Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềĐề cương về văn hóa Việt Nam: “Ngọn đuốc soi đường đưa...

Đề cương về văn hóa Việt Nam: “Ngọn đuốc soi đường đưa văn nghệ tiến bước”

Tác giả:
Phạm Hằng

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, như ngọn đuốc soi sáng trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển nền văn hóa – văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tháng 2/1943, Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Sau 80 năm, những luận điểm nêu ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị định hướng xây dựng và phát triển văn hóa – văn nghệ Việt Nam.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có cuộc trao đổi về những giá trị, ý nghĩa của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật sau 80 năm nhìn lại.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

– Thưa ông, 80 năm trước, trong bối cảnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, không tìm ra lối thoát cho sự phát triển của văn hóa dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Năm 1941 có một ý nghĩa đặc biệt với cách mạng Việt Nam. Đó là năm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) đã ra nhiều quyết sách quan trọng. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Mặt trận Việt Minh được thành lập, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân tham gia cuộc đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập cho dân tộc.

Để chống lại chính sách văn hóa phản động của Pháp – Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc. Đồng thời để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, năm 1943, Đảng đã ban hành bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Có thể xem đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, là văn kiện khai phóng, cắm mốc lịch sử tư duy chiến lược sâu sắc về việc Đảng vô sản phải kịp thời nắm quyền lãnh đạo văn hoá, văn nghệ, tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức văn hoá, văn nghệ sĩ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hoá mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Định hướng chủ đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật ở thời kỳ này là mục tiêu “cứu quốc”. Nói cách khác, văn học nghệ thuật cách mạng phải góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đã góp phần quan trọng hình thành nên dòng văn nghệ cách mạng mà Tố Hữu, Văn Cao… là những ngọn cờ tiêu biểu. Dòng chảy văn nghệ ấy cuộn chảy trong cơn sóng lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã tạo nên dấu mốc lịch sử của dân tộc, mở đầu cho nền văn nghệ cách mạng chảy mãi đến hôm nay.

– Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo những “tiền đề” quan trọng hình thành nên chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương soi rọi, nhìn lại chặng đường 80 năm, văn học nghệ thuật đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

Năm 2023 – dấu mốc 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng là dịp Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam) nhìn lại lịch sử và những chặng đường hình thành, phát triển cùng những thành tựu của giới văn học nghệ thuật Việt Nam, những đóng góp cần ghi nhận của văn học nghệ thuật Việt Nam vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn, phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, hội nhập quốc tế vào văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử.

Từ buổi đầu thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1948-1954), Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh mới, để dần dần thay thế hoạt động của các tổ chức ra đời trước là Hội Văn hóa cứu quốc (1943-1947), Hội Văn nghệ Việt Nam (1948) đã nhận sứ mệnh tập hợp thu hút lực lượng đông đảo văn nghệ sĩ thuộc các thành phần, thế hệ, dân tộc… khác nhau, có lòng nồng nàn yêu nước, tự hào về văn hóa dân tộc, không sợ khó khăn, gian khổ, hăng hái kháng chiến kiến quốc, vun đắp xây dựng nền văn nghệ mới dân chủ nhân dân.

Đồng thời, các tổ chức văn nghệ chuyên ngành ở Trung ương và các chi hội văn nghệ ở các khu vực, địa phương thuộc Bắc – Trung – Nam cũng lần lượt được thành lập như: Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam, Chi hội văn nghệ Liên khu Việt Bắc, Liên khu III và Hà Nội, Liên khu IV, Liên khu V, Liên khu VI, Nam Bộ, Thừa Thiên – Huế…

Hội tụ xung quanh Hội Văn nghệ Việt Nam, các tổ chức văn nghệ nói trên đã tập hợp lực lượng gần gũi về nghề nghiệp, về tư duy nghệ thuật và phương thức thể hiện nghệ thuật, sáng tạo tác phẩm là kết quả của sự đổi mới nhận thức do cách mạng đem lại hoặc do gắn bó với đời sống kháng chiến, được chăm chút đào tạo, bồi dưỡng từ kinh nghiệm nghệ thuật của các bậc đàn anh chia sẻ. Hai thế hệ văn nghệ sĩ: trước Cách mạng và trưởng thành trong kháng chiến đã kề vai sát cánh, chung sức xây đắp nền tảng buổi đầu của văn nghệ kháng chiến, đáp ứng yêu cầu thưởng thức tác phẩm văn nghệ mới của quần chúng nhân dân, góp phần “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”.

Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới). 

Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòa bình được lập lại trên một nửa đất nước, miền Bắc quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước kháng chiến chống Mỹ giành thống nhất đất nước (1954-1975), rồi bước vào thời kỳ Bắc Nam sum họp, văn nghệ một nhà, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới cho đến ngày nay, tổ chức văn nghệ Việt Nam ngày càng phát triển, trưởng thành và lớn mạnh toàn diện… Các Hội văn học nghệ thuật phủ kín, rộng khắp trên tất cả các tỉnh, thành khu vực trong cả nước, ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn nghệ Việt Nam mở rộng quan hệ trao đổi, giao lưu, hợp tác với các tổ chức văn hóa, văn học nghệ thuật thuộc tất cả các quốc gia mà Việt Nam thiết lập quan hệ chính trị, kinh tế ngoại giao.

Đến nay, sau 75 năm thành lập và phát triển theo định hướng đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng nêu ra trong 1943, được bổ sung và hoàn thiện trong các văn kiện tiếp sau qua mỗi thời kỳ, mặt trận thống nhất của văn nghệ Việt Nam đã thu hút hơn 40 nghìn văn nghệ sĩ thuộc 5 thế hệ (từ các văn nghệ sĩ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất liền một dải rồi bước vào thời kỳ Đổi mới mạnh mẽ) sinh hoạt và làm việc trong 10 Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương hoặc trong 63 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước từ Bắc vào Nam, từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Trải qua 10 kỳ Đại hội, tổ chức văn nghệ Việt Nam đã 3 lần đổi tên từ Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1957) đến Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957-1995) rồi Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1995 đến nay).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận: với những thành tích đã đạt được, văn nghệ cách mạng Việt Nam “xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nền văn nghệ tiên phong chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.

Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhiệt liệt hoan nghênh chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hoá trong thời gian vừa qua”.

Tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam với tên gọi là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam rồi Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1987, 2008), Huân chương Sao Vàng (2018). Hàng trăm, hàng nghìn văn nghệ sĩ đã được nhận các danh hiệu, giải thưởng cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng như nhiều danh hiệu Giải thưởng khu vực, Giải thưởng quốc tế danh giá khác. Qua đó đã cho thấy những hi sinh to lớn, những nỗ lực không mệt mỏi, sự cống hiến tận tụy, tâm huyết và tài năng, sự thăng hoa, sáng tạo bền bỉ của những văn nghệ sĩ ưu tú, xứng đáng là nguyên khí quốc gia, tiêu biểu cho đội ngũ văn nghệ sĩ giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, say mê nghề nghiệp, tài năng quý hiếm, tôn vinh sứ mệnh vẻ vang của văn nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, văn nghệ.

– Với vai trò là “một bộ phận tinh tế, cốt lõi của văn hóa”, theo ông, đội ngũ văn nghệ sĩ cần làm gì để phát huy những giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đất nước hiện nay?

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, tiến tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), văn nghệ Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh quốc tế và quốc gia biến chuyển mau lẹ, phức tạp, đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới, phải không ngừng vượt thoát và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và đất nước.

Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023 diễn ra ngày 16/2 vừa qua cũng là dịp để nhìn lại những giá trị, ý nghĩa của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam sau 80 năm ra đời. 

Quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, nhìn lại 80 năm qua, văn nghệ Việt Nam được Đảng lãnh đạo, tổ chức, rèn luyện, đồng hành cùng dân tộc, luôn nhận rõ và sâu sắc:

Thứ nhất, vai trò nền tảng của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng các văn kiện quan trọng của Đảng về đường lối văn hoá – văn nghệ ở các thời kỳ tiếp sau cho đến nay đối với sự nghiệp và tiến trình phát triển nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Trước mắt, văn nghệ Việt Nam cần tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển văn hoá dân tộc bởi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn”.

Đó là: khơi dậy lòng yêu nước, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, xây dựng con người Việt Nam với những giá trị chuẩn mực phù hợp gắn với các giá trị gia đình, văn hoá, quốc gia – dân tộc – thời đại; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá, hướng về chân – thiện – mỹ; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, hưởng thụ văn hoá là nhân dân, vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ – những chiến sĩ văn hoá, niềm tự hào của đất nước, của dân tộc; góp phần xây dựng Đảng với hệ thống chính trị về văn hoá, đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn cầu…

Thứ hai, thực thi các giải pháp cấp bách, tiếp tục bổ sung, phát triển, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về văn hoá, văn nghệ Việt Nam hiện đại trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thúc đẩy mạnh mẽ nền văn nghệ Việt Nam nhịp bước với mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, phồn thịnh vào các năm 2030, 2045, sánh vai cùng bè bạn năm châu trên thế giới.

Thứ ba, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, thù địch, khắc phục những thiếu sót, hạn chế còn tồn tại, hội tụ quyết tâm đổi mới, chấn hưng văn hoá Việt Nam, phấn đấu có thêm nhiều tài năng lớn với khát vọng ra đời những công trình văn hoá, tác phẩm văn nghệ tầm cỡ, để đời thuộc các loại hình, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới đất nước, có ý nghĩa và hiệu quả bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc, bền vững của văn hoá Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhìn lại chặng đường 80 năm ra đời, những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 không chỉ tiếp tục là cơ sở để Đảng ta ngày càng hoàn thiện, nâng cao đường lối văn hóa, văn nghệ phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, mà còn là “căn cốt” để xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(Nguồn: https://arttimes.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY