Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềBố trí một dàn nhạc giao hưởng

Bố trí một dàn nhạc giao hưởng

Các bạn đi nghe hoà nhạc đã bao giờ thắc mắc về cách sắp xếp vị trí của các nhạc công hay chưa? Tại sao dàn dây ngồi trước, rồi đến bộ kèn gỗ, bộ kèn đồng và bộ gõ. Thật ra cách sắp sếp dàn nhạc thay đổi theo các thời kỳ khác nhau và cách sắp xếp dàn nhạc là một việc vô cùng khoa học và thú vị.

Chúng ta cùng nhìn vào sơ đồ của dàn nhạc Boston vào buổi hoà nhạc ra mắt với nhạc trưởng George Henschel, bạn thân của Johannes Brahms, và Brahms cũng chấp thuận phương án này. Chúng ta thấy dàn dây ở phía trước, rồi đến kèn gỗ, kèn đồng và sau cùng là bộ gõ. Như vậy là các nhạc cụ có âm lượng to dần sẽ ở phía sau, xa khán giả hơn, tạo ra sự cân bằng trong âm lượng cho dàn nhạc. Dĩ nhiên bây giờ không ai xếp trumpet ngồi xa với trombone và contrabass ở tận đằng sau dàn nhạc cạnh bộ gõ như thế cả.

Và điều đặc biệt là vào thời kỳ đó, bè violin 2 sẽ ngồi đối diện với violin 1 ở vị trí bên phải theo hướng khán giả. Cách sắp xếp này phục vụ cho ý đồ âm nhạc của các nhà soạn nhạc thời kỳ cổ điển theo trường phái Mannheim là giai điệu của hai bè violin này thường được sáng tác theo hình thức đối âm (antiphonal). Cách sắp xếp như vậy giúp người nghe cảm nhận sự tương phản rõ rệt giữa hai bè violin. Cách sáng tác này vẫn được duy trì cho đến giao hưởng số 6 của Tchaikovsky.

Tuy nhiên có một nhân tố mới xuất hiện trong âm nhạc, đó là nhạc trưởng. Trước đây dàn nhạc chỉ khoảng 20 người có thể chơi ensemble mà không cần chỉ huy, nhưng với sự phát triển của việc sáng tác và phối khí, biên chế dàn nhạc ngày càng nhiều hơn và việc một dàn nhạc từ 60-100 người chơi mà không có chỉ huy là bất khả thi. Và vai trò của chỉ huy ngày càng quan trọng trong lịch sử âm nhạc.

Các nhạc trưởng ngày càng quan tâm đến việc bố trí dàn nhạc để tối ưu việc tạo ra hiệu quả hoà trộn âm thanh cùng với việc phối hợp giữa các nhạc công với nhau. Nhạc trưởng Leopold Stokowski của dàn nhạc Philadelphia nổi tiếng với việc liên tục thử nghiệm các cách bố trí dàn nhạc để tạo ra các hiệu ứng khác nhau để tìm cách hoà trộn âm thanh lý tưởng nhất. Có lần ông làm cho cả dàn nhạc hoảng hồn khi đưa dàn kèn gỗ và kèn đồng ra phía trước dàn nhạc dây. Và cách sắp xếp tối ưu nhất mà ông đạt được là sắp xếp dàn nhạc dây theo thứ tự âm vực cao đến âm vực thấp: violin 1, violin 2, viola, cello và contrabass. Lí do cho cách sắp xếp như vậy là các nhạc công sẽ dễ nghe âm thanh của nhau hơn. Cách sắp xếp này được gọi là “Stokowski Shift” và được áp dụng cho hầu hết các dàn nhạc ở Mỹ.

Khi cách sắp xếp dàn nhạc này trở nên phổ biến hơn thì các nhà soạn nhạc cũng thay đổi cách sáng tác. Ví dụ trong giao hưởng số 5 Shostakovich đã chia violin thành 3 bè. Để chơi được thì violin 1 và 2 phải ngồi cạnh nhau. Trong thế kỷ 20 thì các nhà soạn nhạc cũng sáng tác cho các bè của violin 1 và 2 đồng điệu và thường cách nhau 1 quãng tám. Điều này dễ nhận thấy trong các tác phẩm của Stravinsky, Rachmaninov, Copland,…

 

Mặc dù thế ở thời điểm hiện tại thì việc bố trí dàn nhạc cũng thay đổi linh hoạt tuỳ theo nhạc trưởng và tác phẩm. Các nhạc trưởng do có sự nghiên cứu nhất định cũng muốn tôn trọng ý đồ của nhà soạn nhạc. Các tác phẩm ở thời kỳ cổ điển vẫn được các nhạc trưởng hiện đại bố trí 2 bè violin ở hai bên sân khấu. Cách bố trí như vậy có hiệu quả tạo ra âm hình rộng của dàn nhạc dây. Ngoài ra cello ở giữa sẽ tạo được hiệu quả âm thanh ấn tượng hơn và hỗ trợ cho việc thu âm tốt hơn, tuy nhiên cách sắp xếp này có nhược điểm ở một số phòng hoà nhạc có tán âm trên trần không tốt, bè violin 2 do âm thanh hướng vào trong nên có thể sẽ bị tối và chìm hơn so với violin 1.

Bây giờ mỗi lần đi nghe hoà nhạc các bạn hãy để ý cách bố trí để xem nhạc trưởng muốn sắp xếp theo trường phái nào và có ý đồ gì nhé.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU