Thứ Bảy, Tháng Chín 23, 2023
Trang chủBài viếtChuyên đềChopin và Schumann – tương đồng và khác biệt

Chopin và Schumann – tương đồng và khác biệt

Tác giả: Ngọc Anh

Năm 2010 thế giới âm nhạc cổ điển kỉ niệm 200 năm ngày sinh Chopin và Schumann, hai nhà soạn nhạc sinh cùng năm 1810. Tuy đều được coi là những nhà tiên phong của chủ nghĩa Lãng mạn nhưng mối giao thiệp cá nhân lúc sinh thời giữa Chopin và Schumann rất ít ỏi và phong cách sáng tạo của họ không có nhiều nét tương đồng.

(Chopin và Schumann – nguồn: internet)

Frédéric Chopin, con trai của một người Pháp nhập cư vào Ba Lan và một bà mẹ người Ba Lan, học nhạc tại Warsaw cho đến tuổi 20 rồi bắt đầu lên đường đi xa hơn để thúc đẩy sự nghiệp. Cuộc nổi dậy tháng Mười Một ở Warsaw năm 1830 đã khiến Ba Lan bị Nga đàn áp thẳng tay. Chopin trải qua phần đời còn lại chủ yếu ở Paris nơi ông là một trong nhiều người Ba Lan lưu vong. Robert Schumann, sinh ra ở Zwickau, nước Đức, sống và làm việc chủ yếu ở các thành phố Đức, đặc biệt là Leipzig.

Chopin là một nghệ sĩ bẩm sinh với năng khiếu chơi piano và ứng tác sớm phát triển đến mức ông cho rằng mình tự học là chủ yếu. Schumann là một thanh niên ham đọc sách trong thư viện gia đình nơi âm nhạc là một nỗ lực bổ ích và lý thú nhưng chỉ mang tính nghiệp dư. Bị thu hút vào văn học cũng nhiều như vào âm nhạc từ thuở ban đầu, ông đã ví việc sáng tác âm nhạc với một hoạt động thi ca.

Để hiểu sự tương phản về xuất thân của Chopin và Schumann, chúng ta hãy cũng xem xét những sự kiện xảy ra khi họ trạc 20 tuổi. Vào lúc tốt nghiệp trường nhạc, Chopin có được hai buổi hòa nhạc quan trọng ở Vienna. Buổi thứ nhất ông chơi sáng tác của chính mình: Các biến tấu cho piano và dàn nhạc trên chủ đề duo “Là ci darem” trích từ opera Don Giovanni của Mozart. Trong lá thư gửi về nhà kể lại thành công của mình, người nghệ sĩ trẻ viết: “Sau mỗi biến tấu mọi người vỗ tay to đến nỗi con đã gặp khó khăn để nghe toàn bộ dàn nhạc hòa tấu.”

Một vài tháng sau đó khi trở lại Warsaw, Chopin chơi bản Piano Concerto giọng Fa thứ mới sáng tác của mình trước những khán thính giả tràn đầy mê say. Theo mọi nguồn tin Chopin là một nghệ sĩ piano gây nhiều kinh ngạc. Tuy nhiên với sự mệt mỏi ốm yếu và thiên hướng tâm trạng thất thường, Chopin là một nghệ sĩ biểu diễn miễn cưỡng, người coi công chúng như một sự xâm phạm sự riêng tư của mình.

Dù khao khát trở thành nghệ sĩ nhưng ở tuổi 20 Schumann lại đang học ngành luật tại Leipzig và khổ sở vì điều này. Cha của Schumann, người mưu sinh ổn thỏa bằng việc dịch Byron và Walter Scott sang tiếng Đức, đã qua đời vào năm 1826. Theo di chúc của cha, Schumann phải hoàn thành ba năm đào tạo đại học thì mới có thể nhận phần thừa kế. Thế nhưng Schumann thờ ơ với những bài thuyết giảng ngành luật và say mê những bài học piano mà mình đang theo học người thầy nổi tiếng Friedrich Wieck. Schumann vẫn còn rất thiếu tự tin. Trong nhật ký, Schumann tự đánh giá tài năng thơ ca và tài năng âm nhạc của mình “ở cùng một mức độ.”

Chúng ta hẳn cảm thấy tiếc cho chàng trai Schumann, người đã không đánh giá đúng mức tính chất độc đáo và kĩ năng của mình với tư cách một nhà soạn nhạc ngay trong giai đoạn non nớt này. Trí tưởng tượng âm nhạc không thể kiềm chế của Schumann chăng bao lâu sẽ tuôn trào vào trong các tác phẩm piano đầu những năm 1830, các tổ khúc khoa trương và sáng tạo một cách phóng túng gồm các tiểu phẩm ngắn, thậm chí chắp vá. Bộ tác phẩm Papillons (Những con bướm), Op.2 của ông được nhà Schumann học John Daverio miêu tả một cách tao nhã là “một tấm mạng không dày dặn bằng một chuỗi mỏng manh những điềm báo và hồi ức.” Bộ tác phẩm Carnaval Op.9 chói sáng giống như một triển lãm chân dung bạn bè của Schumann (vừa có thực, vừa hư cấu), những quan tâm tình ái, những nhân vật âm nhạc (gồm cả Chopin) và những đối thủ. Ở tiểu phẩm “Chopin” trong bộ Carnaval này, chúng ta gặp lại phong cách nocturne quen thuộc trong các tác phẩm cùng thể loại của Chopin với tính chất trữ tình trong sáng cùng nét giai điệu liền bậc trải rộng.

Tuy nhiên Schumann rất kính sợ Bach, luyện tập “Bình quân luật” gần như hàng ngày và suốt đời viết các fugue và canon. Thậm chí trong những tác phẩm fantasy nhất của mình, sự tinh thông đối âm và sự thấu hiểu hòa âm bán cung phiêu lưu của Schumann đã làm kết cấu âm nhạc thêm dày dặn và vững chắc.

Giống như Schumann, Chopin là một người suốt đời sùng bái Bach, người đã mang những phức tạp đối âm tinh tế vào tác phẩm của mình, ngay cả trong những bản waltz và mazurka bề ngoài mang tính vũ khúc. Mọi nghệ sĩ piano tham vọng vào thời đó buộc phải viết các concerto làm tác phẩm phô diễn cho tài năng của chính mình. Chopin chưa bao giờ quan tâm nhiều đến việc viết cho dàn nhạc. Tuy vậy, trong nỗ lực đầu tiên của mình – Các biến tấu trên chủ đề “La ci darem” – ông đã phối dàn nhạc đủ thành thạo.

Nhưng điều khiến âm nhạc nổi bật là cách Chopin làm ngập tràn nét lướt piano điêu luyện bằng những tiếng nói nội tâm phức tạp và lối viết đối âm. Sau khi nghiên cứu một ấn phẩm các biến tấu của Chopin vào năm 1831, Schumann, người sẽ trở thành một nhà phê bình âm nhạc lớn và biên tập viên một tạp chí âm nhạc, đã viết một bài bình luận gây ảnh hưởng hoan nghênh Chopin bằng những lời lẽ “Hãy ngả mũ ra thưa các quý ngài, đây là một thiên tài.”

Schumann đã theo dõi sát sao sự tiến bộ của Chopin, chủ yếu là từ xa. Nhưng vào ngày 9 tháng 10 năm 1836, họ trải qua một “ngày không thể nào quên” cùng nhau. Theo lời Schumann, khi Chopin đi ngang qua Leipzig, Shumann bị bản Ballade giọng Sol trưởng mới sáng tác của Chopin làm mê hoặc, thấy nó là một tác phẩm độc đáo và tài tình. Có thể Chopin đã thử viết một ballade giọng Fa trưởng từ thời kỳ đầu cho Schumann mà sau này ông đề tặng Schumann. Liệu Chopin đã biết về thiên hướng của Schumann vì nhận ra sự đa tính cách trong bản thân mình, lúc thì trầm ngâm, lúc thì hoang dã và bốc đồng? Bản Ballade giọng Fa trưởng là tác phẩm lưỡng cực nhất của Chopin: một chủ đề đồng quê dịu dàng bị cắt ngang bằng những cơn bùng nổ giận dữ.

Việc xem xét hai bậc thầy này sẽ rõ ràng qua lăng kính Beethoven. Đến thời điểm Chopin và Schumann tới tuổi trở thành nghệ sĩ trẻ, Beethoven (người qua đời năm 1827) đã hiện ra như một người khổng lồ đáng nể. Mọi nhà soạn nhạc hậu thế phải đi tới những giới hạn cùng Beethoven, người đã đem thể loại giao hưởng, sonata và tứ tấu đàn dây vào các địa hạt mới. Sự hùng vĩ về cấu trúc và sự vững chắc mỏng manh trong các tác phẩm của Beethoven đã buộc hầu hết thế hệ mới phải phục tùng. Schumann chấp nhận thách thức của Beethoven còn Chopin không thể bị băn khoăn. Bach và Mozart là các thần tượng của Chopin mặc dù ông cũng yêu thích các tác giả opera belcanto thời mình, nhất là Bellini. Tính mệnh lệnh của thể loại giao hưởng, toàn thể kiểu mẫu Beethoven, chẳng có nghĩa gì với Chopin. Soạn các nocturne, mazurka, waltze, ballade và các tác phẩm mới lạ khác cho đàn piano là điều ông đã làm. Ông thậm chí còn không quan tâm đến âm nhạc của những người cùng thời mặc dù ông thân thiện với Berlioz, Liszt, Mendelssohn và những người khác. Miêu tả hấp dẫn nhất về quá trình sáng tạo của Chopin là từ tiểu thuyết gia người Pháp George Sand, người có mối quan hệ yêu đương kéo dài chín năm với Chopin. Sand hơn Chopin sáu tuổi và tình yêu của nàng dành cho Chopin bao hàm cả tình mẫu tử. Thi thoảng Sand gọi Chopin là “đứa con thứ ba của tôi.” Nhưng không ai có thể hiểu Chopin hơn Sand.

Theo Sand, khi soạn nhạc những ý tưởng tuôn trào từ Chopin, gần như thể ông ứng tác. Tiếp theo là một quá trình đau đớn khổ sở để trình bày những ý tưởng trong sự dày vò, giận dữ và nước mắt. Sẽ có vô số những thay đổi cho đến khi, vào lúc kết thúc, Chopin lại đạt tới cái gì đó gần gũi với nguồn cảm hứng ban đầu.

Chopin đã viết vài tác phẩm thính phòng và một số ca khúc hấp dẫn. Song phần lớn ông viết các tác phẩm đặc thù cho piano. Ngay Piano Sonata thứ hai và thứ ba của ông, mặc dù gắn trong danh mục, cũng trái với thông lệ. Bản Sonata thứ hai nổi tiếng vì đoạn hành khúc tang lễ đẹp giản dị của nó. Nhưng chương nhạc khiến sửng sốt nhất là đoạn finale nghẹt thở, trải ra như tiếng xạc xào êm ái, ngập tràn hòa âm nghịch tai, bện xoắn một cách khác thường dòng nhạc độc nhất trong những quãng tám tương ứng.

Schumann có thể chưa bao giờ hoàn toàn giũ sạch bóng dáng Beethoven. Năm 1832, ở tuổi 22, ông vật lộn để viết một bản giao hưởng giọng Sol thứ lấy cảm hứng từ giao hưởng “Eroica” của Beethoven và chỉ hoàn thành được chương nhạc đầu tiên. Nó nhận được phản ứng thờ ơ tại một buổi hòa nhạc gây xôn xao dư luận theo cách khác. Buổi hòa nhạc đó lăng xê nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc mới 13 tuổi Clara Wieck, con gái của Friedrich Wieck và tám năm sau sẽ trở thành vợ Schumann. Vào năm 1838, lấy cảm hứng từ Tứ tấu đàn dây Op. 131 của Beethoven, Schumann thử viết một bản tứ tấu của mình nhưng vô ích. Thay vào đó ông hoàn thành bộ tác phẩm cho piano Kinderscenen (Những hoạt cảnh từ tuổi thơ), một tổ khúc âu yếm, khôi hài nhưng sâu sắc về mặt cảm xúc vẫn còn được các nghệ sĩ piano yêu thích.

Chumann thực sự đã viết nhiều tác phẩm thính phòng có giá trị lâu bền và bốn bản giao hưởng tìm thấy vị trí trong danh mục tác phẩm tuy bị đánh giá là rất yếu về cấu trúc. Bộ Kreisleriana của Shumann gồm tám tác phẩm cho piano tràn đầy cảm xúc mãnh liệt được lấy cảm hứng từ một nhân vật trong tác phẩm của E. T. A. Hoffmann và đề tặng Chopin. Phong phú với lối viết đối âm phức tạp và những đoạn hòa âm mang tính khám phá, Kreisleriana với tính chất chương hồi của mình có thể được xem như một tượng đài như bất kỳ bản giao hưởng nào.

Có một điều đáng ngạc nhiên là danh tiếng lớn lao của Chopin với tư cách nghệ sĩ trình tấu piano lại chỉ được dựa trên khoảng 30 buổi hòa nhạc chính thức mà ông thực hiện trong đời mình. Chỉ vì thể chất ông quá ốm yếu để sống một đời sống hòa nhạc. Theo mọi nguồn tin tức thì tiếng đàn của ông, với những biến đổi tỉ mẩn về mức độ êm ái, nghe tinh tế nhưng có âm lượng nhỏ. Ông thấy thoải mái nhất khi chơi đàn tại các salon và các tư gia.

Chopin mưu sinh bằng các tác phẩm đã được xuất bản của mình và việc dạy đàn piano mà ông đòi hỏi thù lao khá cao. Ông mở rộng các ranh giới của điều có thể về kĩ thuật bằng việc soạn 24 étude siêu phàm, xuất bản thành hai tập mà ông khởi sự từ tuổi 20. Dù các étude khảo sát các phạm vi kĩ thuật cụ thể nhưng chúng cũng là các tác phẩm làm mê hoặc về mặt âm nhạc. Nếu ai đó có thể chơi các étude của Chopin thì họ có thể chơi bất cứ tác phẩm nào viết cho piano.

Đến năm 1847, mối quan hệ giữa Sand và Chopin kết thúc. Ông sống thêm hai năm nữa và mất vì bệnh lao tại Paris ở tuổi 39.

Khao khát kết hợp nghệ thuật thơ ca và nghệ thuật âm nhạc của Schumann đạt được một sự tổng hòa may mắn khi ông quay sang thể loại lied (ca khúc nghệ thuật Đức), một sự bùng nổ sáng tạo rơi vào quãng thời gian đám cưới của ông với Clara. Đến tuổi trưởng thành Clara có thể chống lại ý muốn của cha mình, người đã viện đến cả tòa án để cố gắng ngăn cản đám cưới của cô con gái xuất sắc với anh học trò Schumann mơ mộng, người mà vì lý do tốt lành bị ông buộc tội rằng có thiên hướng trở thành kẻ nghiện ngập. Clara, người sinh cho Schumann tám đứa con, cũng trở thành một trong những nghệ sĩ piano trứ danh nhất châu Âu.

Cuộc hôn nhân đã bị các cơn suy sụp và tính bất ổn thần kinh của Schumann ảnh hưởng một cách thảm thương. Việc bệnh tật của ông, mà trong những năm về sau còn thêm những ảo giác, chuyện nghe thấy các giọng nói và các cơn nức nở, là một chứng loạn thần kinh hay do bệnh giang mai đã gây tranh cãi một thời gian dài. Năm 1854, trong tình trạng hoảng loạn và lo lắng rằng mình có thể làm tổn hại Clara, Shumann đã rời nhà họ ở Düsseldorf vào một buổi sáng sớm và nhảy xuống sông Rhine từ một cây cầu. Được ngư dân cứu sống, ông được chuyển tới một dưỡng trí viện ở ngoại ô Born nơi ông qua đời hai năm sau đó. Chỉ hai ngày trước cái chết của Schumann, Clara mới được phép gặp chồng.

Tuy phong cách sáng tạo của Chopin và Schumann khác nhau về cơ bản nhưng họ đều là các nhà tiên phong của chủ nghĩa Lãng mạn, là các thần tượng của thời đại mình. Họ đều tạo ra thứ âm nhạc tinh tế viết cho piano solo mà 200 năm sau vẫn khiến thính giả say mê.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY