Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủTác phẩmNhạc đànFranz Schubert – Giao hưởng "Bỏ dở"

Franz Schubert – Giao hưởng “Bỏ dở”

(Tác giả: Mai Hạnh)

Tranh: Schubert bên piano – Gustav Klimt, 1899.

Thường lệ, một bản giao hưởng được viết từ 3-4 chương, nhưng bản giao hưởng viết ở cung Si thứ mà người ta tìm được trong kho tàng của Schubert để lại chỉ có 2 chương được hoàn chỉnh, còn lại là vài nét phác thảo sơ lược cho chương 3. Ông đã để bản nhạc ở trạng thái như thế từ năm 1822 mà không thêm gì khác, rồi qua đời 6 năm sau đó. Schubert cũng không hề đề cập đến nó với bất kỳ ai, thành ra người ta không thể biết thực sự ý định của tác giả có đi trọn khuôn mẫu sáng tác truyền thống hay không. Sự không trọn vẹn ấy khiến người ta đặt cho nó một biệt danh: giao hưởng “Bỏ dở”. Đã có ý kiến cho rằng: chính sự lửng lơ ấy là chủ ý của tác giả, việc đó cũng là một minh chứng cho tinh thần thượng tôn cảm xúc của nghệ sỹ – không nhất thiết phải đóng khung cứng nhắc vào một bố cục kiểu cổ điển.

Theo dòng lịch sử âm nhạc phương Tây, Schubert được coi là người kế thừa cuối cùng của chủ nghĩa Cổ điển và là đại diện chính thức đầu tiên của trường phái Lãng mạn. Trong âm nhạc của ông tồn tại cả hai tính chất của mỗi phong cách: ví dụ ở chương I bản Giao hưởng “Bỏ dở”, trong khi vẫn tuân theo cấu trúc sonata hai chủ đề, sắp xếp theo ba phần trình bày, phát triển và tái hiện như Haydn, Beethoven xác lập, nhưng Schubert đã truyền vào đó hơi thở Lãng mạn bằng cách tập trung vào tính giai điệu trữ tình mềm mại, khiến chất liệu hai chủ đề không còn tồn tại sự tương phản kịch tính như thời Cổ điển, hoà thanh dùng nhiều màu hợp âm chi tiết để men theo từng cung bậc cảm xúc, phối khí thay vì ‘thiên vị’ dàn dây, giờ đây lại khai thác âm sắc các kèn gỗ một cách thơ mộng để tạo ra tổng thể thi vị, cuốn hút và đi sâu vào thế giới nội tâm của mỗi người nghe.

Chất lãng mạn trữ tình lôi cuốn người nghe ngay từ chủ đề mở đầu rì rầm của khối đàn dây ở đầu chương I, sau đó chủ đề chính đầu tiên vang lên từ tiếng kèn oboe và clarinet: đó là một một giai điệu đẹp tựa như trong câu hát, hoàn toàn khác với các chủ đề đầu tiên điển hình của các nhạc sỹ Cổ điển tiền nhiệm. Giai điệu ấy dàn trải trong bầu không khí mơ màng, khó có thể xé lẻ thành các mô típ để phát triển theo chiều hướng logic như trong các giao hưởng thời kỳ Khai sáng, mà càng mở ra mênh mông trong xúc cảm tha thiết và đầy khát khao.

Chủ đề 2 tiếp nối bằng âm sắc trầm lắng của đàn cello, là một nét giai điệu duyên dáng, có chút phóng khoáng của điệu dân vũ đồng quê Ländler của Áo.

Hai chủ đề chính của chương I không tương phản, chủ đề này lấy ý tưởng từ chủ đề kia, tạo nên sự kết nối mạch cảm xúc, ranh giới tương phản bị xóa nhòa. Bên cạnh đó, trong phần phát triển, thay vì tập trung vào 2 chủ đề chính như Haydn và Beethoven hay làm, Schubert hướng sự chú ý vào chủ đề mở đầu. Bằng cách này, Schubert đã đi theo sự phát triển tính giao hưởng trong khi vẫn cho khu vực chủ đề chính vào trí nhớ người nghe, còn giai điệu mang chất ca xướng như trong các ca khúc và tác phẩm piano của ông.

Chương thứ hai đối lập với chương I, vang lên ở giọng trưởng ấm áp, mang cảm giác hạnh phúc, bay bổng như một thánh ca bao dung. Về mặt hình thức, đây là một chương chậm gồm hai phần với cấu trúc A B A’ B’ A”, bao gồm phần trình bày (với chủ đề chính và chủ đề phụ), phần tái hiện và phần kết. Hai chủ đề của chương II tương phản nhau: chủ đề 1 viết bằng thủ pháp phức điệu gồm nhiều bè kèn horn, bè dây và kèn đồng đan xen. Chủ đề thứ hai ưu tư, bắt đầu từ bè violin 1 và cây clarinet thổi độc tấu. Hai chủ đề này được trình bày xen kẽ trong cấu trúc sonatina không có phần phát triển; kết thúc bằng một coda dài, bi tráng và kịch tính.

Chất trữ tình của Schubert đặc trưng ở mọi sáng tác ông để lại, từ khối di sản 600 ca khúc nghệ thuật cho tới bản giao hưởng trứ danh này. Vẻ đẹp của âm nhạc Schubert cũng là điển hình của nghệ thuật Lãng mạn, khi con người nghệ sỹ gắng trốn chạy ảnh hưởng đô thị hóa, công nghiệp hóa đầu thế kỷ 19 để tìm về những gì nguyên thủy nhất, cảm xúc mong manh nhất và những khát khao tha thiết nhất nằm sâu bên trong tâm hồn. Có lẽ vì thế, ngay những ô nhịp đầu tiên khi âm nhạc vang lên, cho đến những thanh âm cuối cùng, rất nhiều người không khỏi cảm thán trong kìm nén: “ôi Schubert !”.

Nghe tác phẩm: https://www.youtube.com/watch?v=SHncQQ8xacE&t=1004s

Chương I: Chủ đề 1 – 00:20; Chủ đề 2 – 00:43

Chương II: Chủ đề 1 – 14:36; Chủ đề 2 – 16:45

Bản Giao hưởng Si thứ ‘Bỏ dở’ được VNSO cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội 21/5/2023.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY