Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ sĩGinette Neveu – Người sinh ra để chơi violin

Ginette Neveu – Người sinh ra để chơi violin

Tác giả: Ngọc Tú

Nổi tiếng ngay từ khi còn rất trẻ, Ginette Neveu đã có một sự nghiệp biểu diễn ngắn ngủi nhưng lẫy lừng. Những ký ức về cô sẽ không bao giờ phai mờ qua những bản thu âm ít ỏi còn sót lại và đã ảnh hưởng lên những thế hệ nghệ sĩ violin sau này.

Khi 7 tuổi, Ginette biểu diễn ra mắt khán giả đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của mình với bản violin concerto số 1 của Max Bruch.

Cái chết của Ginette Neveu khi còn ở độ tuổi rất trẻ là một trong những bi kịch lớn trong lịch sử violin. Khi đó, cô mới chỉ 30 tuổi nhưng đã là một tài năng nổi tiếng trên khắp thế giới. Chiếc máy bay của hãng Air France chở cô trên đường từ Paris đến New York đã bị đâm vào ngọn núi Pico Redondo trên đảo São Miguel, thuộc quần đảo Azores, Bồ Đào Nha. Toàn bộ 48 hành khách và phi hành đoàn đã tử vong.

Cả thế giới nhạc cổ điển ngập trong đau buồn. Nhạc trưởng Charles Munch, đồng hương của Neveu, người đã chỉ huy cho cô trong lần đầu Neveu xuất hiện cùng New York Philharmonic vào năm 1947 đã thốt lên: “Ginette thân yêu, những ký ức về cô luôn xuất hiện trong chúng tôi. Mỗi lần nhờ ơn điển của Chúa mà chúng tôi có thể tạo ra thứ âm nhạc thực sự tuyệt vời, chúng tôi luôn cảm thấy cô thật gần gũi”. Francis Poulenc, người mà bản violin sonata của ông đã được Neveu công diễn ra mắt trên toàn thế giới vào ngày 21/6/1943, ngậm ngùi: “Những ký ức về Ginette Neveu luôn ám ảnh tôi. Tôi vô cùng ngưỡng mộ cô ấy và tôi yêu cô ấy tha thiết”.

Thần đồng được ngưỡng mộ

Ginette Neveu sinh ngày 11/8/1919 tại Paris trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Charles-Marie Widor (1844-1937), nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ người Pháp là ông của cô. Anh trai của cô, Jean-Paul là một nghệ sĩ piano, người thường xuyên đệm đàn cho cô sau này trong những buổi hòa nhạc và đồng hành cùng cô trên chuyến bay xấu số. Cha cô, ông Maurice là một người môi giới chứng khoán còn mẹ cô, Marie-Jeanne là một giáo viên dạy violin. Ngay từ nhỏ, Ginette đã được coi là một thần đồng violin và mẹ cô chính là người thầy giáo đầu tiên của cô. Khi mới chỉ lên bảy tuổi, Ginette biểu diễn bản violin concerto số 1 của Max Bruch ra mắt khán giả đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của mình tại Salle Gaveau, Paris, ngay sau đó là bản violin concerto của Felix Mendelssohn cùng Colonne Orchestra dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Gabriel Pierné.

Để nâng cao hơn trình độ chơi violin của con gái mình, gia đình đã cho cô theo học với Line Talluel và sau đó là Jules Boucherit tại Conservatoire de Paris, nhạc viện danh giá nhất nước Pháp. Ở tuổi lên chín, Ginette đã giành chiến thắng trong một cuộc thi do nhạc viện tổ chức và nhận được một giải thưởng danh dự do thành phố Paris trao tặng. Tài năng của cô bé đã bắt đầu gây được sự chú ý. Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin tài năng người Romania George Enescu đã nhận Ginette về lớp học của mình tại nhạc viện. Enescu cũng từng là thầy giáo của Yehudi Menuhin, một thần đồng violin khác. Enescu  đã nhận xét về cô học trò nhỏ của mình: “Đứa trẻ này thật phi thường!”.

“Ginette Neveu dường như được sinh ra chỉ để chơi violin. Cô ấy có tất cả những món quà của Chúa: sự chính xác, quyến rũ, biểu cảm, tốc độ” – Le Figaro, 1932

Ngay từ lúc này, Ginette đã thể hiện cá tính độc lập của mình. Trong một buổi học, cô từng từ chối nghe theo sự hướng dẫn của Enescu về việc chơi Partita số 2 của Johann Sebastian Bach. Tại nhạc viện, Ginette cũng từng theo học sáng tác với Nadia Boulanger. Mười hai tuổi, Ginette tham gia Cuộc thi violin quốc tế Vienna và giành giải tư trong tổng số 250 thí sinh. Vienna Neues Tageblatt đã viết: “Nếu bạn nhắm mắt lại, bạn sẽ nghĩ bạn đang nghe một người đàn ông đang chơi đàn một cách mạnh mẽ chứ không phải một cô bé nhỏ nhắn trong chiếc váy trắng”.

Tháng 3/1935, một sự kiện xảy ra đã khiến tên tuổi của Neveu trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Cô tham dự cuộc thi violin quốc tế mang tên Henryk Wieniawski lần thứ nhất được tổ chức tại Warsaw, Ba Lan nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin vĩ đại. Ban giám khảo với trưởng ban là nhà soạn nhạc Adam Wieniawski, cháu của Wieniawski đã quyết định trao giải nhất cho Neveu trong tổng số 160 thí sinh đến từ 23 quốc gia. Giải nhì là một cái tên rất đình đám, nghệ sĩ violin 26 tuổi đến từ Xô viết David Oistrakh. Kết quả cuộc thi đang mang đến một sự phản đối lớn từ phía chính quyền Liên Xô. Nhiều người cho rằng Oistrakh không được trao giải nhất vì có một phong trào bài Do Thái. Tuy nhiên, bản thân Oistrakh cho rằng mình chưa thực sự chuẩn bị tốt cho cuộc thi và ông cũng bị tiếng đàn da diết, quyến rũ của cô bé 16 tuổi Neveu chinh phục. Giải bảy của cuộc thi được trao cho một thần đồng khác, cô bé người Ba Lan mới chỉ lên bảy tuổi Ida Haendel. Haendel sau này cũng trở thành một nghệ sĩ violin rất nổi tiếng. Ấn tượng của Haendel về phong cách chơi đàn của Neveu khi họ gặp nhau lần đầu tiên tại nhà của Flesch (Haendel cũng là học trò của Flesch và Enescu) vô cùng mạnh mẽ: “Chị ấy chơi đàn rất mãnh liệt và say mê, âm sắc của chị ấy lớn và ngân vang. Cách tiếp cận ấn tượng của chị ấy dường như đem lại tác động mạnh một ngọn núi lửa đang phun trào”. Những tác phẩm Neveu đã trình diễn trong cuộc thi là Partita số 2 của Bach, violin concerto số 2 của Wieniawski và Tzigane của Maurice Ravel, một tác phẩm sau này gắn liền với tên tuổi của cô.

Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, Neveu đã được mời ký một hợp đồng biểu diễn kéo dài hai năm, điều này cho phép cô xuất hiện tại các phòng hòa nhạc danh giá trên khắp châu Âu cũng như tại Canada và Mỹ. Tuy nhiên, sau đó cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra khiến hoạt động nghệ thuật của Neveu tạm thời bị gián đoạn. Cô chỉ thực hiện các chương trình biểu diễn của mình tại những vùng tự do trên nước Pháp và trong những khán phòng nhỏ. Toàn bộ những lời mời biểu diễn tại Đức và Ý đã bị hủy bỏ. Đáng chú ý trong khoảng thời gian này là buổi công diễn ra mắt bản violin sonata của Poulenc vào ngày 21/6/1943 tại Salle Gaveau, Paris. Bản thân Poulenc từng phác thảo tác phẩm này khá nhiều lần nhưng lưỡng lự không hoàn thành nó. Chính Neveu là người đã khăng khăng nài nỉ nhà soạn nhạc cho mình được biểu diễn tác phẩm này. Poulenc cho biết: “Thành thật mà nói, trước đây tôi không thích violin như một nhạc cụ độc tấu… nhưng làm sao tôi có thể chống lại lời đề nghị từ Ginette Neveu!.. Cuộc chiến đã tước đi của chúng ta Menuhin, Heifetz và Francescatti, nhưng may mắn bất ngờ là chúng ta có được một người cùng đẳng cấp với họ ở ngay trước cửa nhà mình. Có một số chi tiết thú vị trong phần violin, hoàn toàn là do Neveu trao đổi và gợi ý cho tôi”. Sau buổi ra mắt, bản thân tác phẩm không nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng màn trình diễn của Neveu được đánh giá vô cùng tích cực.

Một sự nghiệp huy hoàng

Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, sự nghiệp âm nhạc của Neveu được tiếp tục trở lại. Tháng 8/1945, Neveu có các các buổi biểu diễn tại Đức, Áo và Thuỵ Sĩ trong violin concerto của Peter Ilyich Tchaikovsky. Cô lần đầu ra mắt khán giả London vào tháng 11/1945 và thực hiện thu âm bản violin concerto của Jean Sibelius cùng Philharmonia Orchestra và nhạc trưởng Walter Susskind. Buổi thu âm của Neveu được diễn ra vào một ngày nghỉ giữa các buổi biểu diễn, kéo dài đến mức cằm và cổ của cổ bị chảy máu vào cuối chương trình. Sự hi sinh vì nghệ thuật đã đem lại kết quả rất đáng khích lệ. Chính Jean Sibelius đã đánh giá rất cao tài năng của Neveu: “Tôi đặc biệt muốn nói lên sự biết ơn sâu sắc của mình khi nghĩ về màn trình diễn đầy cảm hứng và cực kỳ nhạy cảm trong bản violin concerto của tôi mà Ginette Neveu đã khiến tôi không thể nào quên được…”. Tháng 8/1946, cô tiếp tục cộng tác cùng Philharmonia Orchestra và nhạc trưởng Issay Dobrowen trong violin concerto của Johannes Brahms.

Anh trai Jean-Paul thường xuyên là người đệm piano cho Neveu trong những buổi hòa tấu, trong đó có chuyến lưu diễn tới Úc và Nam Mỹ. Năm 1947, hai anh em đã chinh phục khán giả New York trong buổi biểu diễn tại Carnegie Hall. Nhà phê bình Virgil Thomson đã miêu tả Neveu: “Nghệ sĩ giỏi nhất, từ mọi khía cạnh, trong số các nghệ sĩ trẻ châu Âu… Cô là một nghệ sĩ thú vị vì cô có nhịp điệu và cường độ đặc biệt của riêng mình”. Sau đó, cô thực hiện nhiều buổi biều diễn với những dàn nhạc hàng đầu tại Mỹ. Ngày 24/10/1947, Neveu ra mắt Boston Symphony Orchestra trong violin concerto của Brahms dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Richard Burgin. Cô còn xuất hiện tại đây vào ngày 23/12/1947 với violin concerto của Ludwig van Beethoven do Serge Koussevitzky chỉ huy. Ngày 13/11/1947, cô lần đầu xuất hiện cùng New York Philharmonic và Charles Munch, cũng trong violin concerto của Brahms. Cuối tháng 12/1948, Neveu trở lại Mỹ trong một chuyến lưu diễn kéo dài. Ngày 30/12/1948, cô biểu diễn Tzigane của Ravel và Poème của Ernest Chausson cùng New York Philharmonic và Charles Munch. Sau đó là đêm hòa nhạc gây chấn động Chicago Symphony Orchestra trong violin concerto của Sibelius với Eugene Ormandy. Ormandy, vốn cũng là một nghệ sĩ violin đã thốt lên: “Nữ nghệ sĩ violin vĩ đại nhất – và tôi sẽ đi xa hơn khi nói rằng, một trong những người diễn giải âm nhạc cổ điển tuyệt vời nhất của thời đại chúng ta”.

Dù kịch mục biểu diễn khá phong phú nhưng Neveu dường như cảm thấy yêu thích nhất là các tác phẩm âm nhạc thời kỳ Lãng mạn, phù hợp với âm thanh phong phú và sự đam mê của mình. Dù là một nữ nghệ sĩ nhưng phong cách biểu diễn của Neveu rất mạnh mẽ, thậm chí là dữ dội. Dường như Neveu không phải là người tuân theo trường phái violin Pháp, vốn đề cao sự tinh tế và nhẹ nhàng. Neveu biểu diễn với một suối nguồn thanh xuân tươi trẻ, tràn đầy khí thế nhưng vẫn được đặt dưới một sự kiểm soát chặt chẽ về mặt cảm xúc và nhịp điệu. Pablo Casals đã nhận xét về phong cách biểu diễn của Neveu: “Việc chơi đàn của cô ấy là một trong những khám phá tuyệt vời nhất, cả về mặt trình diễn và âm nhạc. Để tạo ấn tượng về tính hoàn hảo, cân bằng và thẩm mĩ nghệ thuật, cô ấy đã thêm vào trong sự diễn giải của mình máu lửa và sự phóng túng, điều khiến cho cách chơi của cô ấy trở nên phong phú”. Neveu sở hữu hai cây đàn violin. Một cây Stradivarius do Omobono Stradivari chế tác vào năm 1733 và một cây đàn do Giovanni Battista Guadagnini làm vào thế kỷ thứ 18. Đi kèm là hai cây vĩ, của W. E. Hill và Chardon. Tất cả đều được đặt chung vào một chiếc hộp đôi, luôn được Neveu mang theo mình.

Buổi biểu diễn cuối cùng của Neveu diễn ra vào ngày 20/10/1949 tại Salle Pleyel, Paris trong các tác phẩm của Bach, Ravel, Brahms, George Frideric Handel và Karol Szymanowski. Sau đó, ngày 27/10/1949, Neveu cùng anh trai lên chuyến bay 009 của Air France tại sân bay Paris-Orly để tới New York. Vào lúc 2h51 phút ngày 28/10/1949, mặt đất đã không còn nhận được bất kỳ tín hiệu liên lạc nào từ máy bay. Một cuộc tìm kiếm đã diễn ra. Máy bay được phát hiện đã đâm vào ngọn núi Pico Redondo trên đảo São Miguel, thuộc quần đảo Azores, Bồ Đào Nha, cách sân bay Santa Maria gần 100km về phía Bắc. Toàn bộ 48 hành khách và phi hành đoàn đã bỏ mạng. Một trong những tài năng lớn nhất của nghệ thuật biểu diễn violin đã qua đời khi chỉ mới hơn 30 tuổi. Thi thể của Jean-Paul không được tìm thấy còn di hài của Neveu ban đầu bị chuyển nhầm đến chôn ở vùng Alsace, đông Bắc nước Pháp. Sau đó, người ta cải táng mộ bà và đưa về nghĩa trang Père Lachaise, Paris, gần mộ của Frédéric Chopin. Hai chiếc violin của Neveu đều bị phá hủy.

Ngoài đời, Neveu rất thân thiết với Herbert von Karajan, hai người đã cùng nhau lên kế hoạch thu âm các bản violin concerto của Beethoven và Tchaikovsky. Cô cũng có lịch thu âm các violin concerto của Edward Elgar và William Walton tại London sau khi trở về từ Mỹ. Nhưng tất cả đều là dang dở. Tai nạn bi thảm đã cướp đi sinh mạng của một trong những nghệ sĩ violin hứa hẹn nhất. Jacques Thibaud, một trong những đại diện ưu tú nhất của trường phái violin Pháp (người cũng qua đời bốn năm sau đó cũng vì một tai nạn máy bay) đã thốt lên sau khi biết được tin dữ: “Tại sao vào buổi bình minh trong sự nghiệp của cô ấy, một sự bất công và tàn nhẫn của số phận lại ập đến và cắt đứt một sinh mạng đang mang lại cho thế giới không gì khác ngoài vẻ đẹp và niềm vui? Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của số phận, trong trái tim của những người bạn cô và của cả thế giới, Ginette sẽ không bao giờ bị lãng quên. Ký ức về cô ấy sẽ còn sống mãi”.

Nhận xét của Thibaud hoàn toàn chính xác bởi nghệ thuật trình diễn đầy mê hoặc của Neveu vẫn sẽ luôn được những người say mê nhạc cổ điển nhớ tới và say mê.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY