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo

Hà Nội có tên đường phố nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo

Tác giả: Thanh Nhã

Tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết 27/2022/NQ-HĐND, ngày 8-12-2022, về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn thành phố Hà Nội; trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 287/QĐ-UBND, ngày 11-01-2023, về việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thực hiện, trong đó có việc đặt tên nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cho một đường phố thuộc quận Cầu Giấy.

Sáng 18/3/2023, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức Lễ gắn biển tên 2 tuyến phố Hoàng Quán Chi và Nguyễn Vĩnh Bảo. Phố Hoàng Quán Chi bắt đầu từ ngã tư giao phố Thọ Tháp đến ngã tư giao dự án đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất E2 đô thị mới Cầu Giấy tại tòa nhà Green Park CT1-CT2 với chiều dài 1.180m. Phố Nguyễn Vĩnh Bảo bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Bá Khoản, đối diện ngõ 99 Nguyễn Khang (cạnh số 15 lô 4E) đến ngã ba giao cắt tại Tổ dân phố 26 – phường Trung Hòa, phố dài 570, rộng 11,5m.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo (1936 – 1967). Ảnh: TL

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 31 tháng 5 năm 1936 tại Hưng Yên. Tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 trong Đoàn thiếu nhi nghệ thuật ở Chiến khu Việt Bắc với bí danh Nguyễn Hy Sinh, mới 11 tuổi Vĩnh Bảo đã cùng hai anh Vĩnh Long và Vĩnh Cát tham gia Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước (tên do Bác Hồ đặt). Đoàn được học âm nhạc, múa hát, do các nhạc sĩ sáng tác, biên đạo múa biên soạn, để các em biểu diễn cho các đơn vị bộ đội, cán bộ nhân dân trong An toàn khu xem. Ngày ấy, Vĩnh Bảo đã thể hiện năng khiếu bẩm sinh khi sáng tác mấy ca khúc ngắn “Cô gà mái mơ”, “Em về Thủ đô”…

Năm 1953, Vĩnh Bảo gia nhập Công ty Quốc doanh chiếu bóng Việt Nam tại Đồi Cọ, Định Hóa, Thái Nguyên; rồi về Tân Phong (Hạ Hòa, Phú Thọ) tiếp tục học phổ thông, phụ trách Đội Thiếu nhi Tháng Tám – tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong ngày nay.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô (năm 1954), Vĩnh Bảo về Hà Nội, thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1961, được tuyển chọn sang học tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô); Vĩnh Bảo tốt nghiệp bằng đỏ cuối năm 1964, về nước công tác tại Vụ Âm nhạc và Múa, Bộ Văn hóa.

Cuối năm 1965, ông xung phong vào chiến trường miền Nam (đi B) với biệt danh Bảo Vinh, vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh, làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho Đoàn Văn công Giải phóng.

Nhạc sĩ Vĩnh Bảo đã hy sinh chiều ngày 4 tháng 6 năm 1967, sau khi hoàn thành chuyến công tác dài ngày, đang trên đường trở về căn cứ để nhận nhiệm vụ mới: nhận chức Trưởng đoàn Đoàn ca múa Giải phóng. Nguyễn Vĩnh Bảo hy sinh ở tuổi 31, nhưng ông đã có tới 16 năm tuổi Đoàn, 7 năm tuổi Đảng và hơn 20 năm phục vụ cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 3.

Nhạc sĩ, Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Vĩnh Bảo cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và âm nhạc, ông đã để lại cho đời hơn 40 tác phẩm, trong đó có 26 tác phẩm thanh nhạc và 15 tác phẩm khí nhạc. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Bên lũy tre xanh” cho violon, piano; “Ngày xuân” cho violon, cello, piano; “Đêm thôn trang” cho violon, piano; “Mùa xuân trên vùng cao” cho flute, clarinet, piano; biến tấu “Xe chỉ luồn kim”; hợp xướng không dàn nhạc đệm “Đi khai hoang”; “Nhắn cô mấy điều”, hợp xướng 4 bè “Bài ca khai hoang”, “Mẹ ơi con sẽ về”… được các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật tới ngày nay. Đặc biệt là tác phẩm “Capricco” cho độc tấu piano đã được NSND Thái Thị Liên, Đặng Thái Sơn, Tào Hữu Huệ… biểu diễn, được khán giả đánh giá cao.

Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1960. Năm 2014, Nguyễn Vĩnh Bảo được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lãnh đạo quận Cầu Giấy cùng các đại biểu và đại diện gia đình, thực hiện nghi lễ gắn biển tên phố Nguyễn Vĩnh Bảo

Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy trao giấy chứng nhận gắn biển số nhà cho các tổ chức, hộ gia đình

Theo lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, việc đặt tên 2 tuyến phố mới mang tên Danh nhân Hoàng Quán Chi và Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Vĩnh Bảo là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Qua đó, khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dân tộc; tiếp tục quan tâm chỉ đạo và vận động Nhân dân thực hiện chỉnh trang đô thị, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm lo cho tuyến phố ngày càng ngăn nắp, sạch, đẹp, văn minh xứng đáng là tuyến đường được mang tên địa danh các danh nhân đã có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY