Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànGiao hưởng số 3 của Sergei Rachmaninov

Giao hưởng số 3 của Sergei Rachmaninov

(Tác giả: Mai Hạnh)

Rachmaninov năm sáng tác Giao hưởng số 3 – 1936

Giao hưởng số 3 cung La thứ, Op. 44 được coi là tác phẩm điển hình cho màu sắc Nga trong di sản âm nhạc của Sergei Rachmaninov. Tuy nhiên, khác với những sáng tác trước đó đã làm nên tên tuổi tác giả, đây được coi là tác phẩm chuyển tiếp về phong cách sáng tác của nhạc sỹ: trong khi giao hưởng gần 30 năm kề trước đó – số 2 – là một tác phẩm có quy mô lớn, trúc trắc, phức tạp (thời lượng hơn một tiếng đồng hồ nếu chơi nguyên vẹn các phần không cắt gọt), bản giao hưởng mới tương đối ngắn gọn, khoảng 40 phút và tiết chế, kiệm sức biểu cảm hơn rất nhiều. Sự chuyển giao từ cách biểu hiện đầy tràn xúc động, thoải mái gieo rắc cảm xúc sang cách thể hiện tiết chế này là bước đột phá của Rachmaninov. Dẫu thế, khi nhạc sỹ chọn phương pháp này, tác phẩm lại có sức nặng nội tâm hơn bao giờ hết. Khi mới xuất hiện ở buổi công diễn lần đầu năm 1936 – sau một năm soạn thảo của tác giả, bản giao hưởng chưa được công chúng đón nhận ngay mà phải gần 40 năm sau mới được yêu mến, trình diễn và ghi âm phổ biến.

Như thường lệ, khán giả lại nghe phảng phất giai điệu cổ ca Ngày phán xét cuối cùng Dies irae rải rác trong tác phẩm của Rachmaninov. Còn một thói quen cũ nữa, là cách Rachmaninov sử dụng chủ đề cốt lõi motto một cách tinh tế để xâu kết cả ba chương: khác với Tchaikovsky, chủ đề motto được Rachmaninov đề xuất ngắn gọn và có thể triển khai ra nhiều hình dạng khác nhau, dễ dàng dùng để phát triển tính giao hưởng hơn nữa.

Ở chương đầu, chủ đề motto được đưa ra khẽ khàng bằng tiếng kèn clarinet, kèn cor được hãm âm lượng và cello. Khán giả phải chờ đợi sự hiện diện của chủ đề chính vụt sáng sau đó trong cảm giác hồi hộp. Chương nhạc tiếp tục biến thiên với nhiều dáng hình của chủ đề motto và chủ đề mới trên các âm sắc của các nhạc cụ khác nối tiếp: kèn horn, trombone trầm, đàn dây gảy pizzicato – cất lên những câu cuối dịu buồn.

Bản giao hưởng chỉ chứa ba chương như thể loại giao hưởng thời kỳ đầu thế kỷ 18, tuy nhiên, chương 2 mang vai trò kép, vừa là chương chậm trữ tình vừa là chương scherzo — tương tự trong bản giao hưởng thứ ba của Antonín Dvořák. Chương hai cũng bắt đầu với chủ đề motto được chơi bởi đôi kèn horn đi kèm với hợp âm đệm của đàn harp, mở ra hai chủ đề. Chủ đề đầu tiên, được diễn xướng dàn trải, mơ màng bởi cây violin độc tấu, chủ đề hai cô đọng thể hiện bằng flute độc tấu sau đó được phối hợp với tiếng kèn clarinet trầm lắng, mang bầu không khí thần tiên. Phần scherzo trung tâm của chương mang tốc độ nhanh sống động allegro vivace như vai trò chương 3 trong kết cấu 4 chương của các bản giao hưởng thường lệ. Cuối chương 2 bỗng như có một cuộc diễu hành uy dũng, và khép lại bằng chủ đề motto chơi trên đàn harp và dàn dây gảy pizzicato.

Chương kết “rất Nga”, với dàn dây chơi hành khúc tươi sáng ngay mở đầu, vừa mô tả nhịp đi đều đặn lại vừa như có nét nhún nhảy duyên dáng. Sau đó, cảm giác phức tạp ùa đến là do kết cấu phức điệu trong chủ đề chính, khiến khán giả thích thú, song cũng khiến các nhạc công phải tăng cường sức tập trung để “đi bè” một cách ăn ý. Sau những đoạn cao trào sảng khoái, cây flute dịu dàng diễn một đoạn độc tấu như đối chất với chủ đề motto. Và cuối cùng, Rachmaninov đưa bản giao hưởng đến cái kết hùng tráng, như khúc khải hoàn rạng rỡ, xua tan hết những mây đen trăn trở bủa vây.

Giao hưởng số 3 của Rachmaninov đã được VNSO trình diễn dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng người Đức Jonas Alber vào 28.4.2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Nghe tác phẩm: 

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY